Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc

Theo thầy Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV-ĐHQGHN, trong một cộng đồng dân cư chỉ nên bình xét, trao danh hiệu cho một số gia đình thực sự ưu tú, xuất sắc để tôn vinh khen thưởng thì sẽ có giá trị hơn tất cả các hộ đều được công nhận gia đình văn hóa.

nguyen hung vi

Thầy Nguyễn Hùng Vĩ (Nguyên giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐHKHXH&NV)

Lan toả văn hóa ứng xử từ gia đình đến xã hội

Nói về vấn đề này, chuyên gia văn hoá, thầy Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, từ ngàn đời nay, gia đình luôn là nơi nuôi dưỡng và trao truyền các giá trị văn hóa ứng xử tốt đẹp của con người Việt Nam. Trong đó, giáo dục là một trong những chức năng cơ bản và chủ đạo của gia đình. Thực tế cho thấy, gia đình nào quan tâm, chú trọng đến giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách thì trẻ em có xu hướng trở thành người sống có đạo đức, lối sống lành mạnh và ngược lại. Chính vì vậy, sự quan tâm, giáo dục của mỗi gia đình có ảnh hưởng nhất đến sự hình thành, phát triển nhân cách mỗi người, là những giá trị chuẩn mực để tạo nên những con người sống có ích cho chính gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong mỗi gia đình, cha mẹ, ông bà phải thực sự là tấm gương cho con cháu, để lan toả giáo dục ứng xử văn hóa trong gia đình làm bệ phóng văn hóa cho xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối như suy thoái đạo đức, lối sống thực dụng, sự vô cảm, mâu thuẫn, xung đột từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, ông Vĩ cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh. Cần quan tâm xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá trong đó đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma tuý để công nhận gia đình văn hóa.

Mỗi địa phương, mỗi gia đình, cần phải đấu tranh để hạn chế và từng bước xóa bỏ lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình trong đời sống xã hội, không để những tệ nạn này còn hiện hữu và tồn tại trong đời sống văn hoá hiện nay.

“Cần phải xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình theo đúng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Đồng thời xây dựng các thiết chế gia đình bền vững để phòng tránh bạo lực gia đình, đồng thời phải tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới” - ông Vĩ nhấn mạnh.

Khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình

Cũng theo chuyên gia văn hoá Nguyễn Hùng Vĩ, hiện nay còn nhiều gia đình không đăng ký thi đua khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Không những vậy, vì thành tích nên trong cuộc họp bình xét thường có tâm lý “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” để từ đó vun vén cho tập thể, cá nhân được tôn vinh đạt chuẩn văn hóa, ngại phát biểu, ngại nêu lên những khiếm khuyết của hàng xóm, sợ mất lòng. Chính vì vậy, trong một cộng đồng dân cư chỉ nên bình xét, trao danh hiệu cho một số gia đình thực sự ưu tú, xuất sắc để tôn vinh khen thưởng thì sẽ có giá trị hơn tất cả các hộ đều được công nhận “gia đình văn hóa”.

Theo TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) những con số thống kê bạo lực gia đình được công bố trong thời gian qua chưa phản ánh hết thực tế, bởi vẫn còn không ít trường hợp im lặng chịu đựng, vì ngại “vạch áo cho người xem lưng” hay “xấu chàng hổ ai”. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng về vấn đề này còn nhiều hạn chế và nhiều người vẫn quan niệm, việc chồng cho vợ vài “bạt tai” hay cha mẹ đánh đập con cái không phải là mầm mống của bạo lực.

Trong đó, những nhận thức về bình đẳng giới chưa cao cộng thêm các yếu tố kinh tế và tệ nạn xã hội như: Nghiện rượu, cờ bạc, ma túy, mại dâm…, khiến bạo lực gia đình vẫn còn “đất sống”. Chính vì vậy, để giải quyết tận gốc nạn bạo lực gia đình, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; đảng viên, người lớn phải làm gương tốt cho mọi thành viên gia đình noi theo. Khi hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, cần giải quyết gắn với pháp luật để nghiêm trị, răn đe, chứ không đặt “nặng” tính hòa giải.

Bên cạnh đó, việc xét, công nhận “Gia đình văn hóa” và gia đình tiêu biểu phải thực hiện đúng hướng dẫn của cơ quan cấp trên, nhất thiết phải dựa trên cơ sở bình xét, công khai, dân chủ và là sự tôn vinh của tập thể cộng đồng dân cư nơi cư trú. Động viên cộng đồng dân cư phát huy tinh thần đoàn kết, góp ý thẳng thắn, chân thành, đảm bảo những gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” thực sự tiêu biểu.

Cần phải hiểu được rằng, việc tôn vinh gia đình văn hóa là nội dung cốt lõi trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Chính vì vậy, việc giáo dục đạo đức, lối sống luôn là vấn đề quan trọng để xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, nhất là trong xã hội ngày càng hiện đại và phát triển.

Tác giả: Phạm Đông

Nguồn tin: laodong.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây