Tin tức

GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú: nhà giáo, nhà khoa học ưu tú - người cán bộ lãnh đạo tài năng, gương mẫu

Chủ nhật - 04/10/2015 02:17
Trong các thế hệ học trò của ông, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo xuất sắc, nhiều nhà khoa học tài năng. Nhưng như lời tâm sự của một người học trò: “Thầy Phú mạng Tích Lịch Hỏa (lửa sấm sét), nhưng dáng vóc ông in đậm vào tâm trí học trò vừa đường bệ, oai nghiêm, sừng sững như một trái núi, vừa giản dị, thân thiết và rất đời thường. Học trò theo ông lúc nào cũng thấy ông gần gũi như ở ngay trước mặt. Nhưng đỉnh núi thì mãi cao vời vợi đến trời xanh khát vọng”. Tiếp xúc với ông, không khó để nhận ra, dù hoạt động ở lĩnh vực nào, cương vị nào, ông cũng luôn làm việc với tư cách một nhà khoa học. Làm chính trị là khoa học, tuyên giáo là khoa học, lãnh đạo, quản lý cũng phải là khoa học. Ông khiêm tốn tự nhận rằng, nếu có thể làm được điều gì đó, có một chút đóng góp nào đó, là bởi luôn sống, hành động hết mình, tận tụy và trách nhiệm bằng tư duy khoa học, phương pháp khoa học
GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú: nhà giáo, nhà khoa học ưu tú - người cán bộ lãnh đạo tài năng, gương mẫu
GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú: nhà giáo, nhà khoa học ưu tú - người cán bộ lãnh đạo tài năng, gương mẫu

Giáo sư, tiến sĩ Phùng Hữu Phú sinh ra và lớn lên trong một gia đình công nhân ở thành phố Nam Định. Từ bao đời nay, đất Nam Định đã nổi tiếng là một vùng địa linh, nhân kiệt”. Đó là nơi phát tích của nhà Trần, một trong những triều đại lẫy lừng võ công hiển hách và góp phần to lớn vào việc khẳng định bản sắc và tầm vóc của nền văn hiến Đại Việt rực rỡ ở đầu kỷ nguyên độc lập tự chủ. Vùng đất ấy cũng là nơi xuất thân của nhiều bậc "nhân tài anh kiệt, lương tướng năng thần" lưu danh trong sử sách. Từ rất sớm, truyền thống quê hương và gia đình đã thấm đẫm vào tâm tính, cốt cách con người ông.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Phùng Hữu Phú

Chàng trai thành Nam Phùng Hữu Phú tựu trường, nhập học khóa 11, trở thành sinh viên của Khoa Lịch sử vào tháng 9.1966. Đó chính là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang trải qua những ngày tháng vô cùng ác liệt. Các trường đại học, thầy và trò đều phải sơ tán về nông thôn, với quyết tâm dù khó khăn tới đâu cũng phải học tốt, đào tạo tốt. Từ tháng 8.1965, Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán về xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái. Lớp sinh viên năm thứ nhất của Khoa (G.11) dựng lán làm nơi ở và học tập cạnh Đầm Sủi, sát bên sườn núi đá. Nhưng chính tại giảng đường lá nứa đơn sơ ấy, Phùng Hữu Phú và các bạn ông đã lĩnh hội được từ những bậc thầy thông tuệ, đầy tâm huyết như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Lê Mậu Hãn, Phạm Thị Tâm, Vũ Dương Ninh,… những tri thức, phương pháp khoa học và cả niềm đam mê học thuật đối với lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại. Chàng sinh viên Phùng Hữu Phú sớm nổi bật lên và được bạn bè quý mến ở đức tính chân thật, thẳng thắn, lối sống chân tình, cởi mở, giản dị, hòa đồng. Trong điều kiện hết sức khó khăn lúc đó, Phùng Hữu Phú đã nỗ lực hết mình và ông là một trong số rất hiếm hoi sinh viên qua cả 4 năm học tập đều đạt điểm tối đa ở tất cả các môn (điểm 5/5). Được nhiều thầy cô quý mến bởi sự cần cù, thông minh, khiêm tốn, say mê học tập, nhưng có lẽ 3 người thầy đã ảnh hưởng rõ nhất tới định hướng chuyên môn, tình yêu nghề nghiệp và lối sống, cách suy nghĩ và ứng xử của ông là GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Phan Huy Lê và PGS. NGND Lê Mậu Hãn. Đặc biệt, năm cuối cùng, Phùng Hữu Phú được theo thầy Lê Mậu Hãn, khi đó là giáo viên chủ nhiệm lớp G.11, đi thu thập tài liệu viết lịch sử Cách mạng tháng Tám ở vùng Căn cứ địa Việt Bắc và viết luận văn tốt nghiệp đại học về phong trào cách mạng huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Nhiều năm sau nhớ lại, ông viết: Với tôi, trước sau, Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn luôn là tấm gương sáng về tâm huyết, trách nhiệm và sự tận tụy đối với sự nghiệp chung, với cuộc đời, với con người. Thầy tôi nghĩ gì, làm gì, nói gì, viết gì đều phát xuất từ một tâm nguyện: làm sao cho đất nước mình, dân tộc mình, Đảng mình, xã hội mình mạnh hơn, đẹp hơn; sao cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo phát triển bền vững hơn; sao cho các thế hệ học trò bước vào đời giàu bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ để giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha…”. Đó là gương sáng của bậc thầy và cũng là phương châm phấn đấu, là tâm nguyện hành xử cả đời của chính bản thân ông.

Ngay sau khi tốt nghiệp (1970), ông được Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận – hiện đại thuộc Khoa Lịch sử. Cũng từ đó, Phùng Hữu Phú khởi đầu sự nghiệp làm một thầy giáo và một nhà sử học chuyên nghiệp. Đến nay, GS.TS Phùng Hữu Phú đã có 45 năm đứng trên bục giảng tại giảng đường của nhiều trường đại học ở trong nước và nước ngoài. Có lẽ, đối với ông, đó là một trong những niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Thầy Phú là người được nhiều thế hệ học trò kính phục, tin yêu và rất quý mến, không chỉ bởi tri thức và phương pháp khoa học, mà còn bởi cả niềm say mê học thuật, trách nhiệm nghề nghiệp và tâm huyết với dân tộc, với con người. Ai đã một lần được là học trò của thầy đều nhận thấy rằng tri thức, kinh nghiệm và phương pháp khoa học không chỉ được trao truyền mà đúng hơn, là lan tỏa từ thầy sang họ.

Với ý thức nghề nghiệp nghiêm túc, lại được gần gũi, kèm cặp bởi các bậc tôn sư đều là những nhà khoa học lớn, ngay từ khi khởi nghiệp làm nghề dạy học, thầy Phùng Hữu Phú đã chú tâm tới công tác nghiên cứu khoa học. Với thầy, lao động học thuật nghiêm túc vừa là “tấm thẻ căn cước” xác nhận và đảm bảo cho tư cách và vị thế người thầy trên giảng đường đại học, lại vừa là niềm đam mê, khao khát tự thân. Thầy thường căn dặn học trò: đối với nghiên cứu sử học, trước hết và cần nhất là lòng say mê, dẫu có thông minh đến đâu, nhưng thiếu lòng say mê và tính cần cù, nghiêm túc thì nhất định không thể trở thành nhà sử học thực thụ, tài năng. Học trò đến “thỉnh giáo” “sư phụ” Phùng Hữu Phú thường được “trao truyền tâm ấn” như thế… và kèm theo đôi ba chén rượu do tự tay thầy rót cho, với một phong cách rất đặc trưng của thầy.

GS.TS.NGƯT Phùng Hữu Phú là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN (1995-1999). Cùng với tập thể Đảng ủy và Ban Giám hiệu, ông sớm hoạch định và dành trọn tâm sức thực hiện phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển Trường ĐHKHXH&NV thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của cả nước với những bước đi chắc chắn nhưng không kém phần năng động, đột phá. 

Dường như là một mối duyên nợ với quê hương, gia đình mà ngay từ đầu, Phùng Hữu Phú đã chọn lịch sử hiện đại Việt Nam, lịch sử cách mạng Việt Nam và nhất là lịch sử đội ngũ và phong trào công nhân làm hướng nghiên cứu chuyên sâu thứ nhất của mình. Cùng với học trò và đồng nghiệp, ông tiến hành nhiều đợt khảo sát về đội ngũ công nhân Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Chính từ góc nhìn hiện đại, nghiên cứu của ông cũng bổ sung một số luận điểm có tính lý luận đối với nghiên cứu lịch sử phong trào công nhân thời cận đại. Hơn nữa, trong khi nghiên cứu về đội ngũ và phong trào công nhân, Phùng Hữu Phú luôn luôn đặt nó trong mối liên hệ máu thịt với giai cấp nông dân và trong bối cảnh chung của phong trào yêu nước, cách mạng Việt Nam. Đó chính là cơ sở ban đầu, rất quan trọng để ông nâng cao và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành lịch sử - chủ nghĩa xã hội khoa học vào năm 1983 tại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp danh tiếng.  

Trở về nước, Phùng Hữu Phú lại tiếp tục sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu lịch sử tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Xuất phát từ yêu cầu khách quan của nền sử học Việt Nam và nhất là của thực tiễn cách mạng, ông lại đi tiên phong trong việc mở ra những nghiên cứu liên ngành về những biến đổi kinh tế - xã hội đang diễn ra với nhiều vấn đề nan giải ở cả miền Bắc và miền Nam. Cùng với học trò và đồng nghiệp ở các cơ quan nghiên cứu khác nhau, ông lại lăn lộn trong nhiều đợt khảo sát thực tế ở các trung tâm công nghiệp, các vùng nông thôn, kể cả vùng nông thôn miền Trung và Nam Bộ. Trên cơ sở đó, ông góp phần cùng với các cơ quan nghiên cứu và lý luận ở Trung ương kịp thời đánh giá, tổng kết, xây dựng luận cứ khoa học cho những quyết sách kịp thời của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là việc tổng kết hợp tác hóa nông nghiệp phục vụ cho Đại hội VII của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cũng trong bối cảnh của công cuộc đổi mới được khởi đầu từ Đại hội VI của Đảng, Phùng Hữu Phú đã sớm quan tâm đi sâu nghiên cứu một loạt vấn đề về hệ thống chính trị Việt Nam hiện đại và về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, khi nghiên cứu về nhà nước cách mạng Việt Nam, ông luôn luôn xem xét nó trong xu thế phát triển và đặt nó trong mối liên hệ hữu cơ với những thiết chế chính trị - xã hội khác, nhất là với các cơ quan dân cử và với mặt trận dân tộc thống nhất. Khi nghiên cứu về cuộc đời và tư tưởng Hồ Chí Minh, ông là một trong những người đầu tiên đã đặt vấn đề tìm hiểu sâu sắc những luận điểm của Người về đảng cầm quyền, về tư tưởng và chiến lược đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, về mối quan hệ giữa quyền uy chính trị và đạo đức cách mạng. Những khảo sát thực tế, những khám phá trong nghiên cứu như thế đã sớm khẳng định trên thực tế uy tín học thuật của Phùng Hữu Phú như là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam hiện đại, ngay từ khi ông còn khá trẻ. Cho đến nay, GS.TS. Phùng Hữu Phú đã công bố hơn 130 công trình khoa học, trong đó, có nhiều chuyên khảo và công trình đồ sộ do ông chủ biên được giới học giả trong và ngoài nước đánh giá cao, như các công trình về Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh, về Mặt trận dân tộc thống nhất, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội, về Liên minh công – nông, Bí quyết thành công Hồ Chí Minh,… Ông chủ trì chương trình nghiên cứu khoa học liên ngành cấp Nhà nước về Thăng Long – Hà Nội, về định hướng phát triển văn hóa-sức mạnh nội sinh của dân tộc trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, về xây dựng Đảng,..., đồng thời vẫn sát sao chỉ đạo xây dựng và phát triển ngành Khoa học chính trị hiện đại tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Là một nhà khoa học có uy tín lớn ở trong nước, Phùng Hữu Phú còn được giới học giả nước ngoài biết đến rộng rãi và đánh giá cao. Sau nhiều năm về nước công tác, ông vẫn giữ quan hệ và trân trọng những tình cảm tốt đẹp với những đồng nghiệp, bạn bè ở Nga. Năm 1990, ông được mời tham dự Hội thảo khoa học quốc tế ở Trường Đại học Tổng hợp Passau (CHLB Đức) nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc – danh nhân văn hóa thế giới. Cho đến lúc đó, đây là hội thảo quốc tế lớn nhất về Hồ Chí Minh được tổ chức ở phương Tây. Phùng Hữu Phú đã có vinh dự được thay mặt đoàn đại biểu các nhà khoa học Việt Nam nổi hồi trống khai mạc Hội thảo. Bài tham luận của ông mang tên “Tư tưởng Hồ Chí Minh về liên minh công nông trong cách mạng Việt Nam” được nhiều nhà khoa học quốc tế quan tâm, đánh giá tốt. Sau đó, trên các cương vị công tác khác nhau, ông có nhiều dịp cùng làm việc với các nhà khoa học đến từ nhiều nước với những quan điểm học thuật, chính trị và văn hóa khác nhau. Thái độ thiện chí, cởi mở, nghiêm túc và tầm cao học thuật của ông luôn là cơ sở, là nhịp cầu đối thoại tin cậy giữa ông và nhiều nhà khoa học nước ngoài. Có những nhà khoa học lớn ở Mỹ, Canada, Cuba, Đức, Pháp, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đã coi ông như một người bạn thân thiết, tin cậy.

Là nhà giáo, nhà khoa học xuất sắc, nhưng Phùng Hữu Phú còn là một nhà quản lý, nhà lãnh đạo tài năng. Những ai ở gần ông từ “thuở hàn vi” đều có thể chứng thực rằng ông không ham muốn, không dự định dấn thân vào nghiệp quản lý, lãnh đạo. Ông muốn dành tất cả thời gian, trí tuệ và tâm huyết cho nghề dạy học, cho học trò và cho các công trình nghiên cứu, những khám phá học thuật. Nhưng chính vì tâm huyết với nghề làm thầy và với nghiệp sử học mà ông đã bước vào công tác quản lý từ khá sớm một cách tự nhiên. Là người chân thật, cởi mở, hòa đồng, giàu nhiệt huyết, ông tham gia công tác Đoàn, được bầu làm Bí thư Liên chi đoàn Khoa Lịch sử. Sau khi đi nghiên cứu sinh ở Liên Xô về nước, ông được cử làm Phó Chủ nhiệm, rồi làm Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Việt Nam cận hiện đại. Rồi cũng do uy tín chuyên môn và tâm huyết với nghề nghiệp, ông được cử làm Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1985) rồi Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1990). Phùng Hữu Phú đã khởi đầu sự nghiệp quản lý lãnh đạo từ chuyên môn, bằng chuyên môn và ở một cơ sở giảng dạy và nghiên cứu khoa học như vậy.

Năm 1992, Phùng Hữu Phú được bầu làm Bí thư Đảng ủy, được cử kiêm giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông tham gia quản lý, lãnh đạo Nhà trường đúng vào thời điểm ngôi trường danh tiếng này đang trải qua một thời kỳ khủng hoảng nội bộ. Lúc đó, cán bộ, giáo viên và sinh viên không ít người có tâm trạng thất vọng, thiếu tin tưởng, bức xúc. Trên cương vị Bí thư Đảng ủy, với uy tín chuyên môn cao, phong cách dân chủ, chân tình, cởi mở, cùng với GS.TSKH. Đào Trọng Thi – Hiệu trưởng và tập thể ban lãnh đạo mới, GS.TS. Phùng Hữu Phú đã góp phần quan trọng vào việc khẩn trương khôi phục khối đoàn kết, ổn định và đưa Nhà trường tiếp tục tiến lên.

GS.TS Phùng Hữu Phú từng giữ nhiều trọng trách quan trọng: Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội (2001-2006); Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX, X) (2001-2010); Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (2006-2011); Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương (2011-nay)

Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ký nghị định thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm tạo ra một trung tâm đào tạo và nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, có sứ mệnh như đầu tàu tạo đà cho những chuyển biến đột phá về chất lượng của hệ thống các trường đại học Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong bối cảnh đẩy nhanh công cuộc hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy vậy, không phải ngay từ lúc đầu, chủ trương này đã được dư luận xã hội, các cơ quan hữu quan và ngay cả một bộ phận không nhỏ của cán bộ, đảng viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và các trường thành viên trước đây thấu hiểu và ủng hộ. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS. Phùng Hữu Phú đã đem hết tài năng và nhiệt tình của mình góp phần vào việc xây dựng và củng cố ĐHQGHN ngay từ những ngày đầu tiên, đặc biệt là xây dựng khối đoàn kết, nhất trí cao trong đảng bộ và tập thể lãnh đạo.

Năm 1995, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQGHN được thành lập và GS.TS. Phùng Hữu Phú được cử làm Hiệu trưởng đầu tiên. Cùng với tập thể Đảng ủy và Ban giám hiệu, ông sớm hoạch định và dành trọn tâm sức thực hiện phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của cả nước với những bước đi chắc chắn nhưng không kém phần năng động, đột phá. Ông đã cổ vũ, phát huy tâm huyết, trí tuệ của tập thể lãnh đạo và cán bộ, nhân viên, sinh viên toàn trường trong những năm đầu khởi nghiệp, xây đắp nền móng của truyền thống dân chủ, sáng tạo, nhân văn. Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày càng trở nên vững mạnh, kế tục xứng đáng truyền thống vẻ vang của Trường Đại học Văn Khoa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và thực sự trở thành một trường đại học thành viên tiên tiến xuất sắc của ĐHQGHN. Trường đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quí khác. Với tư cách là Hiệu trưởng đầu tiên, GS.TS. Phùng Hữu Phú thực sự đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của cán bộ, giáo viên và sinh viên của Nhà trường.

Trong thời gian làm Bí thư Đảng ủy ĐHQGHN, kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, GS.TS. Phùng Hữu Phú còn được Đảng bộ thành phố Hà Nội tin tưởng, tín nhiệm trao cho nhiều công tác quan trọng. Năm 1998, ông được Thành ủy Hà Nội cử giữ chức Trưởng ban Tuyên giáo, kiêm Trưởng ban Đại học. Từ năm 2001, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) và được cử giữ chức Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố. Cương vị và công tác lãnh đạo của ông ở Thành ủy và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội cũng vẫn gắn chặt với “sân” chuyên môn mà ông say mê học tập và nghiên cứu cả đời. Hơn nữa, ông lại là một cán bộ lãnh đạo luôn luôn lăn lộn với thực tiễn, luôn chú ý, nghiêm túc lắng nghe và học hỏi nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp. Vì vậy, mỗi ý kiến, mỗi việc ông làm, từng bài phát biểu của ông đều giàu tính trí tuệ, nhân văn, vững vàng, sâu sắc mà vẫn dung dị, rất đời thường. Cán bộ, đảng viên và nhân dân thủ đô Hà Nội rất tin tưởng, quý mến ông vì những “tố chất” đó và vì thấy rõ ông là người cán bộ tận tụy, gần gũi hết lòng với công việc, luôn có ý thức đầy đủ phải cố gắng hết mình để góp phần xây dựng Hà Nội trở thành một thủ đô hiện đại, văn minh. 

Tháng 4 năm 2006, ông tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Tháng 9 năm 2006, theo yêu cầu của công việc, Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị điều động ông về nhận công tác tại Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) với nhiệm vụ Phó Trưởng Ban Thường trực. Tháng 4.2011, Bộ Chính trị điều động ông về làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương. Trong gần một thập niên gần đây, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, với lợi thế vừa có phông kiến thức rộng tích lũy từ trường đại học, từ quá trình nghiên cứu sâu các vấn đề lý luận và với vốn thực tiễn phong phú tích lũy trong gần chín năm hoạt động ở Thủ đô Hà Nội. Ông đã thực hiện thành công công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội và tham gia vào việc xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng; một số nghị quyết quan trọng của Trung ương liên quan đến lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, lý luận,… Có chứng kiến những tình cảm nồng hậu và sự trân trọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân ở các địa phương, cơ sở đối với ông trong hàng trăm cuộc nói chuyện về những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... của đất nước và các chuyên đề lý luận mới cảm nhận đầy đủ sức thu hút và thuyết phục của ông. Những bài viết, bài nói của ông có hàm lượng khoa học, hàm lượng trí tuệ cao, có hơi thở đời sống và đầy ắp tinh thần trách nhiệm cùng tâm huyết với đất nước, nhân dân đã góp phần gợi mở, giải quyết những vấn đề bức xúc trong thực tiễn, hướng vào những vấn đề mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm. Là người lãnh đạo, điều hành trực tiếp Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật Trung ương khóa X, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương khóa X, XI,... ông được đánh giá là người làm công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức sắc sảo, chắc tay, người đã góp phần quan trọng vào việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu, tư vấn tư tưởng, văn hóa, lý luận, khoa học của Đảng. Điểm nổi bật trong phong cách lãnh đạo của ông là luôn trân trọng lắng nghe ý kiến của cán bộ; chú trọng xây dựng môi trường dân chủ, nhân văn, đoàn kết và phương thức làm việc có kế hoạch, kỷ cương, nền nếp. Ông cũng là người luôn bám sát đời sống thực tiễn, xây dựng quan hệ cộng tác gần gũi, thân thiết, gắn bó cùng cơ sở. Khi được hỏi về ấn tượng sâu sắc trong những ngày làm công tác tuyên giáo, ông đã mỉm cười nói ngay rằngTình cảm tốt đẹp, nồng hậu của anh em, bạn bè trên cả nước; sự mến phục, tin tưởng của cơ sở là nguồn động viên lớn nhất, là món nợ ân tình suốt đời phải đền đáp. Và niềm vui, hạnh phúc chính là được đóng góp một phần công sức dù là nhỏ bé và cụ thể, thiết thực vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng, của Dân tộc”.

Do yêu cầu của tổ chức, từ khi ra trường đến nay, GS.TS. Phùng Hữu Phú đã đảm nhiệm nhiều công việc, cương vị khác nhau. Nhưng một điều thật đặc biệt, là sự thủy chung 45 năm chưa bao giờ rời xa môi trường đại học của ông. Đồng thời với việc góp phần xây dựng ngành sử học, ông đã dành niềm đam mê, tâm huyết và những đóng góp tích cực xây dựng ngành Khoa học Chính trị. Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý – Bí thư Đảng ủy Đại học Tổng hợp khi đó, có ý tưởng xây Viện Khoa học chính trị tại trường. Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, lúc này đang là Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử đã ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng này. Đến đầu những năm 90,  khi giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã dành thời gian, tâm huyết cùng một số thầy cô giáo trực tiếp bắt tay xây dựng ngành Khoa học Chính trị, bắt đầu thể nghiệm ở Trung tâm Bồi dưỡng cán  bộ giảng dạy lý luận Mác-Lênin của Trường. Đây chính là tiền đề quan trọng để năm 1995, Bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Khoa học Chính trị, nay là Khoa Khoa học Chính trị được thành lập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Là người sáng lập và trực tiếp là Chủ nhiệm Bộ môn trực thuộc trường, Chủ nhiệm Khoa, ông đã sớm thiết kế các mối quan hệ quốc tế với Đại học Toronto (Canada), Đại học Oregon, Đại học Connecticut (Mỹ), Đại học Toulouse I (Pháp),... để giúp đào tạo cán bộ, xây dựng hệ thống dữ liệu, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm,… với ý tưởng là phải xây dựng một ngành Khoa học Chính trị theo đúng nghĩa, vừa có bản sắc khoa học chính trị Việt Nam, vừa tiếp cận và tiếp thu một cách chọn lọc thành tựu nghiên cứu và giảng dạy khoa học chính trị của thế giới, nhất là các nước tiên tiến. Ông đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ chuyên sâu về lĩnh vực mới mẻ này. Khoa đã trở thành cơ sở đầu tiên đào tạo Chính trị học ở bậc đại học trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng của cả nước. Khoa bắt đầu đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ chuyên ngành Chính trị học và Hồ Chí Minh học từ năm học 2005-2006 và đào tạo đại học ngành Chính trị học từ năm học 2008-2009 với hàng trăm sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp.

Dù hoạt động ở lĩnh vực nào, cương vị nào, ông cũng luôn làm việc với tư cách  một nhà khoa học. Trong ông, nhà giáo, nhà khoa học, người cán bộ Đảng mẫu mực  và con người bình dị, yêu đời, sống, làm việc hết mình  luôn luôn hòa quyện nhuần nhuyễn để tạo nên nhân cách một người thầy, một nhà lãnh đạo có tâm và có tầm 

Khoa Khoa học Chính trị đã có những phát triển vượt bậc trong những năm qua, về đội ngũ cán bộ, về số lượng và chất lượng đào tạo, nhưng GS.TS. Phùng Hữu Phú vẫn cho rằng, thời gian qua là giai đoạn “xây nền đắp móng”, chuẩn bị những tiền đề cần thiết cho sự phát triển nhảy vọt trong 5-10 năm tới. Ông vẫn đau đáu một niềm mong mỏi, Khoa sẽ phát triển hơn nữa với một kết cấu chuyên môn hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời tương ứng với cơ cấu đào tạo của thế giới; từng bước khẩn trương hoàn thành một hệ thống giáo trình chuẩn mực để có thể đào tạo Khoa học Chính trị trên cả nước; đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có phẩm chất, có năng lực, có trình độ cao theo hướng chuyên gia sâu về các lĩnh vực: Chính trị Việt Nam, Chính trị Quốc tế, Lý thuyết Chính trị, Hồ Chí Minh học,… trên cơ sở tích hợp được và phát huy được tri thức tổng hợp, bản sắc riêng, nổi trội ở một trường đại học khoa học xã hội và nhân văn đầu ngành của cả nước; đào tạo ra được các thế hệ sinh viên vừa hồng, vừa chuyên, đủ năng lực, đủ phẩm chất để trở thành các cán bộ tư tưởng, cán bộ thực tiễn,… trong lĩnh vực chính trị, để góp phần xây dựng đất nước nói chung, phát triển ngành Khoa học Chính trị nói riêng.

Đã 45 năm gắn bó với Trường Đại học Tổng hợp, nay là Trường Đại học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, ông tâm sự: “Niềm hạnh phúc nhất là nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành. Đi đâu cũng có học trò cũ. Nhiều học trò nay đã là giáo sư, là lãnh đạo cấp cao,… nhưng tình cảm thầy trò vẫn luôn ấm áp. Trong hơn 40 thế hệ học trò của ông, nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo xuất sắc, nhiều nhà khoa học tài năng, nhưng như lời tâm sự của một người học trò: Thầy Phú mạng Tích Lịch Hỏa (lửa sấm sét), nhưng dáng vóc ông in đậm vào tâm trí học trò vừa  đường bệ, oai nghiêm, sừng sững như một trái núi, vừa giản dị, thân thiết và rất đời thường. Học trò theo ông lúc nào cũng thấy ông gần gũi như ở ngay trước mặt. Nhưng đỉnh núi thì mãi cao vời vợi đến trời xanh khát vọng”. Tiếp xúc với ông, không khó để nhận ra, dù hoạt động ở lĩnh vực nào, cương vị nào, ông cũng luôn làm việc với tư cách  một nhà khoa học. Làm chính trị là khoa học, tuyên giáo là khoa học, lãnh đạo, quản lý cũng phải là khoa học. Ông khiêm tốn tự nhận rằng, nếu có thể làm được điều gì đó, có một chút đóng góp nào đó, là bởi luôn sống, hành động hết mình, tận tụy và trách nhiệm bằng tư duy khoa học, phương pháp khoa học. Với ông, làm chính trị nhưng là chính trị khoa học, làm khoa học  với ý thức chính trị sâu sắc, bản lĩnh chính trị vững vàng. Điều ông luôn gìn giữ, điều tạo thành nhân cách và phong cách của ông là trong sáng về tư tưởng, thanh thản trong đời sống, không bon chen, vướng bận trong vòng danh lợi. Với triết lý nhân sinh ấy, dù bộn bề công việc, lúc nào ông cũng đàng hoàng, ung dung, tự tại, vui vẻ, lạc quan. Trong ông, nhà giáo, nhà khoa học, người cán bộ Đảng mẫu mực  và con người bình dị, yêu đời, sống, làm việc hết mình  luôn luôn hòa quyện nhuần nhuyễn để tạo nên nhân cách một người thầy, một nhà lãnh đạo có tâm và có tầm.

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ, NHÀ GIÁO ƯU TÚ PHÙNG HỮU PHÚ

  • Năm sinh: 1948.                              
  • Quê quán: Nam Định.
  • Tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970.
  • Nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Chủ nghĩa Cộng sản khoa học tại Đại học Lomonoxop (Liên Xô) năm 1983.
  • Được công nhận chức danh Giáo sư năm 2001.
  • Được nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 1997.
  • Thời gian công tác tại Trường: 1970 đến nay.

            + Đơn vị công tác:

            Khoa Lịch sử.

            Khoa Khoa học Chính trị.

            + Chức vụ quản lý:

Phó Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1985-1990)

Chủ nhiệm Khoa Lịch sử (1990-1992)

Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1992-1995)

Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (1995-1999)

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội (1998-2001)

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố (2001-2006)

Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX, X) (2001-2010)

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương (2006-2011).

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương (2011-nay)

Chủ nhiệm Bộ môn Chính trị Việt Nam, Chủ nhiệm Khoa Khoa học Chính trị, Trường ĐHKHXH&NV (2011-nay)

  • Các hướng nghiên cứu chính: Chính trị học; Hồ Chí Minh học; Lịch sử chính trị; Lịch sử cận, hiện đại; Chủ nghĩa xã hội khoa học.
  • Các công trình khoa học tiêu biểu:

Chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh (Đồng chủ biên), Nxb. Chính trị Quốc gia, 1996.

Hồ Chí Minh với phật giáo Việt Nam: 1945-1969 (Chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, 1997.

Phát huy tiềm lực tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử, văn hóa, phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (Chủ biên), Nxb. Hà Nội, 2010.

Bí quyết thành công Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, 2010.

Văn hóa - Sức mạnh nội sinh của phát triển (Đồng chủ biên), Nxb. Chính trị quốc gia, 2014.

 

Tác giả: GS.TS Phạm Hồng Tung, NCS Nguyễn Thị Thuý Hằng

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây