Ngôn ngữ
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
- Sự phát triển của công nghệ truyền thông đã thay đổi phương thức làm báo, trong đó mạng xã hội đang là thách thức đối với báo chí. Điều này đồng nghĩa với việc các trường có ngành Báo chí cũng phải thay đổi phương thức đào tạo. PGS có bình luận gì về nhận định này?
- PGS Hoàng Anh Tuấn: Theo quan điểm của tôi, đối mặt với các phương tiện truyền thông mới như mạng xã hội, chúng ta càng cần phải quay về với bản chất chính thống và uy tín của thông tin báo chí. Bởi vậy, xét trên một góc độ nào đó, chúng ta cần củng cố và tăng cường triết lý đào tạo ngành Báo chí. Đó là sự kết hợp giữa đào tạo nền tảng kiến thức xã hội vững chắc, đào tạo đa loại hình báo chí với sự rộng mở về nghiệp vụ truyền thông. Qua đó sinh viên ngành Báo chí ra trường có thể tác nghiệp trên nhiều loại hình báo chí và truyền thông khác nhau, với chất lượng nội dung tốt.
Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) luôn có sự thay đổi, ngay cả khi chưa có sự thách thức của thời đại mới. Điển hình gần đây, chúng tôi vừa mới giao nhiệm vụ đào tạo Chương trình cử nhân chất lượng cao cho Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, tuyển sinh trong tháng 6/2019.
Hàng năm, từ 10 - 20% các môn học trong khung chương trình có sự điều chỉnh để phù hợp với sự vận động của đời sống xã hội và nhu cầu của các cơ quan báo chí. Thậm chí, nhà trường đã góp ý và phê duyệt nhiều bộ môn mới trong Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông như: Truyền thông đa phương tiện, Quản trị truyền thông…
- Thực tế, đào tạo trong nhà trường với thực tiễn vẫn còn là khoảng cách. Đó cũng là lý do nhiều tòa soạn ngại tuyển dụng sinh viên mới ra trường và họ thường ưu tiên người đã có kinh nghiệm làm báo. Liệu điều này có phải là bài toán cho các trường đào tạo ngành Báo chí nói chung và Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng, thưa PGS?
- PGS Hoàng Anh Tuấn: Tôi cho rằng quan điểm này không cập nhật và không đầy đủ. Hiện nay, bên cạnh đào tạo lý thuyết, sinh viên có nhiều hoạt động thực hành, thực tiễn ngay từ những năm đầu tiên. Từ năm thứ 2, nhiều sinh viên vừa đi học vừa tham gia cộng tác ở các đơn vị báo chí và truyền thông. Vấn đề kinh nghiệm thì tất nhiên sau một thời gian hoạt động thực tiễn sinh viên mới có thể tích luỹ được.
Ở một góc nhìn khác, nhiều cơ quan báo chí như: Đài Truyền hình VTV (kênh VTV3), VTC (VTC Now), báo điện tử Zing.vn, tạp chí Thời trang trẻ… lại nhắm đến đối tượng tuyển dụng là sinh viên cho các phương thức sản xuất mới trên đa nền tảng như: Internet, di động, với quan điểm “rất cần sự trẻ trung, sáng tạo và đa dạng của các phóng viên trẻ”. Thời gian qua, chúng tôi thậm chí không có đủ sinh viên báo chí vừa tốt nghiệp để giới thiệu cho các đơn vị trên.
Nói như vậy, không phải nhà trường đã hài lòng về thực tiễn việc làm của sinh viên báo chí, đặc biệt trong bối cảnh quy hoạch hệ thống báo chí ở nước ta hiện nay. Tới đây, chúng tôi sẽ cùng với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu để hướng đến đào tạo các nhà báo tương lai có thể tác nghiệp trong môi trường báo chí nước ngoài.
- Thời gian qua, có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” trong làng báo khiến dư luận không khỏi bức xúc. Nhiều người đặt câu hỏi trở lại rằng, vậy vấn đề đạo đức báo chí được các trường GD-ĐT như thế nào?
- PGS Hoàng Anh Tuấn: Chúng tôi cho rằng, báo chí là loại hình hoạt động có sự tác động đến đông đảo công chúng, cho nên vấn đề đạo đức trong công tác báo chí luôn cần được đề cao. Vì vậy, từ trước đến nay, các môn học trong khung chương trình đào tạo có thể thay đổi nhưng ngoại trừ môn học về pháp luật và đạo đức báo chí.
Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo sinh viên qua các môn học, nhà trường luôn lưu tâm các giảng viên việc truyền tải nội dung về đạo đức báo chí. Các nhà báo, nhà quản lý báo chí được mời tham gia công tác giảng dạy cũng mang đến nhiều bài học sinh động, thực tế về cái tâm, cái tầm của người làm báo. Tuy nhiên, đây là quá trình cần được duy trì và bồi đắp, các đơn vị báo chí cũng cần tiếp tục trau dồi thường xuyên vấn đề này với đội ngũ của mình.
- Nhiều năm nay, báo chí trở thành ngành “hot” nên thu hút khá đông học sinh đăng ký xét tuyển. PGS có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ có nguyện vọng vào ngành Báo?
- PGS Hoàng Anh Tuấn: Chúng ta cần nhận định rõ, “hot” vì tốt nghiệp ra trường, sinh viên không chỉ tác nghiệp trong bốn loại hình báo chí mà các em còn có thể làm việc ở các đơn vị truyền thông, cơ quan, bộ ngành. Tuy nhiên, để theo học báo chí, người học cần có sự đam mê đặc biệt, vì riêng học tập kiến thức đã đòi hỏi sự nỗ lực hơn nhiều ngành học khác. Ngoài ra, người học cần có thêm các kỹ năng bổ trợ, nhất là ngoại ngữ, đồng thời phải chủ động tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn rất sớm.
- Xin cảm ơn PGS!
Theo Giáo dục và Thời đại
Tác giả: Sỹ Đan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn