Tin tức

“30/4 – Biểu tượng của hòa bình, độc lập và khát vọng vươn lên”

Thứ tư - 23/04/2025 07:38
Chiến thắng 30/4/1975 là chiến công vĩ đại, kỳ tích lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đó là trận đánh cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh – đỉnh cao của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đặt dấu chấm hết cho chiến tranh, mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ hòa bình, thống nhất đất nước. PGS.TS Phạm Thành Hưng – nguyên Giảng viên, Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN – đã có những chia sẻ đầy xúc động nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).
Chiến thắng 30/4 - Đại phúc của dân tộc
PGS.TS Phạm Thành Hưng (sinh năm 1954) ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Ông được biết đến là một người thầy đầy tâm huyết, cống hiến không ngừng nghỉ suốt 42 năm trên giảng đường đại học. Thế nhưng trước khi là một người thầy, PGS. TS Phạm Thành Hưng là một người lính, chiến đấu dũng cảm trên chiến trường.
Nhớ lại chiến thắng 30 tháng Tư năm 1975, PGS.TS Phạm Thành Hưng chia sẻ, đây là một trận đại thắng, là chiến công kỳ diệu, dường như nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người lính sớm phải xuất ngũ, trở lại hậu phương miền Bắc như ông.
Theo ông, chiến thắng 30/4 cũng cần được hiểu là “một đại phúc” không chỉ vì đất nước sạch bóng ngoại xâm, mà vì từ đây, những thế hệ tương lai được sống trong hòa bình, được học tập và cống hiến vì một Việt Nam độc lập, giàu mạnh.
“Ngày ấy, khi nghe tin chiến thắng phát trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, nhiều người đã hò reo, nhưng cũng không ít người bật khóc, nghẹn ngào. Riêng tôi và các đồng đội – những thương binh trở về từ chiến trường – đã ngước nhìn bầu trời Hà Nội mà thầm đọc câu thơ: “Trời xanh đây là của chúng ta…”. Đọc câu thơ ấy mà nước mắt lưng tròng. Trước đây khó mà tưởng tượng có giây phút này. Từ nay bầu trời sẽ không còn một vệt khói máy bay giặc Mỹ. Bầu trời từ nay sẽ trong xanh, một màu xanh hòa bình, màu xanh của sự sống. “Ba mươi tháng Tư” – 4 tiếng ấy, bốn âm thanh ấy, nửa thế kỷ qua đã trở thành bốn tiếng biểu trưng cho sự mở đầu kỷ nguyên độc lập tự do, kỷ nguyên của hòa bình, non sông về một dải”, PGS.TS Phạm Thành Hưng xúc động nhớ lại.
Những ký ức người lính ĐH Tổng hợp một thời xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu đã được tái hiện tại hội thảo khoa học được tổ chức ngày 20/12/2024 nhân dịp kỷ niệm 80 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước
Theo PGS.TS Phạm Thành Hưng - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Trường ĐH KHXH&NV, những người lính ra đi từ Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội có “chất Tổng hợp” rất riêng, mang trong mình hai dòng văn hoá chiến tranh và văn hoá học đường
 
“Hãy cho ta vay lá, chiến thắng trở về sẽ chăm cây trả nợ...”
Khi nhắc đến đóng góp của giới trí thức trong kháng chiến, đặc biệt là sinh viên, cán bộ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐHQGHN), PGS. TS Phạm Thành Hưng không giấu được niềm xúc động.
Ông nhớ  về những kỷ niệm từ Mùa thu năm 1971. Những ngày đó, sinh viên các trường đại học miền Bắc ôm sách lên giảng đường trong tin vui của Mặt trận Đường 9-Nam Lào. Tiếng súng từ phương Nam như vọng về Hà Nội, nhắc nhở sinh viên phải trong tư thế sẵn sàng ra trận. Đất nước đang cần thật nhiều tay súng. Sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng như các trường đại học trên địa bàn Hà Nội ngồi học trên giảng đường đều bị “phân tán tư tưởng”, ngồi học không yên, vì những tin chiến sự từ miền Nam vọng về.
“Chúng tôi, sinh viên Tổng hợp đã tự luyện tập quân sự, tập thể thao, tăng cường thể lực, chuẩn bị cho đợt khám tuyển quân sự. Chúng tôi tập hành quân. Những cành cây xà cừ Hà Nội khi ấy chưa cao. Chúng tôi ngắt lá xà cừ ven đường làm vòng ngụy trang. Nhìn những hàng cây xà cừ thưa lá, có nhà thơ trẻ trong đám sinh viên chúng tôi thầm thì xin lỗi và hứa với hàng cây: Hãy cho ta vay lá, chiến thắng trở về sẽ chăm cây trả nợ...”, PGS. TS Phạm Thành Hưng nhớ lại.
“Chúng tôi lên đường, vẫn ghi nhớ trong lòng hình ảnh những đoàn sinh viên nhập ngũ những năm trước đó và biết đâu, sẽ có nhiều đợt tiếp sau này. Sinh viên và cán bộ giảng dạy trẻ của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được rải về các trung đoàn, các quân binh chủng khác nhau trên cả nước. Không một ai sờn chí nản lòng, không có ai đào ngũ, tất cả đều chiến đấu, lần lượt hy sinh, đổ xương máu, mồ hôi cho chiến thắng cuối cùng của ngày 30 tháng Tư lịch sử”, PGS. TS Phạm Thành Hưng tiếp lời. 
Trong số 400 sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy, năm chục không về, họ đã ngã xuống rải rác trên khắp chiến trường Quảng Trị.
Hiện nay, khuôn viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN đặt đài tưởng niệm khắc tên 108 liệt sĩ cùng hàng nghìn cán bộ, sinh viên Đại học Tổng hợp từng tham gia chiến đấu qua các cuộc kháng chiến vệ quốc. Đó là biểu tượng thiêng liêng của tinh thần phụng sự Tổ quốc trong mọi hoàn cảnh.
Sinh viên, cán bộ Đại học Tổng hợp Hà Nội nô nức lên đường nhập ngũ ngày 6/9/1971
 
Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là nơi ra đi của nhiều thế hệ người lính “xếp bút nghiên lên đường đi chiến đấu”
Các thế hệ Cựu chiến binh là cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Tổng hợp dâng hương tại Đài kỷ niệm các thế hệ cán bộ, sinh viên của nhà trường tham gia quân ngũ, bảo vệ Tổ quốc
Phát huy truyền thống, vững bước trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước
Phát huy truyền thống anh hùng của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ĐHQGHN ngày nay là một mô hình đại học hiện đại, đa ngành, đa lĩnh vực, nơi quy tụ đội ngũ trí thức, học giả, nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn của cả nước.
PGS.TS Phạm Thành Hưng chia sẻ: “Những thành tựu khoa học và đào tạo của đã và đang trở thành niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, sinh viên ĐHQGHN cũng như của nhân dân cả nước. Chúng tôi tin rằng, phát huy truyền thống của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội cũ, ĐHQGHN sẽ không chỉ là cái nôi đào tạo sản sinh những đội ngũ cán bộ khoa học tài năng của đất nước mà còn trở thành trụ cột khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, một nguồn cảm hứng sáng tạo của trí tuệ dân tộc.
Kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước là dịp để tri ân, tự hào và tiếp nối. Đó là ngày của lòng biết ơn với những thế hệ đã ngã xuống, là lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình, và cũng là động lực để các thế hệ hôm nay tiếp tục “vươn mình” xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh.
Các cựu chiến binh của Trường ĐH KHXH&NV trên hành trình về nguồn năm 2024  thăm các di tích lịch sử gắn với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc tại tỉnh Pác Bó, Cao Bằng

Tác giả: Bản tin ĐHQGHN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[LANG_MOBILE]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây