Giới thiệu chung

Thứ bảy - 02/09/2017 15:42

Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt là một trong những khoa có truyền thống lâu đời của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, có uy tín hàng đầu trong toàn quốc trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực ngành Việt Nam học.

Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt có sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đam mê nghiên cứu về tiếng Việt và Việt Nam học, góp phần đẩy mạnh giao lưu và quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

Lịch sử hình thành

  • Năm 1956, Tổ Việt ngữ trực thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập với chức năng nhiệm vụ là đào tạo tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho các học viên nước ngoài đến học theo hiệp định giữa chính phủ Việt Nam và các nước.
  • Năm 1968, Khoa Tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, được thành lập trên cơ sở là Tổ Việt ngữ, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của việc đào tạo tiếng Việt và văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.
  • Năm 1995, Khoa Tiếng Việt được đổi tên thành Khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài.
  • Năm 1999, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kí quyết định số 826/QĐ-BGD&ĐT-ĐH, cho phép Khoa đào tạo hệ cử nhân ngành tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho học viên nước ngoài. Một lần nữa, hệ đào tạo của Khoa được mở rộng.
  • Năm 2008, Đại học Quốc gia Hà Nội đã kí quyết định ban hành chương trình đào tạo ngành Việt Nam học của Khoa gồm 2 chuyên ngành: Việt Nam học cho người Việt Nam và Việt Nam học cho người nước ngoài.
  • Năm 2008: Đại học Quốc gia Hà Nội đã kí quyết định đổi tên Khoa Tiếng Việt và Văn hoá Việt Nam cho người nước ngoài thành Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt.

Thành tựu tiêu biểu

Trong lịch sử 50 năm qua, Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt đã đào tạo khoảng 9000 lượt sinh viên, thực tập sinh nước ngoài. 15 người trong số này sau đó đã trở thành Đại sứ tại Việt Nam như  Đại sứ Trung Quốc, Cu ba, Rumania, Mông Cổ, Palestin, Anh, Pháp... Khoa cũng thường xuyên cử các giảng viên đi giảng dạy và nghiên cứu trao đổi tại các trường đại học và viện nghiên cứu thuộc hàng chục nước ở tất cả các châu lục trên thế giới.

Trong 8 năm tuyển sinh gần đây (2010-2017), điểm đầu vào của sinh viên ngành Việt Nam học luôn thuộc nhóm cao nhất Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Sở dĩ có được thế mạnh đó là nhờ Khoa đã có nhiều đổi mới trong đào tạo ngành Việt Nam học, một ngành vừa có tính nghiên cứu sâu vừa có tính ứng dụng cao.

Từ khi được trao nhiệm vụ đào tạo hệ cử nhân ngành Việt Nam học, Khoa đã đào tạo được 4 khóa cử nhân Việt Nam học cho sinh viên trong nước và quốc tế, đã cấp bằng cử nhân Việt Nam học cho 210 sinh viên Việt Nam. Khoảng 98% sinh viên tốt nghiệp của Khoa có việc làm.

Định hướng phát triển

  • Mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy Việt Nam học theo định hướng tiếp cận liên ngành và nghiên cứu khu vực học.
  • Củng cố và hiện đại hoá những lĩnh vực truyền thống.
  • Tăng cường các hoạt động có tính quốc tế hoá, từ liên kết hợp tác quốc tế đến công bố quốc tế.
  • Xây dựng một số chuyên ngành mới theo hướng một đơn vị đa ngành vừa nghiên cứu vừa đào tạo.

Tác giả: ussh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây