Tin tức

Hành trình về thăm Thành cổ Quảng Trị của các nhà giáo - cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV

Thứ tư - 21/05/2025 23:10
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 5 năm 2025, Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-USSH) đã tổ chức chuyến hành trình về nguồn năm 2025 tại hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị – những địa danh giàu truyền thống cách mạng và là nơi ghi dấu những chiến công hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chuyến hành trình có sự tham gia Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Nhà trường và đầy đủ các hội viên do PGS.TS. Phạm Công Nhất, Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn. Đặc biệt, chuyến đi vinh dự có sự tham gia của PGS.TS. Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường và PGS.TS. Trần Văn Hải, nguyên Chủ tịch Hội khoá 2017-2022 – những nhà giáo, nhà khoa học đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, đồng thời cũng là những nhân chứng lịch sử gắn bó sâu sắc với đất nước qua các thời kỳ.
Đoàn khởi hành từ Hà Nội vào Quảng Bình. Điểm dừng chân đầu tiên là Vũng Chùa – Đảo Yến, nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Tổng tư lệnh tài ba, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tại đây, toàn thể đoàn đã thành kính dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những cống hiến vĩ đại của Đại tướng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ảnh CCB 6

Sau khi dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đoàn tiếp tục hành trình vào tỉnh Quảng Trị và lên tàu ra Đảo Cồn Cỏ – biểu tượng bất khuất của tinh thần chiến đấu anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, các cựu chiến binh đã cùng nhau ôn lại những câu chuyện lịch sử hào hùng, thăm các địa điểm ghi dấu chiến công của quân và dân ta. Đoàn đã đã đến Đài tưởng niệm liệt sỹ Cồn Cỏ dâng hương tưởng niệm các chiến sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nghiêng mình trước các anh linh, mỗi cựu chiến binh, mỗi đại biểu trong đoàn cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gửi lời cầu mong đến linh hồn các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh sẽ sống mãi với tình yêu thương của đồng bào, đồng chí trên đảo Cồn Cỏ nói riêng, người Việt Nam nói chung. Chuyến tham quan trên Đảo Cồn Cỏ không chỉ mang ý nghĩa tri ân mà còn là dịp để thế hệ đi trước chia sẻ, truyền cảm hứng cho thế hệ sau về lòng yêu nước và ý chí kiên cường.
Ảnh CCB 7
Đoàn chụp ảnh dưới chân tượng đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đảo Cồn Cỏ
Từ Cồn Cỏ, đoàn trở về đất liền, tiếp tục hành trình đến thăm và đặt vòng hoa viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị – nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc Tổng tiến công năm 1972. Đoàn đã thăm và tưởng niệm trước Đài chiến chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972, nơi khắc họa hình ảnh người chiến sĩ trẻ, tiêu biểu cho hàng vạn sinh viên – chiến sĩ (trong số đó có rất nhiều các thế hệ sinh viên Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội trước đây) đã tình nguyện ra chiến trường trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972. Họ là hiện thân của lý tưởng sống cao đẹp: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Những nén hương trầm, những phút mặc niệm lặng thầm là sự tri ân chân thành và xúc động của các thành viên trong đoàn. Tiếp đó, đoàn di chuyển đến tham quan Địa đạo Vịnh Mốc – một minh chứng sống động cho sự kiên cường của quân và dân Vĩnh Linh trong thời kỳ chiến tranh ác liệt.
Picture1
 
Ảnh CCB 5
 
Ảnh CCB 2
 
Ảnh CCB 4
 
Địa đạo Vinh Mốc
Đoàn chụp ảnh bên phía bắc Cầu Hiền Lương, một cây cầu phân đôi giới tuyến hai miền Nam Bắc trong chiến tranh chống Mỹ
Sau ba ngày hành trình đầy cảm xúc và ý nghĩa, đoàn lên đường trở về Hà Nội, kết thúc chuyến đi trong không khí thắm đượm tinh thần đồng đội, gắn bó và xúc động.
Chuyến hành trình về nguồn năm 2025 là một hoạt động mang đậm tính giáo dục truyền thống và lòng yêu nước. Qua những điểm đến thiêng liêng và hào hùng, các cựu chiến binh không chỉ được sống lại những ký ức hào hùng của một thời bom đạn mà còn có cơ hội ôn lại, chia sẻ và lan tỏa giá trị lịch sử cho thế hệ mai sau.
Chuyến đi đã củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng, bồi đắp tinh thần đoàn kết và trách nhiệm xã hội trong mỗi thành viên. Đây không chỉ là một cuộc trở về với ký ức, mà còn là dịp để tri ân, để nhắc nhở về những giá trị vĩnh hằng của độc lập, tự do, hòa bình và lòng yêu nước.
Hành trình về nguồn chính là một trong những nội dung được Hội Cựu chiến binh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội hết sức chú trọng và triển khai hàng năm thể hiện đạo lí uống nước nhớ nguồn, tri ân sự hi sinh của cha anh để bảo vệ, gìn giữ nền độc lập của dân tộc, đồng thời góp phần tăng cường gắn kết, sẻ chia giữa các hội viên. 

Tác giả: Hội Cựu chiến binh Trường ĐHKHXH&NV

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
[LANG_MOBILE]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây