Tôi nhớ hồi ấy là một thời kỳ khó khăn. Mới có dăm năm trôi qua kể từ ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước Việt Nam năm 1975, trước đó là 30 năm tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đòi hỏi chi phí vật chất rất lớn, nhất là sự nỗ lực của con người. Nhưng sự phát triển của Trường vẫn không ngừng lại ngay cả trong thời điểm khó khăn đó của đất nước. Trong những năm 60-70 của thế kỷ XX, giáo viên và sinh viên phải tạm xa mái trường đại học thân yêu, sơ tán đến vùng nông thôn hẻo lánh để tránh các cuộc ném bom của Mỹ, trong số đó, nhiều người là giáo viên và sinh viên trẻ tuổi, tài năng đã ra mặt trận và hy sinh vì Tổ quốc. Tuy nhiên các bài giảng và hội thảo khoa học, các kỳ kiểm tra và thi cử vẫn được tiến hành song song với việc các giáo viên vừa giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học.
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, đất nước còn đang khôi phục kinh tế và gặp nhiều khó khăn, khi ấy tôi công tác tại Khoa Tiếng nước ngoài - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Lúc bấy giờ sinh viên thường đi xe đạp đã cũ, ăn không đủ no, ăn mặc tuềnh toàng, đơn sơ. Nhiều sinh viên đôi khi đến lớp muộn do phải sửa xe đạp dọc đường.
Tôi còn nhớ năm 1983, chuyên gia Liên Xô chúng tôi tổ chức gặp mặt cho sinh viên Nga chuyên ngữ có trang trí cây thông ngày Tết và trên cây thông cài những câu đố tiếng Nga như cuộc đố chữ giải trí vui vẻ. Một trong số những câu đố như "Không có cửa sổ, không có cửa ra vào, mà phòng chật ních người" – chúng tôi đưa ra phương án có từ "NHÀ", thì lập tức sinh viên gần như đồng thanh reo lên: "Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội!". Trước sự băn khoăn của chúng tôi, các em sinh viên giải thích ngay: “Không có cửa sổ, cũng không có cửa ra vào, sinh viên chúng em đông lắm nhưng phòng học không đủ chỗ, ngồi chật cứng”.
Thực tế lúc bấy giờ là như vậy. Các buổi học tại Trường được tiến hành trong điều kiện rất gian khổ: các phòng học nhỏ hẹp với một số bàn gỗ, ghế băng và bảng đen đã cũ, trên cửa sổ chỉ có rèm che, không có cửa ra vào do trụ sở của Trường đã bị hư hại nặng nề vì chiến tranh. Thêm vào đó, điện thường xuyên bị cắt. Vào những ngày trời âm u trong mùa mưa, rèm che phải kéo lên để đón ánh nắng lờ mờ và cái se lạnh; mùa đông ở trong lớp cả học sinh lẫn giáo viên thậm chí còn phải đeo găng tay. Nhưng những sinh viên chăm chỉ, siêng năng hồi ấy ở Hà Nội, có lẽ với tôi trước nay chưa từng có. Các em sinh viên rất cố gắng làm tất cả các bài tập về nhà một cách chỉn chu nhất. Mặc dù tài liệu in trên những trang giấy vàng xạm, giáo trình cũng được in trên một loại giấy xấu thô ráp như thế bởi tài liệu học tập không chỉ được sử dụng trên giảng đường mà còn được chuyển từ người này sang người khác. Bù lại, các sinh viên với niềm yêu thích đã học thuộc lòng những câu thơ của Pushkin, Lermontov, Esenin! Có lần các em sinh viên năm thứ hai, khi đọc bài thơ “Đợi anh về” của Konstantin Simonov, chúng tôi liền nhớ ngay đến bản dịch bài thơ này ra tiếng Việt của nhà thơ nổi tiếng Tố Hữu. Chúng tôi bắt đầu so sánh bản gốc với bản dịch, không chỉ về ngữ nghĩa, mà còn về nhịp điệu của câu thơ. Tôi rất ấn tượng bởi sự tinh tế và độ chính xác trong nhận xét của các em sinh viên, tình yêu và kiến thức về thơ của các em. Không phải không có lý do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần gặp gỡ với nhà thơ Pavel Antokolsky, người dịch tác phẩm “Nhật ký trong tù” sang tiếng Nga, đã nói rằng, ở Việt Nam ai cũng làm thơ.
Các em sinh viên của tôi quan tâm đến mọi thứ, ngoài tài liệu học tập ra, các em thường hay hỏi tôi những chuyện về thành phố Kazan và Trường ĐH Tổng hợp Kazan, về các buổi học và sở thích của các bạn sinh viên cùng trang lứa ở nước Nga xa xôi. Các em đã tham gia tích cực vào hoạt động ngoại khóa mà chúng tôi đã cố gắng qua đó đánh thức khả năng khoa học và sáng tạo của sinh viên. Các em đã trở thành những diễn viên khi diễn những cảnh trong vở hài kịch “Anh chàng dốt nát” của D.I. Fonvizin và rất thích thú cảm thấy mình biết tiếng Nga còn hơn cái anh chàng Mitrofanushka dốt chữ. Rồi với tinh thần trách nhiệm cao, các em sinh viên đã chuẩn bị tốt và thực hiện sứ mệnh “hướng dẫn viên” vòng quanh Hà Nội cho “khách du lịch” Nga, trong đó có tôi. Phải công nhận rằng, nhờ sự giúp đỡ của những hướng dẫn viên là các em sinh viên, tôi đã biết được nhiều phố cổ và thắng cảnh của Hà Nội, mà mãi mãi tôi yêu thích.
Ngày nay, các cựu sinh viên của tôi đã ra trường làm việc không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở Moskva, St.Petersburg, Kiev và Kazan (học xong năm thứ hai một số em được cử sang đây học chuyển tiếp sinh một năm). Trong nhiều thư gửi cho tôi, các em vẫn luôn nhớ về Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, cái nôi đào tạo cho các em có một nền giáo dục tốt và tạo cơ hội để lập nghiệp thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau mà kiến thức tiếng Nga đòi hỏi phải có.
Tôi nhớ đến các đồng nghiệp của mình - những nhà Nga học của Việt Nam, những người đã sát cánh cùng tôi trong 2 năm tại Khoa Tiếng nước ngoài Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nơi cách đây 3 năm (năm 2018) đã kỷ niệm 40 năm thành lập vẻ vang. Chủ nhiệm khoa khi đó là cố PGS.TS Hoàng Lai, một chuyên gia, đã bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ tại Leningrad (nay là St.Petersburg) vào năm 1978 và nhận được sự kính trọng của toàn thể cán bộ Khoa Tiếng nước ngoài. Giáo viên và sinh viên trong Khoa hồi ấy có việc gì quan trọng cần giải quyết đều tìm đến hỏi ý kiến PGS (cho dù đó là vấn đề giảng dạy, cơ sở vật chất hay thậm chí là chuyện gia đình). Thầy Hoàng Lai rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giáo viên của Bộ môn Ngữ văn Nga. Thầy còn giúp các chuyên gia Liên Xô chúng tôi bắt nhịp vào công việc giảng dạy, giáo học pháp và nghiên cứu khoa học với các đồng nghiệp Việt Nam một cách nhanh chóng, không chỉ ở Bộ môn mà còn ở cấp khoa và cấp trường.
Mấy năm sau, vào năm 1990, chúng tôi gặp nhau tại Hội nghị Quốc tế MAPRIAL (Hiệp hội quốc tế các giáo viên tiếng Nga và văn học Nga) ở Moskva. Lúc đó PGS.TS Hoàng Lai chủ trì một tiểu ban gồm những nhà Nga học của Việt Nam. Chúng tôi lại có dịp gặp gỡ trao đổi cùng nhau như những người bạn và đồng nghiệp thân thiết. Phải nói rằng ở Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi được coi như “người nhà”
Vào những năm 1960-1961, GS. E.P.Busyghin đã được Trường ĐH Kazan biệt phái sang Việt Nam để đào tạo các nhà dân tộc học ở đây. Ông đã lên lớp một khóa bài giảng về Dân tộc học đại cương tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tham gia chuyến đi điền dã 4 tháng đến các bản ở vùng cao. Sách giáo khoa về dân tộc học của ông đã được xuất bản bằng tiếng Việt. GS. E.P.Busyghin đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bằng khen và Huân chương Hữu nghị vì những đóng góp đó. Ngay buổi tiếp chính thức đầu tiên của Ban Giám hiệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lúc bấy giờ là cố
GS. Phan Hữu Dật, một nhà sử học và dân tộc học nổi tiếng, ngay lập tức đã hỏi tôi về GS. E.P.Busyghin và nhắc lại những chuyến điền dã lên vùng cao.
Trong ký ức của tôi, GS. Phan Hữu Dật là một người thầy ân cần, chu đáo, một nhà khoa học lớn và là một Hiệu trưởng tuyệt vời, người đặt những viên gạch đầu tiên cho việc thiết lập và duy trì mối quan hệ hữu nghị Việt - Nga. Đối với các chuyên gia Liên Xô chúng tôi, ông không chỉ quan tâm trong công việc mà còn gần gũi trong đời sống thường nhật. Trong điều kiện sinh hoạt nhiều khó khăn về vật chất khi ấy, không chỉ Bộ môn Ngữ văn Nga, Khoa Tiếng nước ngoài mà Ban Giám hiệu trường không bao giờ quên chúc mừng ngày lễ của chúng tôi. Lần đầu tiên chúng tôi được làm quen với ẩm thực Việt Nam ngày Tết, được tặng những cành đào xinh xắn theo truyền thống của Việt Nam, được Trường bố trí phương tiện đi lại.
Riêng tôi còn có cơ hội gặp thầy Hiệu trưởng Phan Hữu Dật một lần nữa tại Kazan vào năm 2004, khi ông được mời đến dự lễ kỷ niệm 200 năm thành lập Trường ĐH Tổng hợp Kazan – một đối tác của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ban tổ chức lễ kỷ niệm đã giao cho GS. E.P.Busyghin và tôi phải chuẩn bị chu đáo các điều kiện sinh hoạt cho GS. Phan Hữu Dật. Ngoài các sự kiện chính thức, GS. E.P.Busyghin còn đích thân đưa GS Phan Hữu Dật đến tham quan Bảo tàng Dân tộc học của Trường, xem Phòng trưng bày đồ vật quý hiếm với bộ sưu tập phong phú của Trung Quốc. GS Phan Hữu Dật đề nghị tổ chức một buổi gặp mặt với sinh viên Việt Nam khi đó đang học tập tại Trường ĐH Tổng hợp Kazan. Tại buổi gặp mặt, ông rất quan tâm đến thành tích học tập, điều kiện sống của sinh viên. Sau đó, ông nhận được cả một cặp đầy thư của sinh viên gửi về cho người thân ở Việt Nam.
Lúc bấy giờ Bộ môn Ngữ văn Nga Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội có khá nhiều giáo viên. Chúng tôi được giới thiệu giáo trình học tiếng Nga dành cho sinh viên Việt Nam mà chúng tôi phải giảng dạy. Chúng tôi đã chia sẻ những phương pháp hay nhất trong việc giảng dạy văn học Nga cho người học ngoại ngữ. Hầu hết giáo viên Bộ môn Nga đã tham dự các bài giảng của tôi về Văn học Nga - Xô viết, để hoàn thiện kiến thức văn học đã học được ở trường đại học. Tôi còn nhớ rất rõ anh Nguyễn Tuấn Kiệt vóc người cao lớn, cân đối, đã tham gia chiến đấu ở mặt trận khi còn rất trẻ. Anh Kiệt đã hướng dẫn cho chúng tôi những điều cơ bản về tiếng Việt
Năm 1987, anh Nguyễn Xuân Hòa – người điềm đạm, tươi vui, tháo vát và làm được khá nhiều việc được giao đảm trách vị trí Chủ nhiệm Bộ môn. Cùng với anh Hòa, chúng tôi đã tổ chức hội nghị khoa học kỷ niệm 170 năm sinh thi hào Taras Shevchenko tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, sau đó xuất bản kỷ yếu tóm tắt (không in trên giấy bóng mà chỉ in ronéo). Thời gian này anh Nguyễn Xuân Hòa đã bắt tay dịch thơ Aleksandr Blok và thường tham vấn tôi, về sau anh trở thành “nhà nghiên cứu Blok” trong mắt các nhà phê bình văn học Việt Nam.
Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các đồng nghiệp trong Bộ môn, tôi may mắn được làm quen với các giáo viên và dịch giả tiếng Nga của Trường ĐH Ngoại ngữ, trong đó có NGƯT. Vũ Thế Khôi – một trong những tác giả cuốn giáo trình tiếng Nga được sử dụng giảng dạy cho sinh viên năm thứ nhất của Bộ môn Nga chuyên ngữ. Sau đó nhờ anh Vũ Thế Khôi, tôi làm quen với các dịch giả tác phẩm “Các nhà văn Nga” được ấn hành lúc bấy giờ tại NXB Văn học. Đó là các dịch giả Anh Trúc, Hoàng Thúy Toàn, Lê Văn Nhân và những người khác.
Năm 2019, Hội Nhà văn Việt Nam mời tôi tham dự Hội thảo quốc tế quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới ở Hà Nội, tôi có cơ hội trở lại nơi đây. Cuộc sống ở Việt Nam đã thay đổi, Hà Nội trở nên hiện đại nhưng vẫn bảo tồn bản sắc dân tộc.
Tháng 12/1993, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội được tách ra thành Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQGHN đã đạt được nhiều thành tích to lớn.
Kính chúc Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội thân yêu của tôi, trong năm kỷ niệm 65 năm thành lập, tiếp tục thành công hơn nữa trong việc đào tạo các nhà giáo và nhà khoa học trẻ, phát triển và thịnh vượng về khoa học, tăng cường quan hệ với nhiều trường đại học của Liên bang Nga trên tinh thần Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga đến năm 2030 giữa Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 30/11/2021.
"Nga và Việt Nam quyết tâm tăng cường hợp tác giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, coi đây là một trong những hướng hợp tác chủ chốt giữa hai nước”.