Tin tức

Nâng tầm quan hệ hợp tác giữa VNU-USSH và Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) theo hướng thực chất và hiệu quả

Chủ nhật - 19/01/2025 02:33
Đó là khẳng định chung của lãnh đạo hai trường tại cuộc gặp gỡ và làm việc diễn ra vào sáng ngày 18/01/2025 tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH).
DSC06563
Tham gia Đoàn công tác của Đại học Bắc Kinh có các giáo sư, nhà khoa học nghiên cứu, giảng dạy về lĩnh vực tiếng Việt, quan hệ quốc tế và khu vực học do GS.Ninh Kỳ (Phó Giám đốc ĐH Bắc Kinh) dẫn đầu.
Tiếp đoàn, về phía trường ĐHKHXH&NV có GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng Nhà trường), PGS.TS Bùi Thành Nam (Phó CT Hội đồng trường, Trưởng phòng Đào tạo) cùng lãnh đạo một số phòng chức năng, đơn vị đào tạo trong trường.
Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn nồng nhiệt chào mừng và cảm ơn Đoàn công tác của ĐH Bắc Kinh đã đến thăm trường trong những ngày cận kề Tết truyền thống của Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời khẳng định: “Trường ĐHKHXH&NV đặc biệt coi trọng quan hệ hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu của Trung Quốc, đặc biệt là trường đại học danh tiếng bậc nhất như ĐH Bắc Kinh. Trong thời gian qua, thông qua kết nối của các nhà khoa học, hai trường đã có một số hoạt động hợp tác thành công. Và gần đây, một sự kiện hết sức quan trọng, ngày 9/12/2024 tại Đại học Bắc Kinh đã diễn ra Tọa đàm hợp tác giáo dục đại học Việt Nam - Trung Quốc có sự tham gia của lãnh đạo hai Bộ Giáo dục, các vụ, cục chức năng và nhiều trường đại học hàng đầu của hai nước. Nhân dịp này, Trường ĐHKHXH&NV đã chính thức kí kết hợp tác với Đại học Bắc Kinh và Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh về đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, trao đổi giảng viên, sinh viên, tăng cường hợp tác trong đào tạo ngôn ngữ tiếng Trung và tiếng Việt. Chuyến thăm hôm nay của Đoàn công tác càng khẳng định hơn nữa quyết tâm hiện thực hoá các định hướng hợp tác mà hai bên đã kí kết”.
DSC06569
GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng trường ĐHKHXH&NV) giới thiệu những thế mạnh của Nhà trường và khả năng hợp tác giữa hai đơn vị

Đại diện Đoàn công tác Đại học Bắc Kinh, GS Ninh Kỳ bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc sự đón tiếp rất trọng thị và hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của Trường ĐHKHXH&NV để Đoàn có thể tổ chức chuyến công tác đến Việt Nam một cách nhanh chóng và thuận lợi dù trong dịp Tết cận kề vô cùng bận rộn. Giới thiệu về ĐH Bắc Kinh, GS Ninh Kỳ chia sẻ: Đại học Bắc Kinh là trường đại học hàng đầu của Trung Quốc và xếp hạng 17 thế giới theo QS Rankings 2024. Hiện nay chúng tôi có khoảng hơn 50.000 người học (bao gồm sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh). Các chuyên ngành mà ĐHKHXH&NV đào tạo thì ĐH Bắc Kinh cũng có và xếp hạng hàng đầu ở khu vực châu Á và trên bảng xếp hạng thế giới. Trong đó, ngành tiếng Việt thuộc Học viện Ngoại ngữ bắt đầu đào tạo bậc cử nhân từ năm 1949, là trường đại học đầu tiên của Trung Quốc mở ngành tiếng Việt. Vì vậy, tôi nhận thấy hai trường có nhiều cơ hội hợp tác, cùng chia sẻ tài nguyên, hỗ trợ lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực: đào tạo, nghiên cứu, xuất bản quốc tế. Tham gia đoàn công tác của chúng tôi là những chuyên gia hàng đầu, có những nghiên cứu chuyên sâu về các khu vực trên thế giới, cũng như mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia, khu vực: Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á, châu Âu; và chuyên gia nghiên cứu về Việt ngữ học, giao lưu văn hoá Việt Nam với Trung Quốc. Hai bên có thể trao đổi cởi mở để cùng đưa ra những nội dung hợp tác cụ thể, khả thi và triển khai ngay trong năm 2025”.
DSC06589
GS Ninh Kỳ (Phó Giám đốc Đại học Bắc Kinh) bày tỏ kì vọng hai bên sẽ triển khai nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả và thực chất
 
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị đào tạo của VNU-USSH đã chia sẻ những thông tin quan trọng về các hoạt động đã triển khai thành công giữa các khoa của Nhà trường với đơn vị trực thuộc Đại học Bắc Kinh, đồng thời đề xuất một số nội dung có thể đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới.
PGS.TS Đặng Hồng Sơn (Trưởng khoa Lịch sử) chia sẻ: “Trường ĐHKHXH&NV là một trong những trường đại học có đào tạo ngành Khảo cổ học tốt nhất tại Việt Nam. Ngành Khảo cổ bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, và một giáo sư người Trung Quốc, đó là giáo sư Lê Văn Chung, đã sang giảng dạy Khảo cổ học ở khoa Lịch sử của chúng tôi. Tôi kì vọng thông qua sự hợp tác ngày hôm nay, có thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác với giữa hai Nhà trường trong lĩnh vực khảo cổ học, lịch sử và di sản văn hóa.
Hiện nay trường ĐHKHXH&NV đang nỗ lực trong việc xây dựng kho Tư liệu văn hiến Việt Nam ở hải ngoại. Tôi được biết, hiện tại một số tài liệu của các nhà sử học Trung Quốc và châu Âu viết về Việt Nam đang được lưu trữ ở Trung Quốc đại lục, Đài Loan, và một số nước châu Âu. Vì vậy, chúng tôi hi vọng Quý trường sẽ tạo điều kiện các nhà nghiên cứu của Trường ĐHKHXH&NV có thể đến thư viện Đại học Bắc Kinh tiến hành điều tra, nghiên cứu, tìm kiếm các tài liệu cổ viết về Việt Nam. Đây là những tư liệu rất quý phục vụ học tập nghiên cứu của sinh viên cũng như các học giả trong và ngoài nước khi nghiên cứu về lịch sử, văn hoá Việt Nam, cũng như mối quan hệ bang giao của các nước trong khu vực thời kì cổ trung đại”.
DSC06614

PGS.TS Nguyễn Thu Hiền (Phó trưởng khoa Văn học) nhấn mạnh: “Năm nay vừa tròn 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là một dấu mốc rất quan trọng, cho nên tôi rất mong muốn có thể hợp tác sâu sắc hơn trong các tất cả lĩnh vực. Tôi biết rằng khoa tiếng Việt của Đại học Bắc Kinh là một trong những khoa được thành lập sớm nhất ở Trung Quốc. Và việc đào tạo tiếng Việt, văn hóa Việt Nam cũng là thế mạnh của trường ĐHKHXH&NV. Vì vậy hai trường có thể tiến hành hợp tác theo mô hình "2+2": đưa sinh viên học tiếng Việt tại ĐH Bắc Kinh sang học tại VNU-USSH hoặc sinh viên VNU-USSH sang học cùng các chuyên ngành bên trường bạn và được công nhận tín chỉ. Về lĩnh vực văn học, có một thực tế hiện nay Việt Nam vẫn là nước dịch văn học Trung Quốc nhiều nhất, nhưng ngược lại, Trung Quốc lại hiểu biết rất rất ít về văn học Việt Nam. Cho nên, tôi rất mong chúng ta có thể chung tay để giới thiệu, quảng bá, lan toả giá trị văn hoá, văn học kinh điển của Việt Nam và Trung Quốc đến với bạn đọc ở hai quốc gia và bạn bè trên thế giới”.
DSC06610

TS Nguyễn Thị Ngọc Hoa (Trưởng bộ môn Trung Quốc học, khoa Đông phương học) chia sẻ: “Trong nhiều năm trước đây VNU-USSH thường xuyên cử sinh viên đến Bắc Kinh để giao lưu ngắn hạn và sinh viên Bắc Kinh cũng đến khoa Đông Phương học, VNU-USSH để thực tập xã hội. Tuy nhiên gần đây hoạt động này đã bị gián đoạn do những điều kiện khách quan. Vì vậy, tôi muốn nhân cơ hội này, hai trường có thể khôi phục hoạt động này bởi việc tạo điều kiện cho sinh viên trường giao lưu, học tập tại nước ngoài, nhất là tại các trường ĐH trong khu vực: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… được ban lãnh đạo Nhà trường hết sức coi trọng”.
Đại diện khoa Quốc tế học, TS Vũ Thị Anh Thư (Phó trưởng khoa) cũng khẳng định trân trọng cơ hội hợp tác quý báu này để có thể cùng triển khai các hoạt động đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên, giao lưu học thuật giữa hai đơn vị hàng đầu của Việt Nam và Trung Quốc. TS Anh Thư nhấn mạnh thêm: “Trong quá trình nghiên cứu về Việt Nam và mối quan hệ quốc tế chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các công trình nghiên cứu của các học giả Trung Quốc về Việt Nam và mối quan hệ giữa hai quốc gia, đặc biệt là các tài liệu gốc đang nằm tại trung tâm lưu trữ của ĐH Bắc Kinh và Trung Quốc. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới hai bên sẽ phối hợp để cùng khai thác nguồn tư liệu này một cách trực tiếp, hiệu quả”.
Hoàn toàn nhất trí và đánh giá cao những đề xuất hợp tác cụ thể của các đại diện đến từ ĐHKHXH&NV, GS Trần Minh (Viện trưởng Học viện Ngoại ngữ thuộc Đại học Bắc Kinh) khẳng định: “Đại học Ngọai ngữ hiện nay đang triển khai các khoá đào tạo ngắn hạn cho sinh viên, học viên nước ngoài khoảng 2-3 tuần về Đông Nam Á, về quan hệ quốc tế; các lớp học hè về nghiên cứu văn hoá, văn học phương Đông hoặc thường xuyên tổ chức các diễn đàn học thuật cho các học viên, NCS. Chúng tôi rất hoan nghênh trường ĐHKHXH&NV cử sinh viên, học viên, NCS tham gia các hoạt động đào tạo này. Về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Diễn đàn Bắc Kinh tổ chức hàng năm vào tháng 11, chúng tôi hoàn toàn có thể tổ chức một phiên riêng cho 2 trường để trao đổi về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Đồng thời, chúng tôi sẵn sàng kết nối, hỗ trợ các học giả Việt Nam có thể tiếp xúc và khai thác các nguồn tài liệu gốc đang lưu trữ tại ĐH Bắc Kinh hoặc trung tâm lưu trữ quốc gia của Trung Quốc. Các công trình nghiên cứu của các giảng viên, nhà nghiên cứu Trường ĐHKHXH&NV có thể dịch thuật sang tiếng Trung để đăng trên tạp chí tại Trung Quốc và ngược lại.
Về mô hình đào tạo 2+2, 3+1 (lĩnh vực ngôn ngữ học, khu vực học, văn hoá học,…), GS Ninh Kỳ hoàn toàn nhất trí và khẳng định đó là đề xuất khả thi và hai bên có thể triển khai ngay trong năm học 2024-2025. “Năm 2025 đẩy mạnh giao lưu nhân dân và kỉ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, chúng tôi rất mong muốn hợp tác hai trường đi vào thực chất và hiệu quả” – GS Ninh Kỳ bày tỏ.
Kết thúc buổi làm việc, Hiệu trường Hoàng Anh Tuấn một lần nữa trân trọng cảm ơn Đoàn công tác của ĐH Bắc Kinh đã dành thời gian quý báu để làm việc với Nhà trường và chia sẻ thông tin hết sức giá trị, đồng thời nhấn mạnh thêm: “Giao lưu quốc tế là một tiền đề quan trọng để tạo nên phát triển bền vững và mạnh mẽ cho các cơ sở giáo dục đại học. Trường ĐHKHXH&NV rất kì vọng và cam kết huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy các hoạt động thực chất và hiệu quả nhằm mang lại giá trị thiết thực cho sinh viên. Trường ĐHKHHX&NV hiện có Tạp chí KHXH&NV là một trong số ít tạp chí khoa học uy tín nhất tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn thời gian tới sẽ nhận được các công trình nghiên cứu của giáo sư tại Đại học Bắc Kinh về tất cả các lĩnh vực KHXH&NV, đặc biệt là những nghiên cứu về Việt Nam từ các tư liệu gốc của Trung Quốc”.
DSC06637 copy
Đại diện lãnh đạo hai bên trao quà lưu niệm sau buổi gặp gỡ
DSC06650 copy
Đoàn công tác của Đại học Bắc Kinh chụp ảnh cùng lãnh đạo và cán bộ của Trường ĐHKHXH&NV nhân dịp đến thăm Nhà trường

Tác giả: Hạnh Quỳnh - USSH Media

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây