Hội nghị Chuyên đề công tác Đảng: thảo luận nhiều vấn đề trọng yếu

Thứ năm - 03/01/2019 13:06
Vừa qua, Đảng ủy Trường ĐHKHXH&NV đã tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết, kết luận của Đảng ủy nhiệm kỳ 2015-2020. Hội nghị đã nghe và thảo luận xung quanh 05 báo cáo chuyên đề về kết quả thực hiện nhiệm vụ của toàn Đảng bộ trên các lĩnh vực Đào tạo, Nghiên cứu khoa học, Công tác Tổ chức cán bộ, Hợp tác và Phát triển... nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà trường trở thành đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu đất nước, đẩy mạnh hội nhập với khu vực và quốc tế.
Hội nghị Chuyên đề công tác Đảng: thảo luận nhiều vấn đề trọng yếu
Hội nghị Chuyên đề công tác Đảng: thảo luận nhiều vấn đề trọng yếu

Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Đinh Văn Hường - Ủy viên Thường vụ Đảng uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Đại học Quốc gia Hà Nội và hơn 80 đồng chí đảng viên thuộc Đảng uỷ, các chi uỷ trong Đảng bộ Trường ĐHKHXH&NV. Chủ trì Hội nghị là đồng chí Nguyễn Văn Kim - Uỷ viên thường vụ Đảng uỷ ĐHQGHN, Bí thư Đảng uỷ Nhà trường và đồng chí Phạm Quang Minh - Phó Bí thư Đảng uỷ Nhà trường.

Đồng chí Nguyễn Văn Kim - Uỷ viên thường vụ Đảng uỷ ĐHQGHN, Bí thư Đảng uỷ Nhà trường phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Ngày 27/4/2016, Đảng uỷ Nhà trường ban hành Nghị quyết số 114-NQ/ĐU về định hướng và giải pháp xây dựng đại học nghiên cứu, nhằm thống nhất nhận thức và quyết tâm trong toàn thể đảng viên, công chức, viên chức và sinh viên, học viên Nhà trường về chiến lược phát triển Trường ĐHKHXH&NV theo mô hình đại học nghiên cứu. Trên cơ sở đó, Đảng ủy đã đưa ra các kết luận về những giải pháp trọng tâm để thực hiện nhiệm vụ trên.

Đồng chí Đinh Văn Hường - Ủy viên Thường vụ Đảng uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Chuyển biến tích cực trong nhận thức về xây dựng ĐH nghiên cứu

Thay mặt Ban Chuyên môn báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết trên, đồng chí Vũ Văn Quân nhấn mạnh: đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về yêu cầu phải xây dựng Trường ĐHKHXH&NV theo định hướng đại học nghiên cứu. Nhận thức này được lan toả mạnh mẽ từ cấp lãnh đạo trong Đảng uỷ, Nhà trường xuống đến các đơn vị và đến tập thể cán bộ. Ý thức về việc xây dựng đại học nghiên cứu thể hiện ở các điểm cơ bản sau: nghiên cứu khoa học phải là trọng tâm, đào tạo hướng tới chất lượng cao, hội nhập sâu rộng các lĩnh vực hoạt động với quốc tế.

Bên cạnh đó, tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ đã xuất hiện ở nhiều đơn vị, nhóm nghiên cứu và các cá nhân. Cùng với đó là những cơ chế, chính sách kịp thời dành cho cán bộ như hỗ trợ công bố quốc tế, xuất bản công trình, tham dự hội thảo khoa học ở nước ngoài…

Đồng chí Vũ Văn Quân -  Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Chuyên môn Đảng uỷ: Có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về yêu cầu phải xây dựng Nhà trường theo định hướng đại học nghiên cứu

Báo cáo cũng điểm lại những kết quả tiêu biểu mà Đảng bộ Nhà trường đạt được: có chuyển biến, chuyển đổi tích cực về mô hình đào tạo với sự ra đời của mô hình các viện nghiên cứu và đào tạo; mô hình một đơn vị nhưng có nhiều ngành đào tạo, giúp tiết kiệm nguồn lực, tạo sự liên thông trong nghiên cứu và đào tạo. Công tác phát triển đội ngũ có những tín hiệu đáng mừng khi số cán bộ đạt chuẩn về học hàm và học vị ngày càng tăng, thể hiện năng lực chuyên môn tốt trong nghiên cứu và đào tạo, có khả năng kế tục, tiếp nối thế hệ trước. Trường có sự phát triển vượt bậc và tăng dần đều về số lượng và chất lượng các chương trình, đề án, đề tài, các nhiệm vụ khoa học trong những năm qua. Công bố quốc tế tăng mạnh, công tác đào tạo đại học có những chuyển biến tích cực thể hiện ở việc tuyển sinh ổn định và tăng trưởng theo từng năm; chất lượng đầu vào được nâng cao; Nhà trường là địa chỉ tin cậy cho người học với những ngành học hấp dẫn… Cơ sở vật chất có những cải thiện rõ rệt.

Phát huy vai trò hạt nhân của các Nhóm nghiên cứu mạnh

Báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện kết luận 188-KL/ĐƯ về “Thúc đẩy các sản phẩm nghiên cứu khoa học trong bối cảnh xây dựng Đại học nghiên cứu hiện đại” do đồng chí Đào Thanh Trường (Trưởng khoa Khoa học Quản lý) trình bày tại Hội nghị. Báo cáo chia sẻ thông tin về những điểm sáng trong hoạt động NCKH của Trường: số lượng công bố giai đoạn 2015-2018 liên tục tăng trong các năm, trong đó công bố trong nước chiếm hơn 80%; công bố trên các tạp chí ISI, Scopus cũng tăng gần gấp 3 lần. Trong năm 2017-2018, Nhà trường công bố 25 đầu sách chuyên khảo, biên soạn 62 bài giảng, giáo trình. Tạp chí chuyên san KHXH&NV và Tạp chí Chuyên san Chính sách và Quản lý được chuyển giao về Trường phụ trách đã giúp tăng cơ hội công bố cho các nhóm nghiên cứu và nhà nghiên cứu về lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn.

Đồng chí Đào Thanh Trường (Đản ủy viên, Phó Bí thư chi bộ Khoa Khoa học Quản lý): Cần  phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng tư vấn chính sách, qua đó đẩy mạnh các đề xuất, kiến nghị, tư vấn chính sách về các vấn đề ở tầm quốc gia

Kết quả nghiên cứu của đề tài các cấp tăng: năm 2015, Nhà trường có thêm 02 đề tài Nhà nước thì năm 2016 tăng thêm 11 đề tài Nhà nước, trong đó có 08 đề tài Quốc sử. Năm 2017, có thêm 02 đề tài Nhà nước và năm 2018 có thêm 03 nhiệm vụ nghiên cứu cấp Nhà nước. Năm 2018-2019, đội ngũ cán bộ khoa học của Trường sẽ có thêm 07 nhiệm vụ thành phần thuộc của các đề tài cấp quốc gia. Số lượng các hội thảo, toạ đàm quốc tế và các nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQG đều tăng.

Để tiếp tục triển khai kết luận 188-KL/ĐU một cách mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong thời gian tới, báo cáo đề xuất một số giải pháp:

Thứ nhất, phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng tư vấn chính sách của Nhà trường, qua đó đẩy mạnh các đề xuất, kiến nghị khoa học và tư vấn chính sách ở tầm vóc quốc gia về các vấn đề khoa học xã hội và nhân văn đến các cơ quan trung ương của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, cần đặt các Nhóm nghiên cứu mạnh về đúng vị trí của mình. Các nhóm nghiên cứu này sẽ được giao chức năng, nhiệm vụ, đồng thời phải có sự đầu tư để xây dựng lộ trình phát triển, định hướng nghiên cứu và cho ra những sản phẩm khoa học trọng điểm.

Thứ ba, là đã đến lúc Nhà trường phải tính đến việc xây dựng các Nhóm nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành để giải quyết những bài toán liên ngành lớn, tạo ra những sản phẩm mang ý nghĩa xã hội cao, thể hiện rõ nét trách nhiệm xã hội của Nhà trường với tư cách là trung tâm nghiên cứu hàng đầu về các ngành KHXH&NV của Việt Nam.

Thứ tư, có kế hoạch tăng cường các chuyên san, tạp chí khoa học do Nhà trường quản lý đạt chuẩn khu vực và quốc tế; có chính sách đa dạng hóa nguồn tài chính, gắn chặt hơn với địa phương và các doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển giao các kết quả nghiên cứu, hình thành các tổ chức nghiên cứu mới, các trung tâm khởi nghiệp, các start up....

Xây dựng cơ cấu tổ chức và phát triển đội ngũ: bám sát lộ trình và đạt các chỉ tiêu đề ra

Tiếp đó, Hội nghị nghe báo cáo do đồng chí Ngô Thị Kiều Oanh (Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ, Trường phòng Tổ chức cán bộ) trình bày về “Xây dựng cơ cấu tổ chức và phát triển đội ngũ cán bộ theo định hướng đại học nghiên cứu” theo Kết luận 169-KL/ĐƯ của Đảng ủy Trường. Báo cáo đề cập đến 03 nhóm vấn đề về: cơ cấu tổ chức, công tác cán bộ và chính sách.

Đồng chí Ngô Thị Kiều Oanh (Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, Trường phòng Tổ chức cán bộ) đánh giá: công tác xây dựng cơ cấu tổ chức và phát triển đội ngũ bám sát theo lộ trình, kế hoạch đặt ra trong kết luận và nghị quyết của Đảng uỷ. Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận song công tác này vẫn còn nhiều thách thức trong thời gian tới

Về cơ cấu tổ chức, Nhà trường đã có những điều chỉnh quan trọng về mô hình, cơ cấu tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học; rà soát tổng thể các đơn vị trong trường và định hướng chuyển đổi một số đơn vị theo mô hình mới. Các trung tâm nghiên cứu được tái cấu trúc theo hướng tích hợp các trung tâm nghiên cứu liên ngành, điều chỉnh chức năng hoặc giải thể những trung tâm không hiệu quả, không phù hợp với định hướng phát triển của Nhà trường. Đặc biệt, các bộ môn tiếp tục được củng cố theo hướng gắn từng chuyên ngành đào tạo với sự phát triển của bộ môn, liên bộ môn. Bộ máy hành chính được điều chỉnh theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, nêu cao tinh thần phục vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động chuyên môn của Nhà trường theo định hướng nghiên cứu.

Về công tác cán bộ, Nhà trường đã xác định rõ nhu cầu tuyển dụng đến từng bộ môn và lộ trình từ 2016-2020 làm căn cứ nhân sự cho các đơn vị, đồng thời ưu tiên đầu tư tập trung cho các đơn vị, các bộ môn đang thiếu cán bộ. Mỗi năm Nhà trường tuyển dụng dụng đặc cách 7-8 giảng viên, ký hợp đồng với trung bình 16-17 giảng viên, nghiên cứu viên và các vị trí khác nhưng con số này vẫn thấp hơn tỷ lệ yêu cầu. Việc tuyển dụng nhân sự có trình độ cao còn gặp nhiều khó khăn. Nhà trường cũng chủ trương không tăng số cán bộ hành chính, đồng thời yêu cầu ngày càng cao về mức độ chuyên môn hoá và tính chuyên nghiệp trong công việc của các chuyên viên.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có nhiều thành tích đáng ghi nhận với việc tăng nhanh số lượng và chất lượng đội ngũ: số lượng NCS bảo vệ luận án tăng vượt bậc trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có 22 cán bộ bảo vệ xong luận án. Tỷ lệ giảng viên đạt chuẩn Tiến sĩ năm 2015 đạt 53,8%, năm 2017 đạt 60,3% và đến tháng 10/2018, tỷ lệ này là 62,4%, bám sát chỉ tiêu đặt ra. Đối với giảng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư và Phó giáo sư, tỷ lệ này của Trường lần lượt là 26,9% (năm 2015), 26,5 % (năm 2016), 26,9% (năm 2017), 29,1% (năm 2018 so với chỉ tiêu đặt ra là 27,4%).

Về nhóm vấn đề chính sách, dù vấn đề tài chính của Trường khó khăn nhưng về cơ bản, đầu tư cho đội ngũ của Nhà trường rất được ưu tiên. Các chính sách cho cán bộ luôn luôn được giữ vững và ổn định.

Đề xuất những giải pháp cho xây dựng cơ cấu tổ chức và phát triển đội ngũ, Báo cáo đề cập đến các nhiệm vụ trọng tâm sắp tới: bám sát kế hoạch phát triển cơ cấu tổ chức các đơn vị đến năm 2020 làm căn cứ sử dụng hiệu quả các nguồn lực tại các đơn vị; nghiêm túc thực hiện chủ trương tinh giản cơ cấu bộ máy các bộ môn; hoàn thành rà soát và tái cấu trúc các trung tâm; rà soát, đánh giá việc cán bộ quy hoạch hàng năm và bám sát số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ để có giải pháp phù hợp; có lộ trình và kế hoạch để phát triển nhóm chuyên gia đầu ngành và xây dựng văn hóa nghiên cứu; đẩy mạnh ưu tiên đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trong diện quy hoạch; đẩy mạnh công tác phổ biến văn bản, chính sách của Nhà trường và các văn bản pháp luật đến đội ngũ cán bộ…

Hướng tới tự chủ đại học: trọng tâm là vấn đề con người

Trình bày về các giải pháp thúc đẩy hoạt động đào tạo hướng tới tự chủ đại học năm 2020, đồng chí Hoàng Anh Tuấn (Phó Hiệu trưởng Nhà trường) phát biểu: trung tâm của mọi hoạt động và mọi giải pháp, chính sách phát triển vẫn là vấn đề con người. Muốn phát huy đội ngũ cán bộ hơn 500 người cần có những chính sách quyết liệt và cơ chế phù hợp để giải phóng năng lực chuyên môn, kích thích sức sáng tạo, tạo động lực để cán bộ cống hiến, gắn bó với Nhà trường, qua đó tránh được tình trạng chảy máu chất xám - vấn đề các trường đại học công lập Việt Nam đang đối mặt hiện nay.

Đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Đảng ủy viên, Phó Hiệu trưởng Nhà trường

Về cơ cấu ngành và nghề đào tạo, trước thực tế sự liên hệ giữa ngành và nghề hiện nay đã “mờ” đi rất nhiều, đồng chí Hoàng Anh Tuấn cho rằng, bên cạnh việc đầu tư để duy trì và phát triển các ngành đào tạo cơ bản, Nhà trường nên nghiên cứu kỹ xu hướng liên ngành, xuyên ngành để hình thành những ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ.

Bàn về tư duy quản trị đại học của Nhà trường sao cho tương thích với biến đổi về nhu cầu nhân lực tương lai cũng như xu hướng đổi mới của hệ sinh thái đại học thế giới, đồng chí Phó Hiệu trưởng khẳng định: ngày nay, đại học nghiên cứu (research-oriented university) về cơ bản đã trở thành tinh thần chung, nền tảng phát triển chung, một sự thừa nhận “đương nhiên” của đại học thế giới; thay vào đó, họ đang hướng đến mô hình đại học gắn với thực tiễn phát triển xã hội (entrepreneurship-driven university). Vậy, liệu chúng ta đã sẵn sàng để nghĩ tới những xu thế mới có thể vượt xa hơn cả mô hình đại học nghiên cứu mà nhiều trường đại học trên thế giới đang hướng tới? Ví dụ: định hướng đào tạo gắn với thị trường nhân lực số, hội nhập khu vực và thế giới; nghiên cứu khoa học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0… Khẳng định tư duy quản trị đại học phù hợp là rất quan trọng, vì trên cơ sở đó mà cơ chế, giải pháp phù hợp sẽ được đưa ra để triển khai: từ xây dựng mới hoặc điều chỉnh ngành đào tạo, tổ chức giảng dạy, quản lý sinh viên, kết nối với doanh nghiệp và thị trường…

Hội nhập quốc tế về nghiên cứu và đào tạo: vẫn còn khoảng cách lớn

“Vẫn còn một khoảng cách lớn giữa giáo dục và đào tạo của Việt Nam với các trường đại học trong khu vực và quốc tế” - đó là phát biểu của đồng chí Phạm Quang Minh (Phó Bí thư thường trực, Hiệu trường Nhà trường) khi trình bày báo cáo về “Đẩy mạnh hội nhập giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hoá” (Kết luận số 300 của Đảng uỷ ngày 18/9/2017).

Báo cáo chỉ ra những tồn tại và khác biệt trong đào tạo đại học ở Việt Nam với thế giới, từ chương trình đào tạo, nội dung các môn học, phương pháp đào tạo… cho đến các vấn đề về cơ sở vật chất, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ.

Đồng chí Phạm Quang Minh (Phó Bí thư thường trực, Hiệu trưởng Nhà trường): Vẫn còn khoảng cách lớn giữa các đại học Việt Nam và thế giới trong chặng đường hội nhập

“Trên thế giới hiện nay có một thuật ngữ là mobility - sự chuyển dịch - đề cao sự năng động trong tư duy của con người, trong CTĐT, trong phương pháp nghiên cứu và giảng dạy. Tuy nhiên, dường như các vấn đề trên ở các trường đại học Việt Nam vẫn còn độ “tĩnh” rất nhiều, ít sự thay đổi”.

Đánh giá kết quả thực hiện kết luận số 300-KL/ĐƯ, đồng chí Phạm Quang Minh cho rằng nhận thức về tầm quan trọng phải đẩy mạnh hội nhập quốc tế đã được nâng lên rất nhiều trong đội ngũ cán bộ. Bây giờ tại Trường ĐHKHXH&NV, đâu đâu cũng có thể nghe bàn luận về làm thế nào để công bố quốc tế, làm thế nào để giảng dạy bằng tiếng Anh?

Về mục tiêu của Đảng uỷ là phải quốc tế hoá được 1-2 chương trình đào tạo đặc sắc, thì hiện Nhà trường đã và đang xây dựng CTĐT ngành Việt Nam học bằng tiếng Anh theo chuẩn mực quốc tế, dự định năm sau sẽ tuyển sinh. Nhà trường xây dựng CTĐT bậc đại học về Đông Nam Á học, xây dựng chuyên ban Nghiên cứu Phát triển quốc tế (Khoa Quốc tế học) với lứa sinh viên đầu tiên trong năm 2018.

Trong khuôn viên của Nhà trường có thể nhận thấy hình ảnh của ngày càng nhiều các chuyên gia, sinh viên, tình nguyện viên nước ngoài đến nghiên cứu và học tập tại đây. Các dự án nước ngoài mà Nhà trường là thành viên như ENHANCE… đã giúp nâng cao năng lực của đội ngũ.

Về giải pháp đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục, đào tạo, báo cáo đưa ta một số gợi mở: đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhật với thế giới; rà soát lại các môn học, bớt nhưng môn học xa rời chuyên môn và cho phép sinh viên lựa chọn học các học phần ở các ngành khác, tránh tình trạng đơn ngành và khép kín trong đào tạo; tăng cường hoạt động thực tập, thực tế cho sinh viên, đặc biệt là thực tập ở nước ngoài…

Đảng bộ Trường ĐHKHXH&NV: 9 năm liền là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu của ĐHQGHN

Sau khi lắng nghe những báo cáo và thảo luận tại Hội nghị chuyên đề công tác Đảng, thay mặt Đảng ủy và Ban Thường vụ ĐHQGHN, đồng chí Đinh Văn Hường đã ghi nhận và đánh giá cao công tác Đảng của Đảng ủy Trường ĐHKHXH&NV: “Đây là một trong những Đảng ủy làm việc nề nếp, bài bản và nghiêm túc, triển khai rất đầy đủ các quy định của Đảng uỷ các cấp”.

Đồng chí Đinh Văn Hường cũng chia vui với những thành tích nổi bật của Đảng bộ Nhà trường, thể hiện qua đội ngũ Giáo sư, Phó Giáo sư chất lượng hàng đầu đất nước, qua những huân chương cao quý của Đảng, Nhà nước, các bằng khen của Thủ tướng, các danh hiệu cao quý khác cho các đơn vị và cá nhân trong năm 2018: “Đây là sản phẩm tiêu biểu minh chứng cho công tác lãnh đạo hiệu quả của Đảng uỷ Nhà trường và những nỗ lực của tập thể cán bộ. Đó là thành tựu rất lớn của Trường cần được ghi nhận và đánh giá cao”.

Suốt 9 năm liền, Đảng bộ Trường ĐHKHXH&NV là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và tiêu biểu của Đảng bộ ĐHQGHN. Với ý nghĩa đó, đồng chí Nguyễn Văn Kim - Bí thư Đảng uỷ Nhà trường đã đề nghị Đảng uỷ, Ban Giám đốc ĐHQGHN quan tâm đầu tư hơn nữa các nguồn lực cho sự phát triển của Nhà trường tại cơ sở mới ở Hoà Lạc; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ khoa học của Trường phát huy năng lực qua việc được giao thực hiện các nhiệm vụ khoa học lớn của ĐHQGHN và của đất nước. Bên cạnh đó, trong chiến lược quy hoạch, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo của ĐHQGHN, nguồn lực cán bộ mạnh về cả số lượng và chất lượng của Nhà trường sẽ là nguồn bổ sung, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của ĐHQGHN.

Tác giả: Thanh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây