Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Nghiên cứu khoa học

Các hướng nghiên cứu chính

Trong nghiên cứu khoa học, Khoa Lịch sử lấy khoa học cơ bản làm nền tảng và trước hết để phục vụ cho việc biên soạn giáo trình, bài giảng, nâng cao chất lượng đào tạo. Khoa đã tìm mọi cách mở rộng diện nghiên cứu và phục vụ nhu cầu xã hội, kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng. Đề tài nghiên cứu khoa học vì thế đã được mở ra trên tất cả các lĩnh vực của sử học. Một vấn đề chiến lược được Khoa Lịch sử xác định ngay từ đầu là kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trên tinh thần đó, hoạt động nghiên cứu khoa học được các cán bộ trong Khoa xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Với truyền thống hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Khoa Lịch sử luôn là một đơn vị có bề dày thành tích nghiên cứu khoa học. Hàng năm, bình quân đội ngũ cán bộ Khoa Lịch sử công bố khoảng hơn 100 bài báo, bài báo khoa học đăng trên các tạp chí, các hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước; trung bình mỗi cán bộ đã công bố 3 bài nghiên cứu/năm. Hàng năm, có khoảng trên 10 đầu sách chuyên khảo, sách giáo trình được xuất bản mà tác giả, chủ biên là cán bộ Khoa Lịch sử. Phần lớn cán bộ trong Khoa đã trực tiếp chủ trì, chủ nhiệm hoặc tham gia nhiều đề tài, đề án khoa học các cấp từ cấp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho đến những đề tài trọng điểm cấp Đại học Quốc gia, cấp Nhà nước (bình quân khoảng 10 đề tài/năm).

Những thành tựu nghiên cứu khoa học của các cán bộ trong Khoa được ghi nhận qua các giải thưởng trong nước và quốc tế. Các giáo sư Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh, Trần Văn Giầu, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh; giáo sư Phan Huy Lê được nhận Giải thưởng Văn hoá châu Á Fukuoka của Nhật Bản; các giáo sư Phan Đại Doãn, Phan Hữu Dật, Nguyễn Thừa Hỷ, Phan Huy Lê được nhận Giải thưởng Nhà nước; các giáo sư Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Phạm Thị Tâm được nhận giải thưởng công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội...

Định hướng nghiên cứu của Khoa Lịch sử trong thời gian hiện nay và sắp tới sẽ tập trung vào các chủ đề:

  • Về lịch sử vùng đất Trung Bộ và Nam Bộ.
  • Về đô thị và quá trình đô thị hoá ở Việt Nam.
  • Về các vùng văn hoá, các không gian văn hoá và mối giao lưu văn hoá trong nước và quốc tế.
  • Về các mối quan hệ và quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
  • Về mối quan hệ quốc tế, quá trình hội nhập và con đường phát triển đặc thù của Việt Nam.
  • Về thương mại biển và bang giao châu Á, mô hình và con đường phát triển của các quốc gia châu Á.

Các đề tài, dự án tiêu biểu đang thực hiện

  • Đề tài cấp Nhà nước: chủ nhiệm/chủ biên/đồng chủ biên 15 đề tài thuộc Đề án Lịch sử Việt Nam.
  • Đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội: chủ trì 5 đề tài.
  • Đề tài hợp tác với các địa phương: chủ trì 01 đề án thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến Giai đoạn II; chủ trì 01 đề tài hợp tác với huyện Đông Triều, Quảng Ninh.
  • Đề tài quốc tế: chủ trì 01 đề tài được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu Hàn Quốc (Korean Studies Grant-Korea) và 01 đề tài phối hợp nghiên cứu được tài trợ bởi Quỹ SEASREP.

Tác giả: ussh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây