Tin tức

TS. Trần Bách Hiếu: "Có rung động mới là con người"

Thứ ba - 19/05/2020 00:53
SVVN - Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020), chuyên trang Sinh Viên Việt Nam điện tử, báo Tiền Phong có cuộc phỏng vấn TS. Trần Bách Hiếu - Phó Trưởng Bộ môn Chính trị học, Khoa Khoa học Chính trị, Bí thư Đoàn trường Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
TS. Trần Bách Hiếu:
TS. Trần Bách Hiếu: "Có rung động mới là con người"

Năm 2019, TS. Trần Bách Hiếu đã được Trung ương Đoàn vinh danh là nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất. Anh đã có 13 năm gắn bó với nghề Giảng viên, đặc biệt là giảng dạy các môn học như Tư tưởng Hồ Chí Minh, Bồi dưỡng nhận thức về Đảng… những môn thường bị coi là khô khan nhưng những giờ học của giảng viên trẻ này luôn không còn chỗ trống, feedback về giờ giảng luôn ở mức rất cao…

Là một người từng học, nghiên cứu và giảng dạy về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi dịp tháng 5 về, anh có điều gì muốn nói với các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên?

TS. Trần Bách Hiếu: Mỗi dịp tháng 5 về, có lẽ mỗi người Việt Nam đều có một tâm trạng bồi hồi, xúc động cũng như những cảm xúc đặc biệt khi nghĩ về người cha già dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh – một người con sinh ra từ dân tộc và đã làm rạng rỡ cả dân tộc. Nghĩ về Bác những ngày này, tôi lại càng thấm thía câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu: “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”, bởi lẽ hiểu về Người sẽ cho ta được những suy nghĩ tích cực, thiện lương lạ kỳ. Hiện nay, nhiều bạn trẻ, sinh viên cảm thấy thiếu động lực, thiếu tự tin, thậm chí bị ngợp trước thế giới ngày càng phát triển, trước những người mà dường như “sinh ra đã ở vạch đích” thì khi tìm hiểu về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta biết Bác xuất thân từ một gia đình nho giáo cơ bản, hoàn toàn có thể sống một cuộc đời an nhiên, nhưng không, Bác nghĩ và sống lớn hơn mọi người đương thời tưởng tượng nhiều. Trăn trở trước vận mệnh dân tộc, Bác trở thành một nhà hoạt động cách mạng, một chiến sĩ Cộng sản chân chính để tranh đấu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc mình. Cho nên, người trẻ hãy sớm tìm cho được sứ mệnh của chính mình, cần loại bỏ cảm xúc tiêu cực, ghen ghét, đố kỵ và những suy nghĩ thiếu động lực. Cuộc sống càng phức tạp, càng biến động, càng thay đổi chúng ta lại càng phải thích ứng. Vì vậy, với người trẻ, tôi khuyên một điều chân thành là hãy nghĩ lớn ra, nghĩ rộng ra, nghĩ sâu sắc ra; đừng chỉ nghĩ những cái trước mắt, đừng vì những thứ dục vọng thông thường mà để đánh mất đi lý tưởng sống cao đẹp, quên đi sứ mệnh trái tim của con người mình. 

Điều cá nhân anh ấn tượng nhất về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là gì?

 

Năm 2009, anh từng có bài viết “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào đoàn kết quốc tế trong bối cảnh hiện nay” trên Tạp chí Thông tin Nghiên cứu Quốc tế. Trong thời điểm hiện tại, việc vận dụng này nên được hiểu như thế nào?

TS. Trần Bách Hiếu: Bài viết đó đã hơn chục năm nay rồi nhưng giờ ngẫm lại thấy khá thú vị khi liên hệ với tình hình thực tại. Có thể nói tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế vô cùng đặc sắc, nó kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên một sức mạnh vô địch, giúp chiến thắng mọi kẻ thù phi nghĩa. Trong bối cảnh hiện nay, kẻ thù không chỉ của Việt Nam mà còn là của chung nhân loại chính là đại dịch Covid – 19. Gần 4 tháng qua, kể từ khi dịch bệnh xuất hiện, Việt Nam đã thực sự trở thành một một biểu tượng đi đầu trong phòng chống dịch bệnh được bạn bè quốc tế ghi nhận. Chúng ta tự hào với truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, kế thừa và vận dụng thắng lợi tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng chống dịch bệnh. Thành công của Việt Nam cho thấy nếu các quốc gia trên thế giới cùng chung tay, đồng lòng chống dịch bệnh như chống kẻ thùng chung, vận dụng những giá trị đặc sắc trong tư tưởng đoàn kết quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì thế giới hoàn toàn có đầy đủ niềm tin để chiến thắng dịch bệnh như Việt Nam đã và đang thực hiện thời gian qua. Bởi một quốc gia thắng dịch thôi không đủ, toàn cầu chỉ có thể thắng dịch khi tất cả các quốc gia đều an toàn, cho nên vấn đề đoàn kết quốc tế cần được quan tâm hơn lúc nào hết.

 

TS. Trần Bách Hiếu: Hiếm có dân tộc nào có một con người như Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta, tên Người đã trở thành niềm tự hào của cả dân tộc, niềm tôn kính, yêu thương của bạn bè quốc tế khi nhắc đến hai chữ Việt Nam. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một di sản vô cùng quý báu không chỉ đối với Việt Nam chúng ta mà còn đối với cả nhân loại. Trong hệ thống tư tưởng đạo đức của Người, tôi đặc biệt ấn tượng với Đức hy sinh. Đó là đức hi sinh của một trái tim luôn biết đập chung nhịp đập với muôn người. Có lẽ trong các giá trị đạo đức của bất kỳ hệ tư tưởng, văn hóa, tôn giáo thì đức hi sinh luôn là giá trị đạo đức cao hơn cả, ở Hồ Chí Minh thì hiện hữu đức này một cách rõ nét. Cả cuộc đời thanh bạch, không màng danh lợi, giản dị đến mức vĩ đại, không cầu riêng gì cho mình, “vì việc nước phải hi sinh tình nhà”, trên ngực áo chưa bao giờ nhận một tấm huân chương. Suốt cuộc đời chỉ làm đúng một tôn chỉ “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và chừng nào chưa hiện thực hóa được ham muốn tột bậc đó thì chưa có nghĩ một phần riêng gì cho mình. Nhà thơ Tố Hữu viết về đức hi sinh của Bác vô cùng hay: “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta, thương cuộc đời chung thương cỏ hoa, chỉ biết quên mình cho tất thảy, như dòng sông chảy nặng phù sa”.

Trong bối cảnh cuộc sống đang thay đổi chóng mặt như hiện nay, làm thế nào để những bài giảng về chính trị học hấp dẫn hơn, thưa anh?

TS. Trần Bách Hiếu: Đúng là thế giới đang biến đổi chóng mặt, lượng thông tin của loài người ngày càng nhân lên gấp bội, tri thức của hôm nay đã mới hơn hôm qua ngay trong khoảnh khắc này, cho nên cần phải học từng ngày, từng giờ, người đi dạy luôn phải cập nhật tri thức liên tục. Các môn lý luận chính trị hay bị gán mác khô khan, giáo điều. Nhưng rõ ràng là “lý thuyết chỉ là màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”. Tri thức khoa học là sản phẩm trí tuệ vô giá của loài người. Người đi dạy cần phải truyền đạt sao cho dễ hiểu nhất tới người học. Cần đời sống hóa, gần gũi hóa nó, có phương pháp giảng dạy, tiếp cận, đưa ví dụ minh họa phù hợp nhất với mỗi đối tượng người học. Người dạy cần phải có tâm, dùng hiểu biết, năng lượng của mình truyền tải tri thức thật cảm xúc trong mỗi giờ học, biến mỗi giờ học chính trị thực sự thiết thực, vui trẻ. Người giáo viên trên một giảng đường cũng giống như một vị nhạc trưởng, hãy tạo ra bản nhạc tuyệt vời cho mỗi người, đó cũng chính là tinh thần hết mình về sự học, là sự thăng hoa của nghề nghiệp. 

Anh có nhắn nhủ gì đến các bạn học sinh năm nay muốn được vào học môn của anh tại trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN?

TS. Trần Bách Hiếu: Khẩu hiệu hành động của trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN là: “Trân trọng quá khứ, nắm giữ tương lai”. Đây là ngôi trường giàu truyền thống bậc nhất ở nước ta, tiền thân là Đại học Văn khoa, trường đại học đầu tiên được Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập ngay sau Tuyên ngôn độc lập 1945. Ngôi trường này nằm trong hệ thống đào tạo quốc dân, nên môn học mà tôi giảng dạy như “Tư tưởng Hồ Chí Minh” được coi là môn học bắt buộc. Tôi cũng từng là sinh viên của nhà trường nên tôi cảm nhận vô cùng chân thật môi trường học tập dưới mái trường 75 năm truyền thống này. Môn học tôi giảng dạy cũng như nhiều môn học khác ở Nhân Văn, không phải sinh ra để tạo khó người học mà cái lí tồn tại của các môn học là để hoàn thiện tri thức, thái độ và kỹ năng toàn diện cho sinh viên. Nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên học tập, nghiên cứu, hoạt động; chăm sóc từ những điều nhỏ nhất như chỗ ăn, chốn ở. Dịch Covid - 19 vừa rồi với chiến dịch “Đồng hành cùng sinh viên”, Nhà trường đã tới tận nơi, trao tận tay những phần quà không chỉ có giá trị vật chất, mà trong đó còn là sự yêu thương, đồng cảm với sinh viên. Tất cả đó chính là sự kết tinh hồn cốt, tinh anh của bao thế hệ thầy, trò từ Văn Miếu – Quốc Tử giám đến Văn khoa, Tổng hợp mà nay là trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN. Cho nên mỗi thế hệ sinh viên khi vào trường luôn được đào tạo, định hướng để cảm nhận được những giá trị nhân sinh, trắc ẩn về cuộc sống bằng những sự rung động tự nhiên bởi có rung động mới là con người. 

Tác giả: Nguyễn Quỳnh Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây