Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHNhttps://ussh.vnu.edu.vn/uploads/ussh/logo.png
Thứ hai - 24/07/2023 23:50
Bạn là người yêu quê hương hình chữ S hay là sinh viên quốc tế muốn tìm hiểu về văn hoá, con người của đất nước Việt Nam, thì ngành Việt Nam học (VNH) tại Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN chính là ngành học dành cho bạn!Hãy cùng phóng viên của VNU - USSH Media gặp gỡ TS. Bùi Văn Tuấn - Phó Trưởng Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt (Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN) để có cái nhìn mới về ngành Việt Nam học với những chặng đường từ Việt Nam đến vươn tầm quốc tế.
MC: Xin chào thầy! Xin thầy giới thiệu đôi nét về khoa Việt Nam học và tiếng Việt và ngành Việt Nam học tại ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN?
Việt Nam học là một trong những ngành có lịch sử lâu đời nhất của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN. Với 55 năm truyền thống và phát triển, khoa Việt Nam học và Tiếng Việt thực sự trở thành đầu mối tổ chức các hoạt động đào tạo, nghiên cứu về Việt Nam học theo định hướng liên ngành, khu vực học và đào tạo Tiếng Việt - Văn hóa cho người nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài trường nhằm phát huy thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực của trường.
Với gần 30 giảng viên cơ hữu là các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Khoa còn có sự hợp tác giảng dạy của đông đảo các giảng viên là những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về VNH từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước. Đặc biệt, Khoa thường xuyên mời các chuyên gia hàng đầu về VNH trong nước và quốc tế đến nói chuyện chuyên đề, tạo cơ cho sinh viên tiếp cận với các vấn đề nổi bật của VNH trong nước và trên thế giới trong bối cảnh phát triển và hội nhập toàn cầu hiện nay.
Bên cạnh đó, trong quá trình học tập tại khoa, sinh viên còn có cơ hội học hỏi, trao đổi với sinh viên quốc tế của hàng chục quốc gia đang theo học tiếng Việt, cũng như là các nghiên cứu sinh đến nghiên cứu thực địa tại Việt Nam. Hơn 10.000 người nước ngoài đã học tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Khoa cũng như với các giáo viên của Khoa tại nhiều trường đại học, nhiều trung tâm Việt Nam học trên thế giới.
MC: Tại ngành Việt Nam học của trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN, các bạn tân sinh viên sẽ tiếp thu được những điều gì trong suốt bốn năm học tập, thưa Thầy?
Ngành Việt Nam học đào tạo ra các chuyên gia có phông kiến thức rộng về đất nước, con người Việt Nam, biết làm việc trong môi trường liên ngành và sử dụng thành thạo các kỹ năng nghiên cứu đa ngành, liên ngành, tìm ra các đặc trưng của từng không gian văn hoá – xã hội cụ thể phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá Việt Nam.
Trong những năm qua, đào tạo Việt Nam học không chỉ đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước mà còn góp phần đào tạo một số lượng đáng kể các chuyên gia Việt Nam học của nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế trên thế giới. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập toàn cầu, nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam đã trở thành nhu cầu cấp thiết, một mặt đối với sự phát triển và hội nhập của Việt Nam, mặt khác đối với quá trình đầu tư và hợp tác của các nước và các tổ chức quốc tế với Việt Nam. MC: Thưa thầy, ngoài việc học trên giảng đường, các bạn sinh viên ngày nay cũng rất năng động và tràn đầy năng lượng, luôn tìm kiếm những môi trường và cơ hội để nâng cao trình độ và kĩ năng của bản thân? Vậy ngành Việt Nam học nói riêng và khoa Việt Nam học và Tiếng Việt nói chung có những điều gì đang chờ đón các bạn sinh viên?
Khoa Việt Nam học và tiếng Việt cũng như Trường ĐH KHXH&NV luôn tạo điều kiện và khuyến khích sinh viên nâng cao và phát triển bản thân với nhiều loại hình học bổng khác nhau. Trong những năm qua, nhà trường không ngừng đẩy mạnh hợp tác với các quỹ học bổng, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để mang lại nhiều suất học bổng cho sinh viên với mục tiêu không chỉ mang đến những điều kiện học tập tốt nhất mà còn tạo động lực phấn đấu cho các bạn sinh viên trong suốt quãng thời gian học tập tại trường, như: Học bổng AEON, Annex, Asia Development Foundation-ADF, Giải thưởng Đào Minh Quang, Yamada,… Ngoài ra hàng năm Khoa còn kết nối với các đối tác, doanh nghiệp, mạnh thường quân trao học bổng thủ khoa cho các Tân sinh viên trong lễ Khai giảng năm học.
Hàng năm, Khoa có kế hoạch và tổ chức đi thực tế tập trung và thực tập không tập trung tại các cơ sở thực tập phù hợp cho sinh viên với các cơ sở thực tập rất phong phú, đa dạng như: các cơ quan nghiên cứu hoặc các cơ quan truyền thông, báo chí; các công ty du lịch hoặc khách sạn; các trường đại học, trung tâm giảng dạy tiếng Việt, các địa danh văn hóa và các di tích lịch sử ở nhiều vùng miền trên cả nước.
Ngoài ra, các bạn sinh viên khi theo học ngành Việt Nam học sẽ có cơ hội tìm hiểu và mở rộng mối quan hệ với bạn bè quốc tế ở những nền văn hoá khác nhau. Khoa có môi trường đặc biệt với số lượng lớn học viên nước ngoài, tạo môi trường giao lưu, học hỏi, trau dồi thêm ngoại ngữ và vốn kiến thức văn hóa đa dạng cho các sinh viên trong Khoa cũng như tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu với nhà tuyển dụng và các nhân vật có tầm ảnh hưởng nhằm tạo cơ hội kết nối, giao lưu và định hướng nghề nghiệp.
Theo đó, “Ngày hội Văn hóa quốc tế” thường niên vào mỗi dịp đón mừng năm mới để sinh viên Việt Nam và các bạn học viên nước ngoài có dịp được giao lưu tìm hiểu văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật của các nước khác nhau. Các bạn sẽ được thử sức trong câu lạc bộ Sứ giả văn hóa - CMC với các hoạt động hỗ trợ, giao lưu đặc biệt giữa các cán bộ, nhân viên, giảng viên, sinh viên của khoa và sinh viên, giảng viên quốc tế thông qua các hoạt động lớn như: Vào bếp cùng CMC, Cuộc thi viết Cây bút VSL, Thanh âm đất Việt,....
MC: Có nhiều ý kiến cho rằng, học về các ngành khoa học cơ bản như Việt Nam học bị giới hạn về cơ hội việc làm. Vậy sinh viên ngành VNH của Trường ĐH KHXH&NV sẽ có các cơ hội việc làm như thế nào, thưa thầy?
Trước đây, khi nhắc tới khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, nhiều người thường sẽ có suy nghĩ rằng sinh viên học các ngành khoa học cơ bản sẽ chỉ có thể làm việc tại các cơ quan thuộc khối nhà nước, các bảo tàng lịch sử, các viện nghiên cứu... Điều này là đúng nhưng không còn là đủ với thế hệ sinh viên và ngành Việt Nam học hiện nay.
Đến với khoa Việt Nam học, các em sẽ không chỉ đơn giản học về những kiến thức chuyên sâu đơn thuần về đất nước, văn hóa, con người, xã hội của Việt Nam, mà còn được đào tạo các kĩ năng cần thiết để tạo điều kiện cho các em có những cái nhìn đa chiều về những vấn đề, điều kiện đang có về Việt Nam. Đây chính là những kĩ năng cần thiết không chỉ cho các công việc mai sau mà còn cả những kĩ năng sống cần thiết trong xã hội hiện đại.
Với phông kiến thức đào tạo tổng hợp, toàn diện, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp không chỉ làm việc trong các tổ chức công và cơ quan quản lý nhà nước mà còn làm việc cho các tổ chức quốc tế có hợp tác, trao đổi với Việt Nam. Ngoài ra, với xu thế toàn cầu hoá và hội nhập, các bạn là những nhân tố nòng cốt có cơ hội được tuyển vào bộ phận chuyên về quan hệ Việt Nam trong các cơ quan kinh tế, ngoại giao, giáo dục, truyền thông của nước ngoài.
Với các kiến thức tổng hợp, liên ngành và các kỹ năng được trang bị, các em có thể tự khởi nghiệp sau khi sở hữu tấm bằng cử nhân Việt Nam học của Trường ĐH KHXH&NV và theo đuổi những ước mơ của mình, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.
Trân trọng cảm ơn thầy!