Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Cần sớm mở mã ngành đào tạo Du lịch

Toạ đàm Nhu cầu xã hội về nhân lực du lịch và sự cần thiết mở mã ngành đào tạo Du lịch do Trường ĐHKHXH&NV tổ chức ngày 26/12 với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lí thuộc nhiều trường đại học có đào tạo các ngành, chuyên ngành liên quan đến du lịch cũng như đại diện nhiều cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong cả nước.

Toạ đàm Nhu cầu xã hội về nhân lực du lịch và sự cần thiết mở mã ngành đào tạo Du lịch do Trường ĐHKHXH&NV tổ chức ngày 26/12 với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lí thuộc nhiều trường đại học có đào tạo các ngành, chuyên ngành liên quan đến du lịch cũng như đại diện nhiều cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong cả nước.

Hai nội dung chính được thảo luận tại toạ đàm là thực trạng nhu cầu về nhân lực du lịch ở nước ta hiện nay và những cơ sở dẫn tới sự cần thiết phải mở mã ngành đào tạo Du lịch bậc đại học ở Việt Nam.

Các báo cáo tại toạ đàm đều nhấn mạnh đến triển vọng phát triển của ngành du lịch hiện nay như một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là phải đào tạo được một đội ngũ nhân lực ngành Du lịch đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo về chất lượng và hướng đến tính chuyên nghiệp trong hoạt động. Theo Dự thảo Chương trình phát triển nhân lực du lịch Việt Nam, nguồn nhân lực du lịch của nước ta đến năm 2015 phải có ít nhất 500.000 lao động trực tiếp và khoảng 1,5 triệu lao động gián tiếp. Đến năm 2020 phải có cần có ít nhất 750.000 lao động trực tiếp và trên 2 triệu lao động gián tiếp. Vào năm 2015, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam phải đạt được những tiêu chí cơ bản sau: 70% - 80% đội ngũ cán bộ quản lí nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương được đào tạo chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của công việc; 60%-70% đội ngũ cán bộ quản lí ở doanh nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về du lịch; 60% lao động phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn du lịch, ngoại ngữ, tin học; 80% cơ sở đào tạo du lịch đào tạo chương trình đáơ ứng yêu cầu thực tiễn với 80%-90% giáo viên được đào tạo và chuẩn hoá...

[img class="caption" src="https://ussh.vnu.edu.vn/images/stories/2009/12/28/091226_1064_0128.jpg" border="0" alt="Toạ đàm đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch. (Ảnh: NA/USSH)" title="Toạ đàm đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch. (Ảnh: NA/USSH)" width="580"/>

Hiện nay, có khoảng 70% cơ sở đào tạo với năng lực đào tạo hàng năm là 18.000 học sinh, sinh viên, chỉ mới đáp ứng được 55% nhu cầu xã hội. Theo đánh giá của doanh nghiệp tuyển dụng lao động thì chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa đạt chuẩn quốc tế. Một trong những nguyên nhân quan trọng của thực trạng trên là những hạn chế trong khâu đào tạo nhân lực du lịch hiện nay. Đó là chương trình đào tạo ngành Du lịch bậc đại học và cao đẳng ở các cơ sở đào tạo chưa có sự thống nhất về tên gọi cũng như nội dung chương trình học. Mã ngành đào tạo bậc đại học của quốc gia không có mã ngành đào tạo riêng cho ngành du lịch dù hiện nay có 102 cơ sở đào tạo tuyển sinh hệ cao đẳng và đại học liên quan đến nghề trong ngành du lịch. Đào tạo nhân lực cho ngành du lịch lại nằm rải rác ở nhiều ngành đào tạo khác nhau như Việt Nam học, Địa lí, Văn hoá, Quản trị kinh doanh...

Xét ở góc độ học thuật, một số báo cáo khẳng định rằng Du lịch học là một ngành khoa học độc lập, có tính liên ngành cao, đã và đang được nghiên cứu và đào tạo tại các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Thuật ngữ Du lịch học và khoa học Du lịch đã và đang được sử dụng thường xuyên hơn và một thuật ngữ mới đã xuất hiện là Tourismology.

Với các dữ liệu trên, các ý kiến của các chuyên gia cũng như các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch tại toạ đàm lần này đều thống nhất khẳng định tính cấp thiết cần phải có một mã ngành đào tạo riêng cho ngành Du lịch trong hệ thống mã ngành đào tạo chính thức của quốc gia. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc mở ra cơ hội phát triển bền vững và lâu dài cho một ngành khoa học mới là khoa học Du lịch, rộng hơn là cho sự phát triển và lớn mạnh của cả một ngành kinh tế trọng tâm và mũi nhọn trong hệ thống kinh tế của quốc gia.

Tác giả: thanhha

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây