Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Triển lãm 100 năm báo LE PARIA nhân dịp kỉ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 19/5/2022, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường ĐHKHXH&NV) phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ)”.

Năm 2022 cũng là năm gắn với sự kiện 100 năm ra đời tờ báo Le Paria (Người cùng khổ), tờ báo gắn với sự nghiệp hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước của Người.

Theo nhiều số liệu khảo cứu, năm 1922, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cùng nhiều nhà hoạt động cách mạng quốc tế lập nên Hội Liên hiệp thuộc địa và xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) tại Pháp.

bac ho va to bao le paria

Chân dung Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và một trong những số báo của tờ báo Le Paria

Thời kỳ hoạt động cách mạng ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp tham gia lãnh đạo và là linh hồn của Le Paria. Báo duy trì hoạt động được 4 năm (1922-1926), xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức. Tờ báo đã có ảnh hưởng lớn đối với công luận Pháp và phong trào yêu nước ở các thuộc địa.

Báo Le Paria đã góp phần quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những tầng lớp bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở Việt Nam và các nước thuộc địa của Pháp.

Nhà báo Trần Kim Hoa (Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam) cho biết: “Tờ báo Le Paria là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động báo chí của nhà báo Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, nó cũng là tờ báo có vị trí quan trọng, không thể thiếu khi nghiên cứu, tìm hiểu về nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”.

Trưng bày diễn ra tại sân Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với hơn 40 tài liệu, hiện vật liên quan đến Le Paria và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tiêu biểu là “Lời kêu gọi tham gia Hội hợp tác xuất bản Báo Le Paria ngày 10/2/1922”; trưng bày 29 trên 38 số Báo Le Paria đã xuất bản, có 26 số (trong đó có tờ số 1 và số cuối cùng) sưu tầm từ Pháp.

trien lam bao Le Paria 2

PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) đánh giá cao ý nghĩa của hoạt động trưng bày lần này nhân dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Với vai trò, vị trí đặc biệt của tờ báo Le Paria trong cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, trưng bày lần này không chỉ là một hoạt động quan trọng giúp sinh viên củng cố thêm kiến thức về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là dịp để tăng cường giáo dục lý tưởng cho sinh viên Nhà trường”.

Sinh viên Phạm Anh Văn, K64 Báo chí, cho biết rất hứng thú với triển lãm lần này: “Những kiến thức về báo Le Paria chúng em đã được học trong môn học Lịch sử Báo chí Việt Nam và Thế giới. Nhưng lần này được trực tiếp nhìn thấy các bản báo gốc, đọc được những bài báo cụ thể của tờ Le Paria, chúng em được dịp hình dung lại kiến thức về môn học theo một cách cụ thể, trực quan và thú vị hơn rất nhiều”.

Được biết, trong thời gian tới Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức nhiều triển lãm chuyên đề giới thiệu cho sinh viên và công chúng về lịch sử báo chí Việt Nam và những đóng góp của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Triễn lãm đã thu hút sự quan tâm tìm hiểu của đông đảo sinh viên trong trường.

trien lam bao Le Paria 6

trien lam bao Le Paria 7

trien lam bao Le Paria 4

trien lam bao Le Paria 3

trien lam bao Le Paria 5

Tác giả: Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây