Tin tức

Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020: Thí sinh cần thực tế hơn khi đăng ký xét tuyển

Thứ tư - 22/04/2020 04:51
GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 sẽ tác động lớn đến cơ cấu nghề nghiệp, vì thế thí sinh cần thực tế hơn khi đăng ký ngành nghề theo học.
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020: Thí sinh cần thực tế hơn khi đăng ký xét tuyển
Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020: Thí sinh cần thực tế hơn khi đăng ký xét tuyển

 

GS.TS Hoàng Anh Tuấn tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên năm 2019.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên năm 2019

Xung quanh vấn đề tuyển sinh, hướng nghiệp, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có những chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại.

- Năm nay, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn mở thêm ngành Văn hóa học và Hàn Quốc học. Ông có thể giới thiệu để thí sinh hiểu thêm về những ngành học mới này?

- Sau một thời gian chuẩn bị, chúng tôi đã quyết định tuyển sinh ngành Văn hóa học và Hàn Quốc học. Chỉ tiêu tuyển sinh mỗi ngành khoảng 50 - 60 sinh viên.

Ngành Văn hóa học là bộ môn chuyên nghiên cứu các lĩnh vực thuộc phạm trù văn hóa bao gồm: Nội hàm cơ sở văn hóa và các lĩnh vực liên quan đến văn hóa từ nhân văn, tự nhiên, khoa học, xã hội. Đây là ngành sẽ hội tụ đầy đủ toàn bộ thành tựu của khoa học cơ bản như: Văn học, Sử học, Triết học… cộng với xu hướng về quản trị văn hóa hiện đại.

Ngành Văn hóa học trang bị những kiến thức nền tảng về khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có hệ thống kiến thức về văn hóa, văn hóa học lý luận và văn hóa học ứng dụng. Đồng thời, ngành học còn chú trọng về đào tạo các kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm như: Làm việc nhóm, thuyết trình, phân tích, vận dụng tri thức đã học vào thực tiễn, kỹ năng về xử lý vấn đề và trách nhiệm xã hội.

Ngành Văn hóa học còn cung cấp thêm về cách tổ chức công việc, sử dụng được ngoại ngữ, công nghệ thông tin trong lĩnh vực nghề nghiệp, có khả năng tự bồi dưỡng, độc lập trong nghiên cứu, cập nhật kiến thức. Ngành học này sẽ giúp sinh viên có khả năng lập luận, trình bày vấn đề tốt trong nhiều môi trường khác nhau và có ý thức tự học suốt đời, biết cách quản lý thời gian, tổ chức công việc bản thân, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Hàn Quốc học (Korean Studies) là ngành học chuyên sâu về Hàn Quốc, bao gồm: Văn hóa, lịch sử, kinh tế, tính cách dân tộc, ngôn ngữ... của Hàn Quốc. Chương trình đào tạo sẽ giúp trang bị các kiến thức nền tảng chuyên sâu về ngôn ngữ - văn hóa Hàn Quốc, năng lực tham gia vào thị trường lao động trong nước, khu vực và toàn cầu. Bên cạnh kiến thức về văn hóa, đất nước và con người Hàn Quốc, cử nhân Hàn Quốc học có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ Hàn Quốc trong giao tiếp, nghiên cứu, giảng dạy; có khả năng biên phiên dịch Hàn - Việt, Việt - Hàn.

- Nhiều người nhận xét, đây là hai ngành “kén” thí sinh. Vậy cơ hội việc làm cho cử nhân hai ngành này như thế nào?

- Chúng tôi đào tạo cho sinh viên theo hướng: Học một thứ nhưng có thể làm được nhiều thứ. Vì thế, sinh viên tốt nghiệp ngành Văn hóa học có thể làm việc trong những lĩnh vực khác nhau. Thứ nhất, nghiên cứu viên, chuyên nghiên cứu về văn hóa tại các viện, sở nghiên cứu hoặc các trung tâm nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn trên khắp cả nước.

Thứ hai, giảng dạy, đào tạo về khoa học văn hóa tại các trường đại học, cao đẳng, các trường trung cấp nghề, trường nghiệp vụ về văn hóa - thông tin, về chính trị hay hành chính Nhà nước và các tổ chức xã hội. Thứ 3, quản lý tại các tổ chức, cơ quan Nhà nước về ngành văn hóa, thông tin, du lịch, viện bảo tàng... Thứ tư, biên tập viên chuyên mục văn hóa tại các tạp chí, cơ quan truyền thông báo chí, hay biên dịch, biên soạn sách giáo khoa, soạn thảo văn bản, truyện tranh, thơ, văn...

Ngành Hàn Quốc học được xem là có nhiều triển vọng trong xu thế hội nhập khu vực và toàn cầu. Sau khi ra trường, các bạn dễ dàng đảm nhận các công việc gắn với chuyên ngành như: Chuyên viên biên - phiên dịch tại các cơ quan ngoại giao, đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị của Hàn quốc tại Việt Nam và ngược lại; Chuyên viên marketing, chuyên viên tổ chức sự kiện, giao dịch thương mại… hoặc chuyên viên hướng dẫn giao dịch với các đối tác Hàn Quốc.

Ngày Hội tư vấn tuyển sinh năm 2019 tại Hà Nội

- Gần đây, xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh đã có nhiều thay đổi. Đánh giá của ông về hiện tượng này như thế nào?

- Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra sức ép lớn đối với công việc. Vì thế xu hướng nghề nghiệp đã, đang và sẽ có sự thay đổi rất nhanh trong thời gian tới. Ngay như năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dự đoán cơ cấu nghề nghiệp sẽ có nhiều thay đổi. Vì thế thí sinh phải thực tế hơn khi đăng ký ngành nghề theo học. Các em phải biết tích hợp đam mê với năng lực và xu hướng nghề nghiệp của xã hội.

- Hiện nay, mọi ngành đào tạo, cơ sở giáo dục đại học đều truyền thông, quảng bá để mời chào thí sinh. Vậy điều này liệu có gây khó cho thí sinh trong lựa chọn ngành nghề và trường học, thưa ông?

- Tôi cho rằng, truyền thông là phần tất yếu của công tác đào tạo và tuyển sinh. Cung cấp thông tin là cần thiết để các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Nhưng có một thực tế, nhiều cơ sở đào tạo đại học làm truyền thông rất mạnh, tạo sự hấp dẫn về hình thức và bề nổi. Theo đó, nhiều thí sinh đăng ký dựa vào những bề nổi đó mặc dù không có sở trường và đam mê về ngành học.

Tuy nhiên, những năm gần đây thí sinh ngày càng thực tế hơn khi chọn ngành nghề học so với 5 - 7 năm trước. Tức là không còn quá nhiều người lựa chọn ngành nghề theo cảm tính, hoặc lựa chọn theo xu hướng và sự sắp đặt của bố mẹ.

- Là chuyên gia tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp nhiều năm, ông có lời khuyên gì cho các thí sinh?

- Tôi nhấn mạnh thêm một lần nữa: Các em không nên chọn nghề theo xu hướng, theo đám đông vì có thể tạo ra những hệ lụy không tốt. Nhiều em sau khi học được 1 - 2 năm mới phát hiện mình không có đam mê với ngành nghề đã chọn. Bỏ học thì tiếc, mà tiếp tục đi học thì trở thành áp lực. Thực tế đã có những em bị trầm cảm.

Vì thế, khi chọn ngành học, trường học các em cần xét đến yếu tố: Sở trường, năng lực, đam mê... Lựa chọn ngành nghề cần có lý trí, không nên chọn theo cảm tính và lựa chọn theo trào lưu. Bất luận học ngành nào cũng vậy, dù là ngành cổ điển hay hiện đại nếu không có đam mê thì sau này cũng chỉ “làng nhàng”, khó bứt phá trong công việc hoặc khởi nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Tác giả: Minh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây