Ngôn ngữ
Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN.
Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: Việc có một hội đồng tư vấn chính sách như của Trường đã thể hiện được uy tín, vị thế và trách nhiệm xã hội của Nhà trường đối với sự phát triển của đất nước.
GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV) đã phát biểu chào mừng đồng chí Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo các cấp đến làm việc tại trường. Đề cập đến những thách thức mà các ngành KHXH&NV đang gặp phải trong bối cảnh biến đổi nhanh của nền giáo dục số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Giáo sư Hiệu trưởng chia sẻ quyết tâm của Nhà trường trong việc đổi mới toàn diện các lĩnh vực hoạt động nhằm thích ứng, phát triển và hội nhập với thời đại; trong đó sẽ tập trung cho các hoạt động tư vấn chính sách mà Hội đồng Tư vấn Chính sách là đơn vị đóng vai trò chủ chốt.
Hiệu trưởng Phạm Quang Minh trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách cho GS.TS Phùng Hữu Phú (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của Trường ĐHKHXH&NV)
Các định hướng mà Nhà trường thực hiện sẽ là: Giữ vững đoàn kết nội bộ và đồng thuận phương hướng đổi mới làm nền tảng cho chiến lược phát triển; Đổi mới nền quản trị đại học theo hướng hiện đại; Tận dụng và phát huy các nguồn lực vật chất hiện có để đầu tư cho phát triển bền vững; Đổi mới cơ chế quản lý và áp dụng mô hình quản trị đại học hiện đại để giải phóng năng lực chuyên môn và sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ; Thực hiện triết lý giáo dục khai phóng nhằm tạo bước phát triển đột phá trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu; Ưu tiên triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học mang tính trọng điểm, đột phá; Cải tiến chương trình đào tạo theo hướng liên thông kiến thức, liên các ngành và xuyên khối ngành để thích ứng với yêu cầu nhân lực mới.
GS.TS Phạm Quang Minh (Hiệu trưởng Nhà trường) chia sẻ những định hướng phát triển của Nhà trường: Đổi mới toàn diện các lĩnh vực hoạt động nhằm thích ứng, phát triển và hội nhập với thời đại; trong đó sẽ tập trung cho các hoạt động tư vấn chính sách mà Hội đồng Tư vấn Chính sách là đơn vị đóng vai trò chủ chốt.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu, khẳng định: buổi làm việc hôm nay mang đến thông điệp ý nghĩa về sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với hoạt động tư vấn chính sách và với các ngành khoa học xã hội và nhân văn nói riêng. ĐHQGHN coi tư vấn chính sách không chỉ là một hợp phần quan trọng trong hoạt động nghiên cứu mà còn coi đây là trách nhiệm quốc gia và trách nhiệm xã hội của một trung tâm đại học hàng đầu đất nước. Muốn tư vấn chính sách tốt, trước hết phải có đội ngũ chuyên gia tốt; có nghiên cứu khoa học sâu và rộng; có định hướng, tổ chức và triển khai bài bản. Với cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, các hoạt động có hàm lượng tri thức khoa học cao, giàu kinh nghiệm triển khai các dự án nghiên cứu tầm cỡ, ĐHQGHN có nhiều lợi thế và điều kiện để làm tốt công tác này.
Từ phải sang: đồng chí Vũ Khoan, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Trên thực tế, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã ghi nhận nhiều đóng góp về tư vấn chính sách của các nhà khoa học ĐHQGHN như những tư vấn chính sách trong lĩnh vực tài nguyên, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống, phát triển bền vững, xây dựng các bộ luật và Hiến pháp... Trong lĩnh vực kinh tế, báo cáo kinh tế thường niên của ĐHQGHN được đánh giá cao và sử dụng trong các hoạch định chính sách của Nhà nước. Trong lĩnh vực giáo dục, ĐHQGHN nghiên cứu tư vấn về đổi mới tuyển sinh, tổ chức thi đánh giá năng lực... Những kết quả trên sẽ là nền tảng để hoạt động tư vấn chính sách của ĐHQGHN tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn phát biểu: ĐHQGHN coi tư vấn chính sách không chỉ là một hợp phần quan trọng trong hoạt động nghiên cứu mà còn là trách nhiệm quốc gia và trách nhiệm xã hội của một trung tâm đại học hàng đầu đất nước. Muốn tư vấn chính sách tốt, trước hết phải có đội ngũ chuyên gia tốt; có nghiên cứu khoa học sâu và rộng; có định hướng, tổ chức và triển khai bài bản. Với cơ cấu đa ngành, đa lĩnh vực, các hoạt động có hàm lượng tri thức khoa học cao, kinh nghiệm triển khai các dự án nghiên cứu tầm cỡ, ĐHQGHN có nhiều lợi thế và điều kiện để làm tốt công tác này.
Giám đốc ĐHQGHN cũng đề nghị đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước cần quan tâm hơn đến việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực KHXH&NV của ĐHQGHN nghiên cứu, tư vấn về các vấn đề: chiến lược phát triển con người, định hướng phát triển kinh tế xã hội, các lĩnh vực liên ngành, liên lĩnh vực...
GS.NGND Vũ Dương Ninh (Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Nhà trường, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách) phát biểu: KHXH&NV Việt Nam cần tập trung nghiên cứu tìm ra con đường phát triển riêng cho Việt Nam trong hoàn cảnh và xuất phát điểm đặc thù của đất nước mình cũng như có những nghiên cứu xứng đáng về cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương của Tổ quốc
Đại diện cho các nhà khoa học của Trường ĐHKHX&NV và Hội đồng Tư vấn Chính sách, GS.NGND Vũ Dương Ninh (Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Nhà trường) bày tỏ trăn trở: Làm thế nào để các nhà KHXH&NV có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước? Làm thế nào để KHXH&NV phát triển phù hợp với bước phát triển của cách mạng công nghệ 4.0?
GS. Vũ Dương Ninh đề xuất những nhiệm vụ thực tiễn, cần kíp mà KHXH&NV Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, đó là tìm ra con đường phát triển riêng cho Việt Nam trong hoàn cảnh và xuất phát điểm đặc thù của đất nước mình; nghiên cứu về cuộc đấu tranh bảo vệ biên cương của Tổ quốc, đặc biệt là ở mặt trận biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền trên biển, đảo. Đó phải là những hướng nghiên cứu trọng điểm, tập trung với sức mạnh tổng hợp của các nhà khoa học trên các lĩnh vực chính trị, lịch sử, quan hệ quốc tế, văn hóa, xã hội, địa lý... chắc chắn sẽ tạo ra những thành tựu trực tiếp và có giá trị cho tư vấn hoạch định chính sách của đất nước.
Nguyễn Phó Thủ tướng Vũ Khoan phát biểu: còn rất nhiều "lỗ hổng" lịch sử mà các nhà khoa học phải nghiên cứu và chạy đua với thời gian, vì nếu không các thông tin, bài học lịch sử sẽ bị mai một đi rất đáng tiếc
Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các ngành KHXH&NV, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng trong sự phát triển của đất nước hiện nay, “cái khó nhất là văn hóa, đáng lo nhất là văn hóa” và đây chính là “sức mạnh mềm” của dân tộc cho phát triển. Vẫn còn nhiều những “lỗ hổng” lịch sử giai đoạn hiện đại mà các nhà khoa học phải suy tư nghiên cứu, nếu không theo thời gian, các thông tin, bài học và kinh nghiệm ấy sẽ mai một rất đáng tiếc. Các nhà khoa học cũng cần quan tâm đến công tác dự báo trong bối cảnh tương lai đầy bất định hiện nay để có tư vấn phát triển hiệu quả cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Giáo sư Hiệu trưởng Phạm Quang Minh tặng đồng chí Phạm Minh Chính một số công trình khoa học tiêu biểu của cán bộ Nhà trường
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, đồng chí Phạm Minh Chính đã phát biểu chia sẻ với những trăn trở của đội ngũ trí thức, nhà khoa học của Nhà trường và nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nguồn nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ, nhất là khoa học xã hội và nhân văn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của mỗi quốc gia. “Khoa học xã hội và nhân văn phải góp phần xây dựng văn hóa, con người và cung cấp những luận cứ vững chắc cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phải làm rõ thêm những quan điểm của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, các vấn đề về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, văn hóa và phát triển, nghiên cứu các di sản lịch sử, văn hóa, văn minh và con người Việt Nam...”.
Trong hệ thống các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội là ngôi trường danh tiếng, có bề dày truyền thống, đóng góp tích cực vào việc tạo nền tảng cho sự hình thành, phát triển nhiều ngành, chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta. Việc có một hội đồng tư vấn chính sách như của Trường đã thể hiện được uy tín, vị thế và trách nhiệm xã hội của Nhà trường đối với sự phát triển của đất nước.
Trên nền tảng ấy, đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các nhà khoa học của Trường và Hội đồng Tư vấn Chính sách hãy tiếp tục phát huy trí tuệ, nhiệt huyết và tình yêu với khoa học, với đất nước, thực hiện các nhiệm vụ: Góp phần làm rõ, bổ sung nền tảng tư tưởng của Đảng trong việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước theo Nghị quyết số 37 ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030; Góp phần giúp Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai đề ra, nhất là nhiệm vụ thứ 6: Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; Tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho văn kiện và Nghị quyết Đại hộ Đảng lần thứ XII sắp tới.
Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các cấp ủy Đảng, bộ ban ngành tiếp tục chăm lo, tạo điều kiện xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, nghiên cứu xây dựng chiến lược quốc gia, thu hút nhân tài theo tinh thần Nghị quyết trung ương 7 khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp theo hướng không phân biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng, trong nước hay nước ngoài; xây dựng quy định cơ chế chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những ngành khoa học mũi nhọn phục vụ phát triển nhanh, đột phá.
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách - GS.TS Phùng Hữu Phú: Hội đồng Tư vấn Chính sách sẽ là nơi kết nối trí tuệ, sức sáng tạo của từng cá nhân các nhà khoa học và hoạt động tư vấn trên tinh thần kết hợp giữa nền tảng khoa học cơ bản và điều kiện thực tiến phát triển của đất nước
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chính sách, GS.TS Phùng Hữu Phú cho rằng những định hướng của đồng chí Phạm Minh Chính chính là những gợi mở và chỉ đạo để Hội đồng Tư vấn Chính sách tiếp thu và triển khai kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.
Trên tinh thần tư vấn chính sách dựa trên nền tảng khoa học cơ bản nhưng phải kết hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, Hội đồng Tư vấn Chính sách sẽ phát huy vai trò là nơi kết nối trí tuệ, sức sáng tạo của từng cá nhân các nhà khoa học; kết tinh ý tưởng và thành quả khoa học của các cá nhân và các đơn vị học thuật mạnh trong Trường ĐHKHXH&NV; phối kết hợp hiệu quả với các cơ quan bên ngoài như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Hội đồng Lý luận Trung ương... Hội đồng sẽ chọn lựa các nhiệm vụ vừa phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, phù hợp với thế mạnh và sở trường cùa các nhà khoa học Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
Hội đồng sẽ hoạt động và làm việc với tinh thần cao nhất sao cho “xứng đáng với truyền thống 74 năm của Đại học Văn khoa, với truyền thống bác học của Đại học Văn khoa và Đại học Tổng hợp; để tên tuổi của Nhà trường, của ĐHQGHN mãi mãi là niềm ngưỡng mộ, tự hào không chỉ của sinh viên mà còn là niềm tự hào của Đảng và Nhà nước, nhân dân - một đại học vừa phấn đấu trở thành một đại học nghiên cứu tiên tiến, đạt trình độ quốc tế, vừa là một trung tâm thực sự phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân” - GS.TS Phùng Hữu Phú cho biết.
|
Tác giả: Thanh Hà, Ngọc Tùng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn