Tin tức

Gặp gỡ báo chí hướng đến lễ kỷ niệm chào mừng 70 năm truyền thống và 20 năm thành lập Trường.

Thứ năm - 01/10/2015 04:02
Sáng ngày 1/10/2015, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí chào mừng 70 năm truyền thống và 20 năm thành lập. Tham dự buổi gặp mặt có khoảng hơn 30 phóng viên đến từ các cơ quan báo chí lớn trong nước.
Gặp gỡ báo chí hướng đến lễ kỷ niệm chào mừng 70 năm truyền thống và 20 năm thành lập Trường.
Gặp gỡ báo chí hướng đến lễ kỷ niệm chào mừng 70 năm truyền thống và 20 năm thành lập Trường.

GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh (Hiệu trưởng Nhà trường) đang tóm lược những bảng vàng thành tích Nhà trường đã được đến các phóng viên

Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Nhà trường đã tóm lược lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử và những trang bảng vàng thành tích mà Nhà trường đã đạt được trong những năm qua.

Với phương châm “giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo là yêu cầu, danh dự và trách nhiệm của tập thể các nhà giáo, nhà khoa học của Trường”, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN luôn xác định nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Hiện nay, Trường có 24 ngành đào tạo bậc đại học, 06 chương trình đào tạo chất lượng cao, 129 chương trình đào tạo bằng kép.

Công tác đào tạo sau đại học có bước phát triển mạnh mẽ về cả quy mô và chất lượng, nhất là quy mô đào tạo tiến sĩ và học viên nước ngoài. Mỗi năm, Trường đào tạo khoảng trên 150 nghiên cứu sinh, trong đó có khoảng 20 học viên nước ngoài. Tỷ trọng quy mô đào tạo sau đại học trên tổng quy mô đào tạo chính quy vào khoảng 37%.

Công tác nghiên cứu khoa học của Trường đã có sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng và chiều sâu. Điểm nổi bật trong hoạt động này là hiệu quả tham gia các chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước. Số đề tài cấp Nhà nước và Nghị định thư giai đoạn 2009 - 2015 là 22 đề tài, chưa kể 8 đề tài thuộc đề án biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam, 01 đề tài về Lịch sử Chính phủ và 02 đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ Tây Bắc đang hoàn thiện thuyết minh và ký hợp đồng nghiên cứu trong năm 2015.

Hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà trường cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Các chương trình hợp tác quốc tế không chỉ hỗ trợ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học mà còn góp phần nâng cao vị thế của Nhà trường. Trường đã thu hút và đa dạng hoá được các nguồn lực từ bên ngoài cho sự phát triển. Điều đáng chú ý là, hoạt động này không chỉ phát triển về quy mô mà còn thực sự phát huy hiệu quả và có chiều sâu. Tính đến nay, Trường đã ký 200 hiệp định hợp tác với các trường đại học, các tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều trường đại học nổi tiếng như: Đại học Princeton, Đại học San José State, Đại học Utah (Hoa Kỳ), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp quốc gia Maxcơva (Liên bang Nga), Đại học Nanyang (Singapore)...

Xác định nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao là yếu tố then chốt, chiến lược quyết định sự phát triển của một trường đại học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã ban hành chương trình Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hướng tới đạt chuẩn quốc tế. Hiện nay, Trường có 351/370 giảng viên có trình độ SĐH (chiếm 94,9%), trong đó có 199 TS (chiếm 53,8%), có 6 GS và 91 PGS (chiếm 26,2% tổng số giảng viên); có 100 giảng viên đang làm NCS và 11 người là HVCH. Bên cạnh số cán bộ cơ hữu, Nhà trường đã thu hút được một đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm gồm 131 người, trong đó có 11 GS, 54 PGS.TS, 46 TS và một số giảng viên người nước ngoài.

Phần hỏi đáp và cung cấp thông tin cho báo chí diễn ra ngay sau phần phát biểu khai mạc của GS Hiệu trưởng. Nhiều câu hỏi đã đi vào trọng tâm trong quá trình đào tạo và phát triển của Nhà trường.

Phóng viên Bích Hường (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) đặt câu hỏi cho Ban Giám hiệu Nhà trường

Phóng viên Bích Hường (Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội) đặt câu hỏi: “Nhà trường đã kết nối khối lượng kiến thức trong quá trình đào tạo sinh viên với hoạt động xã hội như thế nào, trong bối cảnh vấn đề xã hội và nhân văn đang được dư luận quan tâm?”

PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường trả lời: Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo trên giảng đường, các phong trào hoạt động của sinh viên Nhà trường cũng được tổ chức thường xuyên. Đặc biệt là các hoạt động xã hội gắn với nội dung chuyên môn. Hiện nay Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Nhà trường đã tổ chức nhiều câu lạc bộ, tổ chức tình nguyện cộng đồng như: đội sinh viên làm công tác xã hội, câu lạc bộ hoa đá, câu lạc bộ hiến máu nhân văn, câu lạc bộ tuyên truyền văn hóa lịch sử...

Những câu lạc bộ, tổ đội nhóm này thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn kết tuổi trẻ Nhà trường với cộng đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động này cũng là cơ hội để các em vận dụng kiến thức học tập trên giảng đường vào đời sống như: gắn kiến thức chuyên ngành xã hội học, công tác xã hội vào các hoạt động của đội công tác xã hội, câu lạc bộ hiến máu; gắn chuyên môn các ngành du lịch, tâm lý, quốc tế, đông phương trong hoạt động tuyên truyền văn hóa lịch sử...

Tất cả các hoạt động trên không chỉ kết nối kiến thức giảng đường với thực tiễn xã hội mà còn gia tăng sự tự tin, năng động của tuổi trẻ Nhân văn. Quảng bá hình ảnh Nhân văn đến với cộng đồng và xã hội.

Nhà báo Xuân Kỳ (Báo Nhân dân) đặt câu hỏi: Nhà trường đã có những giải pháp như thế nào để giữ được vị thế và uy tín hàng đầu về lĩnh vực KHXH&NV trong bối cảnh cạnh tranh giáo dục và thực tế giới trẻ không thích thú với lĩnh vực KHXH&NV?

GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Nhà trường trả lời: Khi đất nước càng phát triển, thì nhu cầu về KHXH&NV sẽ càng cao. Trong giai đoạn tới, sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ đòi hỏi sử dụng nhiều hơn đội ngũ lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Để đáp ứng nhu cầu đó, Nhà trường đã đề ra nhiều chính sách trong chiến lược phát triển, gắn đào tạo chất lượng cao với yêu cầu của xã hội. Cụ thể là:

  1. Đổi mới phương thức tuyển sinh để thu hút được sinh viên có năng lực cao toàn diện bằng hình thức tuyển sinh hoàn toàn mới – bài thi đánh giá năng lực.
  2. Trường chủ trương không mở rộng quy mô đào tạo bậc đại học. Chú ý đào tạo chất lượng, không chú trọng số lượng. Đây là yếu tố quan trọng trong việc chăm lo, bồi dưỡng cho các sinh viên trong quá trình học tập.
  3. Đổi mới phương thức đào tạo theo chiều sâu, từ đào tạo niên chế sang tín chỉ; đổi mới phương pháp đào tạo, đổi mới phương pháp đánh giá để nâng cao tính chủ động và tích cực của người học.
  4. Trường chú trọng đào tạo bậc sau đại học. Tạo điều kiện cho sinh viên theo học các bậc học cao hơn, đồng thời thu hút các sinh viên ở các trường đại học khác ở trong nước và nước ngoài để đào tạo nhân lực chất lượng cao.
  5. Nhà trường có 6 chương trình đào tạo chất lượng cao. Nơi đây đã đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên xuất sắc của Nhà trường
  6. Nhà trường có rất nhiều học bổng hỗ trợ cho sinh viên. Theo con số thống kê, một năm Nhà trường có khoảng 6 tỉ đồng học bổng dành cho sinh viên.
  7. Phong trào đoàn hội hoạt động rất mạnh. Vào trường, các bạn sinh viên được thể hiện mình, được giao lưu, đóng góp cho xã hội, đất nước.

GS.TS. NGND Nguyễn Văn Khánh trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền hình

Phóng viên Hà Trang (báo Lao động) đặt câu hỏi: Nhà Trường cung cấp thêm thông tin về việc kết nối hoạt động hợp tác trong và ngoài nước với hoạt động đào tạo và việc làm của sinh viên? Trường đã tận dụng ưu thế mở rộng quan hệ hợp tác như thế nào?

GS.TS.NGND Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Nhà trường trả lời: Để có thể giải quyết vấn đề việc làm, điều đầu tiên phải nhắc đến đó là ý thức cá nhân của sinh viên. Tự sinh viên phải nỗ lực tự cố gắng thể hiện mình trong quá trình học tập để tìm các việc làm phù hợp với công việc của mình.

Tuy nhiên, để khai thác những ưu thế về việc hợp tác sâu rộng với các đối tác bên ngoài, trường cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho sinh viên như: Thông qua các mối quan hệ, Nhà trường cũng đã nối kết giữa Nhà trường với doanh nghiệp, các cơ sở sử dụng lao động. Hàng năm Nhà trường cũng tổ chức ngày hội việc làm, để giới thiệu các ngành nghề đào tạo đến sinh viên, và sinh viên có cơ hội tiếp cận các địa chỉ việc làm là các doanh nghiệp. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác của Nhà trường cũng đem lại nhiều nguồn kinh phí hỗ trợ cho sinh viên, như các học bổng học tập của Toshiba, Chungsoo, AEON... các học bổng học tập nghiên cứu ở các bậc học cao hơn hay tu nghiệp ở nước ngoài.

Kết thúc buổi họp báo, Nhà trường cũng cung cấp một số mốc quan trọng hướng tới sự kiện Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống và 20 năm thành lập trường tới các nhà báo:

- Ngày 3/10/2015: Chương trình hội trại, thể thao của sinh viên và liên hoan văn nghệ của cán bộ

- Ngày 6/10/2015: Đại lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống và 20 năm ngày thành lập Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ đình

- Ngày 7/10/2015: Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học lưu vực sông Hồng và Hội thảo quốc tế tăng cường hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. 

Box thông tin 70 năm truyền thống vẻ vang

1.Cách đây đúng 70 năm, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Đại học Văn khoa, tiền thân của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày nay. Đây là quyết định mang tầm vóc chiến lược, có ý nghĩa lịch sử, khai sinh ra nền đại học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến kiến quốc hết sức khó khăn, nhưng cũng rất đỗi vinh quang.

2. Trải qua 9 năm trường kỳ kháng chiến với biết bao gian khổ hy sinh, thầy và trò của Đại học Văn khoa đã góp phần nhỏ bé của mình vào chiến thắng chung của dân tộc, làm nên một Điện Biên Phủ "rung động 5 châu chấn động địa cầu". Sau khi hòa bình lập lại, năm 1956, kế thừa và tiếp nối truyền thống Đại học Văn khoa, Đảng và chính phủ đã quyết định thành lập Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội để đáp ứng những yêu cầu mới và tình hình mới của đất nước.

3. Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, mặc dù phải sơ tán về Đại Từ, Thái Nguyên, nhưng được sự đùm bọc chở che của nhân dân, thầy và trò Trường Đại học Tổng hợp vẫn miệt mài nghiên cứu đào tạo, tích cực tham gia phong trào thi đua "tay bút tay súng". Theo tiếng gọi của tiền tuyến, với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lớp lớp thầy và trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tình nguyện lên đường, nhiều người đã ngã xuống ở tuổi 20, nhưng đã làm nên những "dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ" như liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Hồng… và bao nhiêu anh hùng vô danh khác.

4. Hòa bình lập lại, non sông thu về một mối, các cán bộ giảng dạy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội không những hoàn thành tốt sứ mệnh của một trường đại học khoa học cơ bản hàng đầu của đất nước, mà còn góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng nền đại học non trẻ ở miền Nam sau giải phóng. Hơn thế nữa, theo tiếng gọi của nước bạn, hàng trăm cán bộ của Trường đã tình nguyện sang Campuchia, tham gia chương trình giảng dạy tiếng Việt, góp phần hồi sinh đất nước chùa tháp sau nạn diệt chủng cuối những năm 1970 - đầu những năm 1980.

5. Vào đầu những năm 1990, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về việc xây dựng một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu của đất nước, Đại học Quốc gia Hà Nội đã được thành lập trên nền tảng của hai trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và một số trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội.

6. Có thể nói, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày nay là sự tiếp nối lịch sử của Đại học Văn khoa mùa Thu sao vàng tháng Tám, của Đại học Tổng hợp Hà Nội "một thời đạn bom, một thời hào hùng", của Đại học Quốc gia Hà Nội "đổi mới và hội nhập", đang hướng tới mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu tiên tiến, với sứ mệnh "đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và truyền bá tri thức khoa học xã hội và nhân văn".

 

Tác giả: Hoài An; video: Đình Hậu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây