Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Thắp sáng tấm lòng nhân ái tại lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường"

Ngày 29-9, tại Hà Nội, báo Tuổi Trẻ phối hợp Thành đoàn Hà Nội, Công ty cổ phần Vinacam tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2019 cho 134 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 29 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Thắp sáng tấm lòng nhân ái tại lễ trao học bổng

Chương trình trao 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 15 triệu đồng/suất tặng tân sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 114 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng/suất tặng tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập.

Tân sinh viên Trần Thị Hồng Ngọc, K64 Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV là sinh viên được nhận 1 trong 20 suất học bổng đặc biệt ấy. Trên sân khấu giao lưu của chương trình, câu chuyện về Ngọc được chia sẻ lại.

PGS.TS Nguyễn Quang Liệu và sinh viên Trần Thị Hồng Ngọc trên sân khấu giao lưu của lễ trao học bổng của báo Tuổi trẻ

Mẹ Ngọc - bà Trần Thị Hạt (57 tuổi) - là một người phụ nữ tàn tật từ tuổi thanh niên. Năm 23 tuổi, trong một lần lao động công ích ở địa phương, bà bị thân cây đập gãy cánh tay trái. Tại họa giáng xuống bất ngờ trong lúc gia cảnh nghèo đói không có tiền chạy chữa nên cánh tay bà phải cắt bỏ.

Ngay từ khi lọt lòng, Ngọc đã thiếu vắng tình thương của người cha. Mái nhà đơn sơ, hai mẹ con nương tựa vào nhau. Không có ruộng đất, cũng không thể kham nổi những công việc nặng nhọc, bà xin nhận làm văn thư cho xã để kiếm thêm thu nhập. Nguồn sống chính hằng tháng của hai mẹ con là những đồng tiền trợ cấp ít ỏi và phụ cấp văn thư.

Ba năm trước, thấy sức khỏe giảm sút, bà đi bệnh viện kiểm tra thì mới phát hiện mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Cuộc sống hai mẹ con lại càng thiếu trước hụt sau hơn bởi những lần bà Hạt đi viện nhiều hơn ở nhà.

"Ngày mẹ em phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo cũng là những tháng em ôn tập chuẩn bị thi vào cấp III. Lúc đó, đã không ít lần em định nghỉ học rồi kiếm việc nào đó làm để lo cho mẹ. Nhưng rồi thầy cô khuyên bảo, mẹ cũng nói cố gắng học cho hết lớp 12 có tấm bằng tốt nghiệp rồi tính tiếp", Ngọc nhớ lại.

Sớm ý thức được hoàn cảnh gia đình nghèo khó, Ngọc luôn cố gắng chăm chỉ học hành. Năm học nào Ngọc cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cứ vào dịp nghỉ hè, ngày lễ tết được nghỉ học dài, Ngọc xin đi làm thuê, từ rửa bát, gặt lúa thuê, bưng bê phục vụ quán hàng… đỡ đần cho mẹ.

"Khi nhận giấy báo nhập học, em biết hoàn cảnh gia đình mình không thể đến giảng đường nên chỉ cầm khoe với mẹ như là một thành tích mình đã nỗ lực rồi tính xin mẹ chút tiền đem đóng khung để cất như là một kỷ vật. Nghĩ về tương lai, nhiều đêm em trằn trọc không ngủ được. Thấy mẹ cũng như em, cứ lật qua, lật lại. Hai mẹ con lại ôm nhau khóc", Ngọc tâm sự.

Khi màn hình trên sân khấu chiếu clip về Hồng Ngọc, hình ảnh mẹ Ngọc hiện lên - người phụ nữ khắc khổ, mang làn da rám nắng đặc trưng của những con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung nắng gió. Những bước đi khó khăn, lắc lư do trọng tâm cơ thể không cân đối và đặc biệt là đôi mắt, đôi mắt của người mẹ đau yếu, thương con mà bất lực. Trong căn nhà đơn sơ với mảnh vườn cằn cỗi là hình ảnh cô học sinh mạnh mẽ, gương mặt mướt mồ hôi đang cắt rau. Mắt em buồn, nét buồn đượm cả lên cái ôm của em dành cho mẹ.

Hình ảnh và câu chuyện đầy nghị lực của gia đình em đã khiến tất cả mọi người trong hội trường đều rưng rưng xúc động.

Tham gia phần giao lưu với 2 đại diện tân sinh viên nhận học bổng, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu - Trưởng phòng Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội đã chia sẻ câu chuyện về hành trình nhân ái của những người thầy, cô của Trường ĐHKHXH&NV nói riêng và cả cộng đồng nói chung đã đồng hành cùng Ngọc.

“Khi đọc được bài viết của báo Tuổi trẻ về hoàn cảnh khó khăn của gia đình em Ngọc cùng giấc mơ dang dở với cánh cổng giảng đường, thầy Phạm Quang Minh - Hiệu trường trường đã gọi ngay cho tôi thông báo quyết định miễn toàn bộ học phí và chi phí ở kí túc xá trong 4 năm học đại học cho em Ngọc. Ngay buổi trưa hôm ấy, sau khi kết thúc lớp dạy của mình, tôi đã quyết định lái xe từ Hà Nội về Nghi Lộc, Nghệ An để đón em lên nhập học” – thầy Liệu chia sẻ - “Tôi đi để đón em, để được trực tiếp về chia vui, động viên mẹ em Ngọc yên tâm dưỡng bệnh. Tôi về cam kết với thầy cô, với chính quyền sẽ tiếp tục dạy dỗ em trở thành người tốt và cũng về động viên em, mong em vượt qua khó khăn. Em Ngọc trở thành "liều thuốc" quý giá chữa bệnh cho mẹ trong những lúc gian khó nhất”.

Chuyến đi tự phát, không có kế hoạch đấy chính là một trong những hành trình, trải nghiệm vinh dự, hạnh phúc của cuộc đời làm giáo của thầy. Thầy Liệu cho biết, trước đây, khi còn là một cậu học sinh nghèo của miền đất Hà Tĩnh, thầy cũng đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ mọi người để có thể trở thành cậu sinh viên của Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy. Nên “mình từng được nhận và bây giờ mình trao lại”.

Ngoài suất học bổng 15 triệu, bạn đọc báo Tuổi Trẻ Nguyễn Văn Minh và nhóm bạn ở Đồng Nai ủng hộ thêm cho tân sinh viên Hồng Ngọc số tiền 10,5 triệu đồng để em trang trải cho quá trình học tập của mình.

Giờ đây, Ngọc đã chính thức trở thành tân sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. Để lại hình ảnh cô học sinh với đôi mắt đượm buồn phía sau lưng, Hồng Ngọc nở nụ cười tươi tắn chia sẻ về những dự định hiện tại và trong tương lai:

“Em rất thích đọc sách nên đã xin làm nhân viên trông coi thư viện của Viện để có thể đọc thật nhiều sách. Em đã nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng rất nhiều, em cũng hy vọng có thể cho đi một phần nào đấy thông qua các hoạt động tình nguyện nên đã đăng ký làm thành viên của CLB Xung kích trường. Em sẽ tham gia cả hoạt động Nghiên cứu khoa học sinh viên của trường nữa. Em sẽ học viết báo ngay từ năm nhất, hoàn thành quãng đời sinh viên của mình thật trọn vẹn để ra trường có thể trở thành một nhà báo”.

“Nếu được ví bản thân mình là những chiếc chong chóng, em nghĩ niềm tin của mọi người sẽ là ngọn gió mát lành nhất giúp chúng em nâng cánh ước mơ”, Ngọc chia sẻ.

Ông Lê Xuân Trung - Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ gửi lời chúc mừng các tân sinh viên khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ được chọn nhận học bổng "Tiếp sức đến trường". Ông nhấn mạnh, học bổng "Tiếp sức đến trường" như là một phần thưởng, sẻ chia khát vọng với tân sinh viên. Những bài báo viết về các bạn trên báo Tuổi Trẻ làm cho trang báo thêm nhân văn, truyền thêm cảm hứng cho bạn đọc, góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn. "Phần thưởng này chúng tôi nghĩ dành cho các bạn với hy vọng tiếp thêm động lực cho các bạn trong hành trình thực hiện ước mơ học hành, thành tài của các bạn", ông Lê Xuân Trung nhắn nhủ.

Ông Vũ Duy Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Vinacam thay mặt nhà tài trợ gửi gắm đến các tân sinh viên thông điệp về cây gỗ quý lớn lên từ các kẽ đá, bất khuất trước gió và vững bền trăm năm: “Quỹ học bổng Tiếp sức đến trường chỉ như một bàn tay nâng các em lên một chút, giúp các em lấy đà lên dốc, phần còn lại các em hãy tiếp tục cố gắng. Các em cũng là những cây gỗ chắt chiu từ gian khó đi lên, tôi tin các em sẽ đóng góp cho tương lai đất nước, cải thiện đất nước về môi trường, kinh tế, văn hóa và cải thiện bản làng, thôn quê và chính gia đình các em”.

Tham gia chương trình, cô hoa khôi “Vầng trăng khuyết” Bế Thị Băng (Băng Băng) đã “tiếp lửa” niềm tin và nhiệt huyết vượt qua khó khăn cho các bạn tân sinh viên thông qua điệu múa uyển chuyển, sôi động. Băng Băng từng gặp tai nạn giao thông, bị cướp mất một bên chân, tưởng chừng cuộc sống chỉ còn một màu đen. Nhưng rồi cô gái đã mạnh mẽ vượt qua quãng thời gian “mông lung chẳng biết cuộc đời sẽ về đâu”, trở thành ngọn lửa truyền động lực cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn như mình.

Trong chiếc váy đỏ rực rỡ, tự tin đứng bằng một chân trên đôi giày cao gót lấp lánh, Băng Băng gửi tới hàng trăm các bạn tân sinh viên thông điệp: "Học không phải là con đường duy nhất đi đến thành công, nhưng học là con đường tốt nhất để chúng ta có được tương lai tươi sáng hơn".

Những thông điệp nhân văn được lan tỏa trên sân khấu của buổi lễ trao học bổng: Chong chóng chỉ đẹp và có ý nghĩa khi nó quay trước gió, con người chỉ trưởng thành và hoàn thiện mình khi vượt qua khó khăn, thử thách. Những tấm lòng hảo tâm sẽ không để bất cứ em học sinh nào phải gác lại giấc mơ con chữ chỉ vì hoàn cảnh quá khó khăn. Các em chỉ cần cố gắng, sẽ luôn có những bàn tay đưa ra nâng đỡ em. Và chính các em sẽ trở thành tấm gương, thành động lực phấn đấu cho nhiều người.                                                                                                     

Tác giả: Nguyễn Nga

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây