Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Lời giới thiệu Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn tập 2, số 1 năm 2016

Lời giới thiệu Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn tập 2, số 1 năm 2016

Trên tay quý độc giả là tập 2 số 1, Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, với 09 bài nghiên cứu 01 bài điểm sách và các thông tin khoa học, với sự tham gia của 12 tác giả, trong đó có 2 tác giả từ Thái Lan và Hoa Kỳ. Các bài viết được lựa chọn trong ấn phẩm này được các phản biện đánh giá là những hướng nghiên cứu mới, hoặc những cách tiếp cận mới cần được giới thiệu nhằm tạo ra những xu hướng nghiên cứu đa chiều trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hiện nay.

Ở bài viết đầu tiên, các tác giả Lại Quốc Khánh và Phan Duy Anh đi vào phân tích triết lý Hồ Chí Minh ở góc độ cấu trúc, đặc điểm và giá trị, kết quả nghiên cứu đã khẳng định giá trị triết lý chính trị Hồ Chí Minh là một tài sản tinh thần quý báu của dân tộc, cần tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển, xem đó là cơ sở để đẩy mạnh quá trình đổi mới chính trị ở Việt Nam hiện nay. Ở bài tiếp theo, tác giả Nguyễn Ngọc Hường từ những quan sát về sự phát triển công tác xã hội bệnh viện trên thế giới đã đề xuất một số định hướng phát triển lĩnh vực chuyên môn này phù hợp với thực tiễn xã hội của Việt Nam. Ở bài viết thứ ba, nghiên cứu về lòng tin xã hội được tác giả Nguyễn Quý Thanh tập trung phân tích từ góc độ giới đã tiến hành phân tích dữ liệu hiện đại trong nghiên cứu xã hội, qua đó khẳng định rằng nữ giới trong các mối quan hệ thường được tin và có được lòng tin xã hội hơn nam giới. Tác giả Phan Hữu Dật trình bày quan điểm cần quay trở lại vấn đề văn hóa Nam Á trong các nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay, đặc biệt là các nghiên cứu liên quan đến tộc người, khu vực học. Bài viết thứ năm trong ấn phẩm lần này của Pisit Amnuayngerntra trình bày về quá trình hình thành và phát triển cộng đồng người Việt ở Thái Lan nói chung, tỉnh Udonthani nói riêng.

Nghiên cứu của Trần Thành Nam và Nguyễn Thị Minh Phú đề cập đến khía cạnh thái độ, chuẩn mực cá nhân, dự định và hành vi sexting qua nghiên cứu sinh viên và học sinh THCS từ góc độ tâm lý học. Đây là một hướng nghiên cứu mới và có nội dung nghiên cứu phong phú. Ở khía cạnh xã hội học tôn giáo, Trần Thị Phương Anh đã nghiên cứu vấn đề đạo Tin Lành của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thông qua mối quan hệ giữa lợi ích, bối cảnh sống và niềm tin tôn giáo, qua đó đã cung cấp những cứ liệu về “những chỉ số niềm tin” tôn giáo của người dân tộc thiểu số và một số hệ luận liên quan đến chính sách tôn giáo ở Tây Nguyên. Tác giả Trần Văn Kham từ cách tiếp cận về trải nghiệm xã hội, đã có cách nhìn về những rào cản mà trẻ khuyết tật vận động gặp phải trong quá trình học tập tại trường học, qua đó chỉ ra những định hướng trợ giúp công tác xã hội đến nhóm đối tượng này. Ở bài nghiên cứu cuối cùng, Vũ Anh Thư đã đề cập đến sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực Mỹ La tinh và Caribê. Sự hiện diện này không chỉ liên quan đến kinh tế, mà còn thể hiện những tham vọng khác của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng chính trị ở khu vực này. 

Ban Biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn xin trân trọng gửi lời cám ơn tới các nhà khoa học đã tham gia gửi bài, phản biện cho Tạp chí trong thời gian qua, và mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp của các nhà khoa học đối với Tạp chí trong thời gian tới. Dự kiến Tập 2 số 2 của Tạp chí (bằng tiếng Anh) sẽ được giới thiệu với Quý độc giả vào cuối tháng 4 năm 2016.

Xem mục lục và đường link các bài viết tại đây 

Tác giả: Ban biên tập Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây