Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Tóm tắt luận án NCS: Nguyễn Thị Bích Hường

 

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

 

 

 

NGUYỄN THỊ BÍCH HƯỜNG

 

 

 

ĐỒ TRANG SỨC VĂN HÓA SA HUỲNH

 

 

 

 

Chuyên ngành: Khảo cổ học

Mã số: 62 22 03 17

 

 

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHẢO CỔ HỌC

 

 

 

                                               

 

 

 

 

Hà Nội, 2020

 

Công trình được hoàn thành tại: Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Hà Nội

 

 

Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Lâm Thị Mỹ Dung

           

 

 

Phản biện 1: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Phản biện 2: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Phản biện 3: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

 

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp ĐHQG chấm luận án tiến sĩ họp tại . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . …….

vào hồi            giờ           ngày          tháng        năm

 

 

 

 

 

 

 

 

Có thể tìm hiểu luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội 

 

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Văn hóa Sa Huỳnh thuộc giai đoạn sơ kỳ sắt phân bố chủ yếu ở miền Trung Việt Nam, trải qua hơn một thế kỷ nghiên cứu đã có hơn 100 di tích được phát hiện, nhiều trong số đó được khai quật và nghiên cứu với quy mô lớn. Cùng với các phát hiện và nghiên cứu mới, bộ sưu tập đồ trang sức vô cùng phong phú cung cấp nhiều tư liệu mới cho nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh.

Đồ trang sức là một loại hình di vật phổ biến và đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh. Đã có nhiều nghiên cứu về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh, ngoài những nghiên cứu chung thì cũng có những nghiên cứu cụ thể về một khía cạnh nào đó của đồ trang sức như nghiên cứu các loại hình khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu trong văn hóa Sa Huỳnh. Nhìn chung, các tư liệu đã công bố cho thấy nghiên cứu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh đã đạt được kết quả nhất định, tập trung ở nhiều nội dung/khía cạnh khá nhau như loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tác, nghề thủ công hoặc vai trò của đồ trang sức. Song phần lớn các nghiên cứu còn chung chung, nguồn tư liệu còn tản mạn, chưa có một nghiên cứu tổng hợp về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh, nhiều vấn đề chưa được làm rõ, có những vấn đề ít được nghiên cứu thậm trí chưa được nghiên cứu. Mặt khác, những tư liệu vật chất hay các sưu tập đồ trang sức được lưu giữ ở nhiều nơi, có những sưu tập chưa được xử lý hay nghiên cứu chi tiết bởi vậy mà thông tin về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh còn chưa đầy đủ và nhận thức về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh còn nhiều hạn chế. Cần phải có một nghiên cứu hệ thống và tổng hợp trên mọi phương diện như loại hình học, chất liệu và nguồn nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất. Tìm hiểu nguồn gốc và quan hệ của văn hóa Sa Huỳnh dựa trên việc so sánh với các văn hóa trước và sau nó, mối quan hệ với các văn hóa đồng đại ở Việt Nam, Đông Nam Á và khu vực khác, làm rõ vai trò của đồ trang sức trong đời sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Tiếp cận với các nguồn tư liệu vật chất hay các phát hiện mới nhằm bổ sung và đưa ra những nhận thức đầy đủ nhất về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh.

Trong nhiều năm năm qua đã có cơ hội tham gia điều tra khảo sát, điền dã, khai quật và nghiên cứu nhiều địa điểm văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam, có nhiều cơ hội tiếp xúc trực tiếp với tư liệu vật chất và nhiều sưu tập đồ trang sức thu được từ các di tích văn hóa Sa Huỳnh đang lưu giữ ở các bảo tàng, các di tích tại địa phương, tác giả cũng có cơ hội tham gia một số dự án nghiên cứu về nguồn nguyên liệu chế tác đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh và thời tiền sơ sử Việt Nam trong những năm gần đây, nhận thấy đây là những chủ đề nghiên cứu hấp dẫn và vô cùng quan trọng, hơn nữa còn rất nhiều khoảng trống trong nghiên cứu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh.

Chính vì vậy, tác giả đã chọn nghiên cứu  “Đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh” làm đề tài luận án tiến sĩ lịch sử, chuyên ngành khảo cổ học với mong muốn là giải quyết những khoảng trống trong nghiên cứu và góp phần bổ sung nhận thức mới về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh nói riêng và thời tiền sơ sử Việt Nam nói chung.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

2.1. Tập hợp các nguồn từ liệu nghiên cứu về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh từ trước tới nay nhằm hệ thống hóa nguồn tư liệu và kết quả nghiên cứu về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh nhằm cung cấp một nguồn tài liệu tổng hợp, đảm bảo tính chính xác về tình hình nghiên cứu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh.

2.2. Phân loại, thống kê đồ trang sức theo các tiêu chí loại hình học, loại hình học kết hợp với chức năng, tìm hiểu đặc trưng và sự thay đổi của loại hình đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh. Nghiên cứu các loại chất liệu và nguồn nguyên liệu dùng chế tác đồ trang sức văn hoá Sa Huỳnh nhằm đưa ra đặc trưng về chất liệu, tìm hiểu nguồn gốc đồ trang sức văn hoá Sa Huỳnh. 

2.3. Dựa trên các dấu tích chế tác còn lại trên đồ trang sức, đặt đồ trang sức trong bối cảnh địa tầng nguyên vẹn và di tích, đồng thời kết hợp với các nghiên cứu so sánh nhằm diễn giải về kỹ thuật chế tác đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh. Tìm hiểu và nghiên cứu về nghề thủ công chế tác đồ trang sức, quy trình sản xuất, những tác động và ảnh hưởng từ bên ngoài thông qua các mối quan hệ tiếp xúc, giao lưu trao đổi và  thương mại của cư dân văn hóa Sa Huỳnh và khu vực khác, v.v.

2.4. Đặt nghiên cứu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh trong bối cảnh rộng hơn, so sánh theo chiều lịch đại và đồng đại, với các văn hóa đồng đại ở Việt Nam, Đông Nam Á và một số khu vực khác nhằm làm rõ hơn nguồn gốc, vị trí, vai trò của đồ trang sức, từ đó tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án

3.1. Đối tượng nghiên cứu: là bộ đồ trang sức được phát hiện, khai quật trong tất cả các địa điểm của văn hóa Sa Huỳnh.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Niên đại: văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt, niên đại hoảng thế kỷ 5-6 TCN đến thế kỷ 1-2 SCN (bao gồm các di tích có niên đại muộn kéo dài đến khoảng thế kỷ 3 SCN như Hòa Diêm, Suối Chình, v.v).

Phạm vi phân bố: tác giả giới hạn phạm vi không gian phân bố của văn hóa Sa Huỳnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, chủ yếu ở miền Trung Việt Nam.

3.3. Nguồn tư liệu sử dụng trong luận án

Nguồn tư liệu vật chất và tư liệu nghiên cứu thực địa, điều tra, khảo sát, thám sát, khai quật và từ các báo cáo khai quật khảo cổ học (báo cáo sơ bộ và báo cáo khoa học), các bài viết trên tạp chí Khảo cổ học và Kỷ yếu Những phát hiện mới về khảo cổ học xuất bản hàng năm, sách chuyên khảo, sách tham khảo, các bài viết trong các hội thảo về đồ trang sức, các đề tài nghiên cứu khoa học đã công bố và một số bài viết đăng trên tạp chí khoa học trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài luận án.

3.4. Các vấn đề đi sâu giải quyết

- Các vấn đề liên quan đến tư liệu nghiên cứu đồ trang sức văn hoá Sa Huỳnh.

- Xác định đặc trưng đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh trên phương diện phân bố, chất liệu, loại hình, kỹ thuật chế tác. Từ đó tìm hiểu những đặc trưng, sự thay đổi và phát triển của các loại hình trang sức, của chất liệu, kỹ thuật/công nghệ chế tác và nguồn gốc của đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh, v.v.  

- Phân tích các giá trị, vai trò của đồ trang sức trong đời sống và các mối quan hệ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Đi sâu phân tích vai trò của đồ trang sức trong trong đời sống văn hóa tinh thần cũng như trong đời sống kinh tế, xã hội. Nghiên cứu mối quan hệ của văn hóa Sa Huỳnh với các văn hóa trước và sau nó, văn hóa đồng đại ở Việt Nam, Đông Nam Á và các khu vực khác thông qua đó tìm hiểu về kỹ thuật chế tác, nguồn gốc của đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh.

- Trên cơ sở tổng hợp các kết quả nghiên cứu về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh, đưa ra những kết luận và phương hướng nghiên cứu sau này. Những phương hướng nghiên cứu có thể là những câu hỏi và giả thiết nghiên cứu được đặt ra trong luận án.

4. Lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của luận án

4.1. Cách tiếp cận và cơ sở lý thuyết

Luận án tiếp cận với các lý thuyết về khảo cổ học xã hội, khảo cổ học thương mại và trao đổi, khảo cổ học kỹ thuật, khảo cổ học mộ táng và cái chết trong việc lý giải các khía cạnh về loại hình học và kỹ thuật chế tác đồ trang sức, nguồn nguyên liệu và nguồn gốc của đồ trang sức, sự phát triển của các nghề thủ công chế tác đồ trang sức, vai trò của đồ trang sức trong đời sống và các mối quan hệ, v,v.

Luận án tuân thủ chặt chẽ các quan điểm duy biện chứng và duy vật lịch sử để nhận thức được những quy luật chung về sự tiến hóa của xã hội loài người, từ đó vận dụng trong việc diễn giải các sự kiện, hiện tượng văn hóa xã hội và lịch sử.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp nghiên cứu sử dụng chủ yếu trong luận án là phương pháp khảo cổ học truyền thống (, phương pháp thống kê trong khảo cổ học.

  1. hương pháp liên ngành và đa ngành: ứng dụng các phương pháp khoa học tự nhiên trong việc phân tích thành phần chất liệu nhằm tìm hiểu nguồn nguyên liệu, kỹ thuật chế tác đồ trang sức, v.v.  

5. Kết quả đóng góp của luận án

5.1. Luận án xây dựng được một hệ thống tư liệu tương đối đầy đủ và toàn diện phục vụ cho nghiên cứu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh. Cập nhật những tư liệu mới nhằm bổ sung cho các nghiên cứu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh nói riêng, thời tiền sơ sử Việt Nam nói chung.

5.2. Xác lập và quy chuẩn hóa tiêu chí phân loại về loại hình, chất liệu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh nhằm phục vụ cho các nghiên cứu về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh nói riêng và đồ trang sức thời tiền sơ sử nói chung.

5.3. Làm rõ vai trò và sự tác động của đồ trang sức đối với sự biến đổi và phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa của cư dân Sa Huỳnh. Góp phần vào nghiên cứu một cách toàn diện về đời sống cư dân văn hóa Sa Huỳnh. 

5.4. Từ việc nghiên cứu mối quan hệ của văn hóa Sa Huỳnh với các văn hóa trước và sau nó, với văn hóa đồng đại ở Việt Nam, Đông Nam Á và khu vực khác nhằm làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến nguồn gốc, kỹ thuật chế tạo đồ trang sức. Nghiên cứu các nghề thủ công và mức độ chuyên hóa của nghề thủ công chế tác đồ trang sức. Đồng thời làm rõ hơn các con đường giao lưu, trao đổi, buôn bán và thương mại đường biển, hệ thống các cảng thị sơ khai giai đoạn Sơ sử. Trên cơ sở đó, luận án đánh giá vai trò của đồ trang sức trong những mối quan hệ và đời sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

5.5. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần không nhỏ trong công tác nghiên cứu, trưng bày và bảo tồn của các bảo tàng địa phương. Cung cấp tài liệu cho việc học tập và nghiên cứu về khảo cổ học, lịch sử và các ngành khoa học xã hội nhân văn khác.

6. Bố cục luận án. Ngoài phần mở đầu, kết luận. Nội dung luận án gồm 3 chương:

Chương 1. Tổng quan tư liệu nghiên cứu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh

Chương 2. Đặc trưng đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh

Chương 3. Vai trò của đồ trang sức trong các mối quan hệ và đời sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh

 

CHƯƠNG 1.  TỔNG QUAN VỀ ĐỒ TRANG SỨC VĂN HÓA SA HUỲNH

1.1 Quá trình phát hiện và tư liệu nghiên cứu trước năm 1975

Chủ yếu là các phát hiện và nghiên cứu của các học giả người Pháp ở khu vực Sa Huỳnh, Thạnh Đức, Phú Khương (Quảng Ngãi), Cương Hà, Cổ Giang (Quảng Bình), Tân Long (Động Cườm, Bình Định). Phần lớn các công bố của học giả Pháp ở bên ngoài Việt Nam. Trong giai đoạn này đồ trnag sức được ghi lại trong các báo cáo và nghiên cứu của các học giả Pháp như Parmentier, M.Colani, O.Janse và nghiên cứu bên ngoài Việt Nam của Otley Beyer (1948), Kano Tadao (1946), Fox (1970... về các loại hình khuyên tai có mấu, khuyên tai ba mấu, hai đầu thú phát hiện trong văn hóa Sa Huỳnh và Đông Nam Á. Đáng chú ý nhất là nghiên cứu của Hà Văn Tấn trong Đóng góp vào lịch sử một kiểu khuyên tai (1974). Tác giả đã đề cập đến loại hình khuyên tai có mấu và khuyên tai hai đầu thú đã được phát hiện và đã công bố ở khu vực Đông Nam Á. Những dẫn liệu để chứng minh nguồn gốc của các loại khuyên tai có mấu là rất quan trọng. Đây là một tài liệu quan trọng về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh trước năm 1975, những ý kiến/quan điểm mà tác giả đưa ra sau đó được làm rõ bằng những phát hiện và nghiên cứu mới từ sau năm 1975, đặc biệt là những phát hiện khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu trong không gian của văn hóa Sa Huỳnh và một số khu vực khác ở Việt Nam. 

1.2. Quá trình phát hiện và tư liệu nghiên cứu sau năm 1975

1.2.1. Những phát hiện mới về di tích và đồ trang sức văn hoá Sa Huỳnh: từ sau năm 1975 cho đến nay thì một loạt các di tích mới thuộc văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện, thám sát, khai quật trên các địa bàn khác nhau và đồ trang sức cũng được tìm thấy trong hầu hết các địa điểm/di tích văn hóa Sa Huỳnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận.

1.2.2. Tư liệu nghiên cứu đồ trang sức văn hoá Sa Huỳnh sau năm 1975: ngoài các báo cáo khai quật, các bài thông báo về các phát hiện mới, nghiên cứu chung về văn hóa Sa Huỳnh thì cũng có các nghiên cứu về đồ trang trang sức của văn hóa Sa Huỳnh. Nghiên cứu đồ trang sức luôn gắn liền với các nghiên cứu chung về văn hóa Sa Huỳnh. Các nội dung/vấn đề nghiên cứu chủ yếu là loại hình học, chất liệu chế tác đồ trang sức, kỹ thuật chế tác, các nghề thủ công chế tác đồ trang sức, nghiên cứu về vai trò của đồ trang sức trong đời sống và các mối quan hệ giao lưu trao đổi của văn hoá Sa Huỳnh, v.v.

Nghiên cứu loại hình học là nội dung chủ yếu khi nghiên cứu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh. Ở nội dung này có các nghiên cứu về loại hình khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, khuyên tai bốn mấu, khuyên tai hình vành khăn và nghiên cứu liên quan về chất liệu chế tác khuyên tai. Hạt chuỗi cũng rất đa dạng, song có rất ít nghiên cứu về loại hình trang sức này. Trái ngược lại với tình hình nghiên cứu hạt chuỗi ở Việt Nam, thì việc nghiên cứu đồ trang sức hay hạt chuỗi ở Đông Nam Á và thế giới lại rất được quan tâm, có rất nhiều nghiên cứu được công bố về hạt chuỗi bằng thủy tinh, đá ngọc/đá bán quý như mã não, agate, garnet, crystal, v.v. Những nghiên cứu của các học giả nước nguoài về hạt chuỗi là tài liệu có giá trị cho nghiên cứu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh.

Nghiên cứu chất liệu và nguồn nguyên liệu chế tác đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh rất được quan tâm và có khá nhiều tư liệu nghiên cứu được công bố, đặc biệt là các nghiên cứu về chất liệu đá ngọc, thủy tinh, vàng của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước như Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Trường Kỳ, Hirano Yuko, Iizuka Yoshiyuki và cộng sự, Andreas Reinecke và cộng sự, Hung Hsiao-chun, v.v. Kết quả phân tích thành phần chất liệu đã được công bố phần nào lý giải về đặc trưng chất liệu, nguồn nguyên liệu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh.

Nghiên cứu các  nghề thủ công chế tác đồ trang sức là một nội dung quan trọng của nghiên cức đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh. Các tư liệu nghiên cứu về nghề thủ công chế tác đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh không nhiều, chủ yếu được đề cập trong các nghiên cứu chung về văn hóa Sa Huỳnh và nghiên cứu chung về đồ trang sức và nghề thủ công trong thời tiền sơ sử Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa phân tích cụ thể là làm rõ được sự phát triển của các nghề thủ công chế tác đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh, một số nghề thủ công như nghề kim hoàn thì ít được đề cập và cũng có rất ít tư liệu nghiên cứu.

Nghiên cứu vai trò của đồ trang sức trong đời sống cũng như trong các mối quan hệ giao lưu trao đổi, thương mại cũng là một nội dung quan trọng trong nghiên cứu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh. Liên quan đến nội dung này cũng đã có nhiều nghiên cứu được công bố trong nhiều bài nghiên cứu về sự tiếp xúc với Ấn Độ, về giao thương của cư dân văn hóa Sa Huỳnh hay giao lưu thương mại Đông - Tây qua đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh của Nguyễn Kim Dung, Lâm Thị Mỹ Dung và nhiều người khác. Các nghiên cứu này cho thấy đồ trang sức có vai trò quan trọng trong các mối quan hệ giao lưu trao đổi của cư dân văn hóa Sa Huỳnh với các văn hóa đồng đại Việt Nam, Đông Nam Á và thế giới. Đồ trang sức là một sản phẩm có giá trị trong các hoạt động trao đổi, buôn bán và thương mại của cư dân văn hóa Sa Huỳnh nói riêng, thời tiền sơ sử Việt Nam nói chung và có vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. .  

Tiểu kết chương 1.

Trong này đã  hệ thống hóa các tư liệu nghiên cứu về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh từ trước đến nay và tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu mới nhằm làm rõ các nội dung nghiên cứu về đồ trang sức như loại hình, chất liệu, kỹ thuật chế tác, vai trò của đồ trang sức trong đời sống và các mối quan hệ giao lưu trao đổi, v.v. Qua đó cho thấy bên cạnh những kết quả đã đạt được trong nghiên cứu về đồ trang sức thì còn nhiều vấn đề cần làm rõ, những khoảng trống trong nghiên cứu cần được giải quyết và làm rõ hơn trong luận án này.

 

CHƯƠNG 2: ĐẶC TRƯNG ĐỒ TRANG SỨC VĂN HÓA SA HUỲNH

2.1. Vị trí phát hiện và phân bố đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh

Cho đến nay, hơn 100 di tích văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt được phát hiện và nghiên cứu. Những loại hình di tích được phát hiện trong văn hóa Sa Huỳnh là những mộ táng, di chỉ cư trú, hay các di chỉ - mộ táng, v.v. Đặc trưng di tích văn hóa Sa Huỳnh là các mộ táng và điển hình là mộ quan tài gốm với số lượng và tỉ lệ lớn. Di chỉ cư trú có số lượng ít, ngoài ra còn có một số di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng được phát hiện nhưng chỉ có một tỉ lệ nhỏ trên tổng số di tích. Nhiều cụm gốm, cụm đá hay cụm gốm lẫn đá được tìm thấy trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh, có thể đây là dấu tích của những mộ táng đã bị phá hủy.

2.1.1. Mộ táng: chiếm ưu thế và có số luợng gần như tuyệt đối trong các loại hình di tích văn hóa Sa Huỳnh. Các loại hình mộ táng như mộ quan tài bằng gốm, mộ đất, mộ quan tài bằng trống đồng, mộ chum vò gốm là loại hình đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh và trong số các loại hình mộ quan tài bằng gốm thì mộ chum chiếm số lượng lớn nhất, mộ chum phân bố thành từng cụm và có nhiều loại hình chum khác nhau như hình trụ, hình trứng, hình cầu, hình trái xoan và trái đào, v.v. Có sự tương quan giữa loại hình đồ tùy táng và các loại hình di tích văn hoá Sa Huỳnh, tuy nhiên ở mỗi loại hình di tích hay trong từng loại hình mộ táng lại có sự khác nhau về số lượng và tỉ lệ hiện vật, đặc biệt là đồ trang sức. Đồ trang sức được tìm thấy trong hầu hết các di tích mộ táng, thường phát hiện nhiều nhất trong các mộ chum.

2.1.1.1. Mộ quan tài gốm: gồm mộ chum (hình trụ/ống, hình trứng, hình cầu, hình trái xoan/trái đào), mộ nồi/vò và bình gốm.  Đồ trang sức tìm thấy trong các loại hình mộ chum đồng nhất về cả loại hình và chất liệu, tuy nhiên ở mỗi loại hình thuộc các giai đoạn sớm muộn khác nhau có những loại hình trang sức và chất liệu đặc trưng của giai đoạn đó.

2.1.1.2. Mộ đất; gần 20 di tích văn hóa Sa Huỳnh có mộ đất. Đồ tùy táng bao gồm đồ gốm, đồng, sắt, đồ trang sức được làm bằng đá nephrite, mã não, thủy tinh, nhưng có số lượng và tỉ lệ ít hơn so với đồ trang sức trong mộ chum.

2.1.1.3. Mộ quan tài là trống đồng Đông Sơn: những mộ quan tài bằng trống đồng trong văn hóa Sa Huỳnh không nhiều song đã ghi nhận một hình thức mai táng khác của người Sa Huỳnh bên cạnh các mộ quan tài bằng gốm là chủ đạo và những di vật chôn theo như khuyên tai ba mấu và hạt chuỗi bằng thủy tinh biểu hiện rõ nét những đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh.

2.1.2. Di chỉ cư trú: được phát hiện rất ít và dấu vết rất mờ nhạt, chỉ có một số địa điểm được nghiên cứu, khai quật như Thôn Tư (Quảng Nam). Trong một số di chỉ cư trú đã tìm thấy khuyên tai, hạt chuỗi bằng đá ngọc, v.v.

2.1.3. Di chỉ cư trú – mộ táng: Đây là một loại hình hỗn hợp, vừa là di chỉ cư trú, vừa là khu mộ táng. Mộ táng thường địa điểm này thì mộ táng thường được chôn vào tầng văn hóa, có những mộ được chôn vào giai đoạn sớm, song có những mộ chôn vào giai đoạn muộn hơn của tầng văn hóa, v.v. Đồ tùy táng chủ yếu là đồ gốm, đồ trang sức được tìm thấy song số lượng rất ít so với sưu tập đồ trang sức trong các loại hình mộ chum vò của văn hóa Sa Huỳnh.

2.1.4. Các cụm gốm-đá, cụm gốm: tìm thấy trong nhiều địa điểm văn hóa Sa Huỳnh. Các cụm này thường xuất lộ cùng mặt bằng với các di tích mộ chum, mộ nồi vò và mộ đất và có thể nhiều trong số chúng là dấu tích của mộ chum vò hay mộ đất đã bị phá hủy. Trong các cụm gốm, cụm gốm đá ở một số địa điểm khác cũng phát hiện đồ trang sức bằng thủy tinh, đá, mã não… song số lượng rất ít.

2.2. Chất liệu

2.2.1. Đá: Có nhiều loại đá khác nhau dùng để chế tác đồ trang sức, các loại đá thường dùng trong thời tiền sơ sử là đá ngọc, đá bán quý và các loại đá thông thường khác như basalt, spilite, v.v.

Chalcedony (Fibrous Microcrysalline): là dạng thạch anh vi tinh, dạng sợi rất nhỏ, các sợi mọc ghép song song hoặc có tia. Độ cứng từ 6-7 theo cương giai Mohs, ánh thủy tinh và có nhiều màu sắc khác nhau tạo thành những dải màu. Biến thể của chalcedony rất đa dạng bao gồm mã não, agate, ngọc bích (jasper), flint và chert, onyx, chrystopas, plasma, heliotrop, v.v. Mã não và agate là chất liệu được sử dụng phổ biến trong việc chế tạo đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh.

Quartz (crystalline hay crystal) gọi là đá ngọc thạch anh, có nhiều màu sắc khác nhau từ dạng không màu trong suốt như thủy tinh đến màu trắng sữa, ám khói, nâu, xanh, vàng, hồng, tím, đen..., độ cứng là 7 theo cương giai Mohs. Các loại thạch anh thường gặp như thạch anh pha lê, thạch anh sữa, thạch anh vàng , thạch anh hồng, thạch anh tím (amethyst), thạch anh nâu (brown quartz) và thạch anh ám khói (smoky quartz). Các loại thạch anh khác nhau có thành phần cấu tạo và màu sắc khác nhau và tỉ lệ nguyên tố khác nhau. Đồ trang sức bằng thạch anh được tìm thấy trong nhiều địa điểm của văn hóa Sa Huỳnh trong đó phổ biến hơn cả là dạng thạch anh tím, thạch anh pha lê.

Jade: là thuật ngữ chỉ hai loại khoáng chất riêng biệt nephrite jadeite. Đá ngọc thực sự được gọi là jadeite, rất cứng, độ cứng là 6½, ánh kim và nhờn, song lóng lánh như thủy tinh khi được mài, màu xanh sáng là có giá trị nhất. Cấu trúc hạt và có những hố nhỏ khi quan sát bằng ống kính trên những mảnh được mài bóng. Đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh được làm bằng đá ngọc Nephrite là chính, rất hiếm loại đá ngọc jadeite được dùng để chế tác đồ trang sức, chỉ có một tiêu bản hạt chuỗi ở di chỉ cư trú Thôn Tư được chế tác bằng loại chất liệu này.

Serpentine: chất liệu này được sử dụng để làm đồ trang sức như những hạt chuỗi đa diện màu xanh sẫm tìm thấy ở Hòa Diêm. Serpentine thường có màu xanh, mờ đục, độ cứng khoảng 2½-5 song có xu hướng thấp hơn, trông giống sáp hoặc độ bóng nhờn, cứng, dạng sợi/thớ, có thể thay thế cho ngọc bích. Theo nghiên cứu địa chất thì loại chất liệu này phân bố ở một số nơi như vùng sông Mã, Hiệp Đức (Quảng Nam), nơi mà có nguồn đá nephrite và jadeite. 

Beryl: Đã tìm thấy một số tiêu bản đồ trang sức làm bằng loại đá này trong sưu tập đồ trang sức Cồn Ràng và Cồn Dài ở Thừa Thiên Huế. Beryl là một loại đá quý có màu xanh lá (ngọc lục bảo) hay có màu xanh nhạt (aquamerine), ngoài ra, một số có màu trắng đục, độ cứng là 8. Cấu trúc tinh hình lục giác thường phổ biến và được khoan làm hạt chuỗi, những loại hạt chuỗi này đã được tìm thấy ở một số nơi trên thế giới.

Một số loại đá khác: có một số loại đá khác được dùng để chế tác đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh như đá hoạt thạch, đá basalt và spilite (đá phiến).  

2.2.2. Thủy tinh: đồ trang sức bằng thủy tinh có số lượng lớn nhất và được tìm thấy trong nhiều địa điểm của văn hóa Sa Huỳnh. Có hơn 40 địa điểm đã tìm thấy đồ trang sức bằng thủy tinh với các loại hình khác nhau như vòng tay, khuyên tai , hạt chuỗi. Đồ thủy tinh văn hóa Sa Huỳnh phổ biến hơn so với các văn hóa đồng đại khác ở Việt Nam, chẳng hạn như trong văn hóa Đông Sơn có 15 địa điểm và văn hóa Đồng Nai có 7 địa điểm.

2.2.3. Kim loại

2.2.3.3. Đồng: đồ trang sức bằng đồng được tìm thấy chủ yếu là nhẫn đồng, vòng đồng, móc đồng, khuy/cúc và có số lượng rất ít. Đồ trang sức bằng đồng thường được phát hiện cùng với các loại hình di vật đồng khác.

2.2.3.4. Sắt: đồ trang sức bằng sắt rất ít, chủ yếu là các loại hình nhẫn và vòng tay.

2.2.3.3 Vàng: đồ trang sức bằng vàng được tìm thấy một số địa điểm, không tìm thấy đại trà mà chỉ có trong những mộ chum thuộc loại giàu có cùng với những đồ trang sức bằng đá quý, thủy tinh và đồ tùy táng khác như gốm, đồng, sắt, v.v. Loại hình đồ trang sức bằng vàng được tìm thấy trong văn hóa Sa Huỳnh chủ yếu là hạt chuỗi hình hai nón cụt úp nhau dạng hạt ngắn và dạng hạt dài như quả nhót, hạt chuỗi hình bông hoa, các khuyên tai hình tròn nhẵn và hình tròn có ren xoắn.

2.2.3.2. Bạc: đồ trang sức bằng bạc được tìm thấy rất ít, có một số hạt chuỗi bằng bạc ở Đại Lãnh và một số đồ bạc phát hiện ngẫu nhiên khác. ở Quảng Ngãi, Bình Định. Song chỉ có tiêu bản tìm thấy ở Đại Lãnh (hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Đà Nẵng) là nguồn tư liệu chắc chắn nhất.

2.2.4. Gốm/Đất nung: đồ trang sức bằng gốm và đất nung đã được tìm thấy trong một số địa điểm của văn hóa Sa Huỳnh có niên đại sớm muộn khác nhau, đặc biệt là khuyên tai ba mấu và khuyên tai hình con đỉa bằng đất nung, một số hạt chuỗi đất nung, v.v.  

2.2.5. Xương và vỏ nhuyễn thể: được tìm thấy trong nhiều địa điểm ở vùng ven biển và hải đảo. Loại hình chủ yếu là hạt chuỗi, vòng, lõi vòng và có cả các phác vật vòng, v.v.

2.3. Loại hình

2.3.1. Hạt chuỗi: trong sưu tập hạt chuỗi cũng tồn tại các loại hình, kiểu loại khác nhau. Bao gồm các loại và các kiểu loại sau:

Nhóm A, nhóm các hạt chuỗi hình cầu/tròn, nhóm này có số lượng nhiều nhất, bao gồm các hạt chuỗi có mặt cắt hình tròn và với những biến thể khác nhau dựa trên mặt cắt ngang của hạt chuỗi.

Nhóm B, nhóm hạt chuỗi hình thoi: nhóm hạt chuỗi này có các biến thể khác nhau dựa trên sự phân chia về hình dáng và mặt cắt ngang của chúng. Các chất liệu được sử dụng để chế tác hạt chuỗi hình thoi là mã não, agate, crystal, vàng và thủy tinh.

Nhóm C, nhóm hạt chuỗi hình trụ/hình thùng (barrel beads): được làm bằng thủy tinh, mã não là chính. Mặt cắt hình tròn hoặc đa giác.

 Nhóm D, nhóm hạt chuỗi hình trụ/ống: các loại hạt chuỗi bằng đá ngọc nephrite, thủy tinh, mã não, crystal là chính. Mặc cắt hình tròn hoặc đa giác. Kích thước dài ngắn khác nhau.

Nhóm E, nhóm hạt chuỗi/vật đeo đặc biệt : là những loại hạt chuỗi hình chữ X, hạt chuỗi có hai đầu thắt lại (collar bead hay collared bead), hạt chuỗi khắc/bôi axit được làm bằng mã não và agate, hạt chuỗi hình ống tròn có vạch trắng đen, hạt chuỗi hình cúc áo, hạt đeo dọc, hình cánh buồm hoặc gần chữ D, hình con vật,  hạt chuỗi thủy tinh mạ vàng (gold plate glass hay Segmented Gold-Glass Beads), hình dấu phầy, v.v.

2.2.2. Khuyên tai

2.2.2.1. Khuyên tai hai đầu thú: là loại hình tiêu biểu và đặc trưng nhất của văn hóa Sa Huỳnh, có 03 loại và một số biến thể/kiểu khác nhau, được làm bằng đá ngọc nephrite là chính. Một số tiêu bản đang trong quá trình chế tác được tìm thấy ở Đại Lãnh và một sưu tập khuyên tai hai đầu thú hoàn chỉnh ở đây. Khuyên tai hai đầu thú tìm thấy không nhiều, phân bố chủ yếu ở miền núi Quảng Nam, khu vực Đại Lãnh và vùng lân cận, không tìm thấy ở những di tích ở đồng bằng ven biển.

2.2.2.2. Khuyên tai ba mấu: tìm thấy trong nhiều địa điểm của văn hóa Sa Huỳnh với các chất liệu đất nung/gốm, đá ngọc nephrite, thủy tinh. Có 06 loại khuyên tai ba mấu chính và trong mỗi loại cũng có một số biến thể hay kiểu loại khác nhau. Khuyên tai ba mấu phân bố từ vùng đồng bằng ven biển đến miền núi và hải đảo, trong hầu khắp các khu vực của văn hoá Sa Huỳnh, trong đó trung tâm Quảng Nam có số lượng lớn hơn cả so với các vùng khác

2.2.2.3. Khuyên tai bốn mấu: tìm thấy trong một số địa điểm của văn hóa Sa Huỳnh với số lượng rất ít. Có hai loại hình chính có sự khác nhau về thân khuyên hình tròn hay hình vuông, được làm bằng đá ngọc neprhite.

2.2.2.4. Khuyên tai hình vuông: tìm thấy trong một số địa điểm và có số lượng không nhiều. Khuyên tai ở đây có những dạng có khe hở để đeo song cũng có dạng không có khe hở, lỗ có hình tròn hoặc lỗ hình vuông. Được làm bằng đá ngọc nephrite là chính, có kích thước nhỏ.  

2.2.2.5. Khuyên tai hình vành khăn: tìm thấy trong nhiều địa điểm của văn hóa Sa Huỳnh, có số lượng lớn nhất so với các loại hình khuyên tai khác. Về cơ bản khuyên tai hình vành khăn được chia thành 4 loại và mỗi loại có những biến thể khác nhau, được làm bằng đá ngọc nephrite, thủy tinh là chính.

2.2.2.6. Khuyên tai hình con đỉa; tìm thấy trong một số địa điểm của văn hoá Sa Huỳnh. Khuyên tai hình con đỉa thường làm bằng đất nung, có màu nâu đen, nâu đỏ, lớp áo bên ngoài nhẵn, mặt cắt ngang thân có hình tròn hoặc hơi tròn. Nghiên cứu loại hình khuyên tai này kết hợp với bối cảnh phát hiện của các loại khuyên tai, niên đại của di tích có thể gợi ra một sự biến đổi và phát triển của khuyên tai, tìm hiểu về nguồn gốc của khuyên tai ba mấu, v.v.

2.2.2.7. Khuyên tai hình tròn: có số lượng không nhiều. được làm bằng đồng, sắt hay hợp kim đồng, chì, thiếc. Khuyên tai có hình tròn và mặt cắt ngang khuyên hình tròn, khuyên tai hình tròn bằng đồng được tạo làm bằng một sợi dây đồng uốn vào và không liền khối. Những chiếc khuyên tai này có hình dáng giống như những nhẫn bằng đồng.

2.2.2.8. Khuyên tai hình tròn có ren xoắn: có 04 tiêu bản còn nguyên vẹn bằng vàng tìm thấy trong mộ táng ở địa điểm Lai Nghi (Quảng Nam).

2.2.2.9. Khuyên tai hình hoa rau muống: có 08 tiêu bản tìm thấy ở địa điểm Cồn Ràng (Huế) và chưa tìm thấy loại khuyên tai này ở địa điểm nào khác của văn hóa Sa Huỳnh, được làm bằng đá beryl. Theo nghiên cứu địa chất, đá beryl có nguồn gốc ở phía Bắc nhiều hơn là vùng Trung Bộ, có những mỏ beryl ở khu vực Bắc Trung Bộ như ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, v.v.

2.2.3. Vòng: tìm thấy trong nhiều di tích văn hóa Sa Huỳnh, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đá, thủy tinh, gốm/đất nung, vỏ nhuyễn thể và xương, v.v. Vòng tay thường dựa trên mặt cắt ngang bản vòng, vòng thường có mặt cắt ngang hình chữ nhật, hình vuông, hình thang, bán nguyệt, tam giác, bàu dục dẹt, chữ D, hình ống, những chiếc vòng có gờ nổi, vòng ống bằng đồng, v.v.  

2.2.4. Nhẫn: nhẫn bằng đồng hay bằng sắt đã được tìm thấy trong một số địa điểm của văn hóa Sa Huỳnh, thườn có dạng hình tròn, liền khối không có khe hở hoặc là một sợi dây đồng uốn lại.

2.2.5. Các loại hình trang sức khác: lục lạc, khuyên (móc) đồng, khuy/cúc đồng, lõi vòng và công cụ sửa lõi vòng, v.v. Tìm thấy trong các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh với số lượng không nhiều.

2.3. Kỹ thuật chế tác

Sự phong phúđa dạng về cả chất liệu và loại hình đồ trang sức trong văn hoá Sa Huỳnh cho thấy sự phức tạp trong kỹ thuật chế tác đồ trang sức và sự tồn tại của nhiều ngành nghề thủ công khác nhau trong văn hoá Sa Huỳnh. Có nhiều phương pháp hay kỹ thuật chế tác đồ trang sức trong văn hoá Sa Huỳnh, mỗi loại hình hiện vật hoặc mỗi loại chất liệu khác nhau đòi hỏi những kỹ thuật mang tính đặc thù, song việc chế tác đồ trang sức tuân thủ theo một quy trình chung.

2.3.1. Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng đá

  Kỹ thuật chế tác vòng đá: có các hình thức kỹ thuật như  kỹ thuật khoan tách lõikỹ thuật đục khoét lòng phác vật vòng.

Kỹ thuật chế tác khuyên tai bằng đá:  đối với việc chế tác khuyên tai hình vành khăn các nhà nghiên cứu cho rằng giống với kỹ thuật chế tác vòng tay. Những nghiên cứu và thực nghiệm đã chỉ ra kỹ thuật chế tạo khuyên tai thành 2 loại: (a) Ghè đẽo phác vật thô → đục đẽo bằng phương pháp ghè gián tiếp → phác vật hình đĩa → mài 2 hay 1 mặt phằng → khoan tách lõi → mài, tu sửa mặt cắt → cưa rãnh → đánh bóng; (b) Cưa để tạo phác vật thô → đục đẽo tròn tạo phác vật hình đĩa → khoan tách lõi → mài, tu sửa mặt cắt → cưa rãnh → đánh bóng.

Người Sa Huỳnh có thể chỉ sử dụng phương pháp cưa cắt và có thể có một phương pháp chế tạo như: với 4 góc sẵn có trên phác vật hình vuông có kích cỡ gần gũi với khuyên tai ba mấu, người thợ bắt đầu quy trình chế tạo cắt khía ở 4 góc gheo nguyên tác như sau: 1 góc ưu tiên cho việc khoan tách lõi móc đeo, 3 góc kia dành cho 3 mấu. Bằng các kỹ thuật cắt, gọt cẩn thận, tỉ mỉ, 3 mấu hình chữ V ngược có cạnh song song lõm sẽ được tạo ra. Phần góc làm theo móc đeo sẽ được định vị để khoan tách lõi từ hai mặt. Sau khi thành công trong thao tác khoan, khe hở của móc đeo sẽ dễ dàng được cắt tiếp bằng kỹ thuật cưa cắt. Như vậy, toàn bộ kỹ thuật chế tác khuyên tai ba mấu là kỹ thuật cưa cắt dũa gọt là chính, khoan chỉ được dùng cho công đoạn tạo móc đeo và là khâu cuối cùng trong chế tác khuyên tai ba mấu.

Phương pháp cưa, cắt, dũa, gọt cũng được sử dụng để chế tác loại khuyên tai hai đầu thú trong văn hóa Sa Huỳnh. Trong việc chế tác khuyên tai hai đầu thú cũng có những công đoạn khác nhau bao gồm: tạo thỏi đá hình vuông dẹt sau đó ghè đẽo hình thù khuyên tai, dùng kỹ thuật cưa cắt, ghè đẽo để tạo mặt phẳng; gọt lưng và bụng con thú bằng phương pháp tu chỉnh trực tiếp kết hợp với việc thường xuyên dũa (mài) theo điểm; Cắt hay khía rãnh trên các mặt miệng; Đẽo gọt hai mặt thú, tạo tai, mắt, hoàn chỉnh miệng; Mài dũa lần cuối trên thành phẩm.

Đối với loại hình khuyên tai 4 mấu, tác giả Đoàn Đức Thành đã thực nghiệm và đưa ra một quy trình chế tác gồm 5 bước như: tách tạo phiến tước, từ phiến tước này mài nhẵn trên cả hai mặt và rìa cạnh, khoan lỗ ở giữa tâm hình vuông của phác vật, dùng lưỡi cưa cắt 4 góc chéo của các cạnh hình vuông và mỗi lẫn qua hai lần cưa tạo bốn góc nhọn, và gia công lần cuối cùng [323, tr.274].

Kỹ thuật chế tác hạt chuỗi đá

 Kỹ thuật chế tác hạt chuỗi bằng đá ngọc nephrite

Các thực nghiệm và nghiên cứu đã phác dựng quy trình sản xuất hạt chuỗi đá ngọc gồm: (1) Chuẩn bị phác vật ban đầu được tạo ra bằng cách ghè đẽo tạo dáng hình dài, nhỏ. Cưa cắt thành các khối theo ý muốn. Tận dụng những lõi vòng loại đường kính nhỏ hoặc các mảnh đá mỏng. Khi đã có phác vật vừa ý, người thợ bắt đầu khoan lỗ; (2) Khoan lỗ được tiến hành bằng phương pháp khoan đĩa. Phác vật được gia cố trên một vật cố định, có thể là bằng đá, gỗ, bằng cách kẹp giữa hai thanh tre và buộc hoặt chốt gỗ, chốt tre. Những phác vật ở công xưởng Bãi Tự và Tràng Kênh cho thấy xu hướng khoan hai mặt là chủ yếu; (3) Mài và hoàn chỉnh sản phẩm: sau khi khoan lỗ xong, đến giai đoạn màu hoặc cưa, cắt lại hình dáng của hạt chuỗi theo ý muốn. Dấu vết khoan trên các hạt chuỗi được thể hiện khác nhau. Thực nghiệm khoan chế tạo hạt chuỗi bằng phương pháp khoan hình đĩa cho thấy ngay từ đầu thời đại đồng, kiểu khoan đĩa để khoan lỗ hạt chuỗi đá đã lưu hành phổ biến ở nước ta, những dấu vết này phổ biến ở Bãi Tự và Tràng Kênh.

Kỹ thuật chế tác hạt chuỗi đá mã não và agate: chưa có nghiên cứu và thực nghiệm về chế tác hạt chuỗi mã não, agate ở Việt Nam song kết quả nghiên cứu so sánh cho thấy có thể đã được chế tác như kỹ thuật của Ấn Độ. Ở công xưởng Arikamedu và Khambhat thì quy trình chế tác hạt chuỗi bằng mã não, agate có những công đoạn khác nhau từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến hoàn thiện sản phẩm và trong mỗi công đoạn sử dụng các kỹ thuật khác nhau. Công nghệ chế tác hạt chuỗi mã não, agate ở một số công xưởng như Khambhat, phía Tây Ấn Độ bao gồm các khâu: Lựa chọn nguyên liệu thô và nguồn nguyên liệu -> phơi khô -> nung nóng/gia nhiệt lần 1 ( nung trong những chiếc bình gốm hay trong những lò nung đơn giản) ->  Tạo mảnh/chipping (được thực hiện với một kỹ thuật duy nhất ở Nam Á được gọi là kỹ thuật đập/ghè đẽo gián tiếp, cách đập vỡ gián tiếp theo chiều ngược lại (inverse indirect percussion và công cụ sử dụng là đe được làm băng gạc hươu, bằng đồng đỏ) -> nung nóng lần thứ 2 (đá nguyên liệu, hạt chuỗi thô được nung nóng nhiều lần và nhiều giai đoạn khác nhau trong quá trình chế tác, trong quá trình khoan, đánh bóng lần cuối cùng chúng vẫn tiếp tục được nung nóng, ngoài ra cũng có thể nung nóng nhiều lần khác. Các kỹ thuật được sử dụng như cưa, mài, khoan (mũi khoan kim cương, đá jasper), đánh bóng (có thể đánh bóng hàng loạt) -> giai đoạn nung cuối cùng (sau khi khoan và đánh bóng, hạt chuỗi được nung nóng nhiều lần để tạo nên một màu cam, đỏ đậm. Sau khi nung lần cuối cùng, những hạt chuỗi được chà xát bằng bột mùn cưa hòa với dầu để làm mờ những vết mài hay những vết nứt vỡ nhỏ, sau đó được cất giữ và phân phối).  

2.3.2. Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng thủy tinh

 Quá trình chế tác đồ thủy tinh hoặc đồ trang sức bằng thủy tinh có những bước cơ bản và những kỹ thuật đã được sử dụng như: nấu, ép khuôn, cắt gọt, cưa, mài, đánh bóng. Các loại vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi sử dụng kỹ thuật ép khuôn để tạo hình, sau khi dỡ khuôn, đồ trang sức được gia công qua các khâu mài, đánh bóng đòi hỏi kỹ năng khéo léo của người thợ. Từ các dấu vết trên đồ thủy tinh, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng giai đoạn đầu – giai đoạn những thế kỷ TCN, đồ thủy tinh được chế tạo không phải bằng kỹ nghệ thổi, mà sử dụng những kỹ nghệ nấu chảy, ép khuôn và gia công sau khu dỡ khuôn mang nhiều nét tương đồng với quy trình chế tạo đồ đồng. Vào giai đoạn sau – thế kỷ 2, 3 trở đi, đồ thủy tinh được sản xuất mở rộng sang các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt thường ngày như bình, bát, nồi... thì kỹ nghệ thổi được sử dụng để chế tạo đồ thủy tinh, chủ yếu là thủ pháp thổi qua khuôn và ngoài khuôn, vì những hiện vật này có hình khối không gian rỗng, có độ dày giảm dần. Kỹ nghệ này có sự nâng cao hơn so với giai đoạn trước, tuy nhiên khi chế tác những đồ thủy tinh có thành bản dày, người thợ vẫn tiếp tục sử dụng kỹ nghệ ép khuôn không ống thổi.

Phương pháp/kỹ thuật Lada trong việc chế tác những hạt cườm thủy tinh đơn sắc. Kỹ thuật Lada là đặt ống Lada có đầu nhọn mỏng lên ống dài và cuốn thủy tinh trong lò, lò này có một cửa sổ để cắm que kim loại vào và kéo từ 02 phía để tạo ống xi lanh thủy tinh.

Một số kỹ thuật chế tác một số loại hình đồ trang sức bằng thủy tinh như vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi. Đối với hạt chuỗi thủy tinh thì được chế tạo bằng kỹ thuật kéo và ép khuôn. Đối với vòng tay thủy tinh bằng kỹ thuật xoay vòng. Đối với khuyên tai thủy tinh, loại khuyên tai hai đầu thú được chế tác bằng kỹ thuật đổ khuôn, nén ép các mặt. Các dấu vết khuôn ép còn để lại trên bề mặt, các phần phẳng, dẹt có móc đeo, các mặt lưng, hai bên bụng thú và vết lỗ chỗ do bị bọt khí nén; Khuyên tai hình vành khăn có khe hở được chế tạo bằng kỹ thuật kéo dài, uốn vòng và ép khuôn, vết tích để lại là bọt khí vòng theo hướng của khuyên tai, đồng thời dấu vết ép để tạo mặt cắt tam giác cũng được nhìn thấy rõ trên hai mặt trên, dưới của khuyên tai.

2.3.3. Kỹ thuật chế tác đồ trang sức bằng vàng, bạc

Cùng với việc phân tích thành phần chất liệu, các nhà nghiên cứu cũng đã đề cập đến kỹ thuật chế tác các loại khuyên tai và hạt chuỗi bằng vàng đó là kỹ thuật hàn kín nhiều đĩa nhỏ với nhau hoặc bằng một công cụ hình chữ V, song để xác định chắc chắn thì cần phải nghiên cứu dưới kính hiển vi và phân tích các mẫu kim loại giữa những đĩa nhỏ. Tiêu bản còn lại được làm bằng “phương pháp giũa” với một loại “giũa” đặc biệt là “giũa hạt/giũa dây hạt”.

Tiểu kết chương 2

Chương này tập trung phân tích, diễn giải các tư liệu đã công bố kết hợp với nguồn tư liệu vật chất là các sưu tập đồ trang sức, kết quả của một số cuộc khảo sát, nghiên cứu thực địa, phân tích thành phần chất liệu, nguyên liệu chế tác đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh. Từ đó làm rõ những đặc trưng về sự phân bố, về chất liệu, loại hình và kỹ thuật chế tác đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy bộ sưu tập đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh phong phú và đa dạng về cả chất liệu và loại hình, trong đó những khuyên tai hai đầu thú hay ba mấu, hạt chuỗi mã não là những loại hình trang sức đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh. Kết quả nghiên cứu các loại hình kết hợp với nghiên cứu kỹ thuật chế tác và chất liệu cho thấy có sự biến đổi và phát triển của một số loại hình trang sức văn hóa Sa Huỳnh, đặc biệt là mối quan hệ và sự biến đổi của các loại hình khuyên tai, chứng minh nguồn gốc bản địa của khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai có mấu văn hóa Sa Huỳnh.

 

CHƯƠNG 3. VAI TRÒ CỦA ĐỒ TRANG SỨC TRONG CÁC

MỐI QUAN HỆ VÀ ĐỜI SỐNG CỦA CƯ DÂN VĂN HÓA SA HUỲNH

3.1. Các mối quan hệ của văn hóa Sa Huỳnh qua tư liệu đồ trang sức

3.1.1. Với các văn hóa giai đoạn Tiền Sa Huỳnh – mối quan hệ cội nguồn

Với các văn hóa đá mới hậu kỳ và sơ kỳ kim khí khu vực Bắc Trung Bộ: qua một số loại hình trang sức như khuyên tai hình đỉa bằng đất nung. Dựa trên sự biến đổi và mối liên hệ của một số loại hình khuyên tai cho thấy có thể hình dung ra một sự biến đổi như sau: khuyên tai hình đỉa bằng đất nung -> khuyên tai ba mấu bằng đất nung + khuyên tai hình đỉa bằng đá -> khuyên tai ba mấu bằng đá ngọc và muộn nhất là khuyên tai ba mấu bằng thủy tinh và từ suy luận cho thấy loại khuyên loại khuyên tai ba mấu độc đáo trong văn hóa Sa Huỳnh có nguồn gốc từ các loại hình khuyên tai bằng đất nung/gốm trước đó, cùng với sự phát triển về kỹ thuật và những loại chất liệu mới thì chúng được làm bằng nhiều loại chất liệu khác nhau đặc trưng cho giai đoạn đó.

Với các văn hóa giai đoạn Tiền Sa Huỳnh

Nghiên cứu so sánh bộ sưu tập trang sức Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh cho thấy có sự tương đồng và khác biệt về loại hình, chất liệu chế tác đồ trang sức của các giai đoạn này. Ở giai đoạn Tiền Sa Huỳnh được làm bằng các loại chất liệu xương, vỏ nhuyễn thể, gốm/đất núng, bằng đá mà chủ yếu là đá basalt, đá spilite, trong khi đó chỉ có số lượng nhỏ bằng đá ngọc nephrite. Sàn đến giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh, đồ trang sức bằng xương và vỏ nhuyến thể, bằng gốm/đất nung vẫn được sử dụng, song có sự suy giảm rõ rệt của đồ trang sức bằng các loại đá basalt, spilite và một số loại đá thông thường khác, thay vào đó là sự tăng lên của đồ trang sức bằng đá ngọc nephrite cùng với các loại đá ngọc/đá bán quý, kim loại đồng, vàng, bạc, sắt, đồ trang sức bằng thủy tinh. Nhìn chung, bộ sưu tập đồ trang sức giai đoạn văn hóa Tiền Sa Huỳnh không đa dạng và phong phú về chất liệu, loại hình như giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt.

Với văn hóa Chămpa

Mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa được nghiên cứu dựa trên nguồn sử liệu, mối quan hệ về địa tầng và di vật (đặc biệt là đồ gốm) được tìm thấy trong các di tích có niên đại muộn của văn hóa Sa Huỳnh và niên đại sớm của văn hóa Chămpa. Đồ trang sức được ghi lại từ các cuộc khai quật và nghiên cứu ở các địa điểm thuộc giai đoạn văn hóa Chămpa sớm không nhiều, chủ yếu là đồ trang sức bằng thủy tinh, vàng.  Sự tương đồng thề hiện rõ nét qua loại hình và chất liệu, đó là những hạt chuỗi bằng mã não, thủy tinh và vàng. Kết quả phân tích thành phần chất liệu của mẫu đồ trang sức thủy tinh ở một số địa điểm văn hóa Sa Huỳnh và Chămpa sớm cũng chỉ ra sự tương đồng trong thành phần chất liệu chế tác đồ trang sức. Sự khác biệt lớn của đồ trang sức ở các giai đoạn này có thể thấy được là sưu tập đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh vô cùng phong phú và đa dạng về cả loại hình và chất liệu, trong khi đó sưu tập đồ trang sức văn hóa Chămpa sớm đã giảm mạnh về số lượng, loại hình kém đa dạng chủ yếu là những chuỗi bằng thủy tinh, đá mã não, vàng và hạt cườm thủy tinh đơn sắc, một số khuyên tai hình gối quạ. Nhiều loại hình trang sức phổ biến trong văn hóa Sa Huỳnh lại hoàn toàn vắng mặt trong giai đoạn văn hóa Chămpa sớm thay vào đó là sự xuất hiện của một số loại hình hạt chuỗi thủy tinh đa sắc, những hạt chuỗi thủy thủy tinh ghép mắt và mảnh vàng trang trí trở lên phổ biến hơn. Đồ trang sức bằng mã não tìm thấy trong các di tích khảo cổ học Chămpa không nhiều, thậm trí là rất hiếm song về mặt loại hình không khác gì so với văn hóa Sa Huỳnh, những loại hình hạt chuỗi hình thoi dẹt, thoi tròn, hình cầu được sử dụng bởi cả cư dân văn hóa Sa Huỳnh và Chămpa sớm.

3.1.2. Mối quan hệ với các văn hóa đồng đại Việt Nam

Văn hóa Đông Sơn: sức ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn lên văn hóa Sa Huỳnh là mạnh mẽ hơn so với sự ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Đông Sơn. Trái lại, sự ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Đông Sơn lại khá mờ nhạt, các phát hiện cho đến hiện nay cho thấy chủ yếu là qua một số loại hình đồ trang sức, đó là những khuyên tai ba mấu, khuyên tai hai đầu thú tìm thấy trong các di tích thuộc văn hóa Đông Sơn như Xuân An, Đồng Mỏm, Làng Vạc (Nghệ An). Các di tích này phân bố ở khu vực Bắc Trung Bộ - khu vực giáp ranh giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh, rất hiếm thấy ở khu vực phía Bắc của văn hóa Đông Sơn. Sự giao thoa giữa hai văn hóa này hiện rõ nét qua di tích di tích và di vật, ở đây yếu tố văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn tồn tại đan xen nhau thể hiện ở di chỉ Bãi Cọi.

Văn hóa Đồng Nai : sự ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Đồng Nai biểu hiện qua sự loại hình mộ táng chum vò, đồ tùy táng bằng gốm, đặc biệt là đồ trang sức trong nhiều địa điểm của khu vực này. Văn hóa Sa Huỳnh đã lan toả và ảnh hưởng mạnh đến khu vực phía Nam biểu hiện qua những khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu được phát hiện trong các địa điểm thuộc văn hóa Đồng Nai và Đông Nam Bộ giai đoạn sơ kỳ đồ sắt. Cũng giống như cư dân văn hoá Sa Huỳnh, cư dân văn hoá Đồng Nai rất ưa chuộng sử dụng các loại hình đồ trang sức bằng nhiều chất liệu khác nhau thuỷ tinh, đá và đá ngọc/đá bán quý/đá quý, kim loại vàng, đất nung/gốm, v.v. Bộ sưu tập đồ trang sức của các văn hóa thuộc giai đoạn sơ kỳ sắt ở khu vực phía Nam và văn hóa Sa Huỳnh cho thấy sự tương đồng và khác biệt, mối quan hệ mạnh mẽ giữa các văn hóa đồng đại này và những bằng chứng của việc chế tác khuyên tai hai đầu thú, bằng chứng của nghề chế tạo thủy tinh Cần Giở là những tư liệu quan trọng cho nghiên cứu kỹ thuật chế tác đồ trang sức và nghề thủ công chế tác đồ trang sức bằng đá, nghề thủy tinh ở khu vực này cũng như văn hóa Sa Huỳnh.

Khu vực Tây Nguyên: Bóng dáng cội nguồn của phương thức mai táng chum văn hóa Sa Huỳnh từ các di tích văn hóa hậu kỳ đá mới ở Tây Nguyên như Trà Dôm, An Mỹ (Gia Lai, Kon Tum). Những nghiên cứu ở khu vực này cho thấy những yếu tố góp phần hình thành vào giai đoạn sơ kỳ văn hóa Sa Huỳnh và nhận biết mối liên hệ giữa các văn hóa ở khu vực Tây Nguyên với văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ sắt. Đồ trang sức ở khu vực Tây Nguyên cũng có những điểm tương đồng và khác biệt so với văn hoá Sa Huỳnh, những nghiên cứu về đồ trang sức trong một số địa điểm như Lung Leng đã phần nào cho thấy đặc trưng của đồ trang sức khu vực này.

3.1.3. Với khu vực Đông Nam Á

Mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và Đông Nam Á diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt với vùng Đông Nam Á hải đảo. Mối quan hệ này thể hiện qua sự tương đồng về táng tục mộ chum và truyền thống mộ chum vò gốm, về đồ gốm và sự phân phối của đồ trang sức. Nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến táng tục mộ chum văn hóa Sa Huỳnh và Đông Nam Á, cũng như mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và Đông Nam Á hải đảo thông qua đồ gốm. Đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh như những khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu được tìm thấy ở Thái Lan (Uthong, Ban Don Ta Phet, Khao Sam Kaeo hay ở Soan Keo), Campuchia (Samrongsen và những di tích sơ kỳ sắt mới phát hiện), Philippines (khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu được tìm thấy trên các đảo ở Philipines như Duzon, Batanes, v.v).

3.1.4. Với các khu vực khác

Với Ấn Độ: mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh với Ấn Độ qua đồ trang sức là rất rõ ràng. Một loại sản phẩm trang sức từ Ấn Độ được nhập vào văn hóa Sa Huỳnh và Đông Nam Á như những hạt chuỗi khắc axit, hạt chuỗi hình tang trống thắt hai đầu, hạt chuỗi có những băng đen trắng, đồ trang sức bằng vàng hay thủy tinh bọc vàng, hạt cườm thủy tinh đơn sắc (Indo Pacific Bead). Bên cạnh các sản phẩm trao đổi thì dấu ấn của việc chế tác đồ trang sức và tiếp thu những kỹ thuật chế tác đã thấy trong một số loại hình đồ trang sức bằng các chất liệu khác nhau như mã não, thủy tinh, v.v.

Với văn hóa Hán (Trung Quốc): sự tiếp xúc với văn hóa Hán chủ yếu thể hiện qua đồ đồng như gương đồng Tây Hán và Đông Hán, tiền Ngũ Thù tìm thấy trong các mộ chum ở Bình Yên, Gò Dừa, Lai Nghi, Hậu Xá II, v.v. Có ít dấu hiệu về đồ trang sức chỉ ra mối mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và Hán trong giai đoạn sơ kỳ đồ sắt.

Với Đài Loan: mối quan hệ đó được bắt nguồn từ việc sử dụng nguồn nguyên liệu đá ngọc để chế tác các loại khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu. Đồ trang sức được làm bằng đá nephrite Đài Loan trong văn hóa Sa Huỳnh rất ít, mới chỉ ghi nhận 01 mẫu khuyên tai ba mấu ở Gò Mả Vôi. Loại khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu phổ biến và được chứng minh là có nguồn gốc văn hóa Sa Huỳnh, cho đến nay đã phân bố ở một vùng rộng lớn trải dài từ Philippines, đông Malaysia, miền Trung và Nam Việt Nam, cũng như vùng phía tây nam và đông Campuchia và cả bán đảo Thái Lan. Truyền thống sản xuất đồ ngọc ở Đài Loan khoảng 3500-2500 năm TCN và giai đoạn muộn khoảng 1000 năm cách ngày nay. Sự hiện diện của đồ ngọc Đài Loan ở Đông Nam Á được cho là qua hai giai đoạn chính: giai đoạn đầu khoảng 2500 – 500 năm TCN với các sản phẩm hoàn chỉnh như vòng tay, hạt chuỗi, rìu bôn mang đến Philippines; giai đoạn 2 khoảng 500 năm TCN- 100 SCN với nguyên liệu đá ngọc của Đài Loan xuất khẩu tới các công xưởng chế tác ở Đông Nam Á.

3.2. Vai trò của đồ trang sức trong đời sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh

3.2.1. Trong các hoạt động trao đổi, buôn bán và thương mại: đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động giao lưu, trao đổi, buôn bán và thương mại này. Sự phát triển của hoạt động kinh tế trao đổi, buôn bán và thương mại có tác động to lớn tới sự biến biến chuyển của các hoạt động kinh tế thủ công nghiệp cũng như đời sống kinh tế chung và biến chuyển trong đời sống xã hội của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

3.2.2. Sự phát triển của nghề thủ công chế tác đồ trang sức và chuyên hóa thủ công nghiệp: sự phong phú và đa dạng của đồ trang sức cho thấy trong văn hóa Sa Huỳnh nghề thủ công chế tác đồ trang sức bằng đá, nghề thủy tinh hay nghề kim hoàn rất phát triển, có lẽ đã có sự chuyên hóa nhất định trong một số ngành nghề thủ công chế tác đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh.

3.2.3. Vai trò của đồ trang sức trong đời sống xã hội

Đồ trang sức có vai trò quan trọng trong các hoạt động trao đổi, buôn bán thương mại và sự phát triển của các ngành nghề thủ công cũng như chuyên môn hóa sản xuất thủ công nghiệp. Từ đó dẫn đến nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, tác động đến các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, khai thác lâm thổ và thủy sản cũng như thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nền kinh tế. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế cũng kéo theo những chuyển biến xã hội, biến chuyển của cơ cấu xã hội, sự phân hóa xã hội, v.v. Trong các nghiên cứu gần đây dựa trên khối tư liệu về các nhóm đồ tùy táng như đồ trang sức và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày được tìm thấy trong các mộ táng để nghiên cứu về sự phân hóa xã hội ở một số địa điểm như Cồn Ràng, Lai Nghi, Gò Mả Vôi, v.v. Sự tương quan giữa các loại hình mộ táng, số lượng đồ trang sức và các đô tùy táng chôn trong mộ được đề cập trong các nghiên cứu về sự phân hóa xã hội và các vấn đề tổ chức xã hội của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

3.2.4. Vai trò của đồ trang sức trong các hoạt động nghi lễ, tôn giáo và đời sống tinh thần: Đồ trang sức không chỉ là không chỉ đáp ứng nhu cầu làm đẹp mà còn có ý nghĩa như là những vật biểu thị cho điềm lành và sự linh thiêng thần thánh hoặc liên quan đến những hoạt động nghi lễ, tôn giáo, biểu hiện quyền lực cũng như sức mạnh của người đó, hay biểu thị vai trò xã hội qua thân thế, địa vị trong xã hội.

Tiểu kết chương 3

Chương này chủ yếu phân tích các mối quan hệ của cư dân văn hóa Sa Huỳnh với các văn hóa trước và sau nó, mối quan hệ với các văn hóa đồng đại ở Việt Nam, Đông Nam Á và một số khu vực khác, ngoài ra còn tập trung phân tích những giá trị và vai trò của đồ trang sức đối với đời sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Trên cơ sở phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa các sưu tập đồ trang sức ở các giai đoạn khác nhau, cùng với những nghiên cứu so sánh với các văn hóa khác nhau, tác giả luận án tìm hiểu nguồn gốc của các loại hình trang sức, mối quan hệ theo dọc và chiều ngang của văn hóa Sa Huỳnh, tìm hiểu về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội hay đời sống vật chất và tinh thần của cư dân văn hóa Sa Huỳnh qua bộ sưu tập đồ trang sức được tìm thấy trong tất cả các địa điểm của văn hóa Sa Huỳnh.

 

KẾT LUẬN

1. Luận án đã hệ thống hóa nguồn tư liệu nhiều nguồn tư liệu nghiên cứu về đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh trong suốt hơn một thế kỷ nghiên cứu đã qua. Từ việc hệ thống hóa tư liệu cũng cho thấy nghiên cứu đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của đồ trang sức như chất liệu, loại hình, kỹ thuật chế tác, nghiên cứu về nghề thủ công chế tác đồ trang sức hay vai trò của đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh. Luận án cũng đã cập nhật và bổ sung những nguồn tư liệu còn thiếu và nguồn tư liệu liên quan đến những nội dung chưa được làm rõ và nghiên cứu trong văn hóa Sa Huỳnh. Có thể thấy hầu hết các nghiên cứu từ trước đến nay đều tập trung vào loại hình khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu, những khía cạnh liên quan đến các loại hình này như chất liệu, kỹ thuật chế tác, vai trò của chúng trong đời sống và các mối quan hệ giao lưu trao đổi buôn bán với các khu vực khác. Tuy nhiên, bộ sưu tập đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh lại rất đa dạng về loại hình, trong đó hạt chuỗi rất phổ biến song lại chưa có nghiên cứu nào về hạt chuỗi và cũng không có tư liệu nào công bố liên quan đến hạt chuỗi trong văn hóa Sa Huỳnh. Từ khoảng trống này, tác giả đã tập hợp các tư liệu liên quan để bổ sung các nguồn tư liệu và nhận thức về hạt chuỗi và các loại hình trang sức khác nhau trong văn hóa Sa Huỳnh.

2. Kết quả nghiên cứu tổng hợp và phân tích cụ thể về chất liệu, loại hình đồ trang sức được phát hiện trong các di tích văn hóa sa Huỳnh đã chỉ ra các đặc trưng cơ bản về chất liệu và loại hình của đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh.

Đồ trang sức tìm thấy trong hầu hết các địa điểm, có sự đồng nhất về chất liệu trong các loại hình di tích văn hóa Sa Huỳnh như di chỉ cư trú, mộ táng, di chỉ cư trú - mộ táng, v.v. Song có sự khác nhau về số lượng/tỉ lệ của đô trang sức trong các loại hình di tích khác nhau, loại hình mộ chum vò gốm có số lượng lớn nhất, mộ đất có số lượng ít hơn, các loại hình mộ táng khác hay di chỉ cư trú thì rất ít. Kết quả nghiên cứu sự phân bố đồ trang sức cho thấy mức độ tập trung cao ở loại hình di tích mộ táng, đặc biệt là mộ chum vò gốm và có sự tương quan về số lượng, loại hình và chất liệu của đồ trang sức với đồ tùy táng/di vật khác (đồ gốm, đồng, sắt). Mật độ phân bố của đồ trang sức cũng cho thấy sự khác nhau giữa các địa điểm và khu vực khác nhau của văn hóa Sa Huỳnh. Từ nghiên cứu mật độ phân bố của đồ trang sức đã chỉ ra mức độ tập trung và phổ biến của đồ trang sức trong các di tích và khu vực khác nhau của văn hóa Sa Huỳnh. Nhìn chung, sự phân bố của đồ trang sức trong di tích cũng như mật độ phân bố, mức độ tương quan của đồ trang sức với di vật/đồ tùy táng khác trong mỗi loại hình di tích có ý nghĩa lớn cho việc nghiên cứu đời sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

Về chất liệu: đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh được làm bằng nhiều loại chất liệu khác nhau như xương và vỏ nhuyễn thể, gốm/đất nung, các loại đá (đá thường như basalt, đá phiến, nephrite, jadeite, mã não, agate, garnet, crystal, amethyst, smoke quartz, beryl), kim loại (đồng, sắt, vàng, bạc), thủy tinh, v.v. Sự phong phú về chất liệu đã chỉ ra sự khác biệt  so với các sưu tập đồ trang sức trong các văn hóa trước và sau nó, so với các văn hóa đồng đại ở Việt Nam. Những kết quả phân tích thành phần chất liệu đồ trang sức bằng thủy tinh, đá, vàng và một số chất liệu khác từ các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh cũng chỉ ra những đặc trưng về chất liệu, gợi mở những nguồn nguyên liệu, nguồn gốc của nhiều loại hình đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh.

Về loại hình: bộ sưu tập đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh đa dạng về loại hình như khuyên tai, hạt chuỗi, vòng tay và các loại hình trang sức khác nhau, trong mỗi loại có những kiểu loại khác nhau. Kết quả phân loại không chỉ cho thấy những đặc trưng về loại hình mà còn thấy được mối liên hệ của các loại hình trang sức khác nhau, cũng như sự biến đổi và phát triển trong nhiều loại hình đồ trang sức, trong kỹ thuật chế tác cũng như sự thay đổi trong việc sử dụng chất liệu. Từ đó có thể xác định được nguồn gốc của nhiều loại hình trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh. Đặc biệt là mối quan hệ và sự biến đổi của khuyên tai trong văn hóa Sa Huỳnh. Những phân tích về hình thái của khuyên tai như khuyên tai hình đỉa bằng đất nung, khuyên tai ba mấu bằng đất nung, đá, thủy tinh hay khuyên tai hình vuông, khuyên tai bốn mấu bằng đá và một số loại hình khuyên tai khác cho thấy chúng có mối liên hệ với nhau cũng như sự biến đổi về mặt hình thái, chất liệu, kỹ thuật chế tác...và chỉ ra nguồn gốc của các loại hình này.

Kết quả phân loại chi tiết các loại hình hạt chuỗi trong luận án đã chứng minh và khẳng định hạt chuỗi là loại hình đồ trang sức tiêu biểu của văn hóa Sa Huỳnh. Hạt chuỗi mã não cùng với khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu là loại hình trang sức đặc trưng cho văn hóa Sa Huỳnh. Đồng thời, sự tồn tại của các loại hình vòng tay và đồ trang sức khác không chỉ cho thấy sự đa dạng mà còn cho thấy sự bảo lưu lâu dài của nhiều loại hình đồ trang sức từ thời tiền sử sang sơ sử, Tiền Sa Huỳnh sang Sa Huỳnh. Một số loại hình đồ trang sức bằng đồng tìm thấy trong văn hóa Sa Huỳnh như vòng tay hình ống cùng với những lục lạc hoặc những loại hình trang sức phụ kiện như cúc/khuy đồng, móc đồng cho thấy cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã trao đổi, ưa chuộng tất cả các loại hình trang sức được làm bằng các loại chất liệu khác nhau từ xương và vỏ nhuyễn thể, đất nung/gốm, các loại đá thông thường đến đá ngọc/đá bán quý/đá quý, kim loại đồng, sắt, vàng, bạc và thủy tinh. Sự tồn tại của tất cả các loại hình trang sức và được làm bằng các loại chất liệu khác nhau là đặc trưng nổi bật của đồ trang sức văn hóa Sa Huỳnh giai đoạn sơ kỳ sắt.

Sự đa dạng, phong phú về chất liệu lẫn loại hình đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh kéo theo sự phức tạp trong kỹ thuật chế tác. Mỗi một loại hình trang sức được làm bằng chất liệu khác nhau đòi hỏi phải có những phương pháp hay kỹ thuật chế tác mang tính đặc thù. Trong chế tác đồ trang sức bằng đá vẫn tuân thủ theo những kỹ thuật chế tác đồ đá chung như ghè, đẽo, mài, cưa, khoan, đánh bóng, song mỗi loại đá có cấu tạo và thành phần khác nhau và mỗi một loại hình trang sức khác nhau cũng có những bước tạo hình riêng cũng như những hình thức kỹ thuật, phương pháp xử lý khác nhau, như trong chế tác hạt chuỗi và đồ trang sức bằng đá ngọc nephrite và đồ trang sức bằng đá mã não, agate, v.v.

Nghiên cứu cũng cho thấy những phương pháp và kỹ thuật chế tác thủy tinh tương đồng với phương pháp chế tác thủy tinh dân gian hiện nay và kết quả phân tích kỹ thuật chế tác đồ thủy tinh thời tiền sơ sử cũng chỉ ra rằng cư dân văn hóa Sa Huỳnh đã phát triển nghề thủy tinh nội tại với những kỹ thuật khác nhau như kỹ nghệ thổi, mà sử dụng những kỹ nghệ nấu chảy, ép khuôn và gia công sau khu dỡ khuôn mang nhiều nét tương đồng với quy trình chế tạo đồ đồng, kỹ nghệ xoay, v.v. Kỹ thuật Lada đã được cư dân văn hóa Sa Huỳnh thực hiện để chế tạo ra các sản phẩm trang sức bằng thủy tinh của mình.   

Nghiên cứu phân tích thành phần chất liệu những mẫu đồ trang sức bằng vàng trong các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh đã chỉ ra một số phương thức và kỹ thuật chế tác cho loại hình đồ trang sức bằng chất liệu này như kỹ thuật hàn kín và một số hiện vật được làm bằng “phương pháp giũa” với loại “giũa hạt/giũa dây hạt” giống như ở phương Tây đã đến Đông Nam Á cách ngày này khoảng 2000 năm. Bằng chứng cho việc chế tác đồ trang sức trong văn hóa Sa Huỳnh rất mờ nhạt chỉ biểu hiện trên một số đồ trang sức ở đây.

3. Bộ sưu tập đồ trang sức văn hoá Sa Huỳnh có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần, trong các mối liên hệ giao lưu trao đổi của cư dân văn hoá Sa Huỳnh với các cộng đồng cư dân trước và sau nó, với các cộng đồng cư dân đương thời ở Việt Nam, Đông Nam Á và thế giới. 

Kết quả nghiên cứu so sánh đồ trang sức trong các văn hóa thuộc giai đoạn trước và sau của văn hóa Sa Huỳnh đã chỉ ra mối quan hệ nguồn cội và truyền thống sử dụng đồ trang sức xuyên suốt từ thời tiền sử đến lịch sử sớm ở miền Trung Việt Nam. Từ những phát hiện đồ trang sức trong các di tích khảo cổ học ở mỗi giai đoạn từ Hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí, giai đoạn Tiền Sa Huỳnh, giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh, giai đoạn chuyển tiếp Sa Huỳnh - Chămpa và Chămpa sớm cho thấy đồ trang sức có những đặc trưng của mỗi giai đoạn đó. Mối quan hệ với các văn hóa hầu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí thể thể hiện rõ nét qua những khuyên tai hình đỉa bằng đất nung. Loại hình khuyên tai này phân bố chủ yếu ở vùng ven biển miền Trung trong suốt giai đoạn Tiền Sa Huỳnh đến Sa Huỳnh. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự kế thừa và biến đổi về hình thái của loại hình khuyên tai này để tạo nên một dạng khuyên tai đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh là khuyên tai ba mấu, cho thấy mối quan hệ cội nguồn và chứng minh nguồn gốc bản địa của khuyên tai ba mấu văn hóa Sa Huỳnh.

Những nghiên cứu và phân loại các loại hình khuyên tai khác nhau trong văn hóa Sa Huỳnh cũng chỉ ra mối quan hệ với các văn hóa Tiền Sa Huỳnh như những khuyên tai bốn mấu ở Long Thạnh với các khuyên tai bốn mấu tìm thấy trong văn hóa Sa Huỳnh ở Gò Quê và các địa điểm khác. Xét về mặt hình thái, những khuyên tai bốn mấu Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh khá tương đồng về hình dạng, chỉ khác nhau về kích thước và một số điểm trên mấu khuyên, ngoài ra những khuyên tai bốn mấu này có nhiều nét tương đồng với khuyên tai ba mấu trong văn hóa Sa Huỳnh vì thế mà những ý kiến cho rằng khuyên tai bốn mấu bằng đá là dạng tiền thân của khuyên tai ba mấu trong văn hóa Sa Huỳnh. Dựa trên sự tương đồng về chất liệu và hình thái khuyên tai, tác giả luận án cũng đồng ý với những ý kiến đưa ra về nguồn gốc của các khuyên tai ba mấu từ khuyên tai bốn mấu. Đồng thời cho rằng giữa các loại hình khuyên tai từ khuyên tai hình đỉa bằng đất nung, khuyên tai ba mấu, bốn mấu, hình vuông, hình vành khăn trong văn hóa Sa Huỳnh có mối liên hệ với nhau. Sự tương đồng của các loại hình khuyên tai cũng như sự biến đổi và phát triển của các loại hình khuyên tai qua các giai đoạn văn hóa từ sớm đến muộn đã chứng minh nguồn gốc bản địa của những khuyên tai ba mấu hay hai đầu thú trong văn hóa Sa Huỳnh. Nghiên cứu bộ sưu tập đồ trang sức văn hóa Chămpa chỉ ra rằng cư dân văn hóa Chămpa sớm vẫn tiếp tục sử dụng một số loại hình đồ trang sức bằng mã não, thủy tinh, vàng như trong văn hóa Sa Huỳnh. Sự biến mất của một số loại hình đồ trang sức bằng các chất liệu khác trong văn hóa Chămpa vẫn còn đặt ra những câu hỏi nghi vấn song có thể do nhu cầu về đồ trang sức của cư dân văn hóa Chămpa là khác với cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

Qua tư liệu đồ trang sức cho thấy văn hóa Sa Huỳnh có mối quan hệ với các văn hóa đồng đại khác ở Việt Nam, Đông Nam Á và khu vực khác. Qua sưu tập đồ trang sức cho thấy sức ảnh hưởng và lan tỏa của nhiều loại hình đồ trang sức như loại khuyên tai ba mấu và hai đầu thú, một loại hình tiêu biểu của văn hóa Sa Huỳnh đến nhiều khu vực khác nhau ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó cư dân văn hóa Sa Huỳnh cũng tiếp nhận, trao đổi nhiều sản phẩm và kỹ thuật, công nghệ chế tác đồ trang sức từ Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, v.v. Mối quan hệ giao lưu trao đổi nhiều chiều góp phần không nhỏ vào việc mở rộng mạng lưới thương mại biển và thúc đẩy các ngành nghề thủ công phát triển góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế, tác động đến những biến chuyển xã hội và đời sống văn hóa, tinh thần.  

Đồ trang sức có vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Cư dân văn hoá Sa Huỳnh có đời sống tinh thần vô cùng phong phú, đồ trang sức không chỉ để làm đẹp mà còn sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày cũng như trong các hoạt động nghi lễ, tín nguỡng. Các ngành nghề thủ công chế tác đồ trang sức của cư dân văn hoá Sa Huỳnh phát triển mạnh mẽ, bên cạnh nghề chế tác đồ trang sức bằng đá đã đạt đến đỉnh cao và chắc chắn có sự chuyên hóa trong sản xuất, các sản phẩm trang sức không chỉ phục vụ cho cư dân văn hóa Sa Huỳnh mà còn trao đổi với các cư dân đồng đại ở Việt Nam và Đông Nam Á. Các hoạt động trao đổi, buôn bán và thương mại nội dùng và liên vùng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh vô cùng mạnh mẽ mà đồ trang sức là một trong những sản phẩm có giá trị trong mạng lưới thương mại này. Cư dân Sa Huỳnh không chỉ trao đổi mà còn tiếp thu kỹ thuật từ bên ngoài họ còn tạo ra những sản phẩm mang tính bản địa. Sự phát triển của các ngành nghề thủ công và hoạt động trao đổi thưong mại thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tạo nên sự biến chuyển trong đời sống xã hội và tạo tiền đề cho sự ra đời của nhà nước sơ khai ở giai đoạn sơ sử Việt Nam.

Tác giả: ussh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây