CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO KĨ NĂNG VIẾT KỊCH BẢN ĐIỆN ẢNH – TRUYỀN HÌNH

Thứ sáu - 16/12/2022 05:39
1. Thông tin chung về chương trình đào tạo
- Tên chương trình đào tạo: Kĩ năng viết kịch bản điện ảnh – truyền hình
- Đối tượng đào tạo: Tất cả các đối tượng đã tốt nghiệp Phổ thông Cơ sở trở lên, có nhu cầu học biên kịch điện ảnh và truyền hình.
- Đơn vị đào tạo: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
- Tên chứng chỉ: Kĩ năng viết kịch bản điện ảnh – truyền hình.
- Thời lượng đào tạo: 60 tiết
2. Mục tiêu đào tạo
Chương trình đào tạo Kĩ năng viết kịch bản điện ảnh – truyền hình trang bị cho người học những kiến thức cơ bản và cần thiết về lĩnh vực biên kịch điện ảnh – truyền hình: quy trình sản xuất điện ảnh – truyền hình, nghệ thuật điện ảnh, phân tích kịch bản điện ảnh – truyền hình, cách thức xây dựng kịch bản điện ảnh – truyền hình, cách tổ chức nhóm biên kịch để thực hiện một dự án điện ảnh – truyền hình…
3. Chuẩn đầu ra của chương trình
3.1. Về kiến thức
- Nắm vững kiến thức cơ bản về quy trình sáng tạo của một nhà biên kịch điện ảnh – truyền hình: từ khâu tìm ý tưởng, hình thành đề cương, xây dựng nhân vật, đến kịch bản phân cảnh, kịch bản hoàn thiện...
- Nắm vững kiến thức về quy trình sản xuất điện ảnh – truyền hình: Người học phải nắm được toàn bộ quá trình hình thành nên bộ phim từ ý tưởng ban đầu đến sản phẩm cuối cùng đến với người xem; những “nhân vật” tham gia quy trình sản xuất đó và vị trí, vai trò của nguời biên kịch trong chuỗi sản xuất đó.
- Nắm vững những kiến thức cơ bản về nghệ thuật điện ảnh như: các thành phần cấu tạo nên một bộ phim (âm thanh, hình ảnh,...); các đơn vị nội dung phim (trường đoạn, cảnh phim, cảnh quay...); ý niệm về một số vấn đề cơ bản của nghệ thuật điện ảnh (dàn cảnh, nghệ thuật quay phim, âm thanh trong phim...). Người học cũng nắm được những khác biệt giữa phim truyện nhựa dài chiếu rạp và phim truyền hình, giữa phim hư cấu và phim phi hư cấu (phim tài liệu).
3.2. Về kĩ năng
Người học nắm được những kỹ năng cơ bản của việc viết kịch bản phim từ hình thành ý tưởng, triển khai ý tưởng thành một cốt truyện, hình thành nhân vật, biết cách triển khai cốt truyện theo các dạng kết cấu khác nhau. Trên cơ sở những hiểu biết về các loại hình/thể loại phim điện ảnh/truyền hình, người học cũng sẽ phân biệt và lựa chọn kỹ năng biên kịch phù hợp với loại hình/thể loại để viết từng dạng kịch bản phim khác nhau.
3.3. Về phẩm chất đạo đức
          - Có thái độ đúng về chức năng, vai trò của việc biên kịch và người làm biên kịch đối với quá trình sáng tạo tác phẩm điện ảnh, truyền hình
          - Có thái độ rõ ràng và phù hợp về vai trò, nhiệm vụ của người làm biên kịch với các bên liên quan khác trong quá trình sáng tạo tác phẩm điện ảnh, truyền hình; đặc biệt là đối với kịch bản.
3.4. Vị trí công tác và khả năng phát triển chuyên môn
Người học có thể tham gia hoạt động sáng tác kịch bản điện ảnh – truyền hình với tư cách nhà biên kịch trong các đơn vị sản xuất phim điện ảnh - truyền hình, hoặc với tư cách là nhà biên kịch độc lập.
4. Cấu trúc của chương trình đào tạo
Tổng số giờ tích lũy: 60 tiết, trong đó:
- Tổng thời lượng học trên lớp: 40 tiết (chia thành 16 buổi, mỗi buổi 2.5 giờ)
- Tổng thời lượng viết tác phẩm tốt nghiệp: 20 tiết, nội dung bao gồm: 01 đề cương chi tiết phim truyền hình và 01 tập phim viết hoàn chỉnh
5. Nội dung chương trình
5.1.    Nhập môn điện ảnh và hệ thống sản xuất phim điện ảnh – truyền hình
 (5 tiết)
- Cung cấp những kiến thức cơ bản về nghệ thuật điện ảnh (Ví dụ: Cấu trúc của phim; tự sự trong phim, dàn cảnh, quay phim, dựng phim…) và những kiến thức cơ bản về lịch sử điện ảnh thế giới /Việt Nam
- Cung cấp kiến thức cơ bản về cấu trúc của hệ thống sản xuất phim điện ảnh và truyền hình, từ đó hiểu được vai trò của người biên kịch trong hệ thống sản xuất đó.
5.2.    Kỹ năng viết kịch bản điện ảnh (7.5 tiết)
Môn học giúp học viên nắm được những thao tác căn bản trong việc xây dựng cấu trúc bộ phim, với các bộ phận cấu thành của kịch bản phim, quy trình và thao tác viết kịch bản phim điện ảnh.
5.3.    Kỹ năng viết kịch bản phim truyền hình (20 tiết)
Kỹ năng viết kịch bản phim truyền hình là môn học chính trong khóa học, cung cấp những hiểu biết và kĩ năng cơ bản về biên kịch phim truyền hình.
5.4.    Phân tích kịch bản phim điện ảnh/truyền hình (7.5 tiết)
- Chuyên đề này cung cấp cho học viên những kiến thức và kĩ năng phân tích kịch bản phim thông qua nghiên cứu chuyên sâu những khía cạnh trong nghề nghiệp biên kịch, cũng như những khía cạnh khác của quá trình sáng tạo một bộ phim.  Chuyên đề sẽ dành ưu tiên vào thực hành kĩ năng bằng cách yêu cầu học viên ứng dụng kiến thức đã học để phân tích một số kịch bản phim cụ thể (cả phim Việt Nam, phim nước ngoài, phim thương mại, các phim nghệ thuật, phim tác giả). Những kịch bản của các học viên trong khóa học cũng là đối tượng ưu tiên cho các bài thực hành .
5.5. Thực hành viết kịch bản truyền hình (20 tiết)
          - Chuyên đề này do học viên tự tiến hành tại nhà dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Học viên viết 01 đề cương chi tiết kịch bản phim truyền hình và 01 kịch bản cho 1 tập phim hoàn chỉnh.
          - Đề cương chi tiết và kịch bản cho 1 tập phim phải đúng theo tiêu chuẩn kịch bản phim truyền hình, là sản phẩm sáng tạo của chính học viên.
6. Hình thức kiểm tra - đánh giá kết quả học tập
          Sau 40 tiết học trên lớp, người học sẽ viết tác phẩm tốt nghiệp với thời lượng là 20 tiết. Tác phẩm tốt nghiệp bao gồm: 01 đề cương chi tiết kịch bản phim truyền hình và 01 kịch bản cho 1 tập phim hoàn chỉnh. Tác phẩm cần đạt những tiêu chí sau: là sản phẩm của chính học viên, đúng tiêu chuẩn kịch bản phim truyền hình, có thể sử dụng để làm phim.
Học viên sẽ nhận được chứng chỉ tốt nghiệp sau khi đạt được các yêu cầu sau:
- Tham gia đủ ít nhất 87,5% thời lượng giờ học trên lớp (35 tiết).
- Đạt tối thiểu 50/100 điểm đánh giá đối với tác phẩm tốt nghiệp
7. Học liệu tham khảo
1. David Bordwell, Kristin Thompson, Lịch sử điện ảnh (2 tập), NXB ĐH Quốc Gia, Hà Nội, 2007
2. David Bordwell, Kristin Thompson, Nghệ thuật điện ảnh, NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội, 2007
3. Warren Bucklan, Nghiên cứu phim, NXB Tri thức, 2011
4. Timothy Corrigan, Hướng dẫn viết về phim, NXB Tri thức, 2011
5. Timothy Corrigan, Văn học và điện ảnh, NXB Thế giới, 2013
6. Ray Frensham, Tự học viết kịch bản phim, NXB Tri thức, 2011
7. Trịnh Đan Phượng, Những vấn đề lý luận và thực tiễn Biên kịch điện ảnh – truyền hình (Bài giảng), Lưu hành nội bộ
8. Hoàng Cẩm Giang, Phân tích kịch bản phim (Bài giảng), Lưu hành nội bộ

 

Tác giả: USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây