Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Một người thầy mẫu mực, một nhà khoa học lớn

Trong quá trình phấn đấu và trưởng thành trên con đường khoa học, mỗi người có một hoàn cảnh riêng và một cách đi riêng. Với GS. Lê Quang Thiêm, con đường khoa học mà ông đã lựa chọn tuy gặp không ít gian truân nhưng đã đưa ông đến đỉnh cao của vinh quang. Ông là một trong những người thầy không những có trình độ chuyên môn uyên thâm mà còn có những tri thức liên ngành sâu sắc, xứng đáng là tấm gương cho thế hệ sau học tập về tinh thần lao động bền bỉ, kiên trì và tình yêu nghề nghiệp.
Một người thầy mẫu mực, một nhà khoa học lớn

Sự nghiệp nghiên cứu ngôn ngữ học của GS.TS. Lê Quang Thiêm tập trung vào ba lĩnh vực chủ yếu: Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ; Nghiên cứu lịch sử phát triển từ vựng và sự phát triển ngữ nghĩa tiếng Việt; Nghiên cứu ngữ nghĩa học.

Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ xuất hiện trong ngôn ngữ học từ rất lâu. Ngôn ngữ học đối chiếu đã trở thành một phân ngành phát triển mạnh trong ngôn ngữ học hiện đại, vì nó đáp ứng những đòi hỏi của lí luận ngôn ngữ học trong giai đoạn mới, đồng thời nó cho phép đưa những tri thức ngôn ngữ học vào những ứng dụng rộng rãi, thiết thực. Công trình Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ (xuất bản lần đầu tiên năm 1989, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp) của GS. Lê Quang Thiêm là công trình lần đầu tiên nghiên cứu toàn diện, sâu sắc ngôn ngữ học đối chiếu. Cuốn sách giới thiệu một cách có hệ thống những kiến thức đại cương, những hiểu biết chung về lịch sử nghiên cứu và những tiền đề lí luận của ngôn ngữ học đối chiếu với tư cách là một phân ngành khoa học độc lập, đồng thời nghiên cứu đối chiếu một số bình diện của các cấp độ ngôn ngữ: nghiên cứu đối chiếu nguyên âm, phụ âm, âm tiết và hiện tượng ngôn điệu Việt - Anh; nghiên cứu đối chiếu hình vị về phương diện cấu tạo và hoạt động; nghiên cứu đối chiếu câu về khuôn hình câu, thành phần câu, câu nghi vấn và câu phủ định Việt Anh; nghiên cứu đối chiếu bình diện từ và bình diện nghĩa, từ đó tập trung nghiên cứu hiện tượng đồng âm, hiện tượng đa nghĩa và những tương đồng ngữ nghĩa ở các ngôn ngữ.

Trên cơ sở am hiểu sâu sắc những tri thức của ngôn ngữ học đại cương, tiếp thu những thành tựu của ngôn ngữ học đối chiếu trên thế giới, GS. Lê Quang Thiêm đã vận dụng rất hiệu quả vào khảo sát, nghiên cứu những vấn đề cụ thể của ngôn ngữ học đối chiếu. Vì vậy những nội dung nghiên cứu trong cuốn sách này đã cập nhật, bắt kịp các thông tin khoa học về ngôn ngữ học đối chiếu trên thế giới để vận dụng một cách sáng tạo và có hiệu quả vào nghiên cứu những vấn đề đặc thù của tiếng Việt trong sự đối chiếu với các ngôn ngữ khác. Công trình này đã đặt nền móng cho phân ngành ngôn ngữ học đối chiếu ở Việt Nam và GS. Lê Quang Thiêm đã trở thành một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Lê Quang Thiêm. 

Ông là Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (1985-1987); Bí Thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1988-1990); Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1988-1992); Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam (2006-nay).

 Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt vốn là một hệ thống rất to lớn, hết sức phức tạp và có một lịch sử rất lâu đời. Cuốn sách Lịch sử từ vựng tiếng Việt thời kì 1858 - 1945 do GS. Lê Quang Thiêm biên soạn là một công trình Việt ngữ học đầu tiên nghiên cứu hệ thống, cơ bản nhất về sự phát triển từ vựng tiếng Việt trong khoảng thời gian từ 1858 - 1945, một giai đoạn hết sức đặc biệt của lịch sử Việt Nam kể từ khi Pháp xâm lược Việt Nam cho đến Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Giai đoạn lịch sử này đã ảnh hưởng và phản ánh đặc biệt rõ nét trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. GS. Lê Quang Thiêm đã đi sâu miêu tả, phân tích toàn bộ diện mạo và sự phát triển của tiếng Việt trên bình diện từ vựng - ngữ nghĩa qua một hệ thống phong phú, đa dạng các cứ liệu xét cả ở bình diện đồng đại và lịch đại. Việc nghiên cứu lịch sử từ vựng tiếng Việt trong thời kì gần 100 năm được GS. Lê Quang Thiêm mô tả, phân tích qua các sự kiện ngôn ngữ trong thế tương phản giữa đồng đại nhất nguyên và đồng đại động. Đây là cách tiếp cận vừa khoa học lại vừa khéo léo: với một đối tượng phức tạp, quá nhiều bình diện quan hệ, nhân tố liên quan chi phối như hệ thống từ vựng - ngữ nghĩa, thì việc chọn một bình diện, một khía cạnh trong hệ thống ấy để khảo sát, để phân tích, để nghiên cứu qua các cứ liệu ngôn ngữ, sự kiện ngôn ngữ cụ thể là đã làm cho công trình này trở nên rất có giá trị về lí luận và thực tiễn. Khảo sát lịch sử từ vựng qua một chuỗi các sự kiện đã làm nên giá trị cao của công trình này.

 Là một công trình độc lập, Sự phát triển nghĩa từ vựng tiếng Việt từ 1945 đến 2005 do GS.TS.NGND Lê Quang Thiêm biên soạn (Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015) mặc dù nối dài sự nghiên cứu lịch sử từ vựng tiếng Việt nhưng lại đào sâu vào địa hạt ngữ nghĩa từ vựng tiếng Việt. Xuất phát từ quan điểm đồng đại, sự phát triển của hệ thống ngữ nghĩa từ vựng tiếng Việt trong vòng 60 năm qua được khảo sát, nghiên cứu và phân tích với tư cách là một hệ thống động được hình thành "nhờ hoạt động chức năng", được khảo sát cả ở tầm vĩ mô theo chiều hướng có tính chất khái quát cho toàn bộ hệ thống nghĩa từ vựng tiếng Việt lẫn ở tầm vi mô từ tầng nghĩa trí tuệ đến tầng nghĩa thực tiễn và tầng nghĩa biểu trưng. Nghiên cứu sự phát triển nghĩa từ vựng tiếng Việt trong cơ chế động, GS. Lê Quang Thiêm đã phân xuất hệ thống chung nghĩa từ vựng thành các hệ thống con với những đơn vị cơ sở theo tầng bậc từ cao đến thấp trong các trường tầng nghĩa khác nhau. Nhờ đó, vấn đề nghĩa từ vựng của từ, một vấn đề vốn rất trừu tượng và phức tạp, đã được GS. Lê Quang Thiêm thể hiện cụ thể hơn, rõ ràng hơn, đặc biệt là sâu sắc hơn và hợp lô gic hơn. Những miêu tả và phân tích nghĩa từ vừa bao quát một thời kì rộng, vừa tỉ mỉ, sâu sắc ở các trường hợp nghiên cứu sự biến đổi trường tầng nghĩa thực tiễn sau năm 1945; nghiên cứu đặc trưng các trường tầng nghĩa trí tuệ qua những mô tả, phân tích cụ thể sự phát triển nghĩa trong một số hệ thống thuật ngữ khoa học, là những kết quả nghiên cứu rất mới, rất riêng của GS. Lê Quang Thiêm về sự phát triển nghĩa từ vựng tiếng Việt trong 60 năm qua. Cái riêng, cái mới có được trong nghiên cứu bình diện ngữ nghĩa các đơn vị từ vựng của GS. Lê Quang Thiêm bắt nguồn từ cách tiếp cận động trong nghiên cứu nghĩa, nhưng quan trọng hơn chính là từ sự chuyển hướng lí luận, chuyển quan điểm về nội dung khái niệm hệ thống nghĩa. Nghĩa của từ là một trong những vấn đề quan trọng nhất của ngôn ngữ học, vì thế xung quanh vấn đề này có hai khuynh hướng kiến giải khác nhau: a. Cho nghĩa từ là một bản thể nào đó; b. Cho nghĩa từ là một quan hệ nào đó. Là mặt được biểu hiện (mặt nội dung) của tín hiệu ngôn ngữ, nghĩa được GS. Lê Quang Thiêm coi là một thực thể tinh thần trừu tượng tồn tại trong mọi biểu hiện, cấp độ của ngôn ngữ để ngôn ngữ thực hiện chức năng công cụ giao tiếp và tư duy cũng như mọi loại chức năng cụ thể đa dạng khác, đặc biệt là trong lời nói, trong văn bản, diễn ngôn: "Nghĩa là một thực thể tinh thần tức là một hình thức do con người và bởi con người cấu tạo, sử dụng ngôn ngữ như một loại phương tiện, công cụ nên quan điểm chức năng phải được xem là nòng cốt trung tâm của kiến giải nghĩa". Là một sản phẩm của hoạt động tư duy của con người, trong quan niệm của GS. Lê Quang Thiêm, nghĩa luôn gắn liền với quá trình nhận thức của con người. Sự hình thành nghĩa của từ đóng vai trò tối quan trọng trong hoạt động nhận thức của con người. Nói đến nghĩa là nói đến tri thức, sự hiểu biết, đến các nội dung cảm nhận, phản ánh thế giới trong nhận thức của con người được biểu đạt trong kí hiệu từ ngữ trong thế giới ngôn từ. Vì vậy bình diện nghĩa cũng phản ánh qua từ vựng những đặc điểm văn hóa tinh thần của dân tộc sử dụng ngôn ngữ.

Quan điểm động về nghiên cứu nghĩa, sự chuyển hướng lí luận, chuyển quan điểm về hệ thống nội dung khái niệm nghĩa như trên đã được GS. Lê Quang Thiêm trình bày rõ ràng trong công trình Ngữ nghĩa học (đã được in thành sách năm 2008, Nxb. Giáo dục). Công trình khoa học này đã đánh dấu một bước phát triển mới, một cách tiếp cận mới, một quan điểm mới trong nghiên cứu ngữ nghĩa học nói chung và nghĩa học từ vựng tiếng Việt nói riêng.

Riêng hai công trình Lịch sử từ vựng tiếng Việt thời kì 1858 - 1945Sự phát triển nghĩa từ vựng tiếng Việt từ 1945 đến 2005, GS. Lê Quang Thiêm đã hoàn thành một sự khảo sát lịch sử của một thời kì dài gần 150 năm (từ 1858 - 2005) về từ vựng và nghĩa từ vựng tiếng Việt trên một khối ngữ liệu đồ sộ chưa từng có tromg lịch sử phát triển tiếng Việt. Công trình đã đặt một mốc son trên con đường nghiên cứu lịch sử tiếng Việt. Hai công trình khoa học này của GS. Lê Quang Thiêm là mẫu mực về cách tiếp cận cả chiều rộng lẫn chiều sâu đối tượng nghiên cứu, cách khai thác tư liệu, cách giải quyết vấn đề để có được những kết quả nghiên cứu toàn diện và sâu sắc về một đối tượng phức tạp, đa dạng - lịch sử từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt hiện đại.

 Là thế hệ học trò những lứa đầu tiên của GS.Lê Quang Thiêm, chúng tôi biết thầy từ những thập niên 70 của thế kỉ trước, khi là sinh viên khóa 14 (1969 - 1973), Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngày đó, thầy làm chủ nhiệm lớp Ngữ chúng tôi. Tuy còn trẻ nhưng thầy có phong cách rất đĩnh đạc và đặc biệt rất nghiêm khắc. Từ đó đến nay, đã gần nửa thế kỉ trôi qua, GS.TS.NGND Lê Quang Thiêm đã đào tạo bao thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh ngành Ngôn ngữ học trong nước và cả nước ngoài. Là người được đào tạo rất bài bản ở nước ngoài, có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực ngôn ngữ học đối chiếu, từ vựng - ngữ nghĩa học nên những bài giảng, những chuyên đề của thầy đã cung cấp một hệ thống kiến thức sâu, toàn diện cho người học. Nhiều học viên cao học, nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ về từ vựng - ngữ nghĩa và ngôn ngữ học đối chiếu dưới sự hướng dẫn một cách bài bản và khoa học của GS. Lê Quang Thiêm, người thầy uyên bác trong lĩnh vực chuyên môn, mẫu mực trong địa hạt sư phạm. Nhiều thế hệ học trò của thầy đã ra trường, đã trưởng thành trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy ngôn ngữ học. Thầy đã truyền thụ kiến thức chuyên môn cho họ, dạy họ nghệ thuật sống, cách ứng xử trong cuộc đời.

Cũng muốn nói thêm rằng, có một mảng đề tài, mảng tri thức hợp với phong thái của thầy là văn hóa. Tiếc là tôi không có dịp đọc kĩ, hệ thống nên không ghi lại hiểu biết tường tận ở đây. Tôi nhận thấy dường như ở đâu, hoàn cảnh cụ thể nào khi tìm hiểu ngôn ngữ học thầy cũng quan tâm tìm hiểu văn hóa. Trong các công trình của thầy luôn có liên hệ, chú ý đến văn hóa trong ngôn ngữ, với ngôn ngữ. Khi có Thập kỉ văn hóa thế giới do Liên hợp quốc phát động (1987 - 1996), thầy cùng với một số giáo sư lão thành: Trần Đình Hượu, Nguyễn Kim Đính, Thành Duy công bố cuốn Văn hóa với sự phát triển của xã hội Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa (Nxb. Chính trị Quốc gia, 1998) do thầy làm chủ biên. Khi thầy đi làm giáo sư thỉnh giảng ở Paris VII và đi nghiên cứu mấy tháng theo lời mời của Quỹ Hàn quốc ở Seoul, Korea về, thầy công bố cuốn Văn hóa văn minh và yếu tố văn hóa truyền thống Hàn (Nxb. Văn học, 1998, tái bản 2005, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội). Thầy cũng chủ biên cuốn Dân tộc Bru - Vân Kiều, thực trạng và giải pháp phát triển bền vững (Nxb. Nông nghiệp, 1997); đồng thời cùng tham gia công bố như là đồng tác giả cuốn Nhân cách văn hóa trong bảng giá trị Việt Nam (Nxb. Khoa học xã hội, 1993), Chân thiện mỹ - Sự thống nhất và đa dạng trong văn hóa nghệ thuật (Nxb. Khoa học xã hội, 1994),...

 Với các thế hệ học trò, thầy mãi là tấm gương sáng về tinh thần lao động và sáng tạo khoa học không ngừng nghỉ, về lòng nhân ái của người thầy. Chính thầy đã truyền ngọn lửa nhiệt tình, say mê nghiên cứu khoa học, ngọn lửa về tình yêu con người, tình yêu đất nước cho nhiều thế hệ học trò.

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO NHÂN DÂN LÊ QUANG THIÊM

  • Năm sinh: 1940.
  • Quê quán: Quảng Trị.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) năm 1966.
  • Nhận bằng Tiến sỹ chuyên ngành Ngôn ngữ học tại Bungari năm 1979.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư năm 1991.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 1996.
  • Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2000.
  • Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2005.
  • Thời gian công tác tại trường: 1966-2005.

+ Đơn vị công tác:

Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1966-1988).

Trung tâm Châu Á - Thái Bình Dương, Trường ĐHKHXH&NV (1994-1997).

Khoa Đông phương học, Trường ĐHKHXH&NV (1997-2005).

Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH&NV (2005-2010).

+ Chức vụ quản lý:

Phó Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (1984-1985).

Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn (1985-1987).

Bí Thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1988-1990).

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1988-1992).

Chủ nhiệm Bộ môn Hàn Quốc học (Khoa Đông phương học) (1997-2005).

Chủ nhiệm Bộ môn Ngôn ngữ học đối chiếu (Khoa Ngôn ngữ học) (1996-2010).

Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam (2006-nay).

  • Các hướng nghiên cứu chính: Ngôn ngữ học đối chiếu; Lịch sử và sự phát triển từ vựng ngữ nghĩa (thời cận hiện đại); Ngữ nghĩa học; Văn hóa và sự phát triển xã hội (văn hóa Việt Nam và văn hóa khu vực); Văn hóa và văn hóa nhân cách.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Nghiên cứu đối chiếu các ngôn ngữ, 1989, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tái bản tại NXB ĐHQG, Hà Nội, 2004.

Lịch sử từ vựng tiếng Việt 1858-1945, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003.

Sự phát triển ngữ nghĩa từ vựng tiếng Việt 1945-2005, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội, 2014.

Ngữ nghĩa học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2008.

Khái niệm văn hóa văn minh và văn hóa truyền thống Hàn, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội, 2006.

Tác giả: PGS.TS Hà Quang Năng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây