Tin tức

Hội nghị CBVC Trường ĐHKHXH&NV năm học 2020-2021

Thứ bảy - 28/08/2021 05:12
Ngày 27/8, Hội nghị viên chức, người lao động và tổng kết năm học 2020-2021 của Trường ĐHKHXH&NV được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của 215 đại biểu chính thức đại diện cho 513 viên chức, người lao động trong toàn trường. Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Hội nghị đã nghe báo cáo của Ban Giám hiệu về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2021-2022. Theo đó, trong năm học 2020-2021, mặc dù còn một số hạn chế, tồn tại, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng nhìn chung Nhà trường đã cơ bản hoàn thành những chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Công tác tuyển sinh của Nhà trường vẫn giữ ổn định. Trường tuyển sinh 1.850 chỉ tiêu cho 31 ngành đào tạo/chương trình đào tạo, trong đó tuyển sinh thành công 04 chương trình CLC xã hội hóa theo Thông tư 23 của Bộ GD&ĐT. Mặc dù dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề nhưng nhờ kịp thời điều chỉnh và đẩy mạnh công tác truyền thông - tư vấn tuyển sinh trực tuyến, tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các ngành của Trường năm 2020 là 34.942; số lượng đăng ký nguyện vọng 1-2-3 đạt 62% tổng số nguyện vọng đăng ký. Xét chung trong ĐHQGHN, Trường là đơn vị đào tạo có số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển lớn nhất, chiếm hơn 27% tổng số nguyện vọng đăng ký và hơn 34,9% số đăng ký nguyện vọng 1 của toàn ĐHQGHN. Bên cạnh đó, tuyển sinh Thạc sỹ đạt 98,5% chỉ tiêu, tuyển sinh Tiến sĩ đạt 108% chỉ tiêu.

dee5cb1e757b8325da6a
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội nghị

Hoạt động đào tạo đại học chính quy được chuẩn hóa và ngày càng nâng cao hiệu quả, thể hiện ở: Công tác quản lý và tổ chức dữ liệu đào tạo được chuẩn hóa, số hóa theo hướng công khai, minh bạch; Việc ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy - học đem lại hiệu quả thiết thực với khoảng 1.800 lớp học phần được dạy - học trực tuyến trong năm học 2020-2021; Kế hoạch giảng dạy - học tập được thiết kế linh hoạt, hợp lý đã tạo thuận lợi cho giảng viên và sinh viên, nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất - giảng đường…Trong năm học vừa qua, Nhà trường đã hoàn thành xây dựng 01 chương trình Thạc sĩ Quản trị văn phòng định hướng ứng dụng; hoàn thành Đề án đăng ký tham gia đào tạo tiến sĩ trong nước bằng nguồn ngân sách nhà nước theo Quyết định số  89/QĐ-TTg  ngày 18/01/2019  của Thủ tướng Chính phủ và được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt 12/19 chương trình đào tạo tiến sĩ; Hoàn thành Đề án quy hoạch ngành, chuyên ngành của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn giai đoạn 2020-2025.

Screenshot (281)
PGS.TS Lại Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2021-2022

Về hoạt động khoa học, Trường tổ chức thành công 15 hội thảo/hội nghị khoa học, trong đó có 12 hội thảo khoa học quốc tế. Các hội thảo, toạ đàm khoa học được đổi mới mạnh mẽ theo hướng gắn liền với công bố quốc tế, tư vấn chính sách... Nhà trường tiếp tục có những mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với các chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước cũng như Bộ KH&CN và Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) để kịp thời tham gia đề xuất, xây dựng thuyết minh và tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu lớn, mang tính liên ngành, phục vụ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cũng như nhiệm vụ tư vấn đường lối, chính sách của Việt Nam. Năm học 2020-2021, nhà Trường đang chủ trì và tổ chức triển khai thực hiện 06 nhiệm vụ thành phần thuộc bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam;13 đề tài cấp Nhà nước, 14 đề tài Quỹ Nafosted, 34 đề tài cấp ĐHQGHN, 44 đề tài cấp cơ sở.

09d436df88ba7ee427ab

Năm học 2020-2021, đội ngũ cán bộ Trường công bố 15 sách chuyên khảo, giáo trình, trong đó có 02 sách chuyên khảo được xuất bản bằng tiếng Anh; 380 bài nghiên cứu trên các tạp chí khoa học trong danh mục được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước công nhận; 148 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, trong đó có 56 bài báo trên các tạp chí nằm trong danh mục ISI/Scopus và chương sách do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín xuất bản.

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Nhà trường ký mới và gia hạn 18 văn bản hợp tác với các đối tác quốc tế. Các chương trình hợp tác và dự án quốc tế được triển khai hiệu quả.

72097821c644301a6955
Hội nghị lắng nghe đ/c Lê Văn Cường báo cáo về hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân trong năm vừa qua

Công tác đảm bảo chất lượng đào tạo cũng có nhiều bước tiến với 06 CTĐT đại học được đánh giá chất lượng: CTĐT cử nhân ngành Chính trị học được ĐGCL theo tiêu chuẩn AUN-QA theo hình thức trực tuyến với kết quả: Đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA; CTĐT cử nhân ngành Công tác Xã hội, Khoa học Quản lý, Quan hệ Công chúng, Quản trị Khách sạn, Quản trị Văn phòng được ĐHQGHN đánh giá đồng cấp định hướng theo tiêu chuẩn AUN-QA với kết quả: Đạt chuẩn chất lượng. Nhà trường cũng hoàn thành xây dựng kế hoạch đánh giá, kiểm định chất lượng các CTĐT đại học và sau đại học giai đoạn 2021-2025.

83b864e0dc852adb7394

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đánh giá cao những kết quả mà Trường ĐHKHXH&NV đã đạt được trong năm học, đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ mà Nhà trường cần tập trung để có những bước phát triển mới trong thời gian tới.
Một là, Nhà trường cần có cơ chế chính sách linh hoạt để có thể sử dụng và khai thác tốt đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, trong đó có nhiều thầy cô dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn có đóng góp tốt cho nhà trường, cho xã hội. Bên cạnh đó, Trường cũng cần chú ý tạo cơ chế tài chính và môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ cán bộ trẻ kế cận để họ có điều kiện phát huy vai trò của mình. Đội ngũ cán bộ chất lượng chính là yếu tố giúp Trường ĐHKHXH&NV khẳng định vai trò trụ cột trong các mảng hoạt động về tư vấn chính sách, xây dựng triết lý, nền tảng tư tưởng cho phát triển…
Hai là, việc nâng cao chất lượng đào tạo phải luôn ở vị trí trung tâm của mọi quyết sách. Với một đơn vị đào tạo nghiêng về khoa học cơ bản thì không thể bỏ quên mục tiêu đào tạo tinh hoa. Chất lượng đào tạo muốn đảm bảo thì phải chú ý đến các tiêu chuẩn về chuẩn đầu ra, đầu vào và khả năng tìm kiếm việc làm của người học. Những đề án đổi mới các ngành khoa học cơ bản, các khoa truyền thống cần được quan tâm thực hiện, trong đó chọn một số khoa có khả năng bứt phá và lan toả để đầu tư thí điểm trong giai đoạn 2021-2025.
Ba là, quan tâm là đẩy mạnh cơ chế tài khoán tự chủ và quản trị đại học. Có thể tính tới cơ cấu tự chủ linh hoạt, “mềm” hơn với vai trò các chương trình, dự án, đề án để sử dụng nhân sự giỏi bên ngoài. Một cá nhân có mong muốn phát triển những chương trình, ý tưởng sáng tạo thì hoàn toàn có thể được tạo cơ chế và hỗ trợ tài chính để phát triển. Một số đơn vị trong trường có thể được chọn lựa để trao cơ chế tự chủ cao và trường tạo không gian phát triển cho các đơn vị đó.

8c3afbe34486b2d8eb97

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân phát biểu tại Hội nghị

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cũng khẳng định, trong các nhiệm vụ trọng tâm của ĐHQGHN gắn với chuyển đổi số thì vai trò của Trường ĐHKHXHNV rất quan trọng. Sẽ có nhiều môn học được triển khai trên nền tảng số và ĐHQGHN sẽ đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ cho nhiệm vụ này. Năm 2022, khoảng 20-30 môn học chung sẽ được triển khai dạy trên hệ thống này cho toàn ĐHQGHN, kết hợp 70% tự học trên hệ thống và 30% giảng dạy trực tiếp. ĐHQGHN cũng mong muốn các giảng viên của Trường ĐHKHXH&NV sẽ đóng góp tối đa khả năng trong việc đưa vào dạy những môn học chung về văn hoá Việt Nam, đạo đức con người, các môn khoa học nền tảng về xã hội nhân văn… làm môn tự chọn cho sinh viên. Sinh viên cả trong và ngoài ĐHQGHN đều có thể đăng ký học và được công nhận tín chỉ.

Lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo ĐHQGHN, GS Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn khẳng định: Nhà trường sẽ cam kết đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ chất lượng, tinh hoa, cả về lượng và chất, đặc biệt hướng tới chuẩn hoá học hàm, học vị. Về công tác khoa học, Nhà trường sẽ tập trung đầu tư có định hướng để có thêm các hệ đề tài, bên cạnh các chương trình KH-CN trọng điểm quốc gia còn hướng đến công bố quốc tế để tạo đột phá. Về công tác đào tạo, tinh thần về đào tạo tinh hoa sẽ được quán triệt. Về những chỉ đạo của ĐHQGHN về đào tạo theo các mô hình mới, Trường cũng đã bắt đầu trao đổi với một số đơn vị để có các đề án trình lên ĐHQGHN. Các ý kiến về tái cấu trúc, tăng cường tự chủ các đơn vị cũng sẽ được Nhà trường lĩnh hội và triển khai. Với các kế hoạch hoạt động trong năm mới, với sự quan tâm chỉ đạo của ĐHQGHN, Nhà trường quyết tâm tiếp tục giữ sự ổn định và phát triển, có  những đóng góp xứng đáng với vai trò thành viên trụ cột của ĐHQGHN.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây