Trước mỗi mùa thi các thí sinh luôn luôn căng thẳng với việc chọn ngành học. Lo lắng lớn nhất là làm sao để có thể chọn được một ngành học vừa phù hợp với năng lực của bản thân lại vừa thuận lợi cho công việc khi ra trường là điều không dễ đối với mỗi thí sinh. Hiện nay do chạy theo tâm lí đám đông, chạy theo những ngành học được cho là “hot” mà việc chọn các ngành khoa học xã hội và nhân văn với nhiều thí sinh vẫn còn những băn khoăn như: chưa biết sẽ học gì và làm được gì sau khi ra trường…
Lí do chọn xã hội và nhân văn
Mỗi sinh viên chọn thi vào một ngành nào đó đều có những lí do riêng. Khi được hỏi tại sao chọn các ngành học khoa học xã hội và nhân văn, có sinh viên cho biết lựa chọn các ngành xã hội và nhân văn vì đó là một quá trình nối tiếp - Nguyễn Thuỳ Dung (K55 ngành Công tác Xã hội): Em học THPT ban xã hội vì thế khi làm hồ sơ thi đại học em đã quyết định thi khối C vào Trường ĐHKHXH&NV.
Có những sinh viên thì lại đến với nhân văn vì sở thích và đam mê, Trần Viết Cường (K52 Văn học): Lựa chọn thi các ngành nhân văn do ý định có sẵn của em từ trước. Lựa chọn này không hề bị ràng buộc từ bố mẹ hay một ai khác mà do niềm đam mê là chính. Và em quyết định chọn ĐHKHXH&NV vì Trường có hệ thống đào tạo rộng mở hơn.
Chọn ngành học khoa học xã hội và nhân văn đã tìm hiểu và có sự tư vấn rõ ràng là lí do của Nguyễn Thoan (K51 Văn học): Từ nhỏ tôi đã thích môn Văn, cho đến khi lên cấp 3 và định hướng thi đại học tôi đã quyết định chọn khoa Văn của Trường ĐHKHXH&NV. Khi học cấp 3 tôi cũng được các thầy cô giáo nói về Trường ĐHKKHXH&NV như một cơ sở đầu ngành về đào tạo sinh viên chính quy nên điều đó góp phần lớn định hướng cho tương lai của tôi.
Có thể nói mỗi một sinh viên lại có một lí do khác nhau khi chọn học khoa học xã hội và nhân văn.
Thêm cơ hội - nhiều lựa chọn
Trao đổi về cơ hội học tập của các ngành khoa học xã hội và nhân văn ThS. Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Khoa Du lịch học - cho biết: Bên cạnh những ngành học khoa học xã hội và nhân văn cơ bản truyền thống lâu đời như: Văn, Sử, Triết còn có một số ngành mới mang tính ứng dụng, thực tiễn: Báo chí, Du lịch, Xã hội học, Việt Nam học… Bởi vậy thí sinh ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn với các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Từ năm học 2009 - 2010, Trường ĐHKHXH&NV tuyển sinh khối A cho 10 ngành học. Cơ hội theo học các ngành khoa học xã hội và nhân văn đã được rộng mở hơn. Nguyễn Thị Thu Hiên (K55 Tâm lí học) chia sẻ: Em học ban A nhưng rất thích ngành Tâm lí, năm vừa rồi được biết Trường ĐHKHXH và NV tuyển sinh khối A, nhờ đã đó em có cơ hội thực hiện được ước mơ của mình. Em sẽ cố gắng học tốt để có thể được học lớp tâm lí học lâm sàng và sau đó có thể là học cao học...
Cùng với đó, quá trình học tập tại Trường luôn giúp sinh viên có được những vốn kiến thức tảng quan trọng, Nhiếp Văn Thiện (K51 Đông Phương học): Theo mình thứ lớn nhất mà Nhà trường đã trang bị cho mỗi sinh viên đó chính là phương pháp luận, kĩ năng phân tích vấn đề và một phông văn hoá cơ sở tốt. Có thể hiểu đó chính là một cách thức, một kĩ năng mà khi chúng ta tiếp xúc với một vấn đề xã hội chúng ta cũng có thể biết nên bắt đầu từ đâu và nhìn nhận như thế nào.
Triển vọng nghề nghiệp
Học khoa học xã hội và nhân văn ra sẽ làm được gì? Làm ở đâu và làm như thế nào? Đó là loạt những câu hỏi mà không chỉ riêng sinh viên ngành khoa học xã hội và nhân văn mà sinh viên của nhiều ngành khác cũng thường lo ngại.
Rất nhiều sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn ra trường đã thành công ở những lĩnh vực khác nhau. Đó có thể là những công việc theo đúng chuyên ngành, cũng có khi là những ngành nghề khác nhưng kiến thức về xã hội và nhân văn được trang bị luôn là nền tảng vững chắc, là hành trang xây đắp sự nghiệp lâu dài. Nguyễn Tiến Khánh (K51 Du lịch học) hiện tại là giám dốc dự án của một công ti đồng thời là cố vấn về mảng truyền thông, phát triển thương hiệu cho khách sạn Majestic và khu resort Hàm Rồng cho biết: 4 năm theo học tại Trường ĐHKHXH&NV đã giúp mình về mặt tư duy logic, tính phản biện trong tư duy, cách thức giao tiếp và thiết lập những mối quan hệ - đây là những điều vô cùng quan trọng trong công việc hiện tại của mình. Một số nghiệp vụ về mặt marketing, lễ tân ngoại giao... học được tại trường cũng giúp mình trong việc xây dựng nhân lực, giao tiếp, quảng bá hình ảnh công ti, sự kiện và cá nhân trong môi trường truyền thông hiện nay. Theo mình nghĩ, cơ hội việc là đối với sinh viên các ngành xã hội là rất lớn và cơ hội là do chính mình tạo ra. Các bạn sinh viên hãy cố gắng không chỉ hoàn thành tốt việc học, mà cần tham gia nhiều các hoạt động mang tính xã hội, thâm nhập vào môi trường dự tính làm việc.
ThS.Trần Bách Hiếu (K48 - Quốc tế học) hiện là giảng viên Bộ môn Khoa học Chính trị chia sẻ: Trước đây mình học chuyên toán tuy nhiên mình chọn thi khối D Khoa Quốc tế học. Trong quá trình học tập tại Trường cho đến khi ra Trường đã từng làm nhiều công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhau: biên tập viên truyền hình, cán bộ kinh doanh dự án, PR, báo chí… Ưu thế của sinh viên ngành xã hội và nhân văn là được đào tạo những kiến thức nền tảng tốt do đó sinh viên ra trường có nhiều lựa chọn. Xu thế việc làm hiện nay không thiếu, nếu sinh viên năng động thì sẽ không quá khó để tìm cho mình một công việc thích hợp.
Và còn có nhiều cơ hội nghề nghiệp khác đang đón chờ nguồn nhân lực từ các ngành học khoa học xã hội và nhân văn...
6 loại chương trình đào tạo đại học
Hiện tại trường ĐHKHXH và NV có 6 loại chương trình đào tạo đại học, sinh viên được lựa chọn nhiều loại chương trình đào tạo khác nhau và cơ hội học tập cùng lúc nhiều ngành, nhiều trường trong Đại học Quốc gia Hà Nội:
- Chương trình đào tạo (CTĐT) chính quy hệ chuẩn với thời lượng từ 120 đến 140 tín chỉ đặt mục tiêu đạt chuẩn chất lượng quốc gia.
- CTĐT chính quy hệ chất lượng cao với thời lượng từ 150 - 155 tín chỉ. Chương trình này dành cho sinh viên khá, giỏi của hệ chính quy một số ngành khoa học cơ bản, được áp dụng phương pháp giảng dạy và học tiên tiến và sự ưu tiên cao cho sinh viên về điều kiện dạy - học và học bổng, nhằm mục tiêu đạt chuẩn chất lượng khu vực.
- CTĐT đạt trình độ quốc tế với thời lượng khoảng 160 – 170 tín chỉ. Chương trình này được xây dựng trên cơ sở tham chiếu với CTĐT của ngành tương ứng của trường đại học nước ngoài nằm trong nhóm 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Giảng dạy chương trình này là các giảng viên hàng đầu của Việt Nam và giảng viên từ đại học nước ngoài là đối tác của trường. Sinh viên được đầu tư học tiếng Anh đạt chuẩn quốc tế và hưởng chế độ học bổng cao và điều kiện học tập hiện đại.
- CTĐT bằng kép, liên kết giữa các ngành đào tạo của trường (ví dụ như Văn học – Báo chí, Du lịch – Khoa học quản lí…) hoặc giữa các ngành của trường với đơn vị khác trong Đại học Quốc gia Hà Nội (ví dụ như Du lịch – Ngoại ngữ, Quốc tế học – Ngoại ngữ...). Với loại CTĐT này, tối đa trong 6 năm học, sinh viên có điều kiện nhận hai bằng cử nhân hệ chính quy và tiết kiệm được chi phí học tập bởi các môn học của ngành thứ nhất giống hoặc tương đương với ngành thứ hai sẽ được bảo lưu kết quả học tập.
- CTĐT ngành chính – ngành phụ là chương trình được xây dựng trên cơ sở chương trình cốt lõi của một ngành như CTĐT chính quy hệ chuẩn và có thêm thời lượng kiến thức của một ngành khác (tối đa là 29 tín chỉ) để tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận thị trường lao động tốt hơn và có khả năng tiếp tục học tập thêm ngành mới. Ví dụ: Sinh viên học ngành Thông tin – Thư viện có kiến thức ngành phụ là Khoa học quản lí sẽ nhận bằng cử nhân Thông tin – Thư viện với bảng điểm ghi kết quả học tập của ngành này kèm theo kết quả học tập của các môn học thuộc ngành phụ là Khoa học quản lí.
- CTĐT liên kết quốc tế là chương trình được xây dựng trên cơ sở chương trình của trường ĐH KHXH&NV hoặc của trường đại học nước ngoài và do Trường ĐHKHXH&NV hoặc do trường đối tác cấp bằng. Chương trình này được thực hiện theo phương thức 2+2, nghĩa là 2 năm đầu học tại Việt Nam và thời gian còn lại học tại trường đại học nước ngoài hoặc ngược lại. Các CTĐT này đều phải đạt thoả thuận về chuẩn chất lượng giữa hai trường.