Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


ASEAN chống Covid-19: Muốn an toàn phải đoàn kết

Sáng 26/5/2021, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN và Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (CHLB Đức) phối hợp tổ chức toạ đàm trực tuyến “ASEAN và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế.

Ba diễn giả chính của toạ đàm

Tọa đàm đã nghe 03 tham luận chính của các diễn giả: bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam (“Looking over Fences”); ông Tan Weiming, Phó Đại sứ Singapore tại Việt Nam (“Chiến lược ứng phó với Covid-19 của Singapore”); PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (“Tác động của đại dịch Covid-19 và ứng phó của ASEAN”).

Các chuyên gia đã chia sẻ những thông tin phản ánh tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lên các quốc gia ASEAN trên các phương diện kinh tế, xã hội, an sinh; đánh giá hiệu quả của các giải pháp chung mà cộng đồng ASEAN thực hiện để ứng phó với đại dịch; phân tích bài học kinh nghiệm của những quốc gia thành công trong kiểm soát dịch bệnh; khẳng định vai trò quan trọng của sự đoàn kết, hợp tác và những chương trình hành động cấp khu vực ASEAN để đẩy lùi Covid-19 và xây dựng kịch bản phát triển hậu đại dịch...

Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường phát biểu khai mạc toạ đàm

Đại dịch Covid-19 được đánh giá là mối đe dọa an ninh phi truyền thống lớn nhất với loài người kể từ sau Thế chiến thứ II. Tính đến ngày 21/5/2021, sau khoảng một năm rưỡi đại dịch diễn ra, 10 quốc gia ASEAN đã có 3.776.442 ca nhiễm, trong đó có 74.782 người tử vong. Tất cả các thành viên ASEAN đều bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch trên các mặt kinh tế, xã hội và dân sinh. Về mặt kinh tế, đại dịch ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành sản xuất và dịch vụ, gây “đóng băng” ngành du lịch, chuỗi cung ứng sản xuất và cung ứng lao động. Về mặt xã hội, đại dịch gây nên bất ổn xã hội, khủng hoảng y tế công cộng, gây hoang mang và đe doạ sự bình yên của cuộc sống. Về mặt dân sinh, đại dịch làm cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, thu nhập giảm sút, một bộ phận dân số rơi vào cảnh thất nghiệp và đói nghèo. Kinh tế khu vực ASEAN đối mặt với suy thoái nặng nề khi tăng trưởng kinh tế của ASEAN năm 2020 sụt giảm mạnh, từ 4,6% trong năm 2019 xuống -4,2%. Những quốc gia có mức sụt giảm kinh tế sâu như Singapore (-6,1%), Thái Lan (-6,8%), Philippines (-7,6%). Ngay khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, ASEAN đã có một loạt hành động ứng phó kịp thời. Ngày 3/2/2020, chỉ 04 ngày sau khi Trung Quốc thông báo cho WHO về Covid-19 thì Ban Y tế của Ban Thư ký ASEAN đã thông báo cho các quan chức y tế cấp cao của tổ chức này về loại virus mới. ASEAN sớm có Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN đối với Covid-19 vào ngày 14/2/2010.

Đa dạng trong thống nhất, các nước thành viên ASEAN có những cách tiếp cận khác nhau trong việc kiểm soát dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế, từ việc đóng cửa biên giới, truy vết và xét nghiệm cộng đồng, hạn chế tiếp xúc và thực hiện giãn cách xã hội, tiêm vaccine, tạo miễn dịch cộng đồng cho đến đưa ra các gói kích thích kinh tế, các chương trình hỗ trợ dân sinh, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ...

Trong bối cảnh đó, với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, trong năm 2020, Việt Nam đã tiến hành tất cả các phiên họp của ASEAN lần đầu tiên bằng hình thức trực tuyến. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, ASEAN đã thông qua hàng loạt văn kiện, nội dung quan trọng như Báo cáo đánh giá giữa kỳ các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, nhất trí về sự cần thiết tiến hành rà soát triển khai Hiến chương ASEAN, thông qua Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, thông qua Bản tường thuật về Bản sắc ASEAN và ra Tuyên bố Hà Nội về tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng.

TS. Nguyễn Hùng Sơn - Phó Giám đốc Học viên Ngoại giao Việt Nam

Việt Nam cũng tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Lãnh đạo nữ ASEAN lần đầu tiên. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, nhiều sáng kiến về hợp tác ứng phó chống đại dịch Covid-19 được công bố và triển khai như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Khung chiến lược ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp của ASEAN và Trung tâm Y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi… Không chỉ hoàn thành vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, Việt Nam còn nổi lên như một điển hình với những giải pháp ứng phó Covid-19 hiệu quả dựa trên việc lựa chọn mục tiêu đặt vấn đề sức khoẻ và an toàn của người dân lên hàng đầu. Việt Nam đã có phản ứng nhanh và kiên trì với hoạt động truy vết tiếp xúc, khoanh vùng và cách ly triệt để các ca lây nhiễm; minh bạch thông tin và truyền thông kịp thời về các giải pháp của chính phủ. Niềm tin và sự ủng hộ của người dân đối với Chính phủ trong cuộc chiến chống Covid là một yếu tố quan trọng cho những kết quả bước đầu của Việt Nam, nhờ đó giảm thiểu được tác động tiêu cực lên kinh tế. Vì thế, Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất của ASEAN trong năm 2020.

Ông Tan Weiming, Phó Đại sứ Singapore tại Việt Nam

Theo GS.TS Phạm Quang Minh, “Củng cố và xây dựng lòng tin dựa trên sự minh bạch, tính trách nhiệm và vì người dân là chìa khóa giúp Việt Nam và các nước ASEAN chống đại dịch Covid-19 hiệu quả trong thời gian tới”. Hay Singapore là quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 và tiêm chủng đạt mức cao nhất trong khu vực - một vũ khí để quốc gia này chống dịch hiệu quả. Theo ông Tan Weiming, Phó Đại sứ Singapore tại Việt Nam, Singapore đã thành công trong chống đại dịch Covid -19 nhờ một chiến lược thận trọng từ từ gồm 03 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là “tái mở cửa an toàn”, chỉ cho phép một số hoạt động; giai đoạn 2 là “quá độ an toàn” khi cho phép tái mở cửa rộng hơn đối với các hoạt động xã hội và kinh tế và giai đoạn 3 là “dân tộc an toàn” khi nước này tiến hành tiêm vaccine kết hợp với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn lây, cho phép các hoạt động có chọn lọc diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam

Muốn an toàn phải đoàn kết” là thông điệp mà các chuyên gia thống nhất và chia sẻ cùng nhau tại Toạ đàm. Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam bày tỏ: “Vì vậy, tôi hy vọng rằng ASEAN từ trong đại dịch sẽ nổi lên mạnh mẽ hơn, chứ không phải yếu đi. Và tôi chắc chắn là UNDP sẽ tiếp tục ủng hộ Chính phủ Việt Nam và các quốc gia khác hiện thực hóa tầm nhìn đa phương và khu vực đã được vạch ra trong tháng 11 năm ngoái với vai trò chủ trì của Việt Nam”.

asean va covid 6

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp tục có những diễn biến khó lường, các nhà khoa học khuyến nghị ASEAN cần hết sức thận trọng và nâng cao cảnh giác. PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nhấn mạnh: “Chính phủ và nhân dân ASEAN cần nỗ lực và có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để nhanh chóng tiêm chủng cho toàn dân, tiến tới đạt được miễn dịch cộng đồng..”. Điều quan trọng là chính phủ và người dân sẽ phải thích nghi với “trạng thái bình thường mới”, có kịch bản ứng phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, kiểm soát được rủi ro, tiêm vaccine trên diện rộng, tạo miễn dịch cộng đồng, hướng tới đạt mục tiêu kép là bảo vệ sức khoẻ và an toàn của người dân nhưng đồng thời cũng thiết lập lại sự ổn định xã hội, phục vụ mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế. Hơn lúc nào hết, ASEAN cần đoàn kết để cùng đồng lòng triển khai những giải pháp chung ở cấp độ khu vực, cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, các nguồn lực cả vật chất và tinh thần để vượt qua Covid-19.

TS. Lê Lena - Khoa Quốc tế học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN

Các chuyên gia đã chia sẻ những thông tin phản ánh tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lên các quốc gia ASEAN trên các phương diện kinh tế, xã hội, an sinh; đánh giá hiệu quả của các giải pháp chung mà cộng đồng ASEAN thực hiện để ứng phó với đại dịch; phân tích bài học kinh nghiệm của những quốc gia thành công trong kiểm soát dịch bệnh; khẳng định vai trò quan trọng của sự đoàn kết, hợp tác và những chương trình hành động cấp khu vực ASEAN để đẩy lùi Covid-19 và xây dựng kịch bản phát triển hậu đại dịch...

Tác giả: USSH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây