Thủ khoa Lalitpat Kerdkrung: muốn trở thành đại sứ truyền bá văn hoá hai nước Việt Nam-Thái Lan

Thứ năm - 04/07/2019 22:09
Tốt nghiệp với số điểm 3,92/4, Lalitpat Kerdkrung (Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt) – du học sinh quốc tịch Thái Lan đã xuất sắc trở thành thủ khoa năm 2019 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thủ khoa Lalitpat Kerdkrung: muốn trở thành đại sứ truyền bá văn hoá hai nước Việt Nam-Thái Lan
Thủ khoa Lalitpat Kerdkrung: muốn trở thành đại sứ truyền bá văn hoá hai nước Việt Nam-Thái Lan

Đi tìm một góc nhìn khác về Việt Nam…
Cấp 3, Lalitpat Kerdkrung theo học chuyên ngành tiếng Anh – tiếng Pháp. Mọi kiến thức đều được học dưới cái nhìn của châu Âu. Những hiểu biết về các nước Đông Nam Á ngay bên cạnh quá ít ỏi. Và Việt Nam chỉ được biết đến qua những cuộc chiến tranh tàn khốc, diễn ra suốt nhiều năm liền. “Việt Nam có đúng như những gì mình vẫn hình dung lâu nay?” 
Niềm tò mò ấy trở thành động lực thôi thúc Lalitpat Kerdkrung quyết định chọn Việt Nam làm điểm đến khi giành được học bổng du học do Chính phủ Hoàng gia Thái Lan tổ chức, để có được một góc nhìn mới về đất nước láng giềng.
Vượt qua những e ngại của bản thân, vượt qua sự phản đối vì lo lắng của phụ huynh, tháng 8/2014, Lalitpat Kerdkrung đã đặt chân tới Việt Nam, bắt đầu khoảng thời gian 1 năm học tiếng Việt. Đây chính là bước chuẩn bị cho hành trình chinh phục tấm bằng cử nhân dưới mái trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Để rồi 4 năm sau, chúng ta gặp lại một thủ khoa tốt nghiệp mang tên Lalitpat Kerdkrung – một du học sinh Thái Lan với tình yêu dịu dàng dành cho mảnh đất Việt Nam hình chữ S thân thương.

May mắn có sự giúp đỡ từ thầy cô
Dù đã học 3 tháng tiếng Việt ở Thái Lan, sang Việt Nam học thêm 3 tháng nữa, rào cản ngôn ngữ vẫn là thứ khó khăn nhất với Lalitpat Kerdkrung. Cô bạn vẫn nhớ, kỳ học đầu tiên có môn Cơ sở văn hóa Việt Nam. Mỗi lần đọc sách giáo trình, Lalitpat Kerdkrung phải ôm thêm quyển từ điển bên cạnh nữa. Vừa đọc, vừa tra từ điển vì có quá nhiều từ chuyên ngành. Năm đầu tiên, bạn không thể hiểu kịp lời của người nói vì cảm giác quá nhanh. Có khi nghe hiểu, nhưng mãi chưa nhớ ra được dùng từ gì, câu gì để trả lời. Có những lúc Lalitpat đã từng suy nghĩ đến việc từ bỏ. Nhưng may mắn, có các thầy cô trong khoa luôn quan tâm giúp đỡ.
“May mắn có các thầy cô luôn quan tâm, động viên. Cô cũng dặn là nếu không hiểu thì hãy giới thiệu mình là người nước ngoài, nhờ mọi người nói chậm hơn. Làm theo lời cô, mình nhận  ra mọi người lập tức thay đổi cách nói chuyện với mình. Vì ngoại hình của mình rất giống người Việt nên nhiều người còn ngạc nhiên: Ơ thế em là người nước ngoài à? Ôi em nói tiếng Việt giỏi thế! Rồi nói chậm hơn, còn hỏi lại xem mình có hiểu không”.
Mới đấy mà đã 5 năm trôi qua, cô gái từng sợ hãi và lo lắng trước tiếng Việt giờ đây đã có thể trò chuyện, cười đùa thoải mái bằng ngôn ngữ ấy và trao cho tiếng Việt tình yêu của mình. Tôi hỏi Lalitpat về thứ khiến cô nhớ nhất khi rời Việt Nam. Lắng lại một chút, cô bạn nhẹ nhàng trả lời tôi rằng: ‘Đó là tiếng Việt. Rời Việt Nam rồi mình sẽ không được sử dụng tiếng Việt thường xuyên nữa. Mình sẽ nhớ nó nhiều lắm!’. 
Sức hút đến từ các lớp học đa văn hóa
Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt tổ chức các lớp học riêng cho các du học sinh đến từ nhiều quốc gia: Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào… Mỗi khi học về một chủ đề nào đó, chúng mình sẽ có những cuộc tranh luận rất thú vị. Bởi mỗi bạn đều sinh ra và lớn lên ở một quốc gia khác nhau. Những kiến thức, tư tưởng các bạn được tiếp thu đều khác nhau, nên sẽ đưa ra nhận định và lập luận rất khác biệt. Mình nghe và được mở rộng thêm nhiều cách nhìn nhận vấn đề khác nhau. Hay với môn về văn hóa, với mỗi quốc gia, lại có những đặc trưng riêng. Học về văn hóa Tết cổ truyền Việt Nam, chúng mình còn được kể về văn hóa Tết của quốc gia mình, nghe văn hóa Tết của quốc gia bạn nữa. Thi thoảng, mình còn “học lỏm” được vài câu đơn giản bằng ngôn ngữ khác nữa. Có lần nghe thấy anh bạn học cùng hỏi “mwoya?” (là cái gì?), mình vô thức giải thích luôn rồi, nghe nhiều thành quen khi nào không hay.


Là một đại sứ truyền bá văn hóa hai nước Việt Nam-Thái Lan
Sau ngôn ngữ, đồ ăn chính là khó khăn thứ 2 của Lalitpat khi mới sang Việt Nam. Người Thái Lan ăn mặn và cay. Cơm thường được chan thêm nước mắm hay xì dầu. Khi mới ăn đồ ăn Việt Nam, cô bạn cảm nhận các món ăn dường như đều không chạm đến được ngưỡng vị giác của mình, đều nhạt nhạt. 
Bây giờ Lalitpat đã quen với hương vị các món ăn Việt Nam và còn khuyên mọi người trong gia đình ăn nhạt hơn để bảo vệ sức khỏe. Cô bạn hào hứng kể cho tôi nghe về món bún chả, bún cá, phở Thìn và đặc biệt là món bún đậu mắm tôm mà bạn đã “phải lòng từ cái nhìn đầu tiên”. Những miếng đậu rán có lớp vỏ ngoài vàng ươm, giòn tan, bên trong là phần đậu trắng, mềm mịn, béo ngậy khiến cô nàng say mê đến nỗi chỉ ăn mỗi bún và đậu tới no căng.
Nghỉ hè về Thái Lan thăm gia đình, Lalitpat đã mang công thức và nguyên liệu món “nem rán với nước chấm siêu ngon” về giới thiệu với gia đình. Lần đầu pha nước chấm Lalitpat còn quên không cho đường, mẹ cô bạn đã phải “ra tay” và cho ra bát nước chấm “đúng chuẩn”. 
Trang fanpage giới thiệu về Việt Nam do Lalitpat lập và quản lý chính là minh chứng cho những cố gắng mà bạn đang thực hiện để đưa hình ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè Thái Lan.
Có những tình yêu đến từ ngay cái nhìn đầu tiên, mạnh mẽ và ồn ã; có những tình yêu đến từ từ, nhẹ nhàng, mà khi nhận ra nó đã khảm sâu tự bao giờ. Đó chính là tình yêu của Lalipat đối với con người và văn hoá Việt Nam. Bạn chia sẻ mong muốn sẽ trở thành cầu nối văn hoá, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và Thái Lan.

Hành trình tiếp tục chinh phục ước mơ…
Khép lại một cách trọn vẹn hành trình chinh phục tấm bằng cử nhân tại Trường ĐHKHXH&NV, Lalitpat vẫn đang tiếp tục nỗ lực và miệt mài trên bước đường thực hiện ước mơ trở thành một nhân viên của Đại sứ quán. Tháng 9 này cô bạn sẽ bắt đầu theo học thạc sĩ ngành Quan hệ Quốc tế tại trường London School of Economics and Political Science (LSE) tại London. Hành trình du học lần này, Lalitpat không chỉ mang theo tình cảm từ Thái Lan mà sẽ có thêm thật nhiều tình yêu và sự ủng hộ từ thầy cô, bạn bè Việt Nam.

Tác giả: Nguyễn Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây