Tin tức

Tăng cường nâng cao chất lượng giáo dục đại học, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, sinh viên tài năng, chất lượng cao

Thứ ba - 08/11/2022 04:56
Ngày 02/11 vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác đào tạo năm học 2021-2022 nhằm tổng kết những kết quả đã đạt được trong năm học 2021-2022, nêu lên một số điểm tổn tại, đồng thời xác định nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2022-2023.
MG 4270
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN); GS.TS Lê Quân (Giám đốc ĐHQGHN) và PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải (Phó Giám đốc ĐHQGHN) chủ trì hội nghị
Cùng dự hội nghị có các Phó Giám đốc ĐHQGHN: Nguyễn Hiệu, Phạm Bảo Sơn, đại diện lãnh đạo Văn phòng, Văn phòng Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên và lãnh đạo các Ban chức năng của ĐHQGHN, đại diện lãnh đạo và chuyên viên Ban Đào tạo, cán bộ phụ trách công tác đào tạo đại học và sau đại học các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN, lãnh đạo các trường THPT.
 
Trưởng ban Đào tạo ĐHQGHN GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trình bày báo cáo tổng kết năm học 2021-2022 trong đó nhấn mạnh: mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng công tác đào tạo ở ĐHQGHN năm học 2021-2022 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm và đạt được nhiều kết quả xuất sắc trong các hoạt động đào tạo.
MG 4259
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức trình bày Báo cáo tổng kết công tác đào tạo năm học 2021-2022
Theo đó, về tuyển sinh đại học: tính đến ngày 15/10/2022, có 12.845 thí sinh trúng truyển nhập học vào 143 ngày/chương trình đào tạo (CTĐT), đạt gần 98% chỉ tiêu. Trong đó trường ĐHKHXH&NV dẫn đầu với số thí sinh nhập học đạt 123% chỉ tiêu. Trong số hơn 12 nghìn thí sinh có 4.275 thí sinh trúng tuyển vào các CTĐT chất lượng cao (chiếm 33% quy mô tuyển sinh đại học). Năm 2022 cũng là năm ĐHQGHN có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hệ tài năng, chất lượng cao đạt trên 17% tổng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp trong năm học - cao nhất từ trước đến nay.
Với quyết tâm cao của toàn thể Ban Lãnh đạo, sự nỗ lực vượt bậc của các trường thành viên và các phòng ban liên quan, đến tháng 10/2022 ĐHQGHN đã đưa được 1.502 sinh viên khóa QH.2022 học tập tại Hòa Lạc.
Công tác tuyển sinh sau đại học (SĐH) có nhiều chính sách đổi mới theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, năm 2022, ĐHQGHN cập nhật yêu cầu về chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đầu vào, không tổ chức thi tuyển sinh với môn ngoại ngữ như trước. Cùng với đó, tiếp tục mở rộng thực hiện phương thức xét tuyển bậc thạc sĩ đối với một số đơn vị đào tạo.
Về tổ chức quản lý đào tạo liên kết quốc tế, hiện nay, ĐHQGHN có 09 đơn vị đang triển khai các chương trình liên kết đào tạo với 24 CTĐT, trong đó có 09 CTĐT cử nhân và 15 CTĐT thạc sĩ. Các CTĐT liên kết quốc tế đã tạo cơ hội tốt cho sinh viên được học tập trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, kinh doanh, quản lý, công nghệ theo phương thức đào tạo hiện đại của các trường đại học uy tín trên thế giới.
Cũng trong năm học qua, ĐHQGHN đã ban hành nhiều chính sách thu hút người học như: Chương trình học bổng dành cho khối ngành khoa học cơ bản; Học bổng dành cho các nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học…
Năm học 2021-2022, ĐHQGHN đã thẩm định và ban hành 13 CTĐT, bao gồm 03 CTĐT trình độ đại học, 03 CTĐT trình độ đại học kết hơp thạc sĩ, 05 CTĐT trình độ thạc sĩ và 02 CTĐT trình độ tiến sĩ; giao nhiệm vụ đào tạo 02 CTĐT trình độ đại học CLC theo đặc thù đơn vị. Ngoài ra ĐHQGHN cũng tiến hành điều chỉnh khung chương trình cho 08 CTĐT trình độ thạc sĩ và điều chỉnh tên 01 CTĐT trình độ đại học. Cùng với đó, ĐHQGHN đã thẩm định và mở mới 01 CTĐT và gia hạn 04 CTĐT liên kết với đối tác nước ngoài. Đặc biệt, ĐHQGHN đã xây dựng Quy hoạch ngành, chuyên ngành tại ĐHQGHN giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, ĐHQGHN sẽ có tổng 572 chương trình đào tạo các loại, trong đó có 192 chương trình đại học, 225 chương trình đào tạo thạc sĩ và 155 chương trình đào tạo tiến sĩ.
Công tác đảm bảo chất lượng đạt được nhiều kết quả: năm 2022, ĐHQGHN đã kiểm định chất lượng và đánh giá chất lượng 18 CTĐT, trong đó có 8 CT theo chuẩn AUN, 04 chương trình đánh giá chất lượng đồng cấp, 06 CT theo chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về công tác tuyển sinh, đào tạo, thi HSG của cấp THCS và THPT tiếp tục gặt hái rất nhiều thành công: với 09 huy chương Vàng, 03 huy chương Bạc, 02 huy chương Đồng và 01 Bằng khen. Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, học sinh các trường THPT đạt 10 giải Nhất, 24 giải Nhì, 15 giải Ba và 22 giải Khuyến khích
 Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong năm học tới: Việc chuyển đổi các CTĐT chất lượng cao sang các CTĐT chuẩn theo định mức kinh tế - kỹ thuật đang làm giảm dần quy mô tuyển sinh và đào tạo chất lượng cao; các ngành khoa học cơ bản còn chậm đổi mới; quy mô đào tạo ĐH tăng nhanh trong khi điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế; tỷ lệ tốt nghiệp trung bình mới chỉ đạt 65% và năng lực ngoại ngữ vẫn còn là điểm yếu của nhiều sinh viên; tốc độ kiểm định các chương trình đào tạo còn chậm,…
Hội nghị đã thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, đó là: (1) Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt các hệ tài năng, chất lượng cao và chất lượng đào tạo tiến sỹ;  (2) Thu hút và mở rộng quy mô đào tạo nghiên cứu sinh; (3) Đẩy nhanh kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo; (4) Hoàn thiện và triển khai Đề án Tổ chức các kỳ thi Olympic bậc THPT của ĐHQGHN và Đề án đào tạo học sinh miền Nam; (5) Đẩy mạnh chuyển đổi số; Hoàn thiện mô hình, phương thức đào tạo trực tuyến gắn với đảm bảo chất lượng; (6) Đẩy mạnh chuyển đổi số; khẩn trương xây dựng phần mềm quản lý đào tạo tiến sĩ, phần mềm xác minh văn bằng chứng chỉ của ĐHQGHN cũng như nâng cấp và điều chỉnh các phần mềm quản lý đào tạo đại học, sau đại học cho phù hợp với Quy chế đào tạo mới; (7) Đổi mới cấu trúc nội dung chương trình đào tạo; (8) Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên các chương trình đào tạo tài năng, chất lượng cao, tăng quy mô tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực; (9) Triển khai tập huấn và thực hiện thật tốt các quy chế đào tạo mới; (10) Rà soát và bổ sung, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Các đại biểu tham dự thể hiện sự nhất trí cao với những nội dung đã trình bày trong Báo cáo tổng kết, đồng thời trao đổi, đề xuất một số giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu của năm học 2022-2023.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết, chất lượng tuyển sinh năm vừa qua của Trường có chuyển biến mạnh thông qua xét tuyển bằng nhiều phương thức, đặc biệt là các ngành mang tính hội nhập như Đông Phương học, Hàn Quốc học… Về chuẩn đầu ra ngoại ngữ của sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đề nghị bên cạnh việc bám sát các tiêu chí, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng cần tăng cường tính tự chủ, linh hoạt của các đơn vị để hỗ trợ tối đa cho người học có thể tốt nghiệp, bảo vệ đúng hạn, tránh tình trạng sinh viên không ra được trường vì không có chứng chỉ ngoại ngữ. Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn cũng mong muốn lãnh đạo ĐHQGHN tạo điều kiện và chia sẻ với Nhà trường trong việc mở các CTĐT mới theo xu hướng của thị trường lao động. 
MG 4281
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị
MG 4288
Hiệu trưởng Trường Quốc tế Lê Trung Thành nhấn mạnh tầm quan trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời phát huy hết nguồn lực đổi mới sáng tạo của từng cán bộ, giảng viên, từng vị trí việc làm
 
VNU Hoi nghi Tong ket cong tac Dao tao 2021 2022 (21)
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng, trong thời gian tích cực mở thêm các ngành theo xu hướng thị trường, đòi hỏi của xã hội nhưng cũng cần chú trọng các ngành khoa học cơ bản (Ảnh: Song Minh)
TS. Bùi Vũ Anh - Phó Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục chia sẻ, Viện sử dụng kết quả của các đơn vị đao tạo để tham gia xếp hạng theo hướng xếp hạng bền vững. Mới đây nhất, ĐHQGHN được QS tặng giải thưởng Công nhận về sự cải tiến chất lượng (Recognition of Improvement). Đây là lần đầu tiên một đại học của Việt Nam nhận được giải thưởng này. Phó Viện trưởng Bùi Vũ Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh chỉ tiêu tuyển sinh tăng, các điều kiện đảm bảo chất lượng khác như tỉ lệ giảng viên, cơ sở vật chất cũng phải được gia tăng và mở rộng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của các đơn vị trong toàn ĐHQGHN. Thời gian gần đây, ĐHQGHN chú trọng xếp hạng theo lĩnh vực, hướng đi này hỗ trợ nhiều hơn cho công tác đào tạo, quảng bá chương trình đào tạo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đặc biệt lưu ý các đơn vị rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng (nguồn lực con người, cơ sở vật chất,...). Đồng thời, tăng cường số hóa, chuyển đổi số trong đào tạo, xây dựng các hần mềm quản lý đào tạo và xây dựng bài giảng điện tử. Về công tác tài chính, Phó Giám đốc ĐHQGHN đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện thu chi theo định mức kinh tế kỹ thuật và Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu và quản lý học phí.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đặc biệt lưu ý các đơn vị rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng tăng cường số hóa, chuyển đổi số trong đào tạo, phần mềm quản lý đào tạo và xây dựng bài giảng điện tử. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc ĐHQGHN cũng lưu ý các đơn vị nghiêm túc thực hiện thu chi theo Quy định định mức kinh tế kỹ thuật và Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu và quản lý học phí.
MG 4253
Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Hải trao đổi tại Hội nghị 

Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được trong công tác đào tạo năm học 2021-2022. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến trao đổi, đề xuất của các đại biểu tại Hội nghị, Giám đốc đề nghị năm học tới cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong lĩnh vực đào tạo, trước mắt là hoàn thiện việc lấy ý kiến, chỉnh sửa và sớm ban hành và triển khai Quy chế đào tạo mới hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền; thí điểm giao quyền tự chủ cho các đơn vị đào tạo.
- Chú trọng nâng cao chất lượng tuyển sinh, đào tạo bậc đại học, đảm bảo được điều kiện về đảm bảo chất lượng đào tạo; tăng quy mô đào tạo bậc sau đại học, tiến sĩ.
- Đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường các chính sách thu hút cán bộ khoa học trình độ cao về công tác tại ĐHQGHN. Giữ nguyên các yêu cầu về công bố quốc tế đối với việc chuẩn hóa học hàm học vị của giảng viên và đầu ra của nghiên cứu sinh như hiện nay, đồng thời cũng cần có chính sách hỗ trợ nhằm động viên, khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu, góp phần nâng cao vị thế của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng uy tín thế giới.
- Một số đơn vị cần có phương án linh hoạt để tháo gỡ vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ cho sinh viên, quan tâm đến chất lượng, trình độ ngoại ngữ của sinh viên sau khi tốt nghiệp chứ không chỉ là hoàn thành chứng chỉ để tốt nghiệp.
- Chủ động, tích cực trong việc đăng ký giảng dạy cho sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai tại Hòa Lạc.
- Nghiên cứu mở mới một số ngành cũng như tái cấu trúc ngành, chuyên ngành để đảm bảo hiệu quả giảng dạy; đáp ứng nhu cầu của xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng các học phần về kĩ năng, ứng dụng.
VNU Hoi nghi Tong ket cong tac Dao tao 2021 2022 (34)
Giám đốc Lê Quân kết luận Hội nghị nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong năm học 2022-2023 (Ảnh: Song Minh)

Tác giả: Hạnh Quỳnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây