Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Kỹ năng xây dựng bài giảng đa phương tiện

Vừa qua (26/11), Công đoàn Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức Tọa đàm “Kỹ năng xây dựng bài giảng đa phương tiện” kết hợp hình thức online và offline. Tham dự tọa đàm có TS. Ngô Thị Kiều Oanh - Chủ tịch Công đoàn Trường, các đồng chí trong BCH Công đoàn Trường, Ban chuyên môn, BCH Công đoàn bộ phận với sự tham gia của gần 60 đại biểu đến từ công đoàn các đơn vị.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe TS. Đào Minh Quân – Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Ứng dụng Công nghệ tin học của Nhà trường chia sẻ những nội dung cơ bản về kỹ năng xây dựng kịch bản giảng dạy, những ứng dụng bài giảng trên LMS và những kinh nghiệm trong quá trình thiết kế bài giảng đa phương tiện. Buổi tọa đàm diễn ra sôi nổi với sự tương tác của các công đoàn viên là giảng viên (GV) đến từ các đơn vị. Nội dung tọa đàm tập trung chia sẻ những giải pháp trọng tâm về  xây dựng đề cương bài giảng đa phương tiện và kinh nghiệm quản lý lớp học trong giảng dạy online.
 
2
 
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Ngô Thị Kiều Oanh - Chủ tịch Công đoàn Trường nhấn mạnh: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học hiện nay đang là một xu thế tất yếu của ngành giáo dục, nhất là trong bối cảnh dịch Covid -19 ngày càng diễn biến phức tạp. Bởi dù muốn hay không chúng ta vẫn phải triển khai các hoạt động dạy và học bình thường. SV không thể ngừng học, GV không thể ngừng giảng dạy. Và để có những bài giảng hiệu quả, hấp dẫn, bắt buộc mỗi GV phải tích cực đổi mới để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, trong đó kỹ năng xây dựng bài giảng đa phương tiện để phù hợp với cách dạy và học online là kỹ năng cơ bản và cần thiết đối với mỗi GV.
 
3
 
Tại toạ đàm, các GV cũng chia sẻ về những ưu điểm và cả những thách thức trong việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy. Theo đó, những ưu điểm là: Các thông tin sẽ được kết hợp đa phương tiện (hình ảnh, âm thanh, video, biểu đồ...) nên việc tiếp nhận thông tin vô cùng phong phú, đa dạng với hiệu quả cao; Phát triển khả năng tư duy và tưởng tượng, tăng cường nhận thức giúp SV dễ dàng nắm bắt được quá trình, hiện tượng một cách tự nhiên; SV có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn tri thức lớn ở tất cả các lĩnh vực khác nhau thông qua internet; tạo sự hào hứng trong học tập..
 
1.
 
Tuy nhiên, giảng viên cũng gặp nhiều thách thức như: Không phải bài giảng nào cũng phù hợp để thiết kế trên máy tính, một số bài giảng đặc thù khi dạy theo phương pháp truyền thống sẽ dễ dàng tiếp thu hơn cho cả SV và GV; triển khai thiết kế bài giảng theo phương pháp này khiến không ít GV gặp khó khăn khi bước đầu tiếp cận; lạm dụng công nghệ thông tin không đúng lúc, đúng chỗ sẽ khiến chất lượng giảng dạy không được đảm bảo; công tác đánh giá hiệu quả giảng dạy còn cần chuẩn hoá hơn nữa...
Làm thế nào để hạn chế những khó khăn thách thức trên chính là mục tiêu mà buổi tọa đàm hướng tới. Bên cạnh đó, đây còn là diễn đàn giúp các thầy cô chia sẻ những kinh nghiệm của mình để cùng nhau ứng dụng CNTT hiệu quả hơn vào bài giảng, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Sau toạ đàm này sẽ là chuỗi các buổi tập huấn bồi dưỡng trực tiếp cho các thầy cô do Nhà trường triển khai trong thời gian tới.

Tác giả: Vũ Hằng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây