Cách đây 8 năm, bạn là sinh viên ở Đức, học ngành nhân học, và học tiếng Trung. Nhưng rồi bạn đến VN, và ở lại học Khoa VN học - Tiếng Việt. Điều gì đã xảy ra vậy?
Tháng 9.2014, tôi sang VN trong một chương trình trao đổi sinh viên (SV) giữa ĐH Göttingen với Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội. Khi đó tôi đang là SV năm thứ nhất theo học ngành nhân học và tiếng Trung của ĐH Göttingen. Chương trình 6 tháng, nhưng tôi xin ở lại thêm 1 năm. Sau 1 năm đó, tôi quyết định bỏ học ở Đức để ở lại VN, học tiếng Việt.
Năm 2017, khi vừa tròn 30 tuổi, tôi trúng tuyển vào Khoa VN học và Tiếng Việt của Trường ĐH KHXH-NV và vừa tốt nghiệp ĐH khi 34 tuổi.
Etienne Mahler (ngoài cùng bên trái) với một số SV người nước ngoài chụp ảnh với TS Trần Bách Hiếu, GV môn Tư tưởng Hồ Chí Minh - Ảnh: Thiện Thanh
Bạn bắt đầu học ĐH (ở Đức) khi 26 tuổi? Trước đó thì sao?
Tôi từng là một học sinh hơi hư. Khi đi làm việc ở một khách sạn, tôi đã gặp một số người bạn, họ nói cậu thông minh đấy, sao không thử đọc sách? Vậy là tôi bắt đầu thử đọc những cuốn sách đầu tiên, vào những năm 20 - 21 tuổi. Sách đã mở ra cho tôi một thế giới khác, nó khiến tôi bắt đầu có mong muốn khám phá, tìm hiểu cuộc sống , thế giới này.
Vì thế mà tôi thấy mình cần phải học ĐH và đã tốt nghiệp cấp 3 loại xuất sắc (14,3/15 điểm). Năm đó tôi 26 tuổi.
Bạn làm gì để kiếm tiền?
Theo luật pháp của Đức, trẻ 14 tuổi đã được phép làm một số việc nhẹ nhàng. Nhưng tôi còn đi làm sớm hơn một chút. Công việc đầu tiên của tôi là đi phát giấy quảng cáo, sau là rửa ô tô. Tôi còn thử làm nhân viên siêu thị nữa.
Bố mẹ ly hôn khi tôi chỉ mới mấy tháng tuổi, tôi sống với bố nhưng quan hệ giữa tôi và bố nói chung không tốt lắm. Đó là lý do tôi đi làm khá sớm. 17 - 18 tuổi tôi đã có nhiều tiền riêng, có 2 ô tô.
Quay lại câu chuyện bắt đầu đi học ĐH. Bạn đã chọn ngành nhân học, rồi còn học tiếng Trung nữa. Vì sao vậy?
Lúc đó, chỉ đơn giản là tôi thích tìm hiểu những nền văn hóa khác với văn hóa Đức, nên học tiếng Trung. Khi sang VN thì “phải lòng” VN luôn. Còn bây giờ tôi thấy thích công việc viết lách, nghiên cứu. Cho nên có thể tôi sẽ là nhà báo, hoặc nhà nghiên cứu khoa học. Thậm chí, mai sau tôi có thể sẽ thành giáo sư. Nhưng đó là một con đường dài. Trước mắt, có thể tôi sẽ học tiếp lên thạc sĩ, rồi tiến sĩ.
BBạn đã bỏ dở chương trình học ĐH bên Đức để ở lại VN, học tiếng Việt, rồi học ĐH ở VN. Bạn đã bắt đầu cuộc sống ở VN như thế nào?
Năm đầu tiên ở VN là thời gian tôi được hưởng một học bổng khá tốt của chính phủ Đức, khoảng 30 triệu đồng/tháng. Đó là học bổng dành cho chương trình cử nhân, nghĩa là tôi được đảm bảo tài chính suốt thời gian học ĐH. Khi quyết định ở lại VN thì tôi phải bỏ chương trình.
Etienne Mahler trong một ngày hội của ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh NVCC
Nhưng như tôi đã nói ở trên, tôi có khả năng kiếm tiền - tự lập từ nhỏ. Khi còn ở Đức, tôi mở một công ty nhỏ chuyên thiết kế trang web (tôi tự học thiết kế website từ cách đây 10 năm). Khi sang VN, tôi vẫn duy trì công ty đó nhưng làm việc online, khách hàng chủ yếu ở Đức và một số nước châu Âu.
Về sau, tôi còn làm việc (biên tập viên tiếng Anh) với 2 tạp chí khoa học, một của Viện Hàn lâm KHXH VN, một của Trường ĐH KHXH-NV, và một vài việc tự do khác liên quan đến dịch thuật.
Đang từ một thanh niên Đức có cuộc sống sôi động trở thành một thanh niên chăm đọc sách, thích viết lách, lại còn làm việc kiếm tiền, bạn có thấy khó khăn?
Ở Đức, có một thời gian dài cuộc sống của tôi rất sôi động. Hồi đó, tôi đi chơi sớm nhất lúc 11 giờ đêm, thậm chí 1 giờ sáng mới đi, 6 - 7 giờ sáng mới về. Còn giờ đây, tôi sống rất chỉn chu. Mỗi ngày tôi làm việc 10 - 12 tiếng là bình thường.
Tôi cũng tự nhận thấy những thay đổi trong cuộc sống mình thật dữ dội. Nhưng vì xuất phát điểm của tôi thấp nên tôi phải cố gắng rất nhiều thì mới đủ năng lực - kiến thức làm được những gì mình thích.
Etienne Mahler (giữa) nhận giấy khen giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Thiện Thanh
Điều gì của văn hóa VN cuốn hút nhất với bạn?
Ban đầu, đơn giản vì nó là một nền văn hóa hoàn toàn khác với Đức. Sau đó, tôi nhận thấy nó thực sự thú vị. Con người VN rất thân thiện. Xuất phát điểm nền kinh tế VN thấp, nhưng lại phát triển rất nhanh về công nghệ. Chẳng hạn ngay tại VN hiện giờ, bạn có thể sử dụng điện thoại 5G.
Một ví dụ mà tôi thấy văn hóa VN rất hay, đó là vấn đề tôn giáo. Ở Đức, mỗi người chỉ có một tôn giáo và mọi người thường khá nghiêm khắc với việc này. Còn ở VN thì... thoải mái. Bạn vẫn theo Kitô giáo, nhưng vẫn có bàn thờ tổ tiên trong nhà. Có nhiều biểu hiện tín ngưỡng nếu nhìn từ vẻ ngoài thì chẳng thể kết hợp được với nhau nhưng ở VN người ta chấp nhận hết. Tôi thấy đặc điểm này thực sự rất thú vị.
Người VN khi nghĩ về Đức thì nghĩ đó là một xã hội rất phát triển, ổn định và tốt đẹp. Thực tế, nước Đức tuy giàu nhưng nhìn chung đời sống kinh tế - xã hội phát triển khá chậm. VN thì lại khác. Tôi thực sự thích nhìn thấy sự phát triển rất rõ rệt trong từng gia đình VN mà tôi quen biết. Tôi biết họ khi họ còn nghèo, giờ họ khá lên hẳn, và điều đó thật là vui.
Nhưng có một điều tôi thấy giữa Đức và VN ngày càng gần nhau hơn, do sự phát triển ngược lại từ hai phía. Đó là các phụ huynh ở Đức bắt đầu chăm sóc trẻ con nhiều hơn. Ngày xưa ở Đức, trẻ 6 tuổi phải tự đi học. Nhưng ngày nay, ngày càng có nhiều phụ huynh đưa con đến trường. Nghĩa là văn hóa gia đình ở Đức đang dần thay đổi. Còn ở VN thì thay đổi theo chiều ngược lại, phụ huynh đỡ “o bế” con cái hơn.
Được biết, dù khóa luận tốt nghiệp của bạn được đánh giá rất cao nhưng bạn lại có ít thời gian cho việc đó?
Là do trước đó tôi chọn một đề tài khác. Nhưng rồi tôi thấy không phù hợp nên thay đổi, chuyển sang đề tài “Giáo dục kỹ thuật số tại ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội: Hiện trạng, kỳ vọng và định hướng phát triển”.
Trong khoảng 2 tháng, tôi hoàn thành khóa luận 4 chương, 127 trang, kèm theo 600 trang phụ lục (là các bản phỏng vấn tôi thực hiện với các đối tượng nghiên cứu). Viết xong, tôi được 2 người bạn VN giúp sửa chính tả. Trước khi nộp, tôi nhờ cô giáo hướng dẫn đọc góp ý. Cô bảo cách viết không sai nhưng hơi kỳ lạ, giống cách viết của phương Tây, kiểu như vẫn còn phong cách người nước ngoài viết tiếng Việt. Cô hỏi có muốn sửa không nhưng tôi xin giữ lại.
Bạn có bất ngờ vì khóa luận được đánh giá cao?
Trong quá trình làm, tôi biết mình đang làm tốt. Vì đây là đề tài tôi tâm đắc, nó có ích, tính ứng dụng cao. Nhưng tôi cũng bất ngờ khi nó được đánh giá cao đến thế.
Etienne Mahler được GS Phạm Quang Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-VN, ĐH Quốc gia Hà Nội, chúc mừng nhân ngày Báo chí VN 2021 (với tư cách biên tập viên Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn) - Ảnh Thiện Thanh
Bạn muốn học tiếp lên thạc sĩ rồi tiến sĩ, nghĩa là phải cần tới 6 năm nữa, khi bạn đã 40 tuổi, thì mới bắt đầu xây dựng sự nghiệp trong giới hàn lâm. Liệu như thế có quá muộn?
Đây là một câu hỏi rất hay. Cách đây 8 năm, khi tôi dự phỏng vấn để xét học bổng ở Đức, người ta hỏi: Giờ bạn đã 26 tuổi, bạn có biết mình phải làm gì hay không? Tôi trả lời: Không!
Giờ tôi vẫn thế, vẫn đang trong hành trình khám phá bản thân. Điều đó không có lúc nào là muộn cả. Với những gì tôi đã và đang có, tôi thấy mình đang được sống một cuộc đời thú vị. Nó giúp cho tôi thấy mọi thứ đang diễn ra đều rất hay. Tôi không sống vì tương lai, với hy vọng là tương lai sẽ tốt hơn. Tôi cố gắng với mọi việc trong hiện tại, vui với nó. Tất nhiên, tôi vẫn mong muốn được hạnh phúc vào tương lai, chỉ có điều tôi không chỉ tập trung vào điều đó.
Nếu mai sau thành giáo sư thì có phải bạn sẽ là một giáo sư đầu tiên (ít nhất ở VN) đeo khoen trên vành tai, trên môi? Và bạn có nghĩ đến việc thế là mình sẽ phá vỡ hình ảnh một trí thức mà thường người ta hình dung là phải có vẻ ngoài nghiêm trang?
Trong cả cuộc đời của mình, tôi phá vỡ rất nhiều hình ảnh, và tôi cũng thấy thích thú khi chị nhắc đến điều đó. Tôi ăn mặc có vẻ không giống một SV tốt, nhưng điều đó không ngăn cản tôi trở thành một SV tốt. Tôi ăn mặc thế nào, tôi làm tốt công việc của mình hay không, đó là 2 chuyện khác nhau. Bạn có nói về việc bạn bắt đầu việc đọc sách những năm 20 - 21 tuổi. Bạn có nhớ cuốn đầu tiên mà bạn đọc là gì?
Tôi chỉ nhớ về cuốn sách đầu tiên mà tôi thích, sau một số cuốn tôi không thích. Đó là Thế giới của Sophie (Sophie’s World) của Jostein Gaarder, một nhà văn Na Uy. Nội dung cuốn sách nói về hành trình tìm hiểu triết học phương Tây của một bé gái, với sự giúp đỡ của một nhà triết học già. Tôi đã bị cuốn hút bởi cuốn sách này. Nhờ cuốn sách đó, sau này tôi đã tìm đọc rất nhiều sách về triết học.
Cảm ơn Etienne Mahler!