Ngôn ngữ
Theo TS. Bùi Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, thư ký Ban Biên soạn đã chia sẻ một số thông tin và ý nghĩa của việc ra đời cuốn sách: Sách được xuất bản nhằm trình bày tổng quát sự kiện định đô Thăng Long và diện mạo của Thăng Long - Hà Nội từ thời Lý, Trần, Lê cho đến thời đại Hồ Chí Minh, khi Hà Nội trở thành Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cuốn sách “Định đô Thăng Long - Tầm nhìn Thiên niên kỷ” có gì đặc biệt?
Đầu Thu năm Canh Tuất (1010), chỉ sau hơn nửa năm lên ngôi Thiên tử, lập ra Vương triều Lý, nhận thấy “thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương”, Lý Thái Tổ đã dồn tâm, dốc sức nghiền ngẫm sách vở thánh hiền, học hỏi kinh nghiệm của tổ tiên và của các quốc gia cổ đại phương Đông, mở rộng điều tra, khảo sát, để hiểu đúng, đánh giá đúng vị thế của mỗi địa phương trong chiến lược tổng thể xây dựng, phát triển đất nước và đi đến một quyết định tuyệt đối đúng là dời đô Hoa Lư về định đô Thăng Long. Mục đích tối thượng của quyết định lịch sử trọng đại này được Lý Thái Tổ lý giải hết sức rõ ràng và minh bạch trong Chiếu dời đô là “cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh”. Mặc dù đã quả quyết khẳng định khu vực thành Đại La khi đó (sau được ông đổi thành Thăng Long) “là nơi thắng địa, thực là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”, nhưng Lý Thái Tổ vẫn đặt cược toàn bộ sự nghiệp của mình vào “mệnh trời” và “ý dân”, tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý rộng rãi và nhận được sự ủng hộ hết lòng của dân chúng. Đấy chính là nguồn lực lớn nhất và quan trọng nhất giúp Lý Thái Tổ lập nên kỳ tích vào tháng 7, mùa Thu năm Canh Tuất (khoảng từ 13 tháng 8 đến 10 tháng 9 năm 1010).
Ngày 1 tháng 8 năm 2010, đúng vào dịp kỷ niệm tròn 1000 năm Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, vì nó “phản ánh một chuỗi lịch sử nối tiếp nhau liên tục của các vương triều cai trị đất nước Việt Nam trên các mặt tư tưởng, chính trị, hành chính, luật pháp, kinh tế và văn hoá trong gần một ngàn năm” và vì trên thế giới thật hiếm tìm thấy một di sản nào khác “thể hiện được tính liên tục lâu dài như vậy của sự phát triển chính trị, văn hoá”.
Cũng vào dịp này, sau 1000 năm nhìn lại, các Chương trình khoa học cấp Nhà nước Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử văn hóa phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô; Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến; Bộ Bách khoa thư Hà Nội và Hội thảo khoa học quốc tế Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội, cùng hàng trăm các đề tài, công trình nghiên cứu có tính tổng kết… đều khẳng định những chặng đường phát triển rực rỡ của Thủ đô Văn hiến, Anh hùng, Hòa bình - Hữu nghị suốt 10 thế kỷ qua hầu như đều được bắt đầu hay có mối quan hệ từ sự nghiệp định đô Thăng Long của Lý Thái Tổ. Tầm nhìn và sự nghiệp của Lý Thái Tổ đã vượt quá không gian, vượt quá thời gian, thực sự trở thành tầm nhìn và sự nghiệp Thiên niên kỷ.
Năm nay, năm 2020, kỷ niệm 1010 năm sự kiện Lý Thái Tổ định đô Thăng Long, chúng tôi, một nhóm chuyên gia của chương trình khoa học kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội lại có cơ hội bàn thảo, kiểm nghiệm và đánh giá các kết quả nghiên cứu từ 10 năm trước và cập nhật những thành tựu nghiên cứu mới trong 10 năm gần đây, để hoàn thành cuốn sách Định đô Thăng Long - Tầm nhìn Thiên niên kỷ.
Bạn đọc có thể biết một cách ngắn gọn về cuốn sách này như thế nào?
Cuốn sách được chia ra thành 10 chương (chúng tôi có ý nhấn mạnh vào con số 10 rất có ý nghĩa lúc này là năm 1010; kỷ niệm 1010 năm; ngày kỷ niệm 10-10 và sau 10 năm đại lễ kỷ niệm), trình bày tổng quát sự kiện định đô Thăng Long và diện mạo của Thăng Long - Hà Nội từ thời Lý, Trần, Lê cho đến thời đại Hồ Chí Minh khi Hà Nội trở thành Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thật ra mỗi chương có thể trình bày thành một cuốn sách chuyên khảo riêng, nhưng ở đây các tác giả đều mong muốn góp chung lại và hướng tới đông đảo bạn đọc, cố gắng trình bày những chuyên đề, những nội dung chuyên sâu một cách dung dị và ngắn gọn nhất.
Chương I: Lý Thái Tổ và công cuộc định đô Thăng Long: Đây là chương mở đầu, khái quát việc Lý Thái Tổ sáng lập ra Vương triều Lý đã mở ra một thời kỳ phục hưng toàn diện của đất nước, thi hành các chính chính sách đối nội, đối ngoại vừa phù hợp với yêu cầu xây dựng đất nước trước mắt, vừa “làm kế cho con cháu muôn vạn đời”. Quyết định dời đô và tạo dựng kinh đô mới ở Thăng Long của Lý Thái Tổ là sự kiện trọng đại, đặt cơ sở nền tảng cho toàn bộ quá trình phát triển vượt bậc của Vương triều Lý, của quốc gia Đại Việt, mở ra một kỷ nguyên huy hoàng của lịch sử Việt Nam. “Ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận, Lý Thái Tổ trở thành vị Hoàng đế đầu tiên vĩ đại bậc nhất của lịch sử Việt Nam, có tầm nhìn và sự nghiệp thiên niên kỷ
Chương II: Kinh đô Thăng Long thời Lý: Nội dung chương II đã mô tả diện mạo Kinh thành Thăng Long thời Lý gồm 3 vòng thành, trong đó Cấm thành và Long thành ở bên trong là trung tâm đầu não của vương triều. Đây là tập hợp của hàng trăm những kiến trúc cung điện, đền đài, chùa tháp hoành tráng, bề thế và lộng lẫy, chủ yếu là các kiến trúc Phật giáo và các kiến trúc mang phong cách Phật giáo. Tại đây quan hệ cung đình - dân gian, quan hệ thành thị - nông thôn, quan hệ kinh tế - văn hóa diễn ra thường xuyên, trực tiếp và mạnh mẽ, làm cho Thăng Long nhanh chóng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất, có sức thu hút và lan tỏa mạnh nhất, nâng đô thị Thăng Long lên thành đô thị tiêu biểu về mọi lĩnh vực của quốc gia Đại Việt.
Chương III: Kinh đô Thăng Long thời Trần: Nội dung chương III tập trung làm rõ việc vương triều Trần thành lập, quy hoạch, xây dựng và tổ chức quản lý Kinh đô Thăng Long; diện mạo đời sống kinh tế, văn hoá đô thị Thăng Long thời Trần. Phần này có mở rộng trình bày thêm cả Đông Đô - Đông Quan thời Hồ và thời Minh thuộc.
Chương IV: Đông Kinh thời Lê sơ: Chương IV đã làm rõ quy hoạch Kinh đô Thăng Long thời Lê sơ như là một mô hình tương đối phổ biến ở các quốc gia Đông Á. Qua mô tả khu vực phố phường và khu vực dân cư, có thể khẳng định, dưới thời Lê sơ, Thăng Long tiếp tục có sức hút mạnh mẽ những cư dân “tứ chiếng” về tụ cư và sản xuất, buôn bán và học tập… tạo nên một đô thị phát triển rực rỡ về nhiều mặt.
Chương V: Kinh đô Thăng Long thời Vua Lê - Chúa Trịnh: Nội dung chương V làm rõ Thăng Long - Kẻ Chợ thời vua Lê - chúa Trịnh, tiếp sau là Bắc Thành thời Tây Sơn là khoảng thời gian hơn hai thế kỷ đầy biến động và nghịch lý trong giai đoạn cuối cùng của một đô thị chuyển đổi từ vị thế kinh thành Đại Việt sang một thủ phủ miền. Nhìn chung, đó vừa là những thế kỷ suy thoái về chính trị và hệ tư tưởng, vừa là những thế kỷ phát triển về kinh tế và văn hóa, trong một thế đan xen phức hợp.
Chương VI: Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn: Chương VI khẳng định, Thăng Long - Hà Nội đến thời Nguyễn đã trải qua gần tám trăm năm đóng vai trò kinh đô của quốc gia Đại Việt. Đến thời Nguyễn kinh đô được chuyển và Phú Xuân - Huế nhưng ba mươi năm đầu thế kỷ XIX, Thăng Long - Hà Nội vẫn giữ vai trò trung tâm của Bắc Thành. Cùng với những thay đổi đó, hệ thống thành lũy với quy mô rộng lớn qua các triều đại cũng bị phá bỏ thay vào đó là một toà thành quy mô bị thu hẹp hơn nhiều. Mặc dù vậy, ở Thăng Long - Hà Nội, kinh tế, đặc biệt là công thương nghiệp, vẫn phát triển mạnh với tính chuyên môn hóa khá cao. Trong đời sống văn hoá, Thăng Long - Hà Nội vẫn là một trung tâm lớn của cả nước về giáo dục và khoa cử, trong đời sống văn học, kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng.
Chương VII: Hà Nội - Thủ phủ của Liên bang Đông Dương thời Pháp thuộc: Nội dung chương VII làm rõ từ giữa thế kỷ XIX, Hà Nội từ một thành thị phong kiến suy tàn dần trở thành một đô thị hiện đại theo mô hình phương Tây. Không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn, Hà Nội còn là một nơi hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc và thời đại. Giáo dục cùng với các trào lưu tư tưởng mới trở thành bệ đỡ và điều kiện thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa mới. Giai đoạn này, Hà Nội là trung tâm hình thành, hội thụ và lan toả các phong trào yêu nước và cách mạng, với đỉnh cao là thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội năm 1945 đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của thành phố nói riêng, cả nước nói chung.
Chương VIII: Hà Nội - Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Chương VIII đã khẳng định vai trò to lớn của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong một giai đoạn mới của thành phố, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, giữ gìn sự bình yên, hạnh phúc của Hà Nội, trái tim của cả nước, Thủ đô ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Chương IX: Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Chương IX đã nêu bật những thành tựu của Hà Nội trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại trong thời kỳ thống nhất, thực hiện đường lối đổi mới đất nước, từng bước vững vàng tiến lên trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước, với danh hiệu Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo và lịch sử 1010 năm văn hiến.
Chương X: Hà Nội - Thủ đô văn hiến, anh hùng, hoà bình và hữu nghị: Đây là chương nối kết và tổng luận các chuyên đề, vấn đề được đặt ra trong cuốn sách. Trước thềm thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, đất nước Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang đứng trước những vận hội và thách thức lịch sử mới của kỷ nguyên văn minh số và toàn cầu hoá trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đây chính là thời điểm để Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung, lãnh đạo và nhân dân Hà Nội nói riêng nhìn lại và đánh giá những thành tựu đã giành được và hướng tầm mắt tới tương lại từ tầm cao trí tuệ, nhân văn của Thủ đô ngàn năm văn hiến, nhằm khai thác những giá trị của truyền thống, phát huy những nguồn lực vật chất và tinh thần của Thăng Long - Hà Nội, tạo nên nguồn xung lực mạnh mẽ tiếp tục xây dựng và phát triển Thủ đô trên một tầm cao mới.
Cuốn sách là kết quả hợp tác giữa Sở Thông tin - Truyền thông, Nhà Xuất bản Hà Nội, Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, ĐHQGHN nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Lý Thái Tổ định đô Thăng Long, chúng tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách Định đô Thăng Long - Tầm nhìn Thiên niên kỷ với bạn đọc quan tâm và yêu quý Lịch sử - Văn hóa Thủ đô.
Tác giả: VNU Media - Nhóm tác giả
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn