Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Tọa đàm «Những năm tháng làm Đại sứ tại Việt Nam» của Claude Blanchemaison

Trung tâm Văn hóa Pháp - L’Espace, kính mời quý vị đến dự tọa đàm xoay quanh tác phẩm Những năm tháng làm Đại sứ tại Việt Nam của Claude Blanchemaison, nhân dịp xuất bản tác phẩm bằng tiếng Việt, do NXB Chính trị Quốc gia phát hành với sự tham gia của Ngài Claude Blanchemaison, Đại sứ Pháp tại Việt Nam (1989-1993) và PGS. TS. Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tọa đàm diễn ra:

Thứ Tư ngày 29/06/2016 lúc 18h

Địa điểm: Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp

24 Tràng Tiền, Hà Nội

Cùng lắng nghe hồi tưởng của Claude Blanchemaison về sự nghiệp ngoại giao của ngài, đặc biệt trong thời kỳ bốn năm làm Đại sứ Pháp tại Việt Nam (1989-1993). Trong khoảng thời gian ấy, ngài đã rong ruổi từ Bắc vào Nam và thường xuyên gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo cũng như nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo, doanh nhân, nghệ nhân… Ngày 14 tháng 7 năm 1989, ngài tổ chức Kỉ niệm 200 năm Cách mạng Pháp tại khuôn viên Đại sứ quán Pháp, với sự góp mặt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đó là Phó Thủ tướng. Ngày Quốc khánh Pháp trở thành một dịp thường niên hội tụ các nhạc công và ca sĩ Việt Nam tại Đại sứ quán. Ngài đã không ít lần đón tiếp những chuyến thăm của Bộ trưởng bộ Ngoại giao Roland Dumas và của nhiều thành viên Chính phủ Pháp, cũng như nhiều doanh nhân và nghệ sĩ. Trong suốt bốn năm ấy, sự hợp tác song phương giữa hai nước được phát triển mạnh mẽ. Năm 1992, Trung tâm Đào tạo và quản lý Pháp-Việt được thành lập. Thời điểm đó, bắt đầu chương trình nội trú tại các bệnh viện lớn của Pháp dành cho các bác sĩ trẻ Việt Nam (hơn một nghìn bác sĩ đã được đào tạo). Hợp tác trong lĩnh vực pháp lý cũng được phát triển cùng với chương trình đào tạo nhân lực của Bộ Tài chính. Ba bộ phim lớn  được thực hiện trong thời gian này bao gồm: Điện Biên Phủ của Schoendoerffer, Đông Dương của Wargnier, và Người Tình của Jean-Jacques Annaud. Rốt cuộc vào tháng 2 năm 1993, Tổng thống François Mitterrand đặt chân tới Hà Nội, Điện Biên Phủ và thành phố Hồ Chí Minh. Kỉ niệm vô cùng xúc động.

Claude Blanchemaison đã sống trong giai đoạn đặc biệt của lịch sử Việt Nam (thời kỳ đất nước mở cửa) và của mối quan hệ Pháp-Việt (phát triển hợp tác với Pháp) với những chương trình được thực hiện dành riêng cho Việt Nam (các lớp song ngữ) cùng sự tái thiết lập quan hệ chính trị. Cuối những năm 1980-đầu những năm 1990, những sự kiện quốc tế và khu vực thực sự là cú sốc lớn, có tác động toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế, văn hoá và ngoại giao của Việt Nam. Mặc dù, công cuộc đổi mới đã chính thức được tuyên bố từ năm 1986 tại Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng những khó khăn vẫn chồng chất và cái mới vẫn chưa được khẳng định. Trong nước, kinh tế lạm phát, xã hội bất ổn. Ngoài nước, Việt Nam bị cô lập. Vì “vấn đề Campuchia”, Mỹ vẫn tiếp tục cấm vận Việt Nam. Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc chưa được bình thường hoá. Việt Nam và ASEAN vẫn nhìn nhận nhau qua lăng kính của Chiến tranh lạnh. Không phải ngẫu nhiên mà Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 đã đưa ra tuyên bố: “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển.”

Chính trong bối cảnh đó, Claude Blanchemaison nhận nhiệm vụ đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Pháp tại Việt Nam. Chính ngài, chứ không phải ai khác, đã là cầu nối giữa Việt Nam và Pháp và qua Pháp đến với cộng đồng quốc tế. Chính ngài là người đã góp phần quan trọng vào chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, người đứng đầu nhà nước phương Tây đầu tiên, đến thăm Việt Nam vào tháng 2 năm 1993. Sự kiện này mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Pháp và Việt Nam nói riêng, giữa Việt Nam và thế giới nói chung. Sẽ không quá đáng khi nói rằng, từ sau chuyến thăm của Tổng thống Mitterrand, cánh cửa bước ra thế giới của Việt Nam đã rộng mở.

Cuốn sách của Claude Blanchemaison đã tái hiện một cách sống động bối cảnh của thời kỳ đó, và cho độc giả cơ hội khám phá lịch sử Việt Nam dưới góc nhìn của một nhà ngoại giao tầm cỡ, người góp phần quyết định vào sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Pháp.

Giới thiệu diễn giả

  • Ngài Claude BLANCHEMAISON từng là đại sứ Pháp tại Việt Nam trong suốt 4 năm, thời điểm vô cùng quan trọng của đất nước từ mùa xuân năm 1989 đến mùa xuân năm 1993. Sau đó ngài làm đại sứ tại Ấn Độ, Nga và Tây Ban Nha. Tại Bộ Ngoại giao, ngài từng giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Viễn Đông, Vụ Trưởng Vụ Châu Á và Châu Đại Dương, Vụ trưởng Vụ Châu Âu, Tổng Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và Phát triển. Tại văn phòng Thủ tướng Chính phủ, ngài là Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề Châu Âu và Tổng thư ký nhiệm kỳ Pháp làm Chủ tịch Hội đồng châu Âu năm 2008. Từ năm năm nay, ngài là đại diện của Pháp tại Hội đồng thống đốc Quỹ Á-Âu (ASEF) và tham gia giảng dạy tại một số trường đại học. Sinh ra tại Loches năm 1944, ngài theo học cấp 3 tại trường Descartes ở Tours, tốt nghiệp Trường Thương mại Cao cấp, Học viện Nghiên cứu Chính trị Paris và Đại học Luật và Kinh tế Paris. Ngài cũng là cựu sinh viên của Trường Hành chính Quốc gia.
  • Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Minh sinh năm 1962 tại Ninh Giang, Hải Dương. Tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Quốc gia Kuban (Liên Xô cũ) năm 1986, có bằng thạc sỹ Đông Nam Á học của Đại học Passau năm 1996 và bằng Tiến sỹ của Đại học Humboldt năm 2002, Phạm Quang Minh đã từng đảm nhiệm các chức vụ Phó Trưởng Khoa, rồi Trưởng Khoa Quốc tế học Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2012, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng và từ 1/1/2016 Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH & NV. Năm 2007, ông được công nhận chức danh Phó Giáo sư ngành Lịch sử. Các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu chính: Quan hệ quốc tế ở Châu Á-Thái Bình Dương, Chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Việt Nam, Chính trị học so sánh. Ông đã công bố 6 cuốn sách và khoảng 80 bài báo trên các tạp chí trong nước và quốc tế uy tín. Ông đã nhận được giải thưởng khoa học tiêu biểu hàng năm (2012) và 5 năm (2010-2015) của Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm 2011, ông cũng nhận được Huy chương của Toàn quyền Canada David Johnston vì có những đóng góp cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Canada.

invitation:

Communiqué presse Mémoires d'un Ambassadeur  de Claude Blanchemaison:

Để đăng ký phỏng vấn, xin vui lòng liên hệ

Nguyễn Thị Hồng

Chuyên viên truyền thông / Chargée de communication
Viện Pháp tại Việt nam / Institut français du Vietnam

Viện Pháp tại Hà nội / Institut français de Hanoi
24, Tràng Tiền, Hanoi

www.institutfrancais-vietnam.com

nguyen.thi.hong@institutfrancais-vietnam.com

Tel : +84 4 39 36 21 64 (poste 432)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây