Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Hội đồng Khoa học – Đào tạo nhiệm kỳ mới họp phiên đầu tiên

Ngày 27/04/2021, Hội đồng Khoa học - Đào tạo Trường ĐHKHXH&NV nhiệm kỳ 2021-2026 họp Phiên thứ 1 dưới sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Chủ tịch Hội đồng). 
Tại phần khai mạc, Quyết định thành lập Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường nhiệm kỳ 2021-2026 đã được công bố. Hội đồng gồm 57 ủy viên, trong đó có 10 ủy viên thuộc Thường trực Hội đồng. 
 
IMG 6146
TS. Ngô Thị Kiều Oanh (Trưởng phòng Tổ chức-Cán bộ) công bố Quyết định thành lập Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường nhiệm kỳ 2021-2026
 
Phát biểu khai mạc, GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Nhà trường) đã điểm qua một vài con số về sự phát triển Nhà trường trong nhiệm kỳ 2015-2020. Trong 5 năm qua, Nhà trường đã phát triển ở cả 3 mặt là cán bộ, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Về cán bộ, số lượng giảng viên có học hàm (hiện chiếm 27% tổng số cán bộ) và học vị (hiến chiếm 71% tổng số cán bộ) gia tăng qua các năm; về đào tạo, số lượng các ngành, chuyên ngành và chương trình đào tạo ở cả 3 bậc Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ tăng ổn định; về khoa học, số lượng sản phẩm khoa học, đặc biệt là công bố quốc tế cũng tăng đều.
 
IMG 6165
GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Nhà trường) tặng hoa cho GS.TS Nguyễn Văn Khánh (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường nhiệm kỳ 2021-2026)

Những thành quả trên tạo nền tảng tương đối tốt cho sự phát triển trong 5 năm tới, tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn tồn tại không ít thách thức như: các giảng viên còn gặp những rào cản trong việc nâng cấp học hàm; các chương trình đào tạo sau đại học còn khiêm tốn; việc thúc đẩy công bố quốc tế còn gặp nhiều khó khăn. Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường nhiệm kỳ 2021-2026 có vai trò và trọng trách trong việc định hướng, hỗ trợ tập thể lãnh đạo và cán bộ, viên chức Nhà trường vượt qua những khó khăn đó, nhằm chuyển hóa những thành quả về số lượng thành chất lượng lâu dài.

Với tư cách Chủ tịch Hội đồng, GS.TS Nguyễn Văn Khánh cũng nêu ra một số vấn đề với sự phát triển của Nhà trường như: nâng cao chất lượng các ngành KHXH&NV để đóng góp vào năng lực cạnh tranh, xếp hạng của Nhà trường nói riêng và ĐHQGHN nói chung; nắm bắt và phát huy những thế mạnh của KHXH&NV trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay; thúc đẩy chất lượng của công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với mục tiêu đưa Nhà trường trở thành một trường đại học nghiên cứu. Để vượt qua những thách thức này đòi hỏi sự quan tâm, đồng hành của Hội đồng Khoa học và Đào tạo trong việc đưa ra những ý kiến, khuyến nghị đúng đắn về chính sách.

Sau phần khai mạc, Hội đồng đã lắng nghe hai báo cáo chuyên đề.
 
IMG 6171
PGS.TS Lại Quốc Khánh (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) trình bày báo cáo
 
Báo cáo “Đề án quy hoạch ngành, chuyên ngành đào tạo giai đoạn 2021-2025” của PGS.TS Lại Quốc Khánh (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) đã điểm qua thực trạng công tác tổ chức quản lý các ngành/chuyên ngành đào tạo. Báo cáo cho biết: Từ năm 2015 đến 2020, Nhà trường mở 05 ngành đào tạo trình độ đại học, 05 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 01 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ và điều chỉnh định hướng từ nghiên cứu sang ứng dụng của 08 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Đến nay, Nhà trường có 101 ngành, chuyên ngành và chương trình đào tạo, trong đó có 27 thuộc hệ Cử nhân, 43 thuộc hệ Thạc sĩ, 31 thuộc hệ Tiến sĩ.
 
IMG 6173
PGS.TS Bùi Thành Nam (Trưởng phòng Đào tạo) báo cáo số liệu thống kê về đào tạo trong nhiệm kỳ vừa qua của Hội đồng

Đánh giá một cách khái quát, từ năm 2015 đến nay, Nhà trường đã tổ chức thực hiện xây dựng ngành, chuyên ngành và chuyển đổi các ngành, chuyên ngành theo đúng quy định và hướng dẫn của ĐHQGHN. Nhà trường hoàn thành vượt mức việc xây dựng chương trình đào tạo theo chỉ tiêu quy hoạch ngành, chuyên ngành giai đoạn 2014-2020.

Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế: chưa có sự cân đối giữa năng lực đào tạo và nhu cầu xã hội của một số ngành, chuyên ngành đào tạo, số tuyển sinh vượt khả năng đào tạo và tổ chức hưỡng dẫn luận văn, luận án; một số chương trình đào tạo sau đại học dàn trải, chia nhỏ dẫn tới không tuyển sinh được hoặc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, Đề án đã đặt ra lộ trình xây dựng ngành, chuyên ngành và chuyển đổi các ngành, chuyên ngành theo các quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu, điều kiện và lộ trình từ nay đến năm 2025.
 
MG 6177
PGS.TS Đào Thanh Trường  (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) trình bày báo cáo 
 
Báo cáo “Định hướng hoạt động nghiên cứu khoa học giai đoạn 2021-2030” của PGS.TS Đào Thanh Trường  (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) đã nêu bật một số thành tựu trong nghiên cứu khoa học của Nhà trường trong giai đoạn 2010-2020: Định hướng nghiên cứu cơ bản nhằm xây dựng các bộ sách công cụ góp phần quan trọng vào cập nhật xu hướng lý thuyết và tiếp cận mới trong lĩnh vực KHXH&NV, được thể hiện qua số lượng đề tài thuộc Quỹ Khoa học và Công nghệ quốc gia, đề tài cấp ĐHQGHN. Đội ngũ cán bộ Nhà trường đã chủ trì và thực hiện 36 đề tài thuộc Quỹ Khoa học và Công nghệ quốc gia, 158 đề tài cấp ĐHQGHN. Trung bình, Nhà trường công bố 15 sách chuyên khảo, sách tham khảo/năm; trong đó có một số cuốn do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín như Paglgrave Macmillan, Springer. Cũng trong giai đoạn này, các đề tài lớn, mang tính liên ngành, nghiên cứu những vấn đề lớn đặt ra trong thực tiễn phát triển của Việt Nam đã được triển khai. Cụ thể, cán bộ Nhà trường đã xây dựng và chủ trì 44 đề tài cấp nhà nước.
 
IMG 6200
PGS.TS Phạm Xuân Thạch (Bí thư Đảng ủy Trường ĐHKHXH&NV) đóng góp ý kiến

Một số mặt hạn chế còn tồn tại: một vài định hướng của giai đoạn 2010-2020 chưa thực sự được quan tâm và thu hút được các nguồn lực tham gia; nghiên cứu liên ngành mới chỉ bó hẹp trong lĩnh vực KHXH&NV, chưa mở rộng sang các lĩnh vực khác;Nhà trường chưa xây dựng và chủ trì được chương trình, đề án nghiên cứu cấp nhà nước mà mới chỉ dừng ở việc đề xuất.
 
IMG 6205
GS.TSKH Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐHQGHN) đóng góp ý kiến

Trên cơ sở đánh giá thực trạng, Báo cáo đã xác định quan điểm, phương hướng và mục tiêu công tác nghiên cứu khoa học giai đoạn 2021-2030, một số hướng nghiên cứu ưu tiên, đồng thời đề xuất một số giải pháp để khắc phục các hạn chế.

Trong phần thảo luận, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao và đóng góp ý kiến cho hai báo cáo. Các ý kiến đã được Đoàn chủ tịch tiếp thu, ghi nhận và tập trung vào các điểm chính như: cần đảm bảo sự vận hành hài hòa, linh hoạt theo chiều ngang và theo chiều dọc trong cơ chế, nguyên tắc, quy chế của công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học; cần có sự đầu tư hơn nữa cho hoạt động khoa học-công nghệ của Nhà trường; cần chuẩn hóa các ngành, chuyên ngành đào tạo theo hướng đào tạo tinh hoa bên cạnh đào tạo đại chúng…

Tác giả: Trần Minh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây