Ngôn ngữ
GS.TS Phạm Quang Minh
Chúng ta phải chú ý đến thông tin đối ngoại nhiều hơn nữa
Xin được hỏi giáo sư, cơ duyên nào đưa ông đến với những công trình nghiên cứu chính sách đối ngoại cũng như Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại năm nay?
GS.TS Phạm Quang Minh: Tôi học cử nhân Lịch sử thế giới ở Liên Xô cũ, rồi học cao học và Tiến sỹ ngành Đông Nam Á học và Khoa học chính trị ở CHLB Đức. Về giải thưởng này thì đây là lần đầu tiên tôi tham dự. Đó cũng là một cơ duyên nữa khi mà NXB Thế giới - nơi mà tôi thường xuyên xuất bản công trình khoa học của mình- đã lựa chọn công trình đó để giới thiệu và may mắn được Ban tổ chức đánh giá cao. Theo tôi, đây là công trình có cách tiếp cận liên ngành lịch sử và khoa học chính trị. Như đã nói, nghiên cứu chính sách đối ngoại của Việt Nam không thể thiếu phương pháp lịch sử và khoa học chính trị. Cuốn sách đặt ra những câu hỏi như nguyên nhân nào dẫn đến công cuộc đổi mới, những yếu tố nào tác động đến sự thay đổi này, những nội dung mới trong chính sách đối ngoại là gì, có tác động thế nào và triển vọng chính sách đối ngoại đổi mới của Việt Nam trong tương lai sẽ ra sao.
Có thể thấy rằng, thông qua hoạt động thông tin đối ngoại, thế giới đã biết về Việt Nam nhiều hơn, Việt Nam cũng biết về thế giới nhiều hơn. Là một người nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này, ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực không ngừng của chúng ta, thời gian qua?
GS.TS Phạm Quang Minh: Nếu đánh giá một cách khách quan thì trong thời gian vừa qua ta đã làm được nhiều việc. Một trong những thước đo rõ nhất là trong cuộc bầu cử vào vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vừa qua Việt Nam đã trúng cử với kết quả gần như tuyệt đối. Đây là thành quả từ quyết tâm rất lớn của chúng ta, thành quả từ quá trình 10 năm quyết liệt vận động để Việt Nam có thể là ứng viên duy nhất của nhóm Châu Á - Thái Bình Dương tranh cử và trúng cử. Góp phần không nhỏ vào kết quả này, chính là ở công tác thông tin đối ngoại của chúng ta.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch từng nói: “Với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh và một nền ngoại giao rộng mở thì Việt Nam có thể bảo vệ được độc lập, chủ quyền” thực sự luôn đúng. Cho nên, hơn lúc nào hết, nhất là thời buổi hiện nay, thời đại của công nghệ thông tin khi mà mạng xã hội đóng vai trò quan trọng thì chúng ta phải chú ý đến thông tin đối ngoại nhiều hơn nữa.
Thông tin vấn đề một cách đa chiều, tránh tình trạng áp đặt
Rõ ràng trong thời đại hiện nay phấn đấu để có được những tác phẩm tốt trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, chắc chắc không chỉ thông tin nhanh, kịp thời, chính xác, thưa ông?
GS.TS Phạm Quang Minh: Đúng vậy, bên cạnh thông tin nhanh, kịp thời, chính xác thì trách nhiệm xã hội cũng rất quan trọng. Tức là anh phải có trách nhiệm với những vấn đề lớn và quan trọng của thời đại cũng như của đất nước.
Thứ hai là anh phải nhìn nhận vấn đề, thông tin vấn đề một cách đa chiều, tránh tình trạng áp đặt. Tôi nghĩ thông tin đối ngoại phải làm được như vậy vì chúng ta làm sao biết được suy nghĩ và quyết định được suy nghĩ của 7 tỷ người. Tôi nghĩ là không hay, không nên và không bao giờ đạt được mục đích nếu chúng ta chỉ đưa ra một ý kiến, một quan điểm về một sự kiện nào đó. Nhìn chung, người viết bài phải cung cấp cho độc giả cách nhìn đa chiều còn quyết định ở đâu là do người đọc, chứ chúng ta không thể áp đặt ý kiến của mình đối với độc giả và cứ tin mình là đúng. Nên nhớ người đọc rất thông minh, đừng nghĩ thay và đưa ra quyết định thay cho họ. Họ biết cả đấy, họ chỉ ủng hộ người làm báo khi đưa ra ý kiến đa chiều.
Cũng đừng sợ rằng nếu chúng ta đưa ra nhiều quan điểm, nhiều cách tiếp cận thì độc giả lại nghĩ là chúng ta không có chính kiến, hay không có khả năng. Người đời phát xét rất công bằng. Rất cần một môi trường minh bạch, nhân văn và xây dựng. Tôi tin là các tác phẩm báo chí nói về tiếng nói của con người theo nghĩa chân chính luôn luôn dành được sự quan tâm và chú ý của độc giả vì những giá trị nhân văn của nó. Mà đã là giá trị nhân văn thì nó xuyên thời gian và xuyên quốc gia.
Nhưng nói thật là, để có những cái nhìn đa chiều trong một lĩnh vực không dễ như "thông tin đối ngoại" thì hẳn những người làm báo phải nỗ lực rất lớn mới có thể làm "tròn vai" trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
GS.TS Phạm Quang Minh: Dĩ nhiên, làm được điều đó, tôi nghĩ các nhà báo cần phải được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện từng ngày. Có thể nói bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập thì nhà báo cũng phải đổi mới và hội nhập. Theo tôi, người làm báo thông tin đối ngoại phải như chiếc cầu vững chắc để kết nối Việt Nam với thế giới và ngược lại. Do vậy, tôi mong muốn các nhà báo được trang bị nhiều tri thức. Chúng ta đang sống trong thời đại tri thức, cách mạng 4.0 là tri thức nên chúng ta không thể không biết. Trong một thế giới toàn cầu hóa thì khả năng có thể giao tiếp với các nền văn hóa, văn minh khác nhau trong khu vực và thế giới là vô cùng quan trọng. Đối thoại, chia sẻ, giao lưu đã trở thành nhu cầu sống còn của thế giới nhất là các nhà báo bởi đặc trưng của thông tin là không ngừng chuyển động. Trong thế giới này không có chỗ cho sự đứng im, ngưng chảy và biệt lập.
Vâng, xin trân trọng cám ơn giáo sư.
Theo Congluan
Tác giả: Ngô Khiêm (thực hiện)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn