Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


PGS.NGƯT Bùi Thanh Quất - nhà nghiên cứu sâu sắc và nhà giáo tận tâm với nghề

Về hoạt động khoa học, các vấn đề mà PGS. Bùi Thanh Quất nghiên cứu đều rất phong phú, đa dạng. Ông quan tâm, chú ý đến nhiều vấn đề khác nhau của khoa học xã hội nhân văn. Có thể tóm gọn những chuyên ngành chính mà PGS Bùi Thanh Quất dốc công nghiên cứu trong bốn nhóm vấn đề chính, đó là: Logic học và phương pháp, Chính trị học và triết học chính trị, Lịch sử triết học, các vấn đề của Triết học Văn hóa.
PGS.NGƯT Bùi Thanh Quất - nhà nghiên cứu sâu sắc và nhà giáo tận tâm với nghề

PGS. NGƯT Bùi Thanh Quất sinh năm 1941 tại Thái Bình. Từ năm 1959 đến năm 1964, ông học đại học ngành Triết học tại Đại học Lomonosov - một trong những trường đại học danh tiếng của Liên Xô cũ, nay thuộc Liên bang Nga. Trong giai đoạn 1985-1986, PGS. Bùi Thanh Quất thực tập chuyên môn tại một số trường đại học của Tiệp Khắc. Từ năm 1996 đến năm 1998, PGS. Bùi Thanh Quất học chương trình chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Trước khi là giảng viên chính thức khoa Triết học, ông đã từng có những năm tháng giảng dạy tại khoa Ngữ Văn và một vài khoa khác trong trường, môn Lô gich học. Tôi từng nghe một số đồng nghiệp khoa Văn, ngày ấy là học trò cũ của ông nhắc lại những kỉ niệm về PGS Bùi Thanh Quất của một thời. Ngày ấy, ông là một giảng viên trẻ, sôi nổi, nhiệt tình và có một  phong cách giảng dạy rất ấn tượng. Phải đến năm 1979, ông mới chính thức là giảng viên của khoa Triết học.

Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Bùi Thanh Quất/Ảnh: Thành Long

Ngay từ những ngày đầu tiên thành lập Khoa Triết học, PGS. Bùi Thanh Quất đã đảm nhiệm vai trò Phó chủ nhiệm Khoa, ông là người đóng góp rất nhiều cho sự hình thành và phát triển những hướng nghiên cứu chính của Khoa từ lúc mới thành lập cho đến khi trưởng thành, lớn mạnh như bây giờ. Đến năm 1996, khi chính thức trở thành  Chủ nhiệm Khoa Triết học (1996-2000), ông đã cùng với một số đồng nghiệp, nhà khoa học trong khoa bắt tay xây dựng một khung chương trình đào tạo khoa học và bài bản. Có thể khẳng định, khoa Triết học có được sự trưởng thành vững mạnh như bây giờ, công lao của PGS Bùi Thanh Quất, GS Nguyễn Hữu Vui, cùng một số các thầy cô giáo khác thuộc thế hệ đầu tiên của khoa, thực sự rất lớn. Trong khoảng thời gian từ năm 1979 đến nay, khoa Triết học đã thực sự lớn mạnh, trở thành một trong những trung tâm đào tạo triết học có uy tín bậc nhất trong nước và được giới triết học nước ngoài biết đến. Công lao dựng xây ấy tất nhiên là của tất cả mọi người, nhưng trong cương vị là một nhà quản lý, chủ nhiệm Khoa Triết học thời kỳ đầu, vai trò của PGS. Bùi Thanh Quất là rất lớn. Ông không chỉ để lại dấu ấn thực sự trong việc phát triển Bộ môn Logic học trở thành một bộ môn mạnh trong giới học thuật ở lĩnh vực này, mà còn có công rất lớn trong việc thành lập Bộ môn Quản lý xã hội (1995), sau này được tách ra thành Khoa Khoa học Quản lý, đang phát triển rất mạnh trong trường hiện nay. Giai đoạn 1990  - 2000 là thời kỳ có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội và có nhiều sự kiện ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo và nghiên cứu triết học tại Khoa Triết học. Sau năm 1990, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, trước tình hình đó, để đáp ứng được với nhu cầu thực tiễn của xã hội và đất nước, công tác đào tạo và nghiên cứu triết học của Khoa cũng có những thay đổi kịp thời và tích cực. Năm 1993, Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập, đến năm 1995, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng chính thức ra đời. Ở thời điểm đó, các cấp lãnh đạo nhận thức rất rõ tầm quan trọng của khoa học triết học,với vai trò chìa khóa của các ngành khoa học, đăc biệt là khoa học xã hội. Nhờ thế, khoa Triết học nhận được sự quan tâm, đầu tư đáng kể từ Đại học Quốc gia và Nhà trường. Trong bối cảnh đó, đội ngũ cán bộ Khoa Triết học đã biết phát huy những điều kiện khách quan thuận lợi, đoàn kết, dân chủ, phấn đấu không ngừng để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định vị thế của một Khoa lớn và có truyền thống trong trường. Trong những thành quả này, công lao và sự đóng góp của PGS. Bùi Thanh Quất đối với Khoa Triết học là cực kỳ to lớn.

PGS. Bùi Thanh Quất không chỉ được xem là một nhà quản lý có tầm nhìn mà còn là một nhà nghiên cứu sâu sắc, một nhà giáo tận tâm với nghề. Ông là thầy dạy, là người hướng dẫn khoa học của rất nhiều thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, trong số đó, nhiều người đã và đang nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau và có những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục triết học như: Nguyễn Văn Vĩnh (bảo vệ TS năm 1996, hiện là Phó viện trưởng Viện chính trị học, Học viện chính trị Quốc gia HCM), Vũ Thiện Vương (bảo vệ TS năm 2001, giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân), Nguyễn Thúy Vân (bảo vệ TS năm 2001, nguyên là Chủ nhiệm Khoa Triết học giai đoạn 2008- 2015, Trường ĐHKHXH&NV HN), Trần Thị Ngọc Anh (bảo vệ TS năm 2004, nay là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội), Nguyễn Thanh Tân (bảo vệ TS năm 2005, giảng viên Đại học Huế), Lương Thùy Liên (bảo vệ TS năm 2009, khoa Triết học, ĐH KHXH và NV), Trần Ngọc Liêu (bảo vệ TS năm 2010, nay là Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐHKHXH &NV)...Đó là niềm tự hào của một người thầy trong những năm tháng giảng dạy và nghiên cứu.

Ảnh: Thành Long

Về hoạt động khoa học, các vấn đề mà PGS. Bùi Thanh Quất nghiên cứu đều rất phong phú, đa dạng. Ông quan tâm, chú ý đến nhiều vấn đề khác nhau của khoa học xã hội nhân văn. Có thể tóm gọn những chuyên ngành chính mà PGS Bùi Thanh Quất dốc công nghiên cứu trong bốn nhóm vấn đề chính, đó là: Logic học và phương pháp, Chính trị học và triết học chính trị, Lịch sử triết học, các vấn đề của Triết học Văn hóa.

Trong mảng Logic học và Phương pháp, PGS. Bùi Thanh Quất là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu và phát triển ngành này. Ông đã xuất bản nhiều công trình có giá trị về Logic học hình thức và logic học biện chứng, trong số này có những công trình được lấy làm giáo trình cơ bản phục vụ cho công tác giảng dạy của khoa nhiều năm nây như Logic học hình thức (xuất bản năm 1994). Nhiều công trình và các bài báo khác của ông cũng nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của các nhà nghiên cứu, sinh viên và các bạn bè đồng nghiệp. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu:  : Lão Tử và triết học phương Tây (viết chung, Tạp chí Thông tin Lí luận, số 7/2000); Lịch sử triết học (đồng chủ biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999, tái bản 2000, 2001); Đạo Lão và Triết học cổ điển Đức (viết chung) (Đạo gia và Văn hoá, Trung tâm Trung Quốc); Lịch sử triết học (viết chung) (Nxb Chính trị Quốc gia, 1999); Về đối tượng, phương pháp nghiên cứu và đặc điểm của lôgíc học biện chứng (viết chung) (Tạp chí Triết học, số 7/2001); Khái niệm với tính cách một vấn đề triết học (Tạp chí Triết học, số 6/1997); Tư duy triết học với việc giảng dạy lịch sử triết học ở Việt Nam (Kỉ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế “Triết học cổ điển Đức: Những vấn đề nhận thức luận và đạo đức học”. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006) v.v…

Các chủ đề về Chính trị học và triết học chính trị cũng được PGS. Bùi Thanh Quất chú trọng nghiên cứu. Nổi bật có các công trình như: Suy nghĩ thêm về“Quyền lực chính trị” như một phạm trù khoa học (Tạp chí Triết học, số 5/1996); Một số quan điểm chính trị Khổng học với sự phát triển ở Việt Nam (viết chung) (Tạp chí Triết học, số 1/2000); Nhân quyền – một vấn đề chính trị và việc giải quyết vấn đề nhân quyền ở Việt Nam hiện nay (viết chung, Tạp chí Thông tin Chính trị học, số 2/2000); Chính trị học đại cương (viết chung, Nxb Chính trị Quốc gia, 1999); Mối quan hệ giữa quá trình dân tộc và quá trình chính trị ở Việt Nam (3 tập, Nxb Thế giới, 2001)...

Ngoài ra, các vấn đề về Lịch sử Việt Nam, văn hóa học và triết học văn hóa, toàn cầu hóa, triết học trong Quản lý... cũng xuất hiện thường xuyên trong các khảo cứu của PGS. Bùi Thanh Quất.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, PGS. Bùi Thanh Quất đã nhận được nhiều bằng khen và phần thưởng cao quý. Năm 1995, ông được nhận Huân chương chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch nước, nhận Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1994,  Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục năm 1995. Năm 2001, PGS. Bùi Thanh Quất được Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cùng với nhiều bằng khen và giấy khen trong quá trình công tác.

PHÓ GIÁO SƯ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ BÙI THANH QUẤT

  • Năm sinh: 1941.
  • Quê quán: Thái Bình.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Triết học tại Đại học Lomonosov (nay là Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow mang tên Lomonosov, Liên bang Nga) năm 1959.
  • Được công nhận chức danh Phó Giáo sư.
  • Được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1994.
  • Thời gian công tác tại trường: 1964-2006.
    • Đơn vị công tác:

Khoa Triết học.

Khoa Khoa học Quản lý.

Khoa Khoa học Chính trị.

  • Chức vụ quản lý:

Chủ nhiệm Khoa Triết học (1996-2000).

Nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Chính trị.

  • Các hướng nghiên cứu chính: Logic học và phương pháp, Chính trị học và triết học chính trị, Lịch sử triết học, Các vấn đề của Triết học Văn hóa.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

1.      Lôgíc học hình thức, 1998

2.      Lịch sử triết học (viết chung), NXB Chính trị Quốc gia, 1999.

3.      Lịch sử triết học (đồng chủ biên), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999; tái bản 2000, 2001.

4.      Chính trị học đại cương (viết chung), NXB Chính trị Quốc gia, 1999.

5.      Mối quan hệ giữa quá trình dân tộc và quá trình chính trị ở Việt Nam (3 tập), NXB Thế giới, 2001.

Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thị Thuý Vân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây