Nhà ngôn ngữ học "độc hành" mà không cô đơn

Thứ ba - 17/11/2015 03:18
GS.TS Trần Trí Dõi sinh ra và lớn lên tại xã Quảng Tiến, huyện Quảng Xương (nay thuộc thị xã Sầm Sơn), tỉnh Thanh Hoá. Thầy vẫn thường cười lớn và nhận mình vốn xuất thân từ dân nửa làm ruộng, nửa làm nghề biển nên tính khí bộc trực, không biết cách “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hay bông đùa và không được lòng nhiều người. Nhưng từ sắc diện cho đến khẩu khí có phần ngang tàng, phóng khoáng ấy toát lên một sự say mê, quyết liệt và kiên định trên con đường nghiên cứu khoa học. Khi tìm hiểu về GS.TS Trần Trí Dõi, tôi có cảm nhận, thầy như một người độc hành nhưng không hề cô đơn trên hành trình điền dã, đến với ngọn nguồn của lịch sử ngôn ngữ - văn hoá các dân tộc Việt Nam.
Nhà ngôn ngữ học
Nhà ngôn ngữ học "độc hành" mà không cô đơn

GS.TS Trần Trí Dõi tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn của Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội năm 1977 và ở lại khoa giảng dạy từ năm 1978 đến nay. Từ khi làm luận văn tốt nghiệp đại học, thầy được GS. Nguyễn Tài Cẩn định hướng cho việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt, mà cụ thể là ngữ âm lịch sử tiếng Việt. Vào lúc bấy giờ, đây là hướng nghiên cứu không có nhiều nhà ngôn ngữ học ở Việt Nam quan tâm. Chỉ một câu định hướng của GS Nguyễn Tài Cẩn: "Nay còn hướng nghiên cứu về ngữ âm lịch sử, tôi thấy ông là người phù hợp, ông thử xem", thế là địa hạt này từ cơ duyên rồi trở thành cái nghiệp theo suốt cả đời làm nghiên cứu khoa học của thầy. Cho đến năm 1979, thầy học khóa đầu tiên đào tạo Phó Tiến sỹ (nay là Tiến sỹ) của trường trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và vẫn kiên trì theo đuổi lĩnh vực này. Trong hồi ức về thời kỳ bước những bước đầu tiên, thầy luôn nhớ và trân trọng những người thầy, người anh trong ngành, trong Khoa đã gợi mở tri thức và cả niềm say mê đối với lĩnh vực ngữ âm lịch sử tiếng Việt. Đó là GS Nguyễn Tài Cẩn, người hướng dẫn chính luận án Phó Tiến sỹ của thầy và GS Hoàng Trọng Phiến, GS Nguyễn Văn Tu trong tập thể hướng dẫn luận án, cũng như các GS. Phan Ngọc, Phạm Đức Dương, Vương Lộc, TS Cung Khắc Lược... Trong câu chuyện, thầy luôn nhắc về những người bạn Pháp, GS M.Ferlus - nguyên là Giám đốc nghiên cứu tại CLAO thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) và GS Nguyễn Phú Phong. Miệt mài "tầm sư", thu nhận kiến thức, trong bối cảnh nguồn tài liệu trong nước và những chuyên gia trong lĩnh vực này còn thưa vắng, khó khăn và thách thức đặt ra đối với thầy không nhỏ. Khi làm luận án Phó Tiến sỹ, theo gợi ý của GS Nguyễn Tài Cẩn, thầy Dõi  đã không biết bao nhiêu lần đến nhà GS Phan Ngọc để hỏi về kiến thức lịch sử ngữ âm tiếng Việt trong công trình của H. Maspero mà GS Phan Ngọc là người dịch từ tiếng Pháp. Nhờ đó, thầy Dõi đã hoàn thành tốt được luận án.  GS. TS Trần Trí Dõi nghiên cứu các hướng chính là: Tiếng Việt thực hành, Ngữ âm và Ngữ âm lịch sử, Lịch sử tiếng Việt, So sánh - lịch sử nhóm ngôn ngữ tộc người; ,Ngôn ngữ - văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam; Chính sách ngôn ngữ - văn hoá và vấn đề giáo dục ngôn ngữ ở địa bàn các dân tộc thiểu số Việt Nam và Ngôn ngữ  văn hoáĐịa danh học ở Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Dõi/Ảnh: Thành Long

Ham học hỏi, và hơn hết, nhận thấy trách nhiệm của người nghiên cứu ngữ âm lịch sử là phải đi đến ngọn nguồn của đời sống ngôn ngữ dân tộc, GS. Trần Trí Dõi đã sớm khai triển hướng đi của riêng mình, gắn nghiên cứu lý luận với hoạt động điền dã thâm nhập thực tiễn. Để làm được lịch sử tiếng Việt thì phải hiểu được dân tộc, sau khi đi nghiên cứu dân tộc thì thầy nhận thấy, mảng dân tộc còn mỏng trống nhiều mà chưa có nhân lực để đào sâu nghiên cứu. Và với tâm niệm "cái đích của ngôn ngữ học là văn hoá"(*), GS. Trần Trí Dõi càng nhận thấy lĩnh vực lịch sử tiếng Việt rộng lớn vô bờ. Năm 1981, GS. Trần Trí Dõi đã dành hơn ba tháng chỉ với chiếc xe đạp Thống Nhất rong ruổi khắp miền Tây ba tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An để đi đến tận nơi, nhìn tận mắt, nghe tận tai những thổ ngữ Việt - Mường. Trong chuyến đi " tay không bắt giặc” đó, vì chủ yếu là đi bộ và xe đạp mà thầy đã “thuộc” địa bàn nhóm ngôn ngữ Việt - Mường trong lòng bàn tay. Hành trình điền dã từ đó cứ cuốn thầy đi, mải miết, chắt chiu từng ghi chép, cứ liệu thực địa để làm giàu tri thức lý luận, giải mã các vấn đề ngữ âm lịch sử và đóng góp nhiều đề xuất thiết thực cho chính sách phát triển văn hoá, xã hội các tộc người.

GS. Trần Trí Dõi coi điền dã là một phương pháp khoa học thiết yếu trong nghiên cứu lĩnh vực lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Câu chuyện về những chuyến điền dã của thầy có lẽ không bao giờ kết thúc. GS.Trần Trí Dõi được bà con Tương Dương, Nghệ An gọi là "ông vua Lai Pao" với công tìm và khôi phục chữ Lai Pao trở thành chữ viết của người Thái ở địa phương này. Đây là loại chữ viết rất phát triển vào cuối thế kỷ XIX, nhưng đến đầu thế kỷ XX, do những biến động xã hội, đã biến mất. Suốt từ năm 1991-1994, cùng với giáo sư người Pháp Michel Ferlus (nhà nghiên cứu các ngôn ngữ vùng Đông Á thuộc Trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ quốc gia CH Pháp), năm nào hai giáo sư cũng lên Nghệ An, trèo đèo lội suối, tìm đến các thôn bản thượng nguồn dòng Nậm Pao. Lật giở từng tài liệu cổ hiếm hoi được lưu giữ trong các gia đình người dân tộc một cách rời rạc, riêng lẻ, đọc dò từng chữ, đối chiếu, chọn lọc tùng văn bản. Năm 2007, các giáo sư đã công bố khôi phục được chữ Lai Pao. Hiện nay, hơn 200 nghìn người dân ở  hai huyện Con Cuông và Tương Dương, Nghệ An coi đây là 1 kiểu chữ Thái, tổ chức học lại để xoá mù chữ. Không chỉ vậy, GS. Trần Trí Dõi cũng được mệnh danh là "Vua ARem", "Vua Rục". Từ những kết quả nghiên cứu điền dã của thầy (từ 1980 - 1994), bức tranh sinh động về thực trạng kinh tế và văn hoá của 3 nhóm tộc người Arem, Rục, Mã Liềng ở Quảng Bình được tái hiện chân thực, góp phần quan trọng vào sự bảo tồn và phát triển các nhóm tộc người đang có nguy cơ bị biến mất. Đọc cuốn sách "Thực trạng kinh tế và văn hoá của 3 nhóm tộc người đang có nguy cơ bị biến mất" (NXB Văn hoá Dân tộc, 1995), tôi cảm nhận được 3 điều: một, đây là những ghi chép tỉ mỉ, chân thực, được trình bày hết sức giản dị, tường minh nhưng lại có giá trị rất quý  hiếm; hai là khả năng khái quát, liên kết các lĩnh vực lịch sử ngôn ngữ - dân tộc học - văn hoá rất logic, chặt chẽ và uyển chuyển; ba là: sự tận tâm trong công việc nghiên cứu, bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí là nguy hiểm ở nơi "rừng thiêng nước độc", để tìm được những cứ liệu chân thực nhất. Hành trình điền dã của thầy cũng có nhiều "đau thương". Năm 1983, thầy có chuyến đổ xe ở đèo Cha Lo, sau đó, mất 1 tháng nằm ở bệnh viện huyện Bố Trạch vì bác sĩ phải theo dõi các vấn đề về não. Hay năm 1984, có lần đi đến lúc hết tiền, về nằm ở ga Đồng Lê (Tuyên Hoá, Quảng Bình) với bàn tay trắng.. Chủ yếu là cuốc bộ, cọc cạch xe đạp hoặc là ô tô chuyên dụng như U- oát, Gat66 để đi đường rừng. Mùa khô thì nắng bỏng rát, mùa mưa thì đường lầy trơn trượt. Lấy bông cho vào chai, đổ dầu vào cho bông hút để đi lại khỏi bị đổ, khi nào dùng thì vắt dầu từ bông ra hoặc cắm bấc vào... Cứ thế xách balo lên đường, có những chuyến đi dài vài ba tháng. Nhưng phải đi thì mới đến! Đi mới có thể thấy và góp ý đề xuất với các nhà quản lý địa phương, như việc bảo vệ rừng thượng nguồn Sông Gianh; gợi mở vấn đề hôn nhân cận huyết trước câu hỏi làm sao để bảo tồn dân tộc ARem? từ những năm 1995, 1996; đi mới thấu những khó khăn, thiếu thốn của ngưới dân và sự hy sinh của người giáo viên vùng sâu vùng cao, những thách thức trong công cuộc chống cái đói, cái dốt... Chính vì thế, nhiều lúc cũng thật sự mệt mỏi, nhưng vị giáo sư ở vào độ tuổi ngoài 60, khi chạm tới những "chỗ ngứa", lại hăng hái lên đường. Như năm 2012, để nghiên cứu về vấn đề mù chữ ở Điện Biên, thầy lên tận Mường Nhé, vào một bản người Mông chỉ có 56 người sinh sống để tiến hành kháo sát. Vẫn thế, mỗi năm thầy cứ phải đi điền dã 3-4 lần.

Ảnh: Thành Long

Về phương diện lý luận, GS.TS Trần Trí Dõi đóng góp nhiều công trình tiêu biểu. Trong hướng nghiên cứu về lịch sử tiếng Việt - vốn có rất ít người tham gia, GS.TS Trần Trí Dõi có công trình nổi bật: Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo), 2005. Đây là công trình đầu tiên trình bày một cách có hệ thống các vấn đề liên quan đến cội nguồn tiếng Việt trong mối quan hệ với các ngôn ngữ cùng nhóm và các ngôn ngữ khu vực, phân định và lược khảo các giai đoạn phát triển của tiếng Việt trong lịch sử, dưới dạng một giáo trình đại học. Thầy đã công bố các kết quả nghiên cứu về lịch sử ngữ âm tiếng Việt và các ngôn ngữ Việt – Mường, tập trung vào quá trình hình thành hệ thanh điệu và các quy luật vô thanh hoá và mũi hoá, trong công trình Một vài vấn đề nghiên cứu so sánh – lịch sử nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (2011)đặt thêm một dấu mốc mới cho việc nghiên cứu quan hệ cội nguồn và lịch sử ngữ âm của tiếng Việt và các ngôn ngữ cùng nhóm. Trong hệ thống lý luận chung nghiên cứu về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam, có thể nói, GS.TS Trần Trí Dõi là người dụng công và có nhiều thành tựu gây tiếng vang. Giáo trình Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam (1999) là công trình duy nhất tại Việt Nam đi theo hướng nghiên cứu tổng quát về các ngôn ngữ DTTS, từ cảnh huống ngôn ngữ đến quan hệ cội nguồn, hiện trạng sử dụng, chính sách bảo tồn và phát triển. Bên cạnh đó, hướng nghiên cứu về quan hệ cội nguồn hoặc quan hệ tiếp xúc giữa các ngôn ngữ DTTS hoặc giữa các ngôn ngữ DTTS với tiếng Việt và các ngôn ngữ khác trong khu vực là mối quan tâm chủ yếu của GS Trần Trí Dõi. Hướng nghiên cứu bảo tồn văn hoá, chữ viết các DTTS thể hiện qua các bài báo về chữ Thái cổ. Nghiên cứu về chính sách ngôn ngữ văn hoá và giáo dục đối với các DTTS với các nghiên cứu được công bố trong 3 quyển sách Chính sách ngôn ngữ văn hoá dân tộc ở Việt Nam (2003), Thực trạng giáo dục ngôn ngữ ở vùng dân tộc miền núi ba tỉnh phía bắc Việt Nam (2004), Thực trạng sử dụng ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số và vấn đề đặt ra cho giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường ở Việt Bắc (2006, viết chung với Nguyễn Văn Lộc)...

Một điểm đặc biệt trong nghiên cứu ngữ âm lịch sử là cần phải công bố những dữ liệu và kết quả nghiên cứu một cách rộng rãi trong giới chuyên môn quốc tế. Trên cơ sở ngôn ngữ đó để giải mã những hiện tượng ngôn ngữ trên thế giới. GS Trần Trí Dõi đã tích cực tham gia các hoạt động trao đổi chuyên môn với cộng đồng khoa học quốc tế về trong  lĩnh vực ngữ âm lịch sử ngay từ thời kỳ đầu. Từ năm 1986, thầy đã được mời sang Pháp để trao đổi các vấn đề nghiên cứu. Vốn tiếng Pháp thầy tự nhận là "xoàng" có được cũng là do quá trình làm việc cùng các chuyên gia Pháp. Kho tư liệu âm thanh của thầy đang được đầu tư số hoá để trở thành nguồn tài liệu chung trên toàn thế giới.Thầy thường xuyên tham gia viết bài và dự các hội thảo khoa học quốc tế. Năm 2010, tham gia Hội đồng chấm luận án tiến sĩ ở trường ĐH Nancy (Pháp). Năm 2012, trình bày báo cáo tham luận tại Viện Ngôn ngữ quốc gia  Nhật Bản...  Một niềm tự hào lớn trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học của GS Trần Trí Dõi, là có nhiều sinh viên, học viên người Pháp, Nhật, Canada, Nga... đã tự nhận là học trò thông qua việc đọc sách của thầy, gọi "Thầy" bằng tiếng Việt dù thầy chưa từng dạy họ bao giờ.

Tôi mạo muội hỏi thầy: Có bao giờ thầy thấy mình đơn độc, vì cho đến nay không có ai (có thể) đi theo phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ của thầy? Thầy cười: "... Đúng là không phải ai cũng lao vào chỗ khó khăn này. Nhưng không như vậy thì không ra được bản chất của vấn đề. Điều may mắn của thầy là những kết quả mình thu nhận được đã và đang tiếp tục góp phần vun bồi cho khoa học và ứng dụng thực tiễn, phát triển xã hội. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng rất cần hướng nghiên cứu và phương pháp này." Tôi vẫn suy ngẫm về hình ảnh một người thầy giáo, một nhà khoa học tận tâm, khẳng khái và quyết liệt, người độc hành trên con đường nghiên cứu khoa học của mình. Nhưng, sự tôn trọng và kính phục của đồng nghiệp, của học trò, cùng những ghi nhận và hỗ trợ quý báu từ các tổ chức nghiên cứu quốc tế và đặc biệt là tình cảm chân quý của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khắp các địa danh thầy đã từng đi qua, có lẽ khiến thầy không bao giờ cảm thấy cô đơn.

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ TRẦN TRÍ DÕI

  • Năm sinh: 1953.
  •  Quê quán: Thanh Hóa.
  • Tốt nghiệp đại học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1977.
  • Nhận bằng Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1987.
  • Nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1996.
  • Nhận chức danh Giáo sư năm 2005.
  • Thời gian công tác tại trường: 1978 đến nay.

      + Đơn vị công tác:

      Khoa Ngôn ngữ học.

      Trung tâm Nghiên cứu phát triển các Dân tộc thiểu số &Miền núi và Lưu vực sông Hồng.

      + Chức vụ quản lý:

      Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học (2004-2009).

      Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, Khoa Ngôn ngữ học (1996 đến nay).

     Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển các Dân tộc thiểu số & Miền núi và Lưu vực sông Hồng, Trường ĐHKHXH&NV (2008 đến nay).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Tiếng Việt thực hành, Ngữ âm và Ngữ âm lịch sử, Lịch sử tiếng Việt; So sánh - lịch sử nhóm ngôn ngữ Việt - Mường; Ngôn ngữ - văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam; Chính sách ngôn ngữ - văn hoá và vấn đề giáo dục ngôn ngữ ở địa bàn các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ngôn ngữ  văn hoá và Địa danh học ở Việt Nam.
  • Công trình khoa học tiêu biểu:

      1. Les initiales */s,z/ et */h/ du proto Viet – Mương (PVM) et leurs changements dans le Vietnamien, Tạp chí Mon –Khmer Studies, Bangkok – Dallas, (25)1996, tr 263 –268.

      2. Nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, NXB ĐHQG Hà Nội, 1999, 2000.

      3. Một vài vấn đề nghiên cứu so sánh lịch sử nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (A Historical - comparative  Study of  Viet - Muong group), NXB ĐHQG, Hà Nội, 2011.

      4. Giáo trình lịch sử tiếng Việt (sơ thảo), NXB ĐHQG Hà Nội, 2005, 2007; tái bản có bổ sung Giáo trình lịch sử tiếng Việt, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội 2011.

      5. Các họ ngôn ngữ ở Việt Nam (The language Families in Vietnam), NXB ĐHQG, Hà Nội 2015.

  • Các giải thưởng khoa học tiêu biểu:

     + Giải Khuyến khích NCKH cho công trình Truyện cổ người Nguồn của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam,1993.

     + Giải Khuyến khích NCKH cho công trình Các dân tộc Arem, Rục và Mã Liềng ở Quảng Bình có bị biến mất không của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, 1996.

     + Giải Ba NCKH hàng năm cho công trình Ngôn ngữ và sự phát triển văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, 1998.

     + Giải Nhì B NCKH hàng năm cho công trình Về tác phẩm Đặng Hành và Bàn Đại Hội của người Dao ở Thanh Hoá của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, 2008.

     + Giải Nhì B NCKH cho công trình Tục ngữ và thành ngữ người Thái Mương (Ở Tương Dương, Nghệ An) – song ngữ của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, 2010.

     + Giải Nhì B NCKH cho công trình Tục ngữ và thành ngữ người Thái Mương (Ở Tương Dương, Nghệ An) - song ngữ Tập II của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, 2011.

Tác giả: ThS. Lê Thu Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây