Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Ngành Báo chí: Kiến tạo dòng chảy thông tin trong xã hội

Nghề báo luôn nằm trong những ngành nghề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ trong mỗi mùa tuyển sinh đại học. Hình ảnh những biên tập viên thời sự dẫn chương trình trực tiếp trên sóng truyền hình;những phóng viên hiện trường liên tục đưa các bản tin thời sự nóng hổi về các sự kiện lớn trong và ngoài nước;những chùm bài viết online theo xu hướng multimedia, e-magazine, longform, megastory...- không chỉ chuyển tải sâu sắc các vấn đề xã hội nổi cộm mà còn bắt mắt người xem - phần nào phản ánh sức hấp dẫn của một nghề nghiệp năng động, giàu sức sáng tạo và giàu tinh thần dấn thân để tạo nên dòng chảy thông tin cuồn cuộn trong đời sống xã hội. Liên tục nhiều năm liền, ngành Báo chí được đào tạo tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN luôn nằm trong top 05 ngành có số lượng hồ sơ đăng ký cao nhất trường.

Đào tạo tích hợp đa loại hình báo chí

Ảnh chị Hương 3 (1)

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN là một trong hai cơ sở đào tạo báo chí và truyền thông uy tín hàng đầu cả nước. Viện còn là cơ sở duy nhất vừa đào tạo đồng thời cả hai ngành Báo chí và Quan hệ công chúng ở bậc đại học, vừa có những chương trình tiên tiến, mới mẻ như thạc sĩ Báo chí định hướng ứng dụng, thạc sĩ Kinh tế báo chí truyền thông, thạc sĩ Quản trị báo chí truyền thông...

Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông: đào tạo Báo chí trong lòng cái nôi hàng đầu cả nước về các ngành khoa học xã hội và nhân văn đã đem đến những lợi thế đặc biệt cho sinh viên ngành Báo chí. Những tri thức nền tảng về các ngành khoa học xã hội và nhân văn, gồm những kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, tâm lý, quốc tế... được truyền thụ bài bản. Điều này tạo nên phông nền kiến thức xã hội chắc chắn, cùng với khả năng phân tích, nhận diện các vấn đề xã hội dưới nhiều góc nhìn - đây chính là gốc rễ tạo nên bản lĩnh và tầm nhìn của người làm báo.

Bao chi2

Để thích ứng trong kỷ nguyên truyền thông số, Viện trang bị cho sinh viên kiến thức toàn diện, chuyên nghiệp để có thể tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí, đồng thời  cung cấp các định hướng chuyên ngành như báo in - báo điện tử, phát thanh - truyền hình, PR - quảng cáo, và sắp tới đây là truyền thông đa phương tiện, quản trị báo chí truyền thông. “Môi trường báo chí hiện đại cần sinh viên ngành Báo vừa phải chuyên nghiệp nhưng cũng phải đa nhiệm. Người làm báo cần có khả năng làm việc, thích nghi ở nhiều loại hình báo chí khác nhau. Các cơ quan báo chí hiện nay đều có phiên bản điện tử, vì vậy, phương pháp đào tạo đa loại hình sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong việc khám phá năng lực của bản thân và linh hoạt trong việc chọn công việc sau khi tốt nghiệp” – Viện trưởng Đặng Thị Thu Hương chia sẻ.

Bao chi2 (1)

Từ năm 2010, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông được đầu tư các dự án nâng cấp toàn bộ hệ thống trường quay, gồm trường quay tiêu chuẩn và trường quay ảo, phòng đào tạo đa phương tiện, studio ảnh, studio phát thanh, với kinh phí hàng chục tỉ đồng.S inh viên được thực hành sản xuất các sản phẩm báo chí, đặc biệt là các phóng sự ngắn, talkshow, chương trình truyền hình ngay tại trường quay hiện đại tương đương chất lượng trường quay của các đài truyền hình trung ương và địa phương.

Bên cạnh việc đánh giá tốt nghiệp thông thường, Viện đã phê duyệt các đề xuất của sinh viên, giảng viên thực hiện sản phẩm báo chí như phóng sự truyền hình, website thông tin, chương trình phát thanh,… để tốt nghiệp. Hội đồng chấm bao gồm các giảng viên của Viện và các nhà báo từ VTV, VOV, Vietnamnet... Sinh viên Bùi Thị Hà - K53 Báo chí - đã từng giành giải Cánh diều bạc cho phim ngắn xuất sắc với tác phẩm tốt nghiệp đại học mang tên “Nợ” nói về NSƯT, ca nương Bạch Vân.

Bên cạnh việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành, chương trình đào tạo cũng chú ý nhiều hơn đến khía cạnh mới của công nghệ truyền thông và đặc điểm công chúng truyền thông hiện đại để xây dựng những môn học mới, cập nhật thực tiễn báo chí như Báo chí dữ liệu (Data Journalism), Mobile Journalism, Multimedia (truyền thông đa phương tiện), Báo chí sáng tạo... Nhiều học phần kiến thức khác như báo chí kinh tế, kỹ năng quản lý báo chí, quản trị truyền thông, báo chí và pháp luật, đạo đức nghề báo, văn hóa báo chí, đặc điểm công chúng truyền thông hiện đại... được đưa vào chương trình để tạo nên khối kiến thức tổng thể phong phú và toàn diện cho nghề báo.

 “Người làm báo có sứ mệnh đặc biệt là kiến tạo nên dòng chảy thông tin trong xã hội, nói lên tiếng nói của sự thật, mang tinh thần phản biện xã hội cao và định hướng dư luận xã hội. Với sứ mệnh ấy, đào tạo báo chí tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông  hướng tới cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực báo chí truyền thông vừa có đạo đức nghề nghiệp, vừa có năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ tốt, kỹ năng tác nghiệp báo chí truyền thông đa phương tiện, kỹ năng quản lý báo chí và quản trị truyền thông, để có thể đáp ứng yêu cầu ngày một cao của các cơ quan báo chí truyền thông, các nhà tuyển dụng” – Viện trưởng Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Chụp ảnh kỉ niệm
Những hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học về báo chí, truyền thông do trường ĐHKHXH&NV tổ chức luôn thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhà khoa học, nhà báo, nhà quản lí đến từ các cơ quan thông tấn báo chí hàng đầu của Việt Nam

Mô hình “Vườn ươm” gắn kết nhà trường-nhà tuyển dụng

Những năm gần đây, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh hợp tác với những đơn vị tuyển dụng chủ chốt trong lĩnh vực báo chí truyền thông nhằm tạo ra một chuỗi tương tác đem lại lợi ích cho cả hai bên. Trong đó, hoạt động Vườn ươm là mô hình mới của Viện nhằm tạo cầu nối giữa đào tạo và tác nghiệp, giữa nhà trường và nhà tuyển dụng nhằm hỗ trợ thiết thực cho sinh viên trong định hướng nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm có chất lượng sau khi ra trường.

“Vườn ươm” VTV3 Open Fanpage là mô hình hợp tác giữa Viện với VTV3 (Đài Truyền hình Việt Nam) nhằm tìm kiếm các sinh viên có đam mê về truyền hình, để bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu, hướng dẫn cho các em thực hành tác nghiệp, từ đó lựa chọn để tuyển dụng về làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam, cũng như các Đài truyền hình trong cả nước.

Bao chi3

Cuối năm 2018, MC Vũ Thị Thanh Hường và nhiều phóng viên của VTV3 đã trực tiếp đến phỏng vấn hơn 50 sinh viên của Viện để tuyển chọn thành viên cho Vườn ươm.Tham gia Vườn ươm, sinh viên được các phóng viên, biên tập viên dày dặn kinh nghiệm của VTV (như nhà báo Tạ Bích Loan, Vũ Thị Thanh Hường, Đỗ Đức Hoàng,...) và các giảng viên có trình độ của Viện trực tiếp hướng dẫn về kỹ năng dẫn chương trình (MC), kỹ năng phỏng vấn và sản xuất các chương trình truyền hình...

Các bạn sinh viên cũng được trực tiếp tham gia ê kíp sản xuất chương trình truyền hình tại VTV3. Sản phẩm của thành viên Vườn ươm được đăng tải, phát sóng trên kênh VTV3, Fanpage, Youtube,…và được nhận kinh phí nhuận bút do Đài Truyền hình VN chi trả.

Bao chi4

Đồng hành với Vườn ươm truyền hình, chương trình Vườn ươm Zing News cũng chính thức khởi động sau Lễ ký kết hợp tác giữa Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông và báo điện tử Zing.vn, một trong những tờ báo điện tử có số lượng truy cập hàng ngày nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay, và là một trong những tờ báo dẫn đầu xu hướng longform đang rất hấp dẫn công chúng mạng.Tham gia Vườn ươm Zing News, các bạn sinh viên được thụ hưởng các khóa đào tạo dành cho phóng viên của Zing.vn, được các phóng viên tại tòa soạn hướng dẫn về công nghệ làm báo hiện đại và được hưởng nhuận bút từ các bài đăng báo.

Zing 2)

Sắp tới, với sự hỗ trợ của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, kiêm Trưởng bộ môn Quản trị báo chí truyền thông (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông), mô hình Vườn ươm VOV cũng sẽ đi vào hoạt động để hỗ trợ cho các bạn sinh viên yêu thích phát thanh theo đuổi niềm đam mê nghề nghiệp của mình.

Mở CTĐT chất lượng cao ngành Báo chí đáp ứng nhu cầu xã hội

Năm 2019 là năm đầu tiên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông tuyển sinh CTĐT Báo chí chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội theo Thông tư 23/2014-TT-BGDĐT. Đây là chương trình đào tạo hướng đến sản phẩm đầu ra tiếp cận chuẩn quốc tế và theo đặt hàng của đơn vị tuyển dụng nhân lực chất lượng cao. Trong tổng số 155 tín chỉ của chương trình này có 20 % nội dung được giảng dạy bằng tiếng Anh. CTĐT được tập trung ưu tiên cho người học cơ hội trao đổi nghề nghiệp, cập nhật thông tin và rèn luyện kỹ năng tác nghiệp báo chí với các nhà báo, phóng viên, giảng viên báo chí trong nước và quốc tế.

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là đối tác và đầu mối hợp tác với nhiều tổ chức báo chí trong và ngoài nước như Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội nhà báo Việt Nam, Cục báo chí, Cục thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), báo Pháp luật Việt Nam, Zing.vn, SIDA (Thuỵ Điển), Sasakawa (Nhật Bản), Đại sứ quán Mỹ, Hội đồng Anh (dự án Media Pro), Reuters (Anh quốc), và nhiều trường đại học nước ngoài. Nhờ đó, sinh viên sẽ được hỗ trợ để mở rộng cơ hội nghề nghiệp của mình, không chỉ tập trung vào các đơn bị báo chí trong nước mà còn mở rộng ra khu vực.

Viện cũng đang triển khai các chương trình Thạc sỹ Báo chí định hướng nghiên cứu, Thạc sỹ Báo chí định hướng ứng dụng, Thạc sỹ Quản trị báo chí truyền thông, Thạc sỹ Kinh tế báo chí truyền thông (liên kết với Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội), Thạc sỹ liên kết quốc tế về Quản trị truyền thông (với ĐH Stirling, Anh) cùng 01 chương trình đào tạo bậc Tiến sỹ ngành Báo chí. Đây là những cơ hội tốt cho các cử nhân Báo chí tiếp tục trau dổi kiến thức về nghề nghiệp ở những bậc học cao hơn.

Tác giả: Nhật Hà

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây