Lễ phát động có sự tham dự trực tuyến của 100 điểm cầu là các địa phương trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và hội đoàn NVNONN.
Điểm lại những kết quả đạt được sau hai năm triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, trong thời gian qua, các hoạt động hưởng ứng đã diễn ra sôi nổi dưới nhiều hình thức phong phú, với sự tham gia tích cực của các cơ quan trong nước, địa phương và đông đảo kiều bào trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN và cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2025
Với tinh thần “Giữ gìn tiếng Việt, giữ gìn hồn Việt”, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng kêu gọi cộng đồng người Việt ở nước ngoài, các tổ chức hội đoàn và từng cá nhân cùng chung tay bảo tồn, phát huy tiếng Việt. Việc sử dụng tiếng Việt không chỉ ở trong gia đình mà còn trong môi trường học tập, làm việc và giao lưu quốc tế sẽ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, TS. Lê Thị Thanh Tâm – Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN chia sẻ, Ngày Tôn vinh tiếng Việt hàng năm luôn là tâm điểm của tinh thần dân tộc, là cơ hội vô giá để bảo tồn, quảng bá các giá trị và bản sắc Việt Nam, đặc biệt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trường ĐH KHXH&NV đã đồng hành cùng Ủy ban nhà nước NVNONN từ những ngày đầu xây dựng đề án, tham góp và đề xuất các ý kiến mở ra một giai đoạn mới cho hành trình giữ gìn, tôn vinh tiếng Việt trong bối cảnh toàn cầu hóa.
TS. Lê Thị Thanh Tâm – Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN phát biểu tại lễ phát động “Ngày tôn vinh tiếng Việt” và cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2025”
Theo TS. Lê Thị Thanh Tâm, từ đầu năm 2025, các quốc gia Châu Á và Úc là nơi có số lượng kiều bào tham gia Kênh trực tuyến nhiều nhất, phù hợp với tình hình thực tế là tại đây có số lượng Việt kiều sinh sống đông nhất. Ngoài ra, Châu Âu (Đức, Pháp, Ba Lan, Séc, Slovakia, Anh) tiếp tục là khu vực có nhu cầu cao, trong khi châu Á (Nhật Bản, Đài Loan) cũng tăng trưởng rõ rệt. Sự phát triển đột phá về số lượt đăng ký và mở rộng quốc tịch (từ 10 lên 23 quốc gia) cho thấy chương trình ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu học Tiếng Việt của cộng đồng kiều bào trên toàn cầu, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bên cạnh nhiệm vụ chính trị nền tảng trên, Trường ĐH KHXH&NV với đội ngũ chuyên gia chủ lực của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Khung chuyên đề bồi dưỡng, giảng dạy và cấp chứng nhận dạy tiếng Việt cho hàng trăm lượt giáo viên kiều bào tham gia các khóa học tổ chức trực tiếp và trực tuyến. Chương trình “Xin chào Việt Nam” do Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt hợp tác với VTV4 – Kênh truyền hình đối ngoại của Đài truyền hình Việt Nam – thực hiện sang năm thứ 4 với hiệu ứng lan tỏa tiếng Việt tích cực trong cộng đồng người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài.
Sự nghiệp giảng dạy tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN gắn liền với bước đường lịch sử về sứ mệnh của nghề dạy tiếng Việt, biên phiên dịch tiếng Việt, tiên phong trong việc xây dựng hệ thống phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Trên bước đường vẻ vang ấy, Trường ĐH KHXH&NV đã không ngừng cố gắng để đóng góp và sẻ chia với kiều bào về nguồn ngữ liệu dạy tiếng, khơi dậy văn hóa cội nguồn, mở ra những cơ hội lớn lao cho những người con xa quê được tiếp cận và sống với văn hóa Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt hiện đại.
ĐHQGH là đơn vị đại học công lập duy nhất đã và đang thực thi sứ mệnh quốc gia trong việc khởi động Kênh giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 2022, dựa trên hệ thống ngữ liệu có phạm vi phủ hệ sinh thái dạy tiếng lớn nhất từ trước đến nay do Trường ĐHKHXH&NV biên soạn: gồm bộ tư liệu dạy học Tiếng Việt 6 bậc, bộ kiểm tra đánh giá Tiếng Việt 6 bậc, Ngân hàng đề thi Tiếng Việt 6 bậc, Tiếng Việt chuyên ngành KHXH&NV, KHKT&CN, Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Truyện cổ tích Việt Nam và bộ cẩm nang Tiếng Việt ẩm thực, Tiếng Việt du lịch, Tiếng Việt thương mại, Tiếng Việt giao tiếp thông dụng và bộ 6 tập sách hướng dẫn giảng dạy Tiếng Việt. Với hệ sinh thái này, nhà trường đã tổ chức hơn 150 lớp dạy tiếng Việt cho kiều bào từ sơ cấp đến cao cấp, phục vụ gần hàng nghìn lượt kiều bào thuộc 23 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới: Lào, Singapore, Anh, Đức, Pháp, Slovakia, Séc, Áo, Bỉ, Hà Lan, Ba Lan, Kyrgyzstan, Hy Lạp, Hungary, Thụy Sĩ, Đài Loan, Canada, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines…
Đại diện kiều bào, bà Trần Hồng Vân - Sứ giả tiếng Việt năm 2023, chia sẻ việc giúp cho con em kiều bào nói được tiếng Việt, yêu văn hóa Việt và giúp các em kết nối với cội nguồn dân tộc sẽ giúp các em tạo dựng nền tảng vững chắc để tỏa sáng ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Bà cũng nhấn mạnh, việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa cho thế hệ trẻ Việt Nam ở Úc và các nước khác trên thế giới đòi hỏi nỗ lực của các bên liên quan.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cùng các đại biểu ấn nút khai trương chương trình "Tiếng Việt diệu kỳ". Ảnh: Bộ Ngoại giao