Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Hội thảo Tâm lý học ở khu vực Đông Nam Á lần thứ nhất "Hạnh phúc con người và phát triển bền vững"

Hội thảo Quốc tế về Tâm lý học với chủ đề “Hạnh phúc con người và phát triển bền vững” (“Human Well-being and Sustainable Development”) lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam vinh dự được đăng cai tổ chức Hội thảo này.

Mục tiêu của Hội thảo mà Hiệp hội Tâm lý học Ứng dụng quốc tế (IAAP) thay mặt các đơn vị đồng tổ chức đưa ra là: tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu, đào tạo và thực hành chuyên môn Tâm lý học ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, ở châu Á nói chung và ở nhiều khu vực khác trên thế giới. Đây là dịp để các nhà Tâm lý học Đông Nam Á và quốc tế trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp cho sự phát triển của Tâm lý học trong khu vực và quốc tế phù hợp với văn hóa, kinh tế, xã hội, lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc, nhằm làm cho con người hạnh phúc hơn và xã hội có thể phát triển theo hướng ngày càng bền vững. Hội thảo cũng giúp nâng cao vai trò và tăng cường sự đóng góp của Tâm lý học trong đời sống xã hội; nâng cao năng lực cho các nhà Tâm lý học Việt Nam nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung thông qua các khóa tập huấn về các kỹ thuật, phương pháp và lý thuyết nghiên cứu/thực hành tTâm lý học hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Các cơ quan đồng tổ chức hội thảo bao gồm: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN và Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); Hiệp hội tâm lý học ứng dụng quốc tế (IAAP), Ủy hội Trắc đạc quốc tế (ITC), Hiệp hội Tâm lý học xuyên văn hóa quốc tế (IACCP), Hội tâm lý học Úc (APS) và Hội Tâm lý học Trung Quốc (CPS).

Hội đồng Khoa học có sự tham gia của 21 thành viên là các nhà khoa học có uy tín thuộc 11 quốc gia (Việt Nam, Canada, Ấn Độ, Trung Quốc, Úc, Rumani, Hà Lan, Bangladesh, Malaysia, Indonesia, Japan); trong đó có thể kể đến GS. Janel Gauthier (Canada), GS. Lyn Littlefield (Úc), GS. Dragos Iliesco (Rumani), GS. Kan Zhang (Trung Quốc), GS. Janak Pandey (Ấn Độ), GS. Hamdi Muluk (Indonesia), GS. Najib Ahmad Marzuki (Malaysia), GS. Akira Tsuda (Nhật Bản) và một số học giả từ Việt Nam như: PGS.TS. Lã Thị Thu Thủy, PGS.TS. Lê Văn Hảo, PGS.TS. Phan Thị Mai Hương (Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm KHXH Việt nam), PGS.TS. Trương Thị Khánh Hà, GS. TS. Nguyễn Hữu Thụ, GS.TS. Trần Thị Minh Đức (Khoa Tâm lý học, Trường ĐH KHXH và NV - ĐHQGHN), PGS.TS. Trần Thị Tú Anh (ĐH Sư phạm Huế), TS. Nguyễn Thị Trâm Anh (ĐH Sư phạm Đà Nẵng), PGS.TS. Trần Thị Lệ Thu (ĐH Sư phạm Hà Nội), PGS.TS Bùi Xuân Mai (ĐH Lao động – Xã hội, TP Hồ chí Minh).

Có nhiều hoạt động được tổ chức trong thời gian diễn ra Hội thảo. Các nhà khoa học, các nhà tâm lý thực hành, các nhà nghiên cứu, các em sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, những người quan tâm tới vấn đề này, có thể tham gia vào những hoạt động sau trong Hội thảo:

  1. 5 khóa tập huấn chuyên sâu với mục tiêu nâng cao năng lực diễn ra trong ngày 28/11, với các chủ đề đang được bàn luận nhiều trong giới khoa học cũng như trong xã hội (Điều trị cho các đối tượng của nạn bắt nạt học đường; Áp dụng Bản tuyên ngôn chung cho sự phát triển các nguyên tắc đạo đức; Phát triển năng lực và ảnh hưởng của Hiệp hội Tâm lý học trong việc thúc đẩy khoa học tâm lý; Cách thức để có bài xuất bản).
  2. Các báo cáo khoa học được trình bày dưới nhiều hình thức, từ ngày 29/11 đến ngày 01/12/2017: 13 bài phát biểu chủ chốt (Keynote) trong phiên toàn thể của các nhà khoa học ngành TLH đẳng cấp thế giới; 13 hội nghị chuyên đề (symposium), 24 tiểu ban; và 97 poster trình bày các chủ đề đa dạng khác nhau xoay quanh câu hỏi liên quan đến hạnh phúc, sự khỏe mạnh của con người, sự phát triển bền vững trong những bối cảnh, lĩnh vực, môi trường khác nhau, trong sự đa dạng và biến đổi không ngừng của văn hóa và xã hội. Tổng cộng, ngoài các bài của Keynotes, có 454 báo cáo của các cá nhân và nhóm nghiên cứu từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ được trình bày taị Hội thảo này, trong đó Việt Nam chiếm khoảng 50%. Các nhà khoa học Việt Nam đến từ 90 tổ chức trong và ngoài công lập.
  3. 5 Hội nghị bàn tròn bàn về kế hoạch, các xu hướng hợp tác khu vực và quốc tế để thúc đẩy sự phát triển của Tâm lý học Việt nam cũng như khu vực Đông Nam Á với các chủ đề: Phát triển tâm lý học ở Đông Nam Á như một nghề chuyên nghiệp ở Đông Nam Á, Phát triển hợp tác nghiên cứu khu vực Đông Nam Á; Phát triển thang đo lường tâm lý cho khu vực Đông Nam Á, Dạy Tâm lý học ở Đông Nam Á, Học Tâm lý học ở Đông Nam Á.

170 bài viết toàn văn được phản biện bởi hai nhà khoa học độc lập quốc tế và Việt Nam, trong đó có 150 bài được công bố trong các kỷ yếu của hội thảo có chỉ số ISBN. Kỷ yếu được xuất bản thành 3 tập, theo các chủ đề chuyên sâu với tổng số trang in là khoảng 1600 trang.

Mọi thông tin chi tiết liên quan đến Hội thảo, vui lòng liên hệ theo địa chỉ:

Địa chỉ liên hệ:

+ Viện Tâm lý học – 37 Kim Mã Thượng – Ba Đình – Hà Nội – Tel: (04) 38325177.

+ Khoa Tâm lý học – Nhà D Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – 366 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội – Tel: (04) 38588003.

EmailRCP2017vn@gmail.com

https://www.facebook.com/RegionalConferenceofPsychology/?pnref=story

RCP2017 qua những con số

Hội thảo Quốc tế về Tâm lý học lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á do Việt Nam đăng cai sắp khai mạc.

  • Hội thảo đã nhận được sự đồng ý của 12 nhà khoa học ngành Tâm lý đẳng cấp thế giới sẽ có bài phát biểu như những diễn giả chính ở những lĩnh vực quan trọng nhất của Tâm lý học.
  • Hội thảo cũng sẽ có 5 buổi tập huấn nâng cao năng lực (chủ yếu đáp ứng nhu cầu của Việt Nam) của những nhà khoa học nổi tiếng thế giới.
  • Có 13 hội nghị chuyên đề bàn về các vấn đề chuyên sâu của các học giả hàng đầu thế giới. 
  • Có 24 tiểu ban khoa học được hình thành.
  • Có 454 bản tóm tắt nghiên cứu của các cá nhân và nhóm nghiên cứu được gửi đến, trong đó Việt Nam chiếm khoảng hơn 50%. Các tóm tắt 100% đều được phản biện.
  • Riêng tác giả của phía Việt Nam đến từ 90 tổ chức trong và ngoài công lập.
  • Có 5 hội nghị bàn tròn sẽ được tổ chức để bàn về các kế hoạch hợp tác và phát triển Tâm lý học ở khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
  • Tổng cộng, ngoài các bài của các diễn giả chính, có 436 báo cáo sẽ được trình bày ở các dạng khác nhau: hội nghị chuyên đề, các tiểu ban, poster.
  • Số quốc gia có đại biểu tham dự Hội thảo là 35.
  • Có khoảng 350 trang chỉ tóm tắt bằng tiếng Anh các bài gửi đến (đang được chỉnh sửa về ngôn ngữ bởi native speaker)
  • Các báo cáo toàn văn được gửi đến để đăng vào kỷ yếu Hội thảo là 170 bài (Việt Nam chiếm khoảng hơn 70%), được phản biện bởi 2 nhà khoa học độc lập Việt Nam và quốc tế.
  • Số trang sách Kỷ yếu có thể lên tới 1600 trang (chưa kể phần tóm tắt tiếng Anh).
  • Thời gian cho việc chuẩn bị tổ chức Hội thảo này tính từ khi chính thức ký kết thỏa thuận với các tổ chức quốc tế, đến nay là 9 tháng.
  • Số người tham gia vào Hội đồng khoa học là 21 (trong đó có 10 Việt Nam).

Có thể nói đây là một Hội thảo quốc tế được tổ chức ở Việt Nam theo đúng nguyên tắc tổ chức và tiêu chí khoa học của thế giới, bước đầu đã được ban tư vấn Quốc tế đánh giá cao.

 

Tác giả: ussh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây