Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: “Hàn lâm làm nền tảng – Hiện đại là xu hướng”

Chủ nhật - 10/12/2023 20:30
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là đơn vị thành viên nòng cột của Đại học Quốc gia Hà Nội; hiện có 500 cán bộ, trong đó đội ngũ giảng viên - nhà khoa học chất lượng cao với 20% có học hàm giáo sư/phó giáo sư và 75% có học vị tiến sỹ; 96 chương trình đào tạo đại học và sau đại học; lĩnh vực khoa học xã hội của ĐHQGHN vừa được QS xếp hạng 501-600 thế giới… Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN, VNU Media đã trao đổi với GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng - về quan điểm phát triển của Nhà trường.
Trường ĐHKHXH&NV được ĐHQGHN hỗ trợ cải tạo nhân dịp 30 năm Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQGHN
Kiên định triết lý khoa học cơ bản
Trên các diễn đàn, Ông luôn nhấn mạnh vai trò nền tảng của khoa học cơ bản. Triết lý này đang thể hiện như thế nào trong cơ cấu của Nhà trường?
Đại học Tổng hợp (1956-1995), tiền thân của Nhà trường hôm nay, đã là một trung tâm khoa học cơ bản nổi tiếng, có uy tín quốc tế. Triết lý khoa học cơ bản tiếp tục được vun bồi khi Trường ĐH KHXH&NV được thành lập năm 1995 để hoạt động trong cơ cấu của ĐHQGHN.
Triết lý khoa học cơ bản không chỉ tiếp tục ở các lĩnh vực đào tạo - nghiên cứu truyền thống (Văn học, Ngôn ngữ học, Triết học, Lịch sử…) mà còn thẩm thấu vào các ngành đào tạo được hình thành sau này. Kể cả các chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao (Quản trị văn phòng, Quản trị khách sạn, Khoa học Quản lý, Quản lý thông tin…) cũng đều có một lượng tương đối lớn các môn học nền tảng từ lĩnh vực khoa học cơ bản.
Ví dụ, sinh viên ngành Báo chí sẽ được trang bị phông kiến thức về văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ, chính trị, tư tưởng…trước (hoặc song song với) trang bị kiến thức chuyên sâu về truyền thông và báo chí. Kiến thức khoa học cơ bản và hệ phương pháp liên ngành là nền tảng để đảm bảo sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tiếp tục học lên cao hoặc tự học trong quá trình công tác.
Khoa học cơ bản rất quan trọng nhưng hiện đang đối diện không ít thách thức, Nhà trường có giải pháp gì để tiếp tục phát huy, thưa Ông?
Điều đáng mừng là các ngành khoa học cơ bản của Nhà trường đều đang được tuyển sinh rất tốt: tỉ lệ cạnh tranh lớn, điểm đầu vào rất cao (năm 2023: điểm đầu vào của ngành Triết học là 25,30 điểm, ngành Văn học là 26,80 điểm, ngành Lịch sử là 27,00 điểm…).
ĐHQGHN đã ban hành chiến lược về khoa học cơ bản, làm bệ đỡ cho các chính sách của Nhà trường. Hiện nay, 09 ngành khoa học cơ bản đang được ĐHQGHN và Nhà trường đầu tư học bổng (50 triệu/năm) và kinh phí nghiên cứu khoa học (10 triệu/đề tài) cho sinh viên.
Một số lĩnh vực khoa học cơ bản của Nhà trường gắn chặt với trách nhiệm quốc gia nên càng phải kiên định triết lý phát triển. Ví dụ: trên cả nước chỉ có một vài đơn vị đào tạo chuyên ngành Khảo cổ học, mỗi năm cả nước có thêm không quá 10 cử nhân, trong đó khoảng 50% tốt nghiệp từ Trường Nhân văn. Chi phí để đào tạo ra 1 cử nhân Khảo cổ học trung bình cao gấp 10 lần so với chi phí đào tạo cử nhân các chuyên ngành khác vì phải đầu tư cho hoạt động thực tập (khai quật dài ngày ở địa phương) và làm thực nghiệm (phục chế, xét nghiệm mẫu)… Mặc dù vậy, Nhà trường vẫn kiên định sứ mệnh đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực khoa học cơ bản đặc thù vì ngoài ý nghĩa khoa học tự thân còn mang sứ mệnh quốc gia – dân tộc, nhất là các lĩnh vực mà đất nước không thể không có, như Hán Nôm, Dân tộc học, Tôn giáo học…
Nhà trường hiện đang nỗ lực tự cân đối các nguồn lực để đầu tư cho khoa học cơ bản, nhưng về lâu dài, các lĩnh vực khoa học cơ bản đặc thù cần có thêm nguồn lực đầu tư từ Nhà nước.
Ban Giám hiệu Trường ĐH KHXH&NV tặng hoa tri ân các nguyên lãnh đạo Nhà trường qua các thời kỳ nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2023
Sự sáng tạo và đổi mới không loại trừ tính hàn lâm
Nhà trường không chỉ rất hàn lâm mà còn mạnh mẽ trong sáng tạo và đổi mới?
Đúng vậy! Sự thay đổi rất nhanh của giáo dục đại học đặt lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trước những thách thức vô cùng lớn, thậm chí là nghiệt ngã. Nếu không tự thay đổi để thích ứng, Nhà trường sẽ khó tồn tại, chưa nói đến phát triển.
Thay đổi theo hướng sáng tạo và đổi mới phải trở thành một thuộc tính rất tự nhiên của người làm giáo dục nói chung. Ở Trường Nhân văn, đổi mới và hội nhập hoàn toàn không loại suy tính hàn lâm, càng không đối lập với triết lý khoa học cơ bản. Ứng dụng công nghệ vào giảng dạy không làm mất đi sự uyên thâm chuyên môn, bởi tri thức chuyên sâu đã ngấm vào khối óc và trái tim của người thầy; công nghệ góp phần chuyển tải tri thức của người thầy đến sinh viên tốt hơn, hoạt động dạy học sinh động hơn, phù hợp hơn với sinh viên Gen Z vốn rất yêu công nghệ. Ứng dụng công nghệ và vận dụng phương pháp hiện đại vào nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm khoa học và rút ngắn quy trình thực hiện.
Tương tự, hành chính – công vụ đại học cũng phải đổi mới theo hướng công nghệ hóa, tinh thần phục vụ chứ không thể cứ mãi “quan liêu”.
Nói “người học là trung tâm” thì phải hành động tương xứng, không thể chỉ khẩu hiệu “suông”. Không thay đổi để thích ứng ắt sẽ lạc lõng trước sinh viên, sẽ bị đào thải trên sân chơi của chính mình.
Trường Nhân văn không chỉ mạnh về khoa học cơ bản mà gần đây cũng rất năng động trong khởi nghiệp, năng lực số…?
Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Trường Nhân văn thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong ứng dụng công nghệ để dạy-học trực tuyến, được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen.
Nhiều người ngạc nhiên vì tập đoàn Meta (Facebook) quyết định tài trợ cho Trường Nhân văn triển khai Dự án “Năng lực số cho sinh viên Việt Nam” trong các năm 2021-2022. Kết quả là bộ học liệu đầu tiên ở Việt Nam gồm giáo trình, cẩm nang, sách chuyên khảo về “Năng lực số” đã được biên soạn, được hơn một trăm trường đại học ở Việt Nam sử dụng.
Tháng 11/2023 vừa qua, Quỹ Đào Minh Quang (CHLB Đức) đã ký hợp tác tài trợ để Trường Nhân văn triển khai xây dựng bộ học liệu chuẩn về “Khởi nghiệp”, gồm giáo trình, sách hướng dẫn, video bài giảng, thư viện, vườn ươm… Nếu được hoàn thành trong năm 2024, đây sẽ là bộ học liệu đầu tiên ở Việt Nam về khởi nghiệp cho sinh viên và thanh niên Việt Nam.
Như vậy, cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên sâu vốn đã làm nên danh tiếng “đại học nghiên cứu” của Nhà trường, hoạt động đổi mới sáng tạo đã góp phần định hình vị thế của Trường Nhân văn hôm nay: vẫn đậm chất hàn lâm nhưng đầy tính hội nhập, vẫn kinh viện nhưng không lạc lõng với nền đại học số đương đại.
Sự sáng tạo và đổi mới, vì vậy, không loại suy mà trái lại còn gia tăng tính hàn lâm - học thuật của Nhà trường!
Tiết mục múa cổ điển của sinh viên Nhân văn: sự hài hòa giữa chuyên môn giỏi và kỹ năng hiện đại
Nhân lực chất lượng là chìa khóa vạn năng
Được biết, Nhà trường đang đầu tư mạnh để phát triển đội ngũ cán bộ, Ông có thể chia sẻ về vấn đề này? 
Nhân lực giữ vai trò then chốt trong mọi công cuộc đổi mới. Nguồn nhân lực chất lượng quyết định danh tiếng của Trường Nhân văn.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu chất lượng (khoảng 75% đã chuẩn hóa học vị tiến sỹ và 20% được phong học hàm giáo sư/phó giáo sư) là nguồn lực quan trọng. Từ nhiều năm nay, để hỗ trợ cán bộ chuẩn hóa học hàm và học vị, Nhà trường thực hiện “cá thể hóa” hoạt động bồi dưỡng đến từng cán bộ: cấp đề tài khoa học cơ sở, hỗ trợ dịch thuật; hỗ trợ công bố quốc tế (70 triệu/bài báo quốc tế nhóm Q1; 350 triệu/sách chuyên khảo thuộc nhóm A của SENSE), hỗ trợ cán bộ đi tu nghiệp ở nước ngoài… Kinh phí Nhà trường đầu tư trực tiếp vào phát triển cán bộ khoa học đã tăng khoảng 400% trong vòng 2 năm qua.
Đội ngũ cán bộ hành chính cũng thường xuyên được bồi dưỡng kỹ năng và cập nhật kiến thức, đảm bảo tinh thần “chuyên nghiệp, thân thiện, hiệu quả”!
Ông kỳ vọng như thế nào từ việc đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ?
Bác Hồ, người ký sắc lệnh để sáng lập Ban Đại học Văn khoa (1945), tiền thân của Trường Đại học Tổng hợp (1956-1995) và Trường ĐH KH XH&NV (từ 1995), từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
Ở Trường Nhân văn, đội ngũ cán bộ có chuyên môn tốt, phương pháp hiện đại, thái độ tích cực sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng để mở các cánh cửa thành công tiếp theo. Có nhân lực khoa học chất lượng ắt sẽ có các chương trình đào tạo mới, dự án nghiên cứu lớn, sản phẩm khoa học đỉnh cao; có nhân lực hành chính – công vụ chất lượng ắt sẽ có nền quản trị đại học hiện đại và hiệu quả…
Thực tế, không có lãnh đạo nào nghĩ được hết thảy và làm được tất cả; khi 500 cán bộ Nhân văn cùng chủ động, sáng tạo, hướng tâm thì nguồn lực tự thân sẽ mạnh lên gấp nhiều lần. Vì vậy, Nhà trường sẽ tiếp tục kiên định kế hoạch đầu tư trực tiếp vào phát triển đội ngũ cán bộ, làm nền tảng vững chắc cho chiến lược phát triển toàn diện đơn vị trong các chặng đường tiếp theo.
Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Tác giả: Theo VNU Media

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây