Giới thiệu chung

Thứ ba - 29/08/2017 12:52

1. Lịch sử hình thành
Khoa Khoa học Quản lý được thành lập và phát triển trong một môi trường đào tạo có uy tín hàng đầu Việt Nam là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (tiền thân là Đại học Văn khoa Hà Nội thành lập theo sắc lệnh số 45 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 10/10/1945, tiếp đó là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội thành lập ngày 05.06.1956).
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã bắt đầu đào tạo đại học chuyên ngành Quản lý Xã hội từ năm 1995 và đào tạo cao học chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ từ năm 1999, bắt đầu xây dựng chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ từ năm 1999. Đây là những cơ sở tiền thân để phát triển Khoa Khoa học Quản lý ngày nay.
Trước đòi hỏi của đất nước đối với nguồn nhân lực quản lý, ngày 30/9/2002, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ký quyết định số 652/TCCB  thành lập Bộ môn Khoa học Quản lý trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trên cơ sở hợp nhất Bộ môn Quản lý xã hội (thuộc Khoa Triết học) và Bộ môn Khoa học luận (thuộc Khoa Xã hội học). Sau đó, vào ngày 11/8/2006, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký quyết định số 782/QĐ-TCCB về việc thành lập Khoa Khoa học Quản lý. Khoa có chức năng, nhiệm vụ chính là đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực khoa học quản lý: quản lý khoa học và công nghệ, quản lý nguồn nhân lực, chính sách xã hội, quản lý sở hữu trí tuệ, quản lý hành chính công và chính sách công.
Khoa học quản lý là một ngành học có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn. Đây là ngành học được Nhà trường giao nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về khoa học quản lý và cung cấp nguồn nhân lực quản lý các cấp phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trải qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ đào tạo trong hơn 20 năm qua, Khoa Khoa học Quản lý không ngừng phát triển, đa dạng về ngành học, hệ đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu thực tiễn về nhân lực quản lý. 

2. Sứ mệnh
Tiên phong gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chính sách và quản lý nhằm hướng đến những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế về khoa học và giáo dục.

3. Tầm nhìn
Là một trung tâm có uy tín trong nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về chính sách và quản lý.

4. Triết lý giáo dục
Thành công từ khởi nghiệp đến kết nối bền vững các tiềm năng

5. Các thành tựu tiêu biểu

  • Đến năm 2012, Khoa đã hoàn thiện tất cả các bậc đào tạo: đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đã tốt nghiệp và hiện tại đang công tác tại nhiều vị trí lãnh đạo, quản lý từ trung ương đến đến phương, trong khu vực công và khu vực tư.
  • Là đơn vị đầu tiên trong cả nước đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ Quản lý khoa học và công nghệ.
  • Đơn vị đào tạo đầu tiên Thạc sĩ Quản lý Khoa học và Công nghệ theo Đề án 165 của Ban tổ chức Trung ương Đảng.
  • Là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo cử nhân hướng chuyên ngành Sở hữu trí tuệ, hướng chuyên ngành Văn hóa và đạo đức quản lý.
  • Giảng viên trong Khoa học tập và tốt nghiệp ở các trường đại học quốc tế hàng đầu như Anh, Pháp, Australia, Ai Len, New Zealand, Liên Xô (cũ), Slovakia…
  • Là khoa chủ trì và triển khai thành công nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước. Trong giai đoạn 2002-2024, Khoa đã chủ trì thành công hàng chục đề tài cấp Nhà nước, đề tài Nghị định thư, đề tài ĐHQGHN, đề tài NAFOSTED, đề tài cấp tỉnh/thành phố, đề tài cấp cơ sở; xuất bản giáo trình, sách tham khảo, sách chuyên khảo; sách do Quốc hội, HĐND đặt hàng phục vụ đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, đại biểu dân cử...
6. Định hướng phát triển
  • Đào tạo từ bậc cử nhân đến bậc sau đại học các lĩnh vực khoa học quản lý: khoa học quản lý; quản lý khoa học và công nghệ; quản lý nguồn nhân lực; quản lý sở hữu trí tuệ; quản lý hành chính công; quản lý cấp cơ sở và chính sách xã hội; chính sách công; văn hóa và đạo đức quản lý.
  • Tập trung và đa dạng hóa các hướng nghiên cứu, thúc đẩy các công trình, đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực quản lý - quản trị, trong đó đẩy mạnh các công bố quốc tế có chỉ số ảnh hưởng cao.
  • Thúc đẩy giảng dạy bằng tiếng nước ngoài các học phần do giảng viên trong Khoa đảm nhiệm.
  • Thu hút sinh viên quốc tế theo học các chương trình đào tạo của Khoa.
  • Phát triển việc làm và tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp bền vững cho sinh viên.

Tác giả: USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây