Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Dự án tập huấn phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh miền núi tại Hà Tĩnh đã được tổ chức thành công

Ngày 18/08/2022, Trung tâm Nghiên cứu Liên ngành các Khoa học Xã hội (CIRSS), trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tổ chức thành công tốt đẹp 02 buổi tập huấn phòng ngừa về các vấn đề sức khỏe tâm thần cho hơn 300 học sinh và hơn 40 giáo viên, phụ huynh Trường Trung học phổ thông Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh.

Tại buổi tập huấn, PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Hằng và PGS. TS. Bùi Thị Hồng Thái cùng 02 trợ giảng là ThS. BS. Trần Văn Minh và ThS. Đào Thị Hoa đã cung cấp những kiến thức về sức khỏe tâm thần, nhằm giúp cho người tham dự hiểu biết thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần, và nắm được các cách ứng phó khi bản thân và con em có khó khăn tâm lý.

Các chuyên gia chỉ ra rằng “Khó khăn về sức khỏe tâm thần gồm một loạt các vấn đề về tâm trí với các dấu hiêu khác nhau đặc trưng bởi việc gặp nhiều khó khăn trong suy nghĩ, cảm xúc, hành vi, mối quan hệ liên cá nhân và khả năng duy trì các hoạt động chức năng hàng ngày”.

Những dấu hiệu mà học sinh, phụ huynh và giáo viên cần hết sức lưu ý để có thể nhận biết được khi trẻ đang gặp vấn đề sức khỏe tâm thần:

- Cảm thấy rất buồn và thu mình trong hơn 2 tuần.

-  Có hành vi/ kế hoạch tự làm hại bản thân.

-  Có những cơn hoảng sợ mà không có lý do.

-  Đánh nhau hoặc nói về việc muốn trả thù ai đó.

- Bị mất kiểm soát hành vi, có thể gây tổn thương cho bản thân hoặc người khác.

- Thường bị nôn, nhịn ăn hoặc thực hiện những cách tiêu cực khác để giảm cân.

-  Có những lo lắng, sợ hãi khiến con không thể tham gia các sinh hoạt hàng ngày

Qua đó, giảng viên nhấn mạnh rằng phụ huynh nên khuyến khích trẻ chia sẻ cảm xúc, ghi nhận những điểm mạnh của chúng, cùng nhau giải quyết mâu thuẫn và khuyến khích các hoạt động vui chơi, thể thao…  Với những trẻ có khó khăn về sức khỏe tâm thần, cha mẹ không nên phán xét, dán nhãn xấu cho con. Đặc biệt, trẻ cần được kịp thời sử dụng các dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp, tránh trì hoãn hay cản trở việc này, và tuân thủ theo hướng dẫn của những người có chuyên môn. Tại trường học, thầy cô nên xây dựng mối quan hệ tích cực, một môi trường học tập an toàn, lành mạnh, đồng thời tăng cường hiểu biết về các vấn đề sức khỏe tâm thần. Thầy cô tuyệt đối tránh phân biệt đối xử, không có hành vi xâm phạm quyền trẻ em hay không tôn trọng ý kiến, quan điểm của các em học sinh. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cần được đẩy mạnh và phổ biến rộng rãi đến toàn thể học sinh và phụ huynh.

Bên cạnh việc hỗ trợ con em và học sinh ứng phó với các vấn đề sức khỏe tâm thần, phụ huynh và giáo viên cũng cần phải thường xuyên thực hành tự chăm sóc bản thân.

Để phòng ngừa các vấn đề về sức khỏe tâm thần, học sinh cần chú ý:

  • Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc.
  • Hạn chế tiếp xúc thông tin tiêu cực, nên làm những việc mình yêu thích, nghe nhạc thư giãn, nói chuyện với bạn bè, làm vườn…
  • Tránh tiếp xúc với những người có xu hướng tiêu cực, chia sẻ cảm xúc với người mình tin cậy, thiết lập mối quan hệ mới, tham gia hoạt động thiện nguyện…
  • Giữ chánh niệm, quản lý cảm xúc

Thông qua buổi tập huấn, giáo viên, phụ huynh và học sinh đã hiểu biết thêm và nhận diện rõ hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần, đồng thời tăng cường các kỹ năng ứng phó cho các em học sinh. Ngoài ra, người tham dự cũng được cung cấp kiến thức và kỹ năng tiếp cận các dịch vụ trợ giúp chuyên nghiệp về sức khỏe tâm thần như liên hệ đường dây nóng 111 của Tổng đài Bảo vệ trẻ em.

Tập huấn phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh miền núi tại Hà Tĩnh đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ đông đảo người tham dự. Đây là sự khởi đầu thành công, tạo tiền đề cho các sự kiện tiếp theo sẽ được triển khai tại Thanh Hóa và Hòa Bình trong tháng 09/2022.

Một số hình ảnh của buổi tập huấn

DSCF8896

DSCF8989

DSCF8885

DSCF8949

DSCF8869

Tác giả: Ngọc Lan

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây