Banner đảm bảo chất lượng

Cải tiến chất lượng liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội

Thứ sáu - 26/04/2024 05:13
Đây là chủ đề được thảo luận tại Hội nghị Công tác Đảm bảo chất lượng năm học 2023 – 2024 do Trung tâm Đảm bảo Chất lượng Đào tạo chủ trì tổ chức sáng nay 25/4/2024.

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả trong công tác đảm bảo, kiểm định chất lượng của Nhà trường trong năm 2023; đề xuất kế hoạch, giải pháp nhằm cải tiến chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo trong năm 2024 và thời gian tiếp theo.
Hội nghị có sự tham dự của PGS.TS Bùi Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường; TS. Phạm Huy Cường – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo; cùng đại diện Ban lãnh đạo, Trợ lý đào tạo và Trợ lý ĐBCL các khoa, viện, bộ môn trực thuộc; đại diện lãnh đạo và chuyên viên Phòng Đào tạo, TT ĐBCL; đại diện lãnh đạo và Trợ lý ĐBCL các phòng/trung tâm chức năng thuộc khối Hiệu bộ.
Về phía ĐHQGHN có sự tham dự của TS. Bùi Vũ Anh - Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng đào tạo.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo tại Hội nghị Công tác Đảm bảo chất lượng năm học 2023 - 2024
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, văn hoá chất lượng là điểm nhấn trong các hoạt động của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN và cải tiến chất lượng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của nhà trường.
Trong những năm qua, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định các chương trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo một cách bền vững.
Theo đó, từ năm 2016, nhà trường đã tổ chức hoạt động tự đánh giá các chương trình đào tạo. Năm 2017, hai chương trình đào tạo trình độ cử nhân là Việt nam học và Tâm lý học đã được kiểm định cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm 2022, Trường ĐH KHXH&NV đã có 08 Chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN và Bộ Giáo dục và Đào tạo, và dự kiến đến hết năm 2024, nhà trường có 100% các chương trình đào tạo bậc đại học được kiểm định chất lượng, là trường ĐH tiên phong trong ĐHQGHN về hoạt động kiểm định chất lượng.
Công tác đảm bảo chất lượng của nhà trường đã được thực hiện theo chiều sâu với hệ thống văn bản và quy định về chính sách Đảm bảo chất lượng, hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng bên trong và đối sánh chất lượng giáo dục, quy định về hoạt động phục vụ cộng đồng, kết nối học giả, kết nối nhà tuyển dụng,…
TS. Huy Cường - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN
Từ những phác họa bức tranh tổng thể về hoạt động ĐBCL tại Trường ĐH KHXH&NV năm 2023, TS. Huy Cường - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN đưa ra những khuyến nghị cải tiến với các khoa/viện/bộ môn trong hoạt động đảm bảo chất lượng đào tạo. Theo đó, các đơn vị đào tạo cần xây dựng chỉ tiêu kết nối hợp tác giữa các đơn vị với người sử dụng lao động, chuyên gia trong nước và nước ngoài; xây dựng chỉ tiêu kết nối với SVTN; xem xét xây dựng các chỉ tiêu phục vụ cộng đồng trong đơn vị, từng bước giao nhiệm vụ cho GV, NCV, CV. TS. Huy Cường nhấn mạnh, các đơn vị cần xây dựng, thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng CTĐT do đơn vị quản lý. Chủ động tổ chức/phối hợp tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực phát triển đề cương học phần, phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá theo tiếp cận Chuẩn đầu ra cho giảng viên trong đơn vị.
PGS.TS Bùi Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN
PGS.TS Bùi Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng phòng Đào tạo nhấn mạnh, đảm bảo chất lượng đầu ra nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội là chủ trương xuyên suốt của nhà trường. Đảm bảo, duy trì và liên tục cải tiến chất lượng đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các đơn vị trong toàn trường, góp phần làm dày thêm truyền thống giáo dục và thương hiệu của nhà trường trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ hiện nay. Và hoạt động ĐBCL cần có sự chung tay toàn diện từ Ban Giám hiệu nhà trường đến lãnh đạo các khoa/viện/bộ môn trong các hoạt động như tuyển sinh, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, hệ thống học liệu, hệ thống chính sách.
Bên cạnh đó, các đơn vị đào tạo cần tham gia đối sánh chất lượng CTĐT với các CTĐT của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN TP.HCM để có cái nhìn toàn diện.
TS. Bùi Vũ Anh - Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng đào tạo, ĐHQGHN chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn các tiêu chí đánh giá, chỉ số xếp hạng đại học của ĐHQGHN
Hội nghị đã nhận được ý kiến tham góp đến từ lãnh đạo các khoa/viện/bộ môn trong các hoạt động đảm bảo chất lượng hiện nay của nhà trường. PGS.TS Nguyễn Văn Chiều - Trưởng khoa Khoa học Chính trị đánh giá, hệ thống văn bản về ĐBCL đào tạo của Trường ĐH KHXH&NV bài bản, hoạt động kiểm đinh chất lượng hiệu quả, hệ thống thông tin ĐBCL có sự thống nhất cao. Bên cạnh đó, Trưởng khoa Khoa học Chính trị đề xuất nhà trường cần số hóa cơ sở dữ liệu một cách thống nhất, có kế hoạch liên thông đào tạo giữa các khoa/viện cũng như cần có kế hoạch định kỳ rà soát các học phần và nhóm học phần nhằm phục vụ nhu cầu của người học, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

PGS.TS Nguyễn Văn Chiều - Trưởng khoa Khoa học Chính trị, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN
TS. Nguyễn Hồng Duy - Phó Trưởng khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN chia sẻ những khó khăn của đơn vị đào tạo trong hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo và đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng cải tiến chất lượng đào tạo
Đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị toàn nhà trường trong hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định các chương trình đào tạo, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương cho biết, các kết quả của hoạt động này đã góp phần nâng cao thương hiệu của nhà trường trong nhiều năm trở lại đây. Với sự ghi nhận các kết quả này từ các cơ quan hữu quan của ĐHQGHN, từ năm 2021 - 2024, chỉ tiêu tuyển sinh của Trường ĐH KHXH&NV đã tăng 37%.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các quy định về ĐBCL của ĐHQGHN và Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày càng chặt chẽ; giáo dục đại học ngày càng có tính cạnh tranh cao; việc áp dụng công nghệ ngày càng đặt ra yêu cầu cao cho đội ngũ nhân lực làm công tác ĐBCL. PGS.TS Đặng Thị Thu Hương chỉ đạo:“Hoạt động cải tiến chất lượng phải trở thành công tác thường xuyên, xuyên suốt, chủ động đối với nhà trường, từng khoa/viện/bộ môn và với từng cán bộ, giảng viên”.

Tin bài liên quan:
VNU-USSH có thêm 3 CTĐT được đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng AUN-QA
Ba CTĐT của VNU-USSH hoàn thành đợt khảo sát chính thức kiểm định chất lượng trình độ Đại học
Kiểm định chất lượng 03 CTĐT chuẩn trình độ đại học: Văn hóa chất lượng là giá trị cốt lõi của VNU-USSH

Tác giả: Thùy Dung - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây