Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Trăn trở của ứng viên GS đạt chuẩn duy nhất ngành Dân tộc học Nguyễn Văn Chính

Sau khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố danh sách những người đủ phiếu tín nhiệm đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2022, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chính là ứng viên duy nhất tại liên ngành Sử học-Khảo cổ học-Dân tộc học được công nhận đạt chuẩn chức danh Giáo sư. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng bài viết về những trăn trở, tâm huyết của PGS.TS Nguyễn Văn Chính với ngành Dân tộc học. USSH Media trân trọng giới thiệu cùng Quý độc giả.
"Nhân loại học vẫn quan tâm NCKH về tộc người nhưng đang phân tán nhân lực và nguồn lực", nhà giáo, nhà dân tộc học Nguyễn Văn Chính trăn trở. 

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Chính hiện là Trưởng bộ môn Nhân học Phát triển, Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tôi may mắn được nghe thầy chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề với tư cách là một nhà nghiên cứu và giảng dạy Dân tộc học. Dù tuổi đã cao nhưng thầy vẫn nhiều nỗi niềm đau đáu về nghiên cứu tộc người và đào tạo lớp trẻ tiếp nối có niềm đam mê với ngành Dân tộc học.

Đến với Dân tộc học bằng cả hành trình cuộc đời

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Chính sinh ra và lớn lên ở làng Thường Sơn, xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Năm 1974, thầy Chính thi đỗ vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, học khoa Lịch sử (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 1978, thầy tốt nghiệp đại học.

Theo thầy Chính, chương trình đào tạo chính quy của Đại học Tổng hợp hồi ấy là bốn năm rưỡi, cuối khóa, sinh viên có 6 tháng để đi thực tập và làm khóa luận tốt nghiệp.

Thầy kể: “Tôi đăng ký vào học chuyên ngành Dân tộc học nhưng giờ không nhớ được lý do lớn nhất chọn ngành này, chỉ biết học Dân tộc học sẽ có cơ hội được đi đến những vùng đất mới, tìm hiểu về những tộc người xa lạ, biết thêm những phong tục tập quán, tín ngưỡng và cả những bí ẩn của đời sống chưa được khám phá”.

Nói về con đường trở thành nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học của mình, thầy Chính bảo, cuộc đời thầy có ba mốc thời gian rất quan trọng. Một là, học tại khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp (1974-1978) rồi được giữ lại làm giảng viên (năm 1979). Hai là, tham gia quân ngũ (1980-1982). Ba là, tham gia thực tập và làm luận án tiến sĩ tại Đại học Amsterdam, Hà Lan (1989-2000).

Nếu như vào đại học tạo ra cơ hội để tiếp cận tri thức mới thì những năm tháng trong quân ngũ giúp thầy rèn luyện tính kỷ luật, sự nhẫn nại, tinh thần lắng nghe. Còn những năm tháng miệt mài trên giảng đường Đại học Amsterdam lại mở ra cánh cửa đi vào thế giới học thuật, giúp thầy nâng cao tri thức và kỹ năng nghiên cứu.

Trăn trở của ứng viên GS đạt chuẩn duy nhất ngành Dân tộc học Nguyễn Văn Chính ảnh 1

Thầy Nguyễn Văn Chính tham gia Hội nghị Dân tộc học năm 2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nhớ lại những ngày đầu đặt chân đến giảng đường đại học ở châu Âu, thầy kể: “Tháng 9/1989 tôi được nhà trường cử sang Hà Lan thực tập tại Đại học Amsterdam theo chương trình hợp tác Việt Nam - Hà Lan (VH25). Tại đây, tôi được nhận vào thực tập ở Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Amsterdam (CASA) với tư cách là một thực tập sinh sau đại học. Giáo sư Jeremy Kemp là người hướng dẫn khoa học cho tôi.

Tôi được tham gia vào các buổi seminar (hội thảo) của Trung tâm nghiên Nghiên cứu Châu Á, được sử dụng thư viện khổng lồ và hệ thống internet trực tuyến của trường. Điều này giúp tôi không chỉ làm quen với học giả và bạn bè quốc tế mà còn tạo cơ hội để tôi tiếp cận những vấn đề mới mẻ và quan tâm học thuật về châu Á.

Tôi vẫn nhớ những buổi thảo luận nóng bỏng liên quan đến đời sống làng xã, nông dân châu Á và Việt Nam, vấn đề di cư và an sinh xã hội ở nông thôn và cuộc tranh luận không ngớt của các nhà nghiên cứu xoay quanh luận điểm: Người nông dân Việt Nam duy lý hay duy tình do các học giả Mỹ khởi xướng”.

Sau khi hoàn thành khóa thực tập sau đại học, thầy Chính tham gia thi tuyển và được chọn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Amsterdam về lao động của trẻ em ở nông thôn.

Trăn trở của ứng viên GS đạt chuẩn duy nhất ngành Dân tộc học Nguyễn Văn Chính ảnh 2

Luận án “Những việc không tên: Lao động của trẻ em trong nền kinh tế quá độ ở nông thôn Bắc Việt Nam” được thầy Chính (đứng giữa, cầm ống đựng tài liệu màu đỏ) bảo vệ chính thức tại Thánh đường Aula của Đại học Amsterdam. Luận án được đánh giá cao và được Hội Khoa học Xã hội và Văn hóa Hà Lan trao giải Luận án xuất sắc năm 2000. Đây là bức ảnh hiếm hoi được chụp lúc đó và thầy lưu giữ lại đến bây giờ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau đó, thầy được các giáo sư Hà Lan giới thiệu đến Chương trình Đông Nam Á học, thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoctoral research). Từ đây, mở đường cho một bước tiến mới trong quá trình tích lũy tri thức về các nước trong khu vực của thầy Chính.

“Cho đến khi rời Amsterdam về Singapore, tôi vẫn chưa biết gì nhiều về mạng lưới nghiên cứu Đông Nam Á. Chính thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), tôi mới bắt đầu nhìn rộng ra xung quanh và tạo dựng được mạng lưới quan hệ với các nhà nghiên cứu về khu vực.

Tại Đại học Quốc gia Singapore, các nhà nghiên cứu mới nổi, các giáo sư có tên tuổi trên khắp thế giới được mời đến trao đổi học thuật thường xuyên, những vấn đề mới trong khoa học luôn được cập nhật”, thầy Chính chia sẻ.
 

Trong hơn 20 năm từ sau khi nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Amsterdam (Hà Lan), thầy Chính đã tham gia không ngừng nghỉ vào các hoạt động khoa học của khu vực Đông Nam Á và Châu Á như một sứ giả đại diện từ Việt Nam.

Ở nhiều trường đại học mà thầy đã có cơ hội cộng tác như: làm giáo sư thỉnh giảng, tham dự hội thảo, thầy đều để lại những dấu ấn khó phai. Đó là những công trình nghiên cứu được các đại học này công bố trên tạp chí khoa học hay trong các chuyên khảo của trường.

Trong thư mục công bố khoa học của thầy, có thể tìm thấy hàng chục bài tạp chí hoặc chương sách được các đại học lớn trên thế giới và khu vực xuất bản. Đó là các trường mà thầy đã từng học tập, làm việc và thỉnh giảng như Đại học Amsterdam (Hà Lan), Đại học Quốc gia Australia, Đại học Harvard (Hoa Kỳ), Đại học California Berkeley (Hoa Kỳ), Đại học Kyoto (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Chengchi Đài Loan, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), Đại học Chiang Mai (Thái Lan)..

Kết quả khoa học góp phần điều chỉnh, xây dựng chính sách phát triển đất nước, con người

Nhìn lại sự nghiệp hơn 40 năm nghiên cứu khoa học của Phó Giáo sư Nguyễn Văn Chính, có thể nhận thấy hướng nghiên cứu của thầy chủ yếu tập trung vào 3 lĩnh vực: nghiên cứu Nhân học Phát triển; nghiên cứu Bản sắc Văn hóa và Tộc người; nghiên cứu Lịch sử Dân tộc học/Nhân học Việt Nam.

Có đến gần một nửa số công trình khoa học đã công bố của thầy tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu Nhân học Phát triển. Thật khó có thể tổng kết được hết kết quả nghiên cứu đồ sộ mà thầy đã tạo ra trong bài viết nhỏ này!

Được hỏi về những kỷ niệm sâu đậm, có sức ảnh hưởng nhất trên hành trình đến với Dân tộc học, thầy không đắn đo trả lời, đó là chuyến đi điền dã dân tộc học đầu tiên ở miền Tây Nghệ An vào năm 1978. Khi ấy thầy được phân công nghiên cứu về người Thổ ở huyện Nghĩa Đàn.

Theo lời kể của thầy, khi rời bến xe khách ở Thị trấn Thái Hòa, thầy cõng chiếc ba lô trên vai, đi theo con đường bụi mù đất đỏ để đến xã Nghĩa Quang - nơi dừng chân đầu tiên của chuyến đi, rồi sau đó mở rộng ra các xã ở vùng Lâm La và xã Nghĩa Tiến.

“Tôi bị nghiện ăn ớt từ chuyến đi này! Ở địa phương, người dân rất nghèo, lại đang vào mùa giáp hạt, không có mấy gia đình còn lương thực để ăn trong khi ngô khoai chưa đến vụ thu hoạch. Để chống lại sự giày vò của cái đói, người ta phải tìm các loại củ, quả, măng, rau trong rừng để sống qua ngày.

Món bột lấy từ lõi cây báng được người Thổ săn tìm nhiều nhất vì nó là nguồn cung cấp chất bột thay cho ngũ cốc hay khoai sắn. Ngay cả củ nâu ở quê tôi vốn chỉ để nhuộm vải cũng được biến thành lương thực. Người ta băm nhỏ loại củ này ra, cho vào rọ ngâm dưới suối cho bớt nhựa chát rồi ninh kỹ cho mềm ra để ăn. Món này rất khó nuốt nhưng nếu có một chút muối trộn với ớt rừng thì có thể nuốt trôi thức ăn nhanh hơn. Vả lại, người dân cũng mách bảo, nếu ăn ớt hàng ngày có thể ngăn ngừa được bệnh sốt rét. Và thế là ngày nào cũng ăn ớt, lâu thành quen…”, thầy kể.

Chính những năm tháng điền dã Dân tộc học ở miền Tây Nghệ An đầu tiên ấy đã để lại trong thầy tình cảm tốt đẹp về người dân địa phương. Mặc dù cuộc sống thiếu thốn, vô vàn gian khó, nhưng họ không ngại ngần chia sẻ với thầy từ củ sắn, bắp ngô trong những ngày đói kém, giúp thầy hiểu được lẽ sống đùm bọc yêu thương giữa người với người. Tình cảm chân thành ấy đã nuôi dưỡng trong thầy tình yêu nghề nghiệp và quyết tâm dấn thân vào con đường nghiên cứu những tộc người.

Về mặt khoa học, thầy Chính cho biết, đặc điểm của phương pháp nghiên cứu Dân tộc học là điền dã. Nhà nghiên cứu phải đến thực địa, sống cùng, thâm nhập vào trong cuộc sống của người dân, quan sát, phỏng vấn, thảo luận với họ những vấn đề mà mình quan tâm để hiểu được văn hóa tộc người từ bên trong.

Trăn trở của ứng viên GS đạt chuẩn duy nhất ngành Dân tộc học Nguyễn Văn Chính ảnh 3

Những nghiên cứu nổi bật của nhà Dân tộc học Nguyễn Văn Chính về tộc người bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, tức sử dụng kiến thức cơ bản về tộc người để phục vụ cho các chương trình dự án phát triển và phân tích các vấn đề của phát triển ở vùng dân tộc.

Các nghiên cứu được trích dẫn nhiều của thầy bao gồm nghiên cứu sử dụng luật tục vào bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên; tri thức địa phương trong chăm sóc thai sản và trẻ sơ sinh; sử dụng nguồn lực văn hóa cho phát triển; chính sách hỗ trợ các nhóm dân tộc rất ít người; những biểu hiện của tình trạng phân biệt tộc người để đề xuất chính sách phù hợp đối với các cơ quan làm chính sách của Chính phủ.

Trăn trở của ứng viên GS đạt chuẩn duy nhất ngành Dân tộc học Nguyễn Văn Chính ảnh 4

Thầy Nguyễn Văn Chính (bên phải) nghiên cứu tại Viện Khổng tử, Đại học Chulalongkorn, Thái Lan, tháng 10 năm 2011. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngoài các nghiên cứu đã xuất bản, thầy Chính cũng trực tiếp làm tư vấn độc lập cho các dự án phát triển của Ngân hàng Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển Hải ngoại của Vương quốc Anh (DFID) tại Việt Nam. Các hoạt động này chủ yếu sử dụng tri thức dân tộc học để nghiên cứu và đề xuất giải pháp thực tế cho các dự án cụ thể.

Người thay đổi nhận thức bấy lâu về tộc Ngái

Việt Nam là một quốc gia đa tộc người với những đặc trưng văn hóa vô cùng phong phú. Với thầy Chính, đa dạng văn hóa không chỉ là nguồn lực cho phát triển mà cũng là một thách thức cho việc xây dựng một cộng đồng quốc gia, dân tộc. Khám phá bản sắc và những đường biên văn hóa giữa các tộc người vừa có ý nghĩa học thuật cơ bản, vừa có tầm quan trọng cấp thiết cho công tác thực tiễn. Do vậy, thầy hướng các nghiên cứu của mình đi sâu cả lý thuyết và thực tiễn, từ đó có những đóng góp quan trọng cho ngành Dân tộc học trong nước.

Đáng kể nhất trong số những đóng góp này là kết quả nghiên cứu đề tài tìm hiểu bản sắc người Ngái ở Việt Nam. Theo các số liệu thống kê, đây là một nhóm dân tộc rất nhỏ với dân số chỉ hơn một ngàn người và họ đang ở bên bờ vực của nguy cơ bị mai một.


Ứng viên GS đạt chuẩn duy nhất liên ngành Sử học-Dân tộc học 2022 là ai?

Thầy Chính đã dành nhiều năm và đi đến hầu hết các địa bàn có người Ngái sinh sống để điều tra dân số, lối sống, ngôn ngữ, lịch sử các dòng họ và những câu chuyện cuộc đời về quê hương, cố hương, các mối quan hệ xuyên quốc gia của họ.

Nghiên cứu của thầy Chính chỉ ra: Ngái là một cộng đồng người có cội nguồn lịch sử ở vùng Hoa Nam (Trung Quốc) di cư vào Việt Nam trong và sau cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc ở vùng Lưỡng Quảng hồi nửa sau thế kỷ 19 và trở thành một cộng đồng nói tiếng Ngái-Hakka đông đảo ở Việt Nam.

Và thầy cũng chỉ ra thống kê về số lượng người Ngái ở Việt Nam cao hơn nhiều lần so với công bố của Tổng cục Thống kê. Kết quả của đề tài nghiên cứu đã góp phần làm thay đổi nhận thức bấy lâu về dân tộc Ngái, cung cấp cơ sở khoa học thay đổi chính sách về dân tộc Ngái.

Một trong những vấn đề quan trọng được thầy Chính quan tâm khi nghiên cứu về tộc người, đó là làm thế nào để biến nguồn lực văn hóa thành động lực của phát triển, văn hóa tham gia sâu hơn vào quá trình phát triển bền vững. Thầy cho rằng đưa vốn văn hóa vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng có nghĩa là chấp nhận và sử dụng các thành tố của nền văn hóa ấy. Các chiến lược phát triển do đó cần hiểu được tính năng động và đa dạng của văn hóa, huy động được nguồn lực văn hóa vào quá trình phát triển thay vì chỉ dựa vào nguồn lực vật chất hay áp đặt ý chí từ bên ngoài cộng đồng.

Nỗi niềm đau đáu của nhà khoa học làm công tác đào tạo

Chia sẻ về những trăn trở của một nhà khoa học làm công tác đào tạo, thầy Chính nói đến ba điểm.

Trước hết, về phương pháp giảng dạy đại học.

Thầy Chính kiên trì theo đuổi triết lý “không tạo ra những con vẹt” trong Khoa học xã hội.

“Nếu có gì đáng nói về phương pháp dạy học của tôi thì đó là hai điểm mà tôi đã cố gắng thực hiện. Đó là hướng dẫn sinh viên phương pháp học dựa trên việc nghiên cứu một đề tài (project-based learning), và dạy học không phụ thuộc vào giáo trình hay bài giảng soạn sẵn mà là cung cấp học liệu được cập nhật hàng năm, giảng giải, dẫn luận, giúp học trò phát triển tư tưởng sáng tạo và độc lập suy nghĩ”, thầy Chính chia sẻ.

Điều quan trọng của người thầy là tạo ra và nuôi dưỡng cảm hứng theo đuổi nghiên cứu và sáng tạo chứ không phải học thuộc những điều có sẵn. Phương pháp học dựa vào nghiên cứu đề tài được phát triển trên cơ sở nghiên cứu về các mô hình giáo dục và triết lý dạy học ở Việt Nam cộng với kinh nghiệm của các đại học tiên tiến trên thế giới.

Quan sát cách dạy các môn Khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay, thầy Chính nhận định: “Cho đến nay vẫn đang tồn tại cách giảng dạy các môn Khoa học xã hội và Nhân văn ở bậc đại học theo kiểu truyền thụ kiến thức thông qua giáo trình hay bài giảng soạn sẵn. Có lẽ vì nó an toàn cho người dạy, sinh viên không cần phải sáng tạo, nhưng hiệu quả đào tạo rất thấp. Hậu quả của cách dạy này là sinh viên có xu hướng tiếp thu kiến thức một cách thụ động và trả bài theo kiểu học thuộc lòng. Đấy là một nguy cơ làm triệt tiêu nguồn cảm hứng sáng tạo của sinh viên.

Ngược lại, phương pháp dạy học PBL (cách học qua dự án lấy học viên làm trung tâm) sẽ giúp khắc phục sự tiếp thu kiến thức thụ động của sinh viên, nuôi dưỡng tinh thần chủ động, tìm tòi những phát hiện mới, từ đó, tạo niềm say mê với khoa học"

Thứ hai, là sự lo ngại tình trạng suy giảm các mối quan tâm khoa học về tộc người ở Việt Nam.

Theo thầy Chính, trước đây, nghiên cứu Dân tộc học Việt Nam đi theo mô hình nghiên cứu Dân tộc học Xô-Viết, chủ yếu tập trung nghiên cứu đặc trưng văn hóa tộc người, và đã tạo ra một lượng tri thức quý giá về các nhóm cư dân ở Việt Nam. Từ sau khi mở cửa và hội nhập sâu vào nền học thuật chung của thế giới, môn học này chuyển dần sang hướng tiếp cận Nhân loại học với trọng tâm nghiên cứu tập trung vào sự khác biệt và tính đa dạng văn hóa của con người.

Bên cạnh các xã hội truyền thống, Nhân loại học cũng mở rộng quan tâm nghiên cứu các cộng đồng nông dân và nông thôn, thị dân và đô thị trong xã hội hiện đại.

"Mặc dù nhân loại học vẫn quan tâm nghiên cứu về tộc người nhưng đang đứng trước thách thức và nguy cơ bị suy giảm. Tình trạng này bắt nguồn từ thực tế, đó là sự quan tâm khoa học về tộc người gần đây đã bị phân tán cả về nhân lực và nguồn lực" - PGS.TS Nguyễn Văn Chính chia sẻ.

Cụ thể, trong chương trình đào tạo ở bậc đại học, nghiên cứu tộc người giờ đây chỉ còn chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong khi các vấn đề khác được quan tâm hơn. Nghiên cứu về tộc người đòi hỏi phải đi thực địa nhưng nguồn lực dành cho sinh viên thực tập đang trở nên hạn hẹp, dẫn đến tình trạng học lý thuyết nhiều hơn thực tế và sinh viên mất đi cơ hội thực hành phương pháp nghiên cứu. Hơn nữa, sinh viên thường ngại đi đến những vùng sâu vùng xa, nơi cư trú của nhiều tộc người, nơi đời sống và phương tiện đi lại còn nhiều gian khó.

Thứ ba, lối nghĩ khá phổ biến hiện nay là lo ngại những khía cạnh “nhạy cảm chính trị” khi nghiên cứu về tộc người

Cụ thể, vấn đề đói nghèo, khác biệt văn hóa, và các mối liên hệ xuyên quốc gia của các tộc người là những vấn đề nhạy cảm nên ít được nghiên cứu. Tình trạng này để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ vì nó không còn sản xuất ra lượng tri thức phong phú về tộc người như trước đây, mà các nhà làm chính sách xã hội và phát triển cũng sẽ thiếu đi nguồn thông tin quan trọng để làm cơ sở cho giải pháp thực tiễn trong khi hiểu biết của xã hội về văn hóa các tộc người có nguy cơ bị làm méo mó và dẫn đến hậu quả phân biệt tộc người tăng lên.

Thứ tư, đội ngũ các chuyên gia đầu ngành về tộc người đang dần hiếm hoi và cạn kiệt.

Thầy Chính trăn trở: “Nhìn lại hơn nửa thế kỷ phát triển của ngành học này, cho đến nay Dân tộc học mới chỉ có hai người được phong hàm giáo sư.

Người đầu tiên là Giáo sư Phan Hữu Dật - được công nhận giáo sư khi đã nghỉ hưu được 10 năm. Thầy vốn là Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cũng đã mất cách đây hơn 3 năm.
 


Nghịch cảnh có trường đại học, ngành "trắng" giáo sư và mối lo "lò ấp tiến sĩ"

Người thứ hai là Giáo sư Ngô Văn Lệ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy cũng đã ngoài 70 tuổi và nghỉ hưu được nhiều năm”.

Nhìn vào đội ngũ kế tục, thầy Chính suy đoán rằng, trong vòng 5 năm nữa, ngành Dân tộc học/Nhân học Việt Nam chưa chắc đã có ai hội đủ các tiêu chí để được công nhận đạt chuẩn giáo sư.

Thầy phân tích, việc nâng chuẩn giáo sư tiệm cận gần với các nước trên thế giới một mặt giúp nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhưng mặt khác tạo ra những thách thức không nhỏ với những người làm nghiên cứu Khoa học xã hội.

Ngoài ra, chính sách giật cục, thất thường về độ tuổi nghỉ hưu cũng đang tạo ra những khó khăn trước mắt.

Đối với Khoa học xã hội, việc nghiên cứu và xuất bản công trình khoa học trên các tạp chí chuẩn mực của thế giới không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi nhà nghiên cứu phải tích lũy tri thức, thông tin và hội nhập vào xu hướng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của thế giới trong khi chương trình và nội dung đào tạo của Việt Nam lại chưa hội nhập.

Thêm nữa, để xuất bản một bài báo khoa học cần khá nhiều thời gian. Chưa tính thời gian nghiên cứu, một bài báo khoa học kể từ khi được gửi cho một tạp chí phải trải qua hai hay ba vòng phản biện, sửa chữa và biên tập mới có thể công bố được. Các công đoạn này thường mất từ một đến hai, thậm chí ba năm. Điều này có nghĩa là các nhà nghiên cứu cần thời gian để công bố khoa học và có khi họ đạt chuẩn về xuất bản thì cũng là lúc đến tuổi về hưu.

Ngoài ra, khác với Khoa học tự nhiên hay kỹ thuật, nghiên cứu Khoa học xã hội cần trải nghiệm và dấn thân vào thực tế. Người trẻ có đủ nhiệt huyết và sức khỏe nhưng thiếu kinh nghiệm và trải nghiệm cuộc sống và xã hội. Do đó, những công bố khoa học đỉnh cao rất khó để người trẻ đạt được khi còn thiếu trải nghiệm.

Chính vì thế, việc cho về hưu hàng loạt giáo sư và phó giáo sư theo Nghị định 50 có thể sẽ khiến nhiều ngành Khoa học xã hội của các trường đại học lao đao vì thiếu nguồn lực chuyên gia đầu ngành và sẽ không có đủ nguồn lực để tuyển nghiên cứu sinh, đào tạo ra thế hệ kế cận.

Kết thúc buổi trò chuyện với chúng tôi, thầy Chính tâm sự rằng, Việt Nam là một quốc gia đa tộc người. Nghiên cứu tính đa dạng văn hóa của tộc người, của vùng miền và địa phương, biến nó thành nguồn lực phát triển bền vững đang là một thách thức cần được quan tâm.

Trăn trở của ứng viên GS đạt chuẩn duy nhất ngành Dân tộc học Nguyễn Văn Chính ảnh 7

Có thế thấy, dù tuổi cao nhưng ở thầy Chính vẫn miệt mài trên giảng đường, cống hiến cho công tác giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Thầy Chính nói riêng và thế hệ nhà giáo, nhà khoa học đầu ngành nói chung được ví như “hiền tài”, đã và đang đóng góp to lớn vào sự phát triển giáo dục, khoa học trong và ngoài nước, xứng đáng được học trò, đồng nghiệp ghi nhận và tôn vinh.

Thời gian làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học Quốc gia Singapore đã tạo ra một bước ngoặt mới trong sự nghiệp học thuật của Phó Giáo sư Nguyễn Văn Chính.

Cụ thể, năm 2001 thầy tham gia vào Chương trình trao đổi học thuật khu vực Đông Nam Á (SEASREP) với tư cách là thành viên lãnh đạo (Board of Trustees) của SEASREP và liên tục giữ vai trò này cho đến 2015. Cũng từ mạng lưới khu vực này, thầy Chính được mời tham gia với tư cách là thành viên hoặc cố vấn của các tổ chức nghiên cứu khu vực như: Asian Leadership Fellow (ALF), Asian Public Intellectual (API, Nhật Bản), đồng thời tham gia Ban cố vấn cho Chương trình Trao đổi Trí thức Châu Á (Asian Intellectual Exchange) của Quỹ Nhật bản (Japan Foundation) và Quỹ Toyota (Toyota Foundation).

Ngoài việc tham gia vào các dự án nghiên cứu khu vực của nhiều trường đại học hàng đầu Đông Nam Á, thầy Chính cũng được mời hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Quốc gia Australia (ANU), làm giáo sư thỉnh giảng của các chương trình đào tạo nghiên cứu về Việt Nam và Đông Nam Á của Đại học Connecticut, Đại học Georgetown và Hội đồng trao đổi Giáo dục Hoa kỳ (CIEE).

Thầy cũng tham gia giảng dạy cho Chương trình Nghiên cứu Phát triển của Đại học Oslo (Na Uy) liên tục từ năm 2010-2020.

Tham gia các hoạt động khoa học của các tổ chức học thuật về khu vực như Viện Nghiên cứu châu Á Quốc tế (IIAS), Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (CSAS) và làm giáo sư thỉnh giảng từ 2016-2017 tại Trường Cao học Á-Phi (ASAFAS) thuộc Đại học Kyoto (Nhật Bản).

 

Tác giả: Mai Quyết (Báo điện tử Giáo dục Việt Nam)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây