Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Tóm tắt luận án NCS: Phùng Chí Kiên

 

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

____________________

 

Phùng Chí Kiên

 

 

QUAN HỆ CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ

(1945-1955)

 

            Chuyên ngành: Chính trị học

            Mã số: 62 31 02 01

 

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHÍNH TRỊ HỌC

 

 

 

Hà Nội – 2020

 

Công trình được hoàn thành tại: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Người hướng dẫn khoa học:

Người hướng dẫn 1: PGS.TS. Trần Thọ Quang

Người hướng dẫn 2: PGS.TS. Phạm Quốc Thành

 

Phản biện:

Phản biện:

 

Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp Đại học Quốc gia chấm luận án tiến sĩ họp tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc Gia Hà Nội vào hồi   giờ           ngày          tháng        năm

 

 

Có thể tìm hiểu luận án tại:

- Thư viện Quốc gia Việt Nam

- Trung tâm Thông tin - Thư viện, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

MỞ ĐẦU

            1. Tính cấp thiết của đề tài

Đề tài này được lựa chọn bởi những lý do chính như sau:

Một là, trong các đề tài nghiên cứu thuộc chuyên ngành chính trị học ở Việt Nam, số lượng đề tài nghiên cứu trực tiếp, chuyên sâu về quan hệ chính trị quốc tế còn khá hạn chế. Trong một thời gian tương đối dài, nghiên cứu quan hệ chính trị quốc tế thường được lồng ghép vào nghiên cứu quan hệ quốc tế, dẫn tới sự phân định ranh giới chưa rõ ràng, để lại những khoảng trống nhất định cần được tiếp tục làm rõ.

Hai là, thời kỳ 1945-1955 đã được đề cập tới trong không ít công trình, nhưng việc luận giải nó dưới góc độ quan hệ chính trị quốc tế lại chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Thực tế cho thấy, trong quá trình diễn biến của lịch sử quan hệ chính trị quốc tế, quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 có rất nhiều vấn đề đáng chú ý cần được phân tích, lý giải, tiêu biểu như: 1945-1955 là thời kỳ hàm chứa nhiều tuyến quan hệ đan xen phức tạp và sự hợp tác, đấu tranh liên tục giữa các chủ thể tham gia, nó có vai trò mở đầu cho một cục diện chính trị thế giới mới, đặt nền móng cho sự phát triển của trật tự thế giới hai cực và nhiều biến chuyển lớn trên trường quốc tế những năm sau đó; dù sự đối đầu giữa hai khối xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa diễn ra hết sức căng thẳng nhưng một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba đã không diễn ra, thay vào đó là việc Chiến tranh lạnh xuất hiện, leo thang rồi bước vào giai đoạn giảm nhiệt tạm thời; đây là khoảng thời gian chứng kiến sự thoái trào từng bước của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ với việc nhiều nước thuộc địa đã giành lại độc lập sau chiến tranh thế giới lần thứ hai bằng những con đường khác nhau, trong đó một số nước đã chiến thắng cuộc tái xâm lược của các nước thực dân (điển hình là sự thất bại của Pháp vào năm 1954 trong cuộc chiến tranh Đông Dương);… Nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng giải thích đầy đủ nội dung của quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955, nhưng cho đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều nhau.

Ba là, không chỉ có ý nghĩa về mặt chuyên môn, nghiên cứu quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 còn mang nhiều giá trị thực tiễn. Thông qua việc luận giải nội dung cơ bản của quan hệ chính trị quốc tế trong khoảng thời gian này, chúng ta có thể rút ra những nhận xét khái quát, từ đó nhận diện và khẳng định một số đặc điểm, kinh nghiệm phổ biến trong quan hệ chính trị quốc tế nói chung. Những đặc điểm, kinh nghiệm phổ biến đó giúp nhận thức về sự vận động của nền chính trị thế giới đương đại trở nên khách quan và đẩy đủ hơn, đồng thời tạo tiền đề cho những đề xuất, kiến nghị giúp hoàn thiện chính sách đối ngoại quốc gia.

Bốn là, trong hơn ba mươi năm đổi mới đã qua, tuy đạt được nhiều thành tựu, nhưng chính sách đối ngoại của Việt Nam vẫn không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Đáng chú ý là, thời kỳ 1945-1955 đã chứng kiến nhiều bước thăng trầm của Việt Nam với tư cách là chủ thể tham gia một số tuyến lớn trong quan hệ chính trị quốc tế lúc đó. Thực tế lịch sử cho thấy, do vẫn mang nhiều giá trị tham khảo cho Việt Nam, những kinh nghiệm rút ra trong thời kỳ này cần được tiếp tục luận giải, tổng kết và vận dụng.

Vì những lý do trên, tác giả đã quyết định lựa chọn đề tài “Quan hệ chính trị quốc tế (1945-1955)” làm đề tài luận án của mình. Đề tài này phù hợp với chuyên ngành đào tạo Chính trị học bởi nó tập trung phân tích, làm rõ các vấn đề lớn trong quan hệ chính trị quốc tế những năm 1945-1955. Dù tri thức và phương pháp nghiên cứu liên ngành sẽ rất cần thiết, nhưng đề tài này thể hiện được tính xuyên suốt của cách tiếp cận chính trị học, trọng tâm là quan hệ quyền lực giữa các chủ thể tham gia vào chính trường quốc tế cũng như những ảnh hưởng trở lại của nó tới sự thay đổi của cục diện chính trị thế giới. Phạm vi nội dung, thời gian và không gian của đề tài cũng được thể hiện rõ, phù hợp với yêu cầu của một đề tài luận án Tiến sĩ.

2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích

Làm rõ nội dung cơ bản của quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955, từ đó rút ra những nhận xét, kiến nghị có giá trị đối với giai đoạn hiện nay.

2.2. Nhiệm vụ

- Làm rõ một số vấn đề lý luận có liên quan: khái niệm quan hệ chính trị quốc tế; đặc điểm của quan hệ chính trị quốc tế; các lý thuyết lớn khi nghiên cứu quan hệ chính trị quốc tế; các chủ thể và phương thức tham gia quan hệ chính trị quốc tế; những nhân tố tác động tới quan hệ chính trị quốc tế; xác định cách tiếp cận nghiên cứu quan hệ chính trị quốc tế trong một khoảng thời gian cụ thể;…

- Nghiên cứu, phân tích những nội dung chủ yếu trong quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955.

- Rút ra những nhận xét chung về quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 và một số kinh nghiệm phổ biến trong quan hệ chính trị quốc tế.

- Đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.

3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Quan hệ chính trị quốc tế trong thời kỳ 1945-1955

3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi thời gian: thời kỳ 1945-1955 (từ sau chiến tranh thế giới thứ hai tới cuối năm 1955)

- Phạm vi không gian: nghiên cứu tổng thể quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 vừa trên bình diện quốc tế, vừa tập trung vào một số quốc gia, khu vực, điểm nóng có tính điển hình và sức ảnh hưởng lớn.

- Phạm vi nội dung: nội dung cơ bản của quan hệ chính trị quốc tế từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến khi căng thẳng Đông – Tây hạ nhiệt tạm thời sau gần một thập kỷ đầy căng thẳng; quan hệ chính trị quốc tế trước và trong thế chiến thứ hai sẽ được phân tích và lồng ghép có chọn lọc vào những nội dung phù hợp; những liên hệ tới giai đoạn hiện nay sẽ được thực hiện khi cần thiết, đặc biệt là trong nội dung chương cuối.

4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

4.1. Cơ sở lý luận

Cơ sở lý luận xuyên suốt trong toàn bộ luận án là chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, cách tiếp cận liên ngành chính trị học cũng được sử dụng để đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu của chuyên ngành và nội dung đề tài. Đề tài cũng kết hợp sử dụng góc nhìn của một số lý thuyết lớn trong nghiên cứu quan hệ quốc tế như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự do, các luận điểm về quan hệ quốc tế của chủ nghĩa Mác – Lênin,… Cùng với những lý thuyết truyền thống trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, luận án cũng sẽ vận dụng những luận điểm có giá trị từ một số lý thuyết khác có liên quan (như lý thuyết hệ thống, lý thuyết trò chơi,…) để tìm ra cách luận giải đầy đủ, bao quát hơn đối với vấn đề nghiên cứu.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp logic – lịch sử: phương pháp này được sử dụng để xâu chuỗi, hệ thống hóa và sắp xếp một cách khoa học, logic các sự kiện, diễn biến lịch sử thuộc phạm vi thời gian của đề tài, tạo cơ sở để từ đó lý giải nội dung quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955.

- Phương pháp so sánh: đây là phương pháp được sử dụng nhiều trong đề tài. Cụ thể, nó giúp ích trong những nhiệm vụ quan trọng như: so sánh quan điểm, hành động của các chủ thể tham gia quan hệ chính trị quốc tế những năm 1945-1955; đối chiếu, so sánh nhiều nhận định của tác giả với những diễn biến thực tế trên chính trường thế giới, với nội dung của các văn kiện, phát ngôn chính thức cùng thời kỳ,… qua đó kiểm chứng được mức độ hợp lý và khoa học của chúng;…

- Phương pháp thống kê, xử lý số liệu: phương pháp này được vận dụng xen kẽ trong một số phần của luận án, giúp tác giả đưa ra những số liệu, minh chứng cần thiết cho nhận định được đưa ra.

Ngoài ra, luận án cũng sử dụng một số phương pháp bổ trợ khác để giải quyết những vấn đề cụ thể trong quá trình nghiên cứu.

5. Đóng góp mới của luận án

- Một số khía cạnh lý thuyết có liên quan tới nội dung luận án (khái niệm, đặc điểm của quan hệ chính trị quốc tế; những nhân tố tác động tới quan hệ chính trị quốc tế; một số lý thuyết tiêu biểu trong nghiên cứu quan hệ chính trị quốc tế; cách tiếp cận nghiên cứu nội dung quan hệ chính trị quốc tế trong một khoảng thời gian cụ thể;…) được làm rõ hơn.

- Quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 được nghiên cứu một cách khoa học, có hệ thống trên cơ sở cách tiếp cận chính trị học

- Quan hệ chính trị quốc tế 1945-1955 được nhận xét tổng thể, từ đó chỉ ra một số kinh nghiệm phổ biến và kiến nghị cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn

- Ý nghĩa lý luận: đóng góp vào việc hoàn thiện cơ sở lý luận của nghiên cứu quan hệ chính trị quốc tế; luận giải quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 dưới góc nhìn chính trị học.

- Ý nghĩa thực tiễn: là tài liệu tham khảo cho những đề tài khác có liên quan; đưa ra một số nhận xét, kiến nghị có sơ sở khoa học và giá trị tham khảo cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

7. Kết cấu của luận án

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, phần Nội dung của luận án gồm 4 chương:

Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Chương 2. Một số vấn đề lý luận về quan hệ chính trị quốc tế

Chương 3. Nội dung chính của quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955

Chương 4. Nhận xét và kiến nghị chính sách

 

Chương 1.

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1. Tình hình nghiên cứu có liên quan tới đề tài

1.1.1. Nghiên cứu liên quan đến lý luận về quan hệ chính trị quốc tế

Những nghiên cứu đáng chú ý có liên quan đến vấn đề này là: công trình The Oxford Handbook of International Political Theory của Chris Brown, Robyn Eckersley (2018), Oxford University Press, New York; công trình Lý thuyết quan hệ quốc tế do Hoàng Khắc Nam làm chủ biên (2017), Nxb. Thế giới, Hà Nội; công trình Theory of International Politics của Kenneth N. Waltz (2010), Waveland Press, Inc., USA; công trình Quan hệ Quốc tế - Các phương pháp tiếp cận của tác giả Đoàn Văn Thắng (2003), Nxb. Thống kê, Hà Nội; công trình International Relations của Stephen McGlinchey (Series Editor) (2017), E-International Relations Publishing, Bristol, England; công trình World Politics: Trend and Transformation của Charles W. Kegley, Shannon L. Blanton (2017), Cengage Learning, Boston; công trình World Politics – Interests, Interactions, Institutions của Jeffry A. Frieden, David A. Lake, Kenneth A. Schultz (2015), W. W. Norton & Company, New York and London; công trình Lý luận quan hệ quốc tế của Paul R. Viotti, Mark V. Kauppi (2003), Nxb. Lao động, Hà Nội;...

1.1.2. Nghiên cứu liên quan đến nội dung của quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955

Những nghiên cứu đáng chú ý có liên quan đến vấn đề này là: công trình Lịch sử quan hệ quốc tế từ chiến tranh thế giới thứ hai đến chiến tranh Triều Tiên (Giai đoạn 1939 – 1952) của Phạm Giảng (2005), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội; cuốn sách Cold War: An International History của K. Fink (2018), Routledge, US.; công trình Lịch sử quan hệ quốc tế của Bogaturov Aleksey Demofenovich, Averkov Viktor Viktorovich (2013), Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội; công trình Lịch sử quan hệ quốc tế hiện đại của Trần Nam Tiến (Chủ biên), Nguyễn Tuấn Khanh, Trần Phi Tuấn (2008), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.; công trình Chính trị thế giới sau năm 1945 của Peter Calvocoressi (2007), Nxb. Lao động, Hà Nội; công trình The World Since 1945 – A History of International Relations củ Wayne C. McWilliams, Harry Piotrowski (1993), Lynne Rienner Publishers, USA; công trình Quan hệ quốc tế từ năm 1945 đến năm 1995 của Hoàng Văn Hiển, Nguyễn Viết Thảo (1998), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội; công trình Lịch sử thế giới hiện đại 1917 – 1995 do Nguyễn Anh Thái chủ biên (2014), Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội; công trình Hai chủ nghĩa, một trăm năm của Tiêu Phong (2004), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội;…

1.1.3. Nghiên cứu về tổng kết quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 và những nhận xét, kiến nghị có liên quan

Trong số những tài liệu (cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài) đã trình bày trong tiểu mục 1.1.1 và 1.1.2, rất nhiều tài liệu có liên quan đến việc tổng kết đặc điểm, tính chất của quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 cũng như đưa ra những nhận xét, kiến nghị có giá trị. Tác giả không trình bày lại những tài liệu đó và sẽ bổ sung thêm một số tài liệu đáng chú ý khác, đáng chú ý là: công trình Về quy luật và tính quy luật trong quan hệ quốc tế của Vũ Dương Huân, (2007), Nghiên cứu Đông Nam Á, Số 2 (65), tr. 62-70; công trình The Cold War as History của Louis Joseph Halle (1967), Harper & Row, Publishers, US; công trình Định mệnh chiến tranh: Mỹ và Trung Quốc có thể thoát bẫy Thucydides? của tác giả Graham Allison (2019), NXB Hà Nội, Hà Nội; công trình Trật tự thế giới đương đại Trần Hữu Tiến (2014), Lý luận chính trị, Số 5, tr. 98-100; công trình Quan hệ Mỹ - Trung: Hợp tác và cạnh tranh, luận giải dưới góc độ cân bằng quyền lực của Nguyễn Thái Yên Hương (2017), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội;...

1.2. Kết quả của các nghiên cứu đã công bố và những vấn đề luận án cần tập trung luận giải

1.2.1. Kết quả của các nghiên cứu đã công bố

Sau khi tổng hợp, tham khảo các công trình, tài liệu đã công bố có liên quan đến luận án, tác giả rút ra một số nhận xét như sau:

Thứ nhất, những vấn đề như định nghĩa khái niệm quan hệ chính trị quốc tế, phân biệt quan hệ chính trị quốc tế với quan hệ quốc tế nói chung và các quan hệ quốc tế ở lĩnh vực khác, khung lý thuyết phân tích quan hệ chính trị quốc tế trong một thời kỳ lịch sử cụ thể, phân loại và luận giải những nhân tố tác động tới quan hệ chính trị quốc tế một cách đầy đủ, khoa học,… chưa được nhiều công trình đề cập và luận giải chuyên sâu.

Thứ hai, số lượng công trình tiếp cận nghiên cứu quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ quốc tế trong từng thời kỳ cụ thể dưới góc nhìn mới, đặc biệt là chính trị học, chưa nhiều, nếu có cũng chưa thực sự thể hiện rõ sự khác biệt với cách nhìn truyền thống. Mặt khác, nhiều công trình có xu hướng đồng nhất quan hệ quốc tế với quan hệ chính trị quốc tế, do đó nội dung của chúng chủ yếu xoay quanh quan hệ chính trị thay vì đề cập tới những dạng quan hệ khác.

Thứ ba, quan hệ quốc tế những năm 1945-1955 là vấn đề đã được đề cập tới trong nhiều công trình đã công bố, nhưng chưa công trình nào nghiên cứu trực tiếp, chuyên sâu về quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955.

1.2.2. Những vấn đề luận án tập trung luận giải

Từ những nhận xét nêu trên, luận án sẽ tập trung luận giải một số vấn đề sau:

Một là, làm rõ lý luận chung về quan hệ chính trị quốc tế; xây dựng khung lý thuyết để luận giải quan hệ chính trị quốc tế trong một thời kỳ 1945-1955 dựa trên cách tiếp cận chính trị học.

Hai là, luận giải quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 dựa trên cách nhìn chính trị học với những biến số trọng tâm là: quyền lực và sự tổ chức, phân bổ quyền lực; chủ thể và các tuyến quan hệ lớn giữa các chủ thể có sức chi phối; nghiên cứu quan hệ chính trị quốc tế đặt trong tổng thể hệ thống quốc tế cùng thời kỳ.

Ba là, đưa ra những nhận xét có tính tổng kết về đặc điểm của quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955.

Bốn là, rút ra những kinh nghiệm, kiến nghị chính sách có giá trị vận dụng trong thực tiễn hiện nay ở Việt Nam.

 

Chương 2.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN

VỀ QUAN HỆ CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ

 2.1. Khái niệm “quan hệ chính trị quốc tế”

            Với góc nhìn của tác giả, trong luận án này, có thể định nghĩa một cách khái quát rằng: quan hệ chính trị quốc tế là quan hệ quyền lực giữa các chủ thể tham gia quan hệ quốc tế. Định nghĩa này bao hàm được ba đặc tính riêng biệt của quan hệ chính trị quốc tế gồm: tính xã hội và tính quyền lực (đặc tính chung của quan hệ chính trị); tính quốc tế (hai đặc tính riêng của quan hệ chính trị quốc tế). Cụ thể hơn, quan hệ chính trị quốc tế không đồng nhất với quan hệ quốc tế bởi nó được xác định cụ thể trong lĩnh vực chính trị, trong đó “quyền lực” là yếu tố trung tâm. Mặt khác, nó cũng cũng không trùng lặp với quan hệ chính trị ở các cấp độ khác do tính quốc tế được cụ thể hóa bằng tình trạng “vô chính phủ”.

2.2. Lý thuyết cơ bản về quan hệ chính trị quốc tế

2.2.1. Chủ nghĩa hiện thực

Khái quát lại, cho đến nay, dù còn những ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung, có thể rút ra một số nội dung chính của chủ nghĩa hiện thực như sau: thứ nhất, quốc gia là chủ thể chính trong quan hệ quốc tế, cư xử như những phần tử có tính đơn nhất, duy lý; thứ hai, môi trường vô chính phủ quốc tế là tác nhân tác động mạnh tới động lực và hành động của quốc gia; thứ ba, quyền lực và an ninh là mối quan tâm chính của quốc gia trong môi trường vô chính phủ; thứ tư, các thể chế quốc tế chỉ có tác động thứ yếu tới sự hợp tác.

2.2.2. Chủ nghĩa tự do

Về cơ bản, có thể khái quát những luận điểm chính của chủ nghĩa tự do như sau: thứ nhất, trong quan hệ quốc tế, bên cạnh quốc gia còn các chủ thể phi quốc gia; thứ hai, quan hệ quốc tế chịu nhiều tác động của các yếu tố đối nội; thứ ba, quốc gia là một chủ thể duy lý, nhưng khác với quan điểm của chủ nghĩa hiện thực ở một số điểm chính; thứ tư, lợi ích quốc gia rất đa dạng và quan hệ quốc tế bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau thay vì chỉ liên quan đến an ninh và quyền lực; thứ năm, trong môi trường quốc tế vô chính phủ, xung đột không phải là tình trạng tồn tại duy nhất.

2.2.3. Chủ nghĩa Mác – Lênin

Có thể tổng kết một số luận điểm quan trọng của chủ nghĩa Mác – Lênin về quan hệ quốc tế như sau: thứ nhất, giai cấp là chủ thể chủ yếu trong quan hệ quốc tế; thứ hai, quan hệ quốc tế bắt đầu phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa; thứ ba, lợi ích giai cấp là lợi ích quốc gia chủ yếu trong quan hệ quốc tế; thứ tư, đưa ra quan điểm về chủ nghĩa quốc tế vô sản, nhấn mạnh sự cần thiết đoàn kết của giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản; thứ năm, trong những thời kỳ lịch sử cụ thể, giữa hai nhóm xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa vẫn có những vấn đề chung cần hợp tác để cùng giải quyết; thứ sáu, giai cấp vô sản và các phong trào giải phóng dân tộc cần liên minh và đoàn kết để chống lại kẻ thù chung là giai cấp tư sản quốc tế.

2.3. Chủ thể, phương thức tham gia quan hệ chính trị quốc tế

2.3.1. Chủ thể tham gia quan hệ chính trị quốc tế

2.3.1.1. Chủ thể quốc gia

Quốc gia đã, đang và tiếp tục là chủ thể quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ chính trị quốc tế nói riêng vì những lý do sau: thứ nhất, quốc gia là chủ thể có chủ quyền tối cao và bền vững nhất; thứ hai, mục đích tham gia quan hệ quốc tế của quốc gia được xác định rõ ràng và có động cơ mạnh mẽ; thứ ba, quốc gia là chủ thể có khả năng gây ảnh hưởng và tác động lớn nhất tới quan hệ quốc tế trên mọi phương diện.

2.3.1.2. Chủ thể phi quốc gia

Các chủ thể phi quốc gia đáng chú ý là tổ chức quốc tế (International organization) và công ty xuyên quốc gia (Transnational corporation). Bên cạnh những chủ thể tiêu biểu trên, tham gia và có vai trò ở mức độ khác nhau trong nền chính trị thế giới còn có một số chủ thể đáng chú ý khác.

2.3.2. Phương thức tham gia quan hệ chính trị quốc tế

2.3.2.1. Xung đột

Về phương thức xung đột, có thể khẳng định đây là phương thức truyền thống được sử dụng từ lâu trong quan hệ chính trị quốc tế với nền tảng lý luận vững chắc là các trường phái khác nhau của chủ nghĩa hiện thực và phần nào đó là chủ nghĩa Mác.

2.3.2.2. Hợp tác

Khác với xung đột, phương thức hợp tác được sử dụng trên cơ sở lý thuyết chính là chủ nghĩa tự do. Trái với sự bi quan về bản chất của con người, chủ nghĩa tự do tin vào khả năng hợp tác để cùng đạt được mục đích và giải quyết những vấn đề chung giữa các chủ thể trong quan hệ quốc tế.

2.4. Nhân tố cơ bản tác động tới quan hệ chính trị quốc tế

Có thể khẳng định, bất kỳ vấn đề nào trong quan hệ chính trị quốc tế đều đồng thời chịu tác động bởi rất nhiều nhân tố theo các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, một số nhân tố cơ bản có khả năng tác động trực tiếp, sâu sắc hơn tới quan hệ chính trị quốc tế trong tương quan so sánh với những nhân tố khác. Trong phần này, xét tới bối cảnh của thời kỳ 1945-1955, tác giả tập trung làm rõ hai nhân tố rất quan trọng là lợi ích quốc giatrật tự thế giới.

2.5. Cơ sở xác định nội dung quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955

Tác giả đưa ra những luận điểm chính giúp định hình cơ sở xác định nội dung của quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 như sau: thứ nhất, luận án không phụ thuộc hoàn toàn vào một lý thuyết nào đã nêu ở phần trên, mà sẽ cố gắng lựa chọn những điểm phù hợp của từng lý thuyết để giải quyết một cách tương đối đầy đủ các nhiệm vụ cụ thể, trong đó sự ưu tiên được dành cho cho chủ nghĩa hiện thựcchủ nghĩa Mác – Lênin; thứ hai, dựa trên định nghĩa cho rằng quan hệ chính trị quốc tế là quan hệ quyền lực giữa các chủ thể tham gia quan hệ quốc tế, luận án xác định, quan hệ trong việc giành, giữ và thực thi quyền lực giữa các chủ thể quan hệ quốc tế là nội dung cơ bản của quan hệ chính trị quốc tế nói chung và quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 nói riêng; thứ ba, luận án sẽ hệ thống hóa các nội dung cơ bản của quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 theo các tuyến quan hệ chủ yếu có khả năng chi phối sự phát triển chung của nền chính trị thế giới. Với những diễn giải nêu trên, loại chủ thể mà luận án tập trung nghiên cứu là các quốc gia-dân tộc, tồn tại trong thời kỳ 1945-1955 theo các nhóm chủ yếu sau: các nước tư bản chủ nghĩa; các nước xã hội chủ nghĩa; các nước thuộc địa.

 

Chương 3.

NỘI DUNG CHÍNH CỦA

QUAN HỆ CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ THỜI KỲ 1945-1955

3.1. Quan hệ trong khối tư bản chủ nghĩa

3.1.1. Cán cân quan hệ quyền lực thay đổi

Điểm nhấn đáng chú ý đầu tiên trong quan hệ chính trị giữa các nước tư bản chủ nghĩa thời hậu thế chiến là sự nổi lên của Mỹ với tư cách là quốc gia lãnh đạo thế giới tư bản chủ nghĩa. Mỹ đã thực hiện đơn phương hoặc cùng các nước tư bản chủ nghĩa lớn khác triển khai một loạt chính sách lớn về kinh tế, chính trị và quân sự. Điều này chứng tỏ, để thực hiện vai trò lãnh đạo khối tư bản chủ nghĩa và vươn lên vị thế siêu cường số một, Mỹ đã chấp nhận không quay lại chủ nghĩa biệt lập truyền thống.

3.1.2. Khuôn khổ quan hệ mới ra đời

Quan hệ chính trị trong thế giới tư bản chủ nghĩa phát triển dựa trên khuôn khổ quan hệ mới – khối tư bản chủ nghĩa. Sự xuất hiện khối tư bản chủ nghĩa do Mỹ đứng đầu khiến quan hệ chính trị giữa các nước tư bản từ đây có tính ràng buộc cao hơn, hiệu quả quan hệ cũng từ đó được cải thiện đáng kể. Khuôn khổ quan hệ này gồm các thành viên tham gia được xác định tương đối rõ ràng, với mục tiêu cao nhất (dù có tuyên bố hay không) là cạnh tranh với khối xã hội chủ nghĩa trong Chiến tranh lạnh.

3.1.3. Quan hệ phát triển theo khuôn khổ mới

3.1.3.1. Về hỗ trợ quá trình thành lập, kiến thiết các quốc gia thân phương Tây

Trước hết, giải quyết vấn đề tại nước Đức có lẽ là mối quan tâm lớn nhất của khối tư bản chủ nghĩa. Cũng tại lục địa châu Âu, hai điểm nóng khác khiến phương Tây hết sức lưu tâm là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Ở một khu vực chiến lược khác là Trung Đông, các nước đứng đầu khối tư bản chủ nghĩa cũng cố gắng thiết lập nền tảng quyền lực vững chắc, thể hiện rõ qua sự can dự vào tình hình nội bộ ở Iran và hỗ trợ thành lập Nhà nước Do Thái Israel. Do hạn chế về tiềm lực của các nước Tây Âu, Mỹ đã chủ động can dự ngày càng sâu vào tình hình chính trị - an ninh tại nhiều quốc gia, khu vực khác (Australia, New Zealand, Philippines, Nhật Bản,...). Mặt khác, Mỹ cũng hỗ trợ các nước thực dân duy trì chế độ thuộc địa bằng viện trợ kinh tế và quân sự để duy trì các chế độ thân tư bản, tiêu biểu là trường hợp Đông Dương. Tuy nhiên, nỗ lực củng cố và mở rộng ảnh hưởng của các nước tư bản không phải là không gặp những trở ngại.

3.1.3.2. Về thành lập các cơ chế hợp tác mới để củng cố sức mạnh của khối tư bản chủ nghĩa

Xét trên phương diện tổng thể, nỗ lực đáng chú ý nhất trong thời gian này chính là sự thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Về phía Tây Âu, sau hệ quả khủng khiếp của hai cuộc thế chiến, các nước ở khu vực này hiểu rõ tầm quan trọng của việc xích lại gần nhau nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn chiến tranh. Cách tiếp cận chức năng được ưu tiên vận dụng, tập trung trước hết ở sự hội nhập khu vực về kinh tế. Song song với những diễn biến tại châu Âu, Mỹ cũng tìm cách củng cố sự ảnh hưởng của mình và hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa tại khu vực Mỹ Latinh. Từ đầu năm 1950, tình hình an ninh tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á có nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự can dự sâu hơn của Mỹ. Nhà Trắng cũng đã thúc đẩy việc thiết lập quan hệ đồng minh song phương, xây dựng các liên minh quân sự mới tại khu vực này. Tuy nhiên, những liên minh này thực tế không hiệu quả như dự tính.

3.1.3.3. Về việc làm suy yếu ảnh hưởng của Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản trong nội khối tư bản chủ nghĩa

Cùng với những hành động nhằm tăng cường sức mạnh của khối tư bản, cạnh tranh trực tiếp hoặc gián tiếp với khối xã hội chủ nghĩa ở những mặt trận khác nhau, các nước tư bản còn ra sức làm suy yếu vai trò, tầm ảnh hưởng của những cá nhân, tổ chức, phong trào có xu hướng ủng hộ Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản trong nội bộ nước mình. Họ vừa tuyên truyền tư tưởng chống chủ nghĩa cộng sản rộng rãi trong thế giới tư bản, vừa sử dụng những kế hoạch chính trị để can dự vào tình hình thực tế nếu cần thiết.

3.2. Quan hệ trong khối xã hội chủ nghĩa

3.2.1. Xây dựng khuôn khổ quan hệ mới

Khác với thế giới tư bản chủ nghĩa, ngay từ đầu, quốc gia có vị thế lớn nhất trong các nước xã hội chủ nghĩa chính là Liên Xô. Vì vậy, sự thành lập khối xã hội chủ nghĩa không diễn ra trên tiền đề chuyển đổi cán cân quyền lực như trường hợp của khối tư bản chủ nghĩa. Trong khi ở thế giới tư bản, Anh cùng một số cường quốc khác vẫn có tiếng nói không nhỏ bên cạnh nước đứng đầu là Mỹ, thì với khối xã hội chủ nghĩa, ít có sự chia sẻ vai trò trong việc lãnh đạo thành lập khối khi Liên Xô có đủ thế và lực để đảm nhận, thực thi gần như toàn bộ trách nhiệm chính yếu trong suốt quá trình. Song song với đó, các nước xã hội chủ nghĩa đã thực hiện những bước đi quan trọng tiếp trong quan hệ chính trị. Bước đầu tiên là ký kết các hiệp ước song phương để thiết lập và củng cố quan hệ. Bước tiếp theo là thành lập các tổ chức quốc tế nội khối để hỗ trợ sự phát triển của từng nước cũng như phong trào cộng sản, công nhân quốc tế trước tình hình mới. Trong mảng quan hệ này, sự ra đời của Cơ quan thông tin Cộng sản (Cominform) và Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV hoặc Comecon) là những điểm nhấn quan trọng nhất.

3.2.2. Quan hệ phát triển theo khuôn khổ mới

Sau khi khuôn khổ quan hệ chính trị mới ra đời, khối xã hội chủ nghĩa ưu tiên việc mở rộng quy mô bằng cách gia tăng thành viên, đáng chú ý là sự tham gia khối xã hội chủ nghĩa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Đức (hoặc Đông Đức), Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoài việc có thêm các thành viên mới như trên, quan hệ chính trị trong khối xã hội chủ nghĩa cũng tiếp tục hướng tới hoàn thiện cơ chế hợp tác nội khối với sự ra đời của Tổ chức Hiệp ước Warsaw. Một mảng quan hệ chính trị quan trọng khác của khối xã hội chủ nghĩa là những nỗ lực nhằm ủng hộ và viện trợ cho cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc, thực dân của các dân tộc thuộc địa và những lực lượng cách mạng, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

3.3. Quan hệ giữa khối xã hội chủ nghĩa và khối tư bản chủ nghĩa

3.3.1. Quan hệ chính trị ở cấp độ hệ thống

Thiết lập trật tự thế giới mới dựa trên hai cực quyền lực là Liên Xô và Mỹ chính là biểu hiện đáng chú ý đầu tiên của quan hệ chính trị giữa hai khối chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản thời hậu chiến. Chiến tranh lạnh bùng nổ là điểm nhấn lớn tiếp theo trong quan hệ chính trị quốc tế giữa hai khối xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa ở cấp độ hệ thống. Giải quyết các vấn đề liên quan tới vũ khí hạt nhân là cũng một điểm nhấn khác trong quan hệ chính trị ở cấp độ này.

3.3.2. Quan hệ chính trị ở những điểm nóng cụ thể

Về các điểm nóng Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran. Đây là những điểm nóng chính trị thể hiện rõ tình trạng xung đột gia tăng giữa Liên Xô và phương Tây ngay trong thời gian đầu hậu thế chiến thứ hai, góp phần trực tiếp dẫn tới Chiến tranh lạnh. Về điểm nóng Đức, sự đối đầu trong việc tranh giành Berlin đa gây ra cuộc khủng hoảng Berlin lần thứ nhất, đánh dấu việc Đức chính thức bùng phát thành điểm nóng đầu tiên sau khi Chiến tranh lạnh bùng nổ. Về điểm nóng Trung Quốc, trước hết, kết quả của cuộc nội chiến Trung Quốc là chất xúc tác trực tiếp làm gia tăng làn sóng chống chủ nghĩa cộng sản trong chính trường Mỹ vào đầu những năm 1950. Đối với quan hệ chính trị quốc tế nói chung, việc nước Trung Quốc mới ra đời cũng mở đường cho sự trở lại và phát triển không ngừng của một cực quyền lực hùng mạnh trong trật tự thế giới. Về điểm nóng bán đảo Triều Tiên, tiếp tục sự mở rộng căng thẳng giữa hai khối từ Tây sang Đông, bán đảo Triều Tiên trở thành địa bàn xung đột mới với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh Triều Tiên.

3.4. Quan hệ giữa các nước thuộc địa với các nước đế quốc, thực dân và các nước xã hội chủ nghĩa

3.4.1. Quan hệ trong vấn đề giải phóng dân tộc

Vai trò của nhiều cường quốc tư bản chủ nghĩa trong mảng quan hệ này trở nên rõ nét ngay từ giai đoạn 1945-1946 với tham vọng tái chiếm các thuộc địa cũ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Tuy nhiên, dù rất cố gắng, nhưng các nước đế quốc không thể tránh khỏi một thực tế rằng, sức mạnh đã suy yếu nhiều của họ sau thế chiến cùng làn sóng đấu tranh mạnh mẽ tại các thuộc địa cũ khiến việc duy trì chính quyền thực dân mạnh theo cách truyền thống dần trở nên bất khả thi. Mặc dù vậy, ở những thuộc địa có vị trí chiến lược, ảnh hưởng lớn tới cục diện cạnh tranh Đông – Tây, diễn biến của cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc vẫn tiếp tục diễn ra đầy khó khăn, phức tạp. Những diễn biến trên đây được thể hiện rõ trong trường hợp bán đảo Đông Đương. Những diễn biến liên quan đến lựa chọn giải pháp kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất thông qua Hội nghị Geneva vào năm 1954 cũng phản ánh một số điểm nhấn lớn trong quan hệ chính trị quốc tế cuối thời kỳ 1945-1955.

3.4.2. Quan hệ trong vấn đề lựa chọn chính sách đối ngoại

Giành được độc lập đã khó, xây dựng quan hệ với thế giới nói chung và với chính các nước từng đô hộ quốc gia mình nói riêng lại càng khó hơn. Tựu trung lại, có ba xu hướng phát triển chính trong chính sách đối ngoại của các nước hậu thực dân là: tham gia trực tiếp hoặc có mối quan hệ thân thiết với khối xã hội chủ nghĩa (trường hợp điển hình là Philippines); tham gia trực tiếp hoặc có mối quan hệ thân thiết với khối tư bản chủ nghĩa (trường hợp điển hình là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa); cố gắng giữ vị thế trung lập, không tham gia vào khối nào (trường hợp điển hình là Ấn Độ, Phong trào không liên kết)

 

Chương 4.

NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

4.1. Một số nhận xét về quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955

4.1.1. Những đặc điểm cơ bản

Thứ nhất, vai trò lấn át của chủ thể quốc gia so với chủ thể phi quốc gia. Thứ hai, giữa các quốc gia tồn tại quan hệ thứ bậc sâu sắc, trong đó quyền lực và vai trò trong quan hệ chính trị quốc tế được tập trung chủ yếu vào các cường quốc, đặc biệt là hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. Thứ ba, các chủ thể tham gia quan hệ chính trị quốc tế chủ yếu bằng phương thức xung đột; phương thức hợp tác có được sử dụng nhưng không mang tính chủ đạo. Thứ tư, vai trò của một số cá nhân trở nên rất nổi bật nhưng vẫn không mang tính quyết định tới nội dung tổng thể của quan hệ chính trị quốc tế. Thứ năm, ý thức hệ là yếu tố rất quan trọng nhưng không thể chi phối hoàn toàn lợi ích quốc gia. Thứ sáu, sự xuất hiện của hệ thống hai cực với trật tự quyền lực tương ứng là nhân tố tác động rất lớn tới quan hệ chính trị quốc tế 1945-1955 ở phương diện tổng thể.

4.1.2. Một số kinh nghiệm phổ biến

Thứ nhất, về chủ thể quan hệ chính trị quốc tế: các siêu cường (nếu có) và cường quốc chủ chốt có khả năng chi phối rất lớn tới quan hệ chính trị quốc tế. Thứ hai, về phương thức tham gia quan hệ chính trị quốc tế: xung đột tồn tại với tư cách là phương thức chủ yếu để các chủ thể tham gia quan hệ chính trị quốc tế. Thứ ba, về nhân tố lợi ích quốc gia: lợi ích quốc gia luôn là mục tiêu cao nhất của các nước khi tham gia quan hệ chính trị quốc tế. Thứ tư, về trật tự thế giới: quan hệ chính trị quốc tế có xu hướng thay đổi theo sự biến động của trật tự quyền lực trong hệ thống quốc tế.

4.2. Một số kiến nghị chính sách

Kiến nghị thứ nhất, cần đánh giá tương đối chính xác, cụ thể sức mạnh tổng hợp quốc gia và vị trí trong trật tự quyền lực thế giới đương đại của Việt Nam. Kiến nghị thứ hai, cần tận dụng cơ hội mở ra trong bối cảnh trật tự quyền lực thế giới đang chuyển đổi để nâng tầm vị thế đất nước. Kiến nghị thứ ba, cần có đối sách cụ thể cho Việt Nam trước sự trỗi dậy mạnh mẽ, thậm chí có khả năng trở thành siêu cường của Trung Quốc.

KẾT LUẬN

Tuy thời kỳ lịch sử 1945-1955 đã được nghiên cứu trên nhiều phương diện khác nhau, nhưng quan hệ chính trị quốc tế trong khoảng thời gian này vẫn là vấn đề cần được tiếp tục luận giải một cách chuyên sâu. Sở dĩ như vậy là bởi, nội dung quan hệ chính trị quốc tế 1945-1955 không chỉ hấp dẫn đối với những nhà chuyên môn, mà còn có nhiều giá trị thực tiễn đối với giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong việc nhận thức về nền chính trị thế giới đương đại đề từ đó hoạch định chính sách đối ngoại phù hợp cho Việt Nam.

Xuất phát từ lý do đó, trong luận án này, tác giả đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể với những kết quả cơ bản thu được như sau:

Thứ nhất, luận án đã tổng hợp, đánh giá các kết quả nghiên cứu nổi bật, từ đó tìm ra những khoảng trống mà đề tài có thể khai thác, cụ thể là: tuy số lượng các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan trực tiếp và gián tiếp tới lý luận quan hệ quốc tế rất phong phú, nhưng lý luận về quan hệ chính trị quốc tế lại chưa được đề cập và quan tâm đúng mức; lịch sử quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ quốc tế trong từng thời kỳ cụ thể đã được nghiên cứu trong nhiều công trình, nhưng số lượng công trình tiếp cận những vấn đề này dưới góc nhìn mới, đặc biệt là chính trị học, lại chưa nhiều hoặc nếu có cũng chưa thể hiện rõ sự khác biệt với cách nhìn truyền thống; quan hệ quốc tế thời kỳ 1945-1955 là vấn đề đã được đề cập tới trong nhiều công trình, nhưng quan hệ chính trị quốc tế trong những năm 1945-1955 là một đề tài mới, chưa có công trình nào trực tiếp nghiên cứu.

Thứ hai, luận án đã xây dựng khung lý thuyết khoa học cho việc phân tích quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955. Theo đó, tác giả đã: đưa ra định nghĩa, xác định nội hàm của những khái niệm cơ bản như quan hệ chính trị, quan hệ quốc tế, quan hệ chính trị quốc tế,…; khảo cứu những lý thuyết lớn, tập trung làm rõ một số lý thuyết có liên quan nhiều tới đối tượng nghiên cứu của luận án; chỉ ra những chủ thể chính và phương thức tham gia quan hệ chính trị quốc tế; xác định những nhân tố tác động chủ yếu tới quan hệ chính trị quốc tế; làm rõ cơ sở xác định nội dung của vấn đề nghiên cứu chính trong luận án.

Thứ ba, tác giả đã phân tích nội dung chính của quan hệ chính trị quốc tế 1945-1955 dựa trên các tuyến quan hệ chủ yếu có khả năng chi phối tổng thể đối với nền chính trị thế giới trong khoảng thời gian đó. Theo hướng này, luận án đã khảo cứu nội dung quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 dựa trên các tuyến quan hệ chính: quan hệ nội khối tư bản chủ nghĩa; quan hệ nội khối xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa khối tư bản chủ nghĩa với khối xã hội chủ nghĩa; quan hệ giữa các nước thuộc địa với các nước đế quốc, thực dân và các nước xã hội chủ nghĩa. Trong mỗi tuyến quan hệ, một số chủ thể sẽ cho thấy vai trò đáng chú ý hơn so với phần còn lại, thậm chí trong một số trường hợp có thể tự mình đưa ra các quyết sách mà chủ thể khác phải tuân theo. Xét sâu vào từng tuyến quan hệ, luận án đã bám sát sự vận động của quan hệ quyền lực giữa các chủ thể có liên quan, từ đó khái quát thành một số vấn đề lớn và sắp xếp chúng theo một trật tự nhất định, tùy thuộc vào đặc điểm riêng của từng tuyến.

Thứ tư, luận án đã sử dụng khung lý thuyết và các kết quả nghiên cứu thu được để đánh giá khái quát về quan hệ chính trị quốc tế 1945-1955, từ đó khẳng định một số kinh nghiệm phổ biến trong quan hệ chính trị quốc tế. Tác giả hiểu rằng, việc khẳng định chính xác đâu là một quy luật của quan hệ chính trị quốc tế là bài toán không dễ tìm ra lời giải bởi tính phức tạp, biến đổi không ngừng của đời sống chính trị thế giới. Mặt khác, cố gắng rút ra một quy luật chung nào đó cho quan hệ chính trị quốc tế chỉ từ việc nghiên cứu một thời kỳ lịch sử nhất định, như những năm 1945-1955, có thể dẫn tới sự ngộ nhận, đánh giá sai lầm. Vì vậy, kết hợp giữa việc khảo cứu sự phát triển của quan hệ chính trị quốc tế từ khi bắt đầu tới hiện nay, luận án đã tổng kết một số (chứ không phải tất cả) kinh nghiệm mang tính phổ biến của quan hệ chính trị quốc tế, phân loại chúng theo khung lý thuyết của luận án, sử dụng những kết quả thu được để khẳng định tính thuyết phục của chúng.

Thứ năm, luận án đã đề xuất một số kiến nghị chính sách mang tính gợi mở cho việc nghiên cứu, hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam. Những kiến nghị này liên quan tới việc xác định rõ sức mạnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tận dụng thời cơ để giúp Việt Nam đạt được những bước tiến mới trong quá trình phát triển, có một chính sách phù hợp giúp Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tác giả đã sử dụng kết quả nghiên cứu về quan hệ chính trị quốc tế thời kỳ 1945-1955 cũng như các cứ liệu thực tiễn, cập nhật để làm cơ sở cho những khuyến nghị đó.

Dù đã cố gắng, nhưng do tính mới và phức tạp của vấn đề, kết quả nghiên cứu của luận án khó lòng tránh khỏi thiếu sót. Mặc dù vậy, tác giả vẫn hy vọng rằng, luận án này sẽ có đóng góp tích cực vào lĩnh vực nghiên cứu quan hệ chính trị quốc tế cũng như công tác hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam, hướng tới nâng cao thế và lực của đất nước trên trường quốc tế thời gian tới..

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA

TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN

 

  1. Trần Thọ Quang, Phùng Chí Kiên (2020), “Luận bàn về khái niệm quan hệ chính trị quốc tế”, Nghiên cứu Châu Phi & Trung Đông 01(173, tháng 1/2020), tr. 19-27.
  2. Phùng Chí Kiên (2020), “Quan hệ giữa các cường quốc tác động đến việc giành chính quyền của Việt Nam tháng Tám năm 1945”, Giáo dục Lý luận 306 (4/2020), tr. 50-55.

Tác giả: ussh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây