Giới thiệu

Bảo tàng Nhân học

Thứ hai - 11/12/2023 20:35

Giới thiệu chung

Bảo tàng Nhân học thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội là một bảo tàng thuộc trường đại học đầu tiên của khối các trường xã hội và nhân văn trong cả nước.

Sứ mệnh của Bảo tàng là nghiên cứu, gìn giữ và nhân lên nguồn lực di sản, văn hóa, lịch sử văn hóa phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Bảo tàng là đơn vị tham gia trực tiếp đào tạo và phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học thông qua những hoạt động đặc thù của mình như loại giảng đường đặc biệt kết hợp lý thuyết với thực tế/ thực tiễn để phát huy một cách hiệu quả nhất nguồn lực tri thức dồi dào, kinh nghiệm phong phú của đội ngũ các nhà nghiên cứu đầu ngành và của đông đảo lực lượng trí thức trẻ; và khai thác được tối đa cơ sở vật chất và tư liệu khoa học tích lũy từ hàng chục năm nay.

Bảo tàng Nhân học thực hiện các chức năng chính:

  • Sưu tầm, bảo quản, phục chế, phục dựng các hiện vật, mẫu vật, sưu tập hiện vật của văn hoá vật thể Việt Nam truyền thống và hiện đại;
  • Sưu tầm và lưu giữ bằng nhiều hình thức khác nhau những di sản, tài sản văn hóa phi vật thể truyền thống và đương đại phục vụ cho nghiên cứu, đào tạo;
  • Trưng bày các bộ sưu tập hiện vật, mẫu vật bằng nhiều hình thức khác nhau, sử dụng những phương thức truyền thống và kỹ thuật hiện đại;
  • Xã hội hóa, quốc tế hóa hoạt động của bảo tàng, khai thác những sưu tập mẫu vật trong giảng dạy, nghiên cứu và hợp tác khoa học;
  • Nghiên cứu các chủ đề liên quan đến các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, bảo tồn, bảo tàng.
  • Quản lý Phòng Truyền thống cho Bảo tàng Nhân học
Ban Giám đốc

Giám đốc

PGS.TS Đặng Hồng Sơn

hongsonk45@yahoo.com

Hoạt động tiêu biểu

Trưng bày

Bảo tàng Nhân học tổ chức nhiều hình thức trưng bày áp dụng cách thức truyền thống kết hợp ứng dụng kỹ thuật hiện đại:

  • Trưng bày thường xuyên của một bảo tàng đại học bên cạnh đáp ứng những tiêu chuẩn chung của trưng bày bảo tàng còn có những mục đích đặc thù, để đạt được mục đích vừa trưng bày những giá trị văn hóa đồng thời phục vụ nghiên cứu đào tạo, những hiện vật bảo tàng được sắp đặt theo hai kiểu trưng bày: trưng bày đóng và trưng bày mở, trong đó trưng bày mở là một cách trưng bày riêng của Bảo tàng Nhân học.
  • Trưng bày chuyên đề: Đối với một bảo tàng dạy học, phần trưng bày chuyên đề với cách thức trưng bày dùng kỹ thuật hiện đại, tài liệu hiện vật gốc kết hợp với minh họa nhiều hình thức là hoạt động quan trọng không kém phần trưng bày thường xuyên. Chủ đề của những trưng bày này bám sát nội dung nghiên cứu và đào tạo của Trường và đáp ứng kịp thời những chủ đề thời sự của đất nước, các trưng bày chuyên đề tiêu biểu: “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, “Biển đảo Việt Nam”, “Trường Sa, Hoàng Sa - Đất nước nơi đầu sóng”, “Trường của tôi”, “Đối thoại với di sản ruộng bậc thang”…
  • Trưng bày ảo: Để khắc phục phần nào những hạn chế do diện tích trưng bày cố định hẹp và với mục đích kết nối hiện vật với bối cảnh lịch sử văn hóa cụ thể, từ năm 2012 đến nay, Bảo tàng Nhân học đã thực hiện dự án “Bảo tàng Ảo”, giúp mở rộng, hiện đại hóa và thay đổi cách thức trưng bày, phổ biến thông tin các sưu tập hiện vật bảo tàng thật một cách cập nhật, nhanh chóng và đầy đủ hơn.

Sưu tầm hiện vật

Bảo tàng Nhân học được xây dựng dựa trên cơ sở một số hiện vật của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Cộng hoà Pháp) và một số sưu tập hiện vật khảo cổ học do giảng viên và sinh viên Bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử thu thập từ nhiều năm nay thuộc các thời kì Tiền, Sơ và Lịch sử. Bên cạnh sưu tập khảo cổ học, hơn mười năm qua, Bảo tàng đã chú trọng đến việc thu thập hiện vật Dân tộc học và Hán Nôm, Văn hoá Việt Nam... Thông qua các hình thức sưu tầm khác nhau gồm vận động hiến tặng, trao đổi mậu dịch, trao đổi, hoặc qua điền dã thực địa…, số lượng hiện vật của Bảo tàng đã không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng.

Thực nghiệm, xử lý hậu điền dã, nghiên cứu khoa học

Tại Bảo tàng Nhân học, hiện vật của những cuộc khai quật, điền dã khảo cổ học, điền dã, sưu tầm dân tộc học và văn hoá Việt Nam đã được xử lý một cách bài bản, khoa học. Hiện vật sau khi xử lý đã được gửi trả lại các bảo tàng địa phương theo Luật Di sản Văn hóa, một số hiện vật mảnh và hiện vật sưu tầm được bổ sung vào các sưu tập mẫu của Bảo tàng. Ngoài ra, Bảo tàng cũng tích cực tạo điều kiện cho sinh viên, nghiên cứu sinh có thể tới học tập và sinh hoạt.  

Thông tin liên hệ

Tầng 3-4, nhà D, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN

Số 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (024) 3558 9744

Email: btnhxhnv@gmail.com

Facebook: btnhxhnv@gmail.com/ Bảo tàng Nhân học

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
NHỮNG CON SỐ NỔI BẬT
THÀNH LẬP NĂM
1945

ĐÀO TẠO
~11.000
sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh
95 chương trình đào tạo

28 chương trình cử nhân/kĩ sư, 36 chương trình thạc sĩ, 31 chương trình tiến sĩ

HỢP TÁC
> 200
trường Đại học, Trung tâm nghiên cứu khoa học và tổ chức Giáo dục của 30 quốc gia
~200
cán bộ, sinh viên học tập, nghiên cứu, trao đổi quốc tế
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây