Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

https://ussh.vnu.edu.vn


Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông: Truyền thống 30 năm và chặng đường phía trước

Năm 1990, khoa Báo chí (nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) ra đời, ghi dấu mốc quan trọng cho sự kiện lần đầu tiên, việc đào tạo và nghiên cứu báo chí được đặt trong một ngôi trường không nằm trong hệ thống trường Đảng, hơn nữa, còn là trường đại học hàng đầu trong đào tạo và nghiên cứu các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam - trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội). Nhìn lại chặng đường 30 năm qua để thêm yêu mến, tự hào, và tiếp thêm động lực cho sự phát triển của Viện trong chặng đường tương lai phía trước…
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông: Truyền thống 30 năm và chặng đường phía trước

Chất Báo chí Tổng hợp

Ngay từ những ngày đầu thành lập, khoa Báo chí đã quy tụ được đội ngũ cán bộ, giảng viên tâm huyết, nhiệt tình, trong đó, nhiều Thầy, Cô là những nhà khoa học lớn, có tên tuổi, uy tín như GS.Hà Minh Đức, PGS.TS.Dương Xuân Sơn, PGS.TS.Đinh Văn Hường, PGS.TSKH.Đỗ Xuân Hà, PGS.TS.Vũ Quang Hào, GS.TS. Đỗ Quang Hưng, GS.TS. Nguyễn Thiện Giáp, TSKH. Đoàn Hương, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái, TS.Trịnh Hồ Khoa, Thầy Đỗ Chỉnh, Thầy Trần Quang và nhiều Thầy, Cô khác… Đội ngũ đó, vừa có chất thâm trầm sâu sắc của thế hệ các nhà khoa học mà uy tín và tên tuổi đã lẫy lừng trong giới lý luận phê bình, vừa có chất hào hoa, lãng mạn đã trở thành thương hiệu ‘Thầy Tổng hợp’, vừa có sự sắc sảo, trí tuệ, và truyền cảm của những bậc thầy về sử dụng ngôn từ để mà mỗi lần các Thầy, Cô lên lớp, học trò nghe cứ như bị thôi miên, vừa có những tố chất làm báo: nhanh nhạy, gai góc, giầu tính chiến đấu, và tư duy phản biện...

17e3025e884a76142f5b 20201106082742449

Kiến thức hàn lâm, kinh nghiệm nghề nghiệp và phong cách ‘Báo chí Tổng hợp’ được bồi đắp từ những người Thầy đầu tiên gầy dựng khoa Báo chí đã đặt nền móng vững chắc cho sự tồn tại và phát triển của Khoa, giúp Khoa nhanh chóng lớn mạnh và sớm khẳng định vị thế của mình trong khối các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn của ĐHQG Hà Nội. 30 năm qua, truyền thống đó luôn hun đúc và được trao truyền, để các thế hệ nhà báo từ lò Tổng hợp, luôn nhắc nhớ mình về mái trường xưa, nhắc nhớ mình về chiếc nôi đã ươm mầm tri thức giúp cho họ có thêm bản lĩnh nhận diện thấu đáo vấn đề và truyền tải thông tin đến công chúng một cách nhân văn nhất.

Nối tiếp sự nghiệp của các thế hệ đi trước, đội ngũ giảng viên của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông hiện nay phần lớn là những cán bộ trẻ tuổi, năng động và đầy nhiệt huyết, 100% giảng viên có trình độ từ thạc sỹ trở lên, trong đó 35% cán bộ giảng dạy của Viện là PGS, hơn 60% đạt học vị Tiến sỹ. Nhiều cán bộ được đào tạo bài bản chuyên nghiệp ở Liên Xô, Anh, Úc, Hàn Quốc, Nga... và là các chuyên gia uy tín trong giới học thuật, nghiên cứu báo chí truyền thông của cả nước.

Bên cạnh đội ngũ cán bộ cơ hữu, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông còn có hơn 50 giảng viên kiêm nhiệm, mời giảng là những chuyên gia về báo chí, quản lý báo chí, và nhiều nhà báo uy tín, giầu kinh nghiệm, trong đó, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam và TS. Tạ Bích Loan, Trưởng ban VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam, đều kiêm nhiệm là Trưởng các bộ môn.

Trang 60 20201106082904043

Trong môi trường đào tạo và nghiên cứu KHXH và NV hàng đầu ở Việt Nam, sinh viên của Viện được tiếp cận và được truyền thụ những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc nhất về các ngành KHXH và NV, những phông nền kiến thức quan trọng và quý báu giúp các nhà báo tương lai có nhiều bài viết đi vào lòng người với chiều sâu văn hóa và sự hiểu biết xã hội toàn diện.

Hệ thống trang thiết bị được Nhà nước đầu tư lên tới gần 60 tỷ đồng đã giúp sinh viên, học viên của Viện được học tập và tác nghiệp trong môi trường làm báo cơ bản đồng bộ, hiện đại vào bậc nhất trong các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông hiện nay. Nhiều sản phẩm của sinh viên đã được phát sóng và đăng tải trên các kênh truyền thông đại chúng, nhiều sinh viên của Viện lựa chọn thực hiện sản phẩm báo chí thay cho khóa luận tốt nghiệp đại học của mình. Khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn hoạt động báo chí truyền thông đang dần thu hẹp lại, lý thuyết đang được gắn kết nhiều hơn với thực hành khi Viện đào tạo là tòa soạn thu nhỏ.

Từ mái trường này, hơn 10.000 cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ báo chí đã tỏa về mọi miền đất nước, tác nghiệp, cống hiến những dòng tin hối hả, tạo nên dòng chảy liền mạch trong xã hội. Nhiều cựu sinh viên là các nhà báo luôn ở tuyến đầu trong những thời khắc cam go của bão tố, lũ lụt, thiên tai, nhiều nhà báo là cây bút hàng đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, hàng trăm cựu sinh viên đã được nhận giải thưởng Báo chí quốc gia, và giải báo chí toàn quốc của các ngành, các cấp,… Nhiều cựu sinh viên đã và đang nắm giữ các vị trí then chốt trong hệ thống báo chí truyền thông nước nhà.

Đào tạo và nghiên cứu báo chí trong bối cảnh truyền thông hiện đại

Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông, giảng dạy về truyền thông mới, truyền thông hội tụ và đa phương tiện, truyền thông xã hội, về sự phát triển của báo chí hiện đại trong môi trường truyền thông mới,… đang là nội dung quan trọng được giảng dạy tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. Trên tinh thần liên tục đổi mới, chương trình đào tạo của Viện được bổ sung nhiều học phần mới mẻ, hiện đại như Báo chí trên điện thoại di động, Báo chí Dữ liệu, Tổ chức nội dung và sáng tạo siêu tác phẩm báo chí, Đưa tin trong tình huống khẩn cấp, và các lĩnh vực báo chí chuyên biệt khác.

4 20201106082933215

Hiện nay, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã và đang đào tạo xuyên suốt các hệ cử nhân, sau đại học và nghiên cứu sinh tiến sỹ. Bên cạnh các chương trình cử nhân Báo chí, Báo chí (chất lượng cao) và Quan hệ công chúng, Viện đang triển khai đào tạo Thạc sỹ các chuyên ngành Báo chí học (định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng), Quản trị báo chí truyền thông và chương trình liên kết Quản trị truyền thông (với Đại học Stirling, Anh quốc),… Số tuyển sinh đầu vào các ngành đào tạo của Viện luôn đứng trong top 3 các ngành có đông đảo nhất sinh viên, học viên đăng ký và nhiều năm liền, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông dẫu đầu toàn trường trong tuyển sinh Sau đại học, trong đó Viện có 5 lớp Cao học tại các địa phương trong cả nước.

Đội ngũ cán bộ giảng viên của Viện đã biên soạn 20 giáo trình và 24 bài giảng chuyên ngành, gần 30 đầu sách chuyên khảo, biên dịch hơn 15 tài liệu về báo chí nước ngoài. Nhiều cuốn được tái bản nhiều lần, phục vụ hiệu quả cho việc học tập và nghiên cứu báo chí truyền thông ở Việt Nam. Với kết quả trên, Viện đã cung cấp gần 70% giáo trình, bài giảng, tài liệu chuyên ngành, trong đó nhiều cuốn giáo trình, sách chuyên khảo không chỉ là sách gối đầu giường cho giảng viên và sinh viên của Viện, mà còn là sách cẩm nang cho giảng viên và sinh viên nhiều trường bạn.

2015 06 10 USSH BCTT hoi thao quoc te 2 20 20201106083002465

Do sự khác biệt với các nước phương Tây về thể chế chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội, hoàn cảnh địa phương, yếu tố lịch sử và các giá trị văn hóa-xã hội - những yếu tố được coi là cơ bản để tạo nên những mô hình, và chế định chức năng, nhiệm vụ của các nền báo chí truyền thông khác nhau trên toàn thế giới, báo chí Việt Nam có mô hình phát triển và những chức năng, nhiệm vụ khác hẳn với báo chí ở các nước phương Tây.

Sau Đổi mới, báo chí Việt Nam là mô hình truyền thông kết hợp giữa nguyên tắc bất di bất dịch - ‘báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước’ - với những nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Từ nền báo chí ‘đơn chức năng’ một chiều, báo chí Việt Nam đã trở thành nền báo chí ‘đa chức năng’, không chỉ tập trung tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, mà còn là cầu nối, là kênh phản biện xã hội, tạo nên dòng chảy liền mạch trong xã hội, gắn kết chặt chẽ về thông tin giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân; đồng thời mở ra hướng phát triển kinh tế truyền thông, gắn kết giữa doanh nghiệp với công chúng.

Không chỉ chú trọng đào tạo, Viện xác định nghiên cứu chuyên sâu và chắt lọc đề xuất kiến nghị chính sách với các cơ quan lãnh đạo, quản lý, cũng là nhiệm vụ trọng tâm.

Trong 5 năm qua, các cán bộ giảng viên của Viện đã thực hiện và nghiệm thu 3 đề tài cấp Nhà nước, hơn 10 đề tài Quỹ Nafosted, Quỹ châu Á, đề tài cấp Bộ, cấp ĐHQGHN, và  đề tài nghiên cứu cấp trường, đạt kết quả tốt và xuất sắc. Viện  Báo chí và Truyền thông đang triển khai 01đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về “Truyền thông đại chúng đối với phát triển con người dựa trên quyền con người” và biên soạn bộ Địa chí quốc gia Tập Truyền thông - nhiệm vụ trọng điểm, đặc biệt cấp quốc gia.

Nheo so 2 (1) 20201106083039433

Trong 5 năm qua, hơn 200 bài báo khoa học của cán bộ giảng viên được đăng tải trên các tạp chí khoa học, lý luận chuyên ngành, được báo cáo tại các hội thảo trong và ngoài nước. 102 báo cáo khoa học sinh viên có chất lượng cao của Viện đã được đầu tư dự thi cấp Bộ, mang về gần 30 giải thưởng các cấp.

Viện đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài. Nhiều hội thảo gây được tiếng vang trong giới nghiên cứu, đồng thời, đưa ra nhiều đóng góp đối với các cơ quan hữu quan nhằm quản lý và thúc đẩy nâng cao chất lượng báo chí ở Việt Nam hiện nay như hội thảo “Văn hóa truyền thông đại chúng trong bối cảnh kinh tế thị trường và toàn cầu hóa’, “Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số”, “Truyền thông xã hội, truyền thông truyền thống và dư luận xã hội”, ‘Quản trị truyền thông và nhà cung cấp thông tin trong kỷ nguyên kỹ thuật số”, …

Hợp tác và phát triển

Viện là một trong những đầu mối giao lưu quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo báo chí truyền thông ở Việt Nam. Nhiều dự án hợp tác được triển khai, mà kết quả là nhiều cuốn chuyên khảo được ra mắt, hàng chục lượt cán bộ được tập huấn nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước, khung chương trình đào tạo ngành Báo chí và ngành Quan hệ công chúng từng bước được chỉnh sửa, nâng cao cho phù hợp với xu thế phát triển của ngành công nghiệp truyền thông thế giới và Việt Nam. Viện cũng đã hình thành được tủ sách chuyên ngành bằng tiếng nước ngoài với hơn 100 đầu sách để phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu báo chí truyền thông.

Trang 51 2 20201106083232746

Năm 2018, trên cơ sở tích hợp khoa Báo chí và Truyền thông và Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã ra đời, ghi dấu mốc là đơn vị tiên phong trong trường ĐH KHXH và NV, phát triển từ khoa lên Viện, chuẩn bị tiền đề cho hoạt động tự chủ đại học sau này.

Năm 2020, kỷ niệm 30 năm truyền thống, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã vinh dự được đón nhận Cờ thi đua xuất sắc cấp Đại học Quốc gia Hà Nội. Tổ bộ môn Báo chí và Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông vinh dự được nhận bằng khen của ĐHQG HN, nhiều cá nhân được tặng Bằng khen, Giấy khen của các ngành, các cấp.

Bài học sâu sắc đưa đến thành công của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông hôm nay là tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thế hệ Thầy và Trò, là sự trách nhiệm, tận tâm, của đội ngũ cán bộ, giảng viên, là sự ham học hỏi và đam mê đầy sáng tạo của các sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, cùng sự phối hợp và hỗ trợ chặt chẽ của các các cơ quan báo chí, quản lý báo chí, các đối tác trong và ngoài nước. Trên hết, đó là định hướng đúng đắn, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, và cả sự tin cậy lớn lao mà các cấp lãnh đạo ĐHQG HN, trường ĐH KHXH và NV đã trao cho Thầy và Trò Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.

101 2 20201106083255183

Với sức trẻ của tuổi 30 đầy hoài bão, Thầy và trò Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông sẽ tiếp tục phát huy nội lực và sức mạnh tập thể, thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế để xây dựng và phát triển Viện theo chiều sâu và theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá trong sự phát triển chung của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây