Hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo: “Vượt qua rào cản về nhận thức”

Thứ ba - 13/09/2016 12:27
Kiểm định chất lượng đào tạo (đơn vị đào tạo và chương trình đào tạo) là một yêu cầu cấp thiết trong quá trình hợp tác quốc tế và là một nhiệm vụ quan trọng mà Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã đặt ra cho các đơn vị thành viên. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã tiến hành kiểm định lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2006 và được Bộ GD&ĐT công nhận là 1 trong 20 trường đại học đầu tiên đạt chuẩn quốc gia. Năm 2012, Nhà trường đạt Chứng chỉ kiểm định chất lượng do Giám đốc ĐHQGHN cấp (với 60/61 tiêu chí đạt chuẩn). Cùng với đó là ngày càng nhiều chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Cho đến nay, hoạt động kiểm định chất lượng là một trong những chương trình hành động trọng tâm, thúc đẩy quá trình phát triển của Nhà trường. Tuy nhiên, nhìn lại 10 năm chặng đường hoạt động kiểm định chất lượng, có thể thấy rằng đó là một chặng đường không bằng phẳng. Cũng như khi nhìn về phía trước, chặng đường ấy tiếp tục cần sự hợp lực tổng hòa các điều kiện chủ quan và khách quan, để song hành cùng với xu hướng phát triển chung của giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Ban biên tập website Trường ĐHKHXH&NV có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, phụ trách hoạt động kiểm định chất lượng của Nhà trường.
Hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo: “Vượt qua rào cản về nhận thức”
Hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo: “Vượt qua rào cản về nhận thức”

Tin bài liên quan:

Một số kết quả nổi bật về hoạt động kiểm định chất lượng của Nhà trường

PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, phụ trách mảng tài chính, hành chính, quản trị cơ sở vật chất và đảm bảo chất lượng 

1. Khó khăn lớn nhất là vấn đề nhận thức

- Thưa PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, những yếu tố khách quan và chủ quan nào đã thúc đẩy hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo của Nhà trường ngay từ khi mới triển khai?

Việc Nhà trường xây dựng chương trình kiểm định chất lượng trong chiến lược phát triển chung xuất phát từ hai phía: Một là từ bối cảnh bên ngoài, từ xu thế chung của quốc tế và trong nước; hai là từ chính yêu cầu tự thân của Nhà trường. Trên thế giới, tại các nước phát triển, các chương trình đào tạo, các trường đại học chất lượng phải được kiểm định, công nhận trên các bảng xếp hạng uy tín. Tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay cũng đã thấy được vai trò và ngày càng nâng cao tầm quan trọng của công tác kiểm định trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường.

Thực ra, thời kỳ các trường đại học tại Việt Nam mới bắt đầu triển khai hoạt động kiểm định chất lượng, nhiều người còn chưa hiểu những mục đích sâu xa nhất của công tác kiểm định chất lượng chính là để đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo trong một cơ sở đào tạo.  Đấy là điều quan trọng nhất. Mấu chốt của sự phát triển là chất lượng ngày càng được nâng cao. Những quan điểm phát triển nóng, nhanh, “ăn xổi ở thì” không thể phù hợp trong thời đại này. Những gì không có chất lượng, không được duy trì và nâng tầm chất lượng sẽ bị xã hội đào thải. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học giàu truyền thống. Uy tín, danh tiếng của chúng ta, truyền thống và những thành tích mà các thế hệ đi trước để lại, chúng ta phải gìn giữ và phát huy bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động của Nhà trường.

- Khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo là gì?

Nhận thức – đó chính là điều quan trọng đầu tiên và cũng là khó khăn lớn nhất. Từ lãnh đạo Nhà trường, các phòng chức năng, các khoa chuyên môn, cho đến mỗi cán bộ, nhân viên, sinh viên… nếu không nhận thức đúng, đầy đủ và thấy được tầm quan trọng của công tác kiểm định thì sẽ không thể triển khai hoạt động này một cách hiệu quả. Lúc đầu, có nhiều câu hỏi, thắc mắc được đặt ra như: Kiểm định để làm gì? Đang tốt thế sao phải kiểm định? Kiểm định chỉ là hình thức, chạy theo trào lưu …

Nếu nhìn trực diện, kiểm định là việc rà soát, đánh giá xem chúng ta đang ở đâu? chúng ta có điểm mạnh gì? Những điểm còn tồn tại? Cần phải có những kế hoạch, giải pháp khắc phục như thế nào? Không kiểm định sẽ không đảm bảo được các tiêu chuẩn để được công nhận trong các bảng xếp hạng các trường đại học chất lượng của khu vực và thế giới.

Mỗi chương trình đào tạo được đăng ký kiểm định sẽ được Nhà trường và khoa rà soát kỹ lưỡng. Tiêu chí nào còn thiếu, cần điều chỉnh, cần đầu tư… sẽ được quan tâm. Kiểm định cơ sở đào tạo (cấp trường) lại càng cần được quan tâm nhiều hơn. Chúng ta cần phải định chuẩn được rằng chúng ta đang ở đâu và cần phải làm gì để tốt hơn.

Quay trở lại vấn đề nhận thức, nếu chúng ta chỉ coi kiểm định là hình thức thì sẽ chỉ làm cho xong, làm lấy lệ, lại chính là bản thân đã tự làm cho mình tụt hậu.

- Kiểm định chất lượng đào tạo đã tác động tới hoạt động của Nhà trường như thế nào?

Quá trình kiểm định, đảm bảo chất lượng chính là sự vận động của tổng hòa các yếu tố nguồn lực của Nhà trường. Kiểm định một chương trình đào tạo, không phải chỉ có bản thân khoa đang triển khai chương trình đó phải vào cuộc, mà cả một hệ thống: Từ phía lãnh đạo Nhà trường, các phòng chức năng, các đơn vị phối hợp; từ mảng đào tạo, nghiên cứu khoa học, công tác sinh viên cho tới tài chính, cơ sở vật chất…

Chương trình đào tạo được rà soát lại, không phải kiểm tra xem “ dạy những gì?”, mà quan trọng hơn là “dạy như thế nào?”. Phương pháp giảng dạy từ đó được đổi mới. Sinh viên nhiều khoa có kết quả học ngoại ngữ rất tốt, nhưng khi đoàn đánh giá phỏng vấn bằng ngoại ngữ thì lại không giao tiếp được. Đấy là một ví dụ về lối mòn trong phương pháp giảng dạy ngoại ngữ ở Việt Nam, chỉ thiên về ngữ pháp, đọc hiểu và viết.

Công tác lưu trữ là một hạn chế từ trước đến nay, từ cấp trường cho đến cấp khoa. Khi chuẩn bị hồ sơ kiểm định, tài liệu minh chứng rất quan trọng. Điều này đã tác động mạnh đến hoạt động lưu trữ. Vì vậy, toàn bộ hoạt động lưu trữ của Nhà trường và các khoa không thể không điều chỉnh để chặt chẽ hơn, khoa học hơn.

Đặc biệt, khi tổ chức các cuộc phỏng vấn với các đối tượng: Sinh viên, cựu sinh viên, cơ quan sử dụng lao động… chính là việc Nhà trường thu nhận được những đánh giá khách quan, những yêu cầu thiết thực từ phía xã hội. Nếu không lắng nghe xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội thì chúng ta không thể hòa nhập vào sự phát triển chung đó. Từ một ngôi trường giàu truyền thống về các ngành khoa học cơ bản, chúng ta phát triển thêm các ngành khoa học mang tính ứng dụng. Ngay cả trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, dù Nhà trường đã có nhiều thành tích nhưng vẫn cần phải tiếp tục phát huy hơn nữa, đẩy mạnh các đề tài, dự án trọng điểm và các hoạt động tư vấn chính sách, góp phần hơn nữa trong quá trình tổng kết và tư vấn chính sách phát triển địa phương và đất nước  .v.v.

Bên cạnh đó, Nhà trường phải kiểm tra, rà soát lại một cách tổng thể cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị, dịch vụ hỗ trợ đào tạo: từ phòng làm việc, giảng đường, điện nước, máy móc thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, cảnh quan môi trường… để đầu tư, nâng cao chất lượng. Có những điều kiện chúng ta không thể thay đổi được như là diện tích mặt bằng, là kết cấu hạ tầng. Nhưng việc chúng ta cần làm tốt đó là sử dụng hiệu quả, an toàn, tiết kiệm và có ý thức trách nhiệm với môi trường cảnh quan nơi làm việc. Văn hóa công sở được nhấn mạnh để làm sao Trường ĐHKHXH&NV luôn phát huy được bản sắc, truyền thống của mình, vừa là môi trường làm việc, học tập, nghiên cứu năng động, chuyên nghiệp và hội nhập.

Nói tóm lại, sau quá trình tiến hành kiểm định, thực sự có rất nhiều mảng chúng ta đã và sẽ phải tiếp tục cải tổ, điều chỉnh để nâng cao chất lượng.

Phiên khảo sát sơ bộ của hoạt động đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT tại Trường ĐHKHXH&NV năm 2015

2. Hậu kiểm định là thước đo của sự phát triển

Nói về điểm số của của các đợt kiểm định chất lượng. Liệu có phải điểm số cũng là một yếu tố khiến nhiều đơn vị “ngại” khi kiểm định?

Đúng là có tâm lý e ngại điểm số: Kiểm định rồi nếu đạt điểm thấp thì sao? Tại sao chương trình này điểm thấp, chương trình kia điểm cao? Trường này điểm thấp, trường kia điểm cao?...

Không, vấn đề không phải là điểm số. Đấy không phải là cái đích mà chúng ta cần đạt được. Đích của chúng ta là phải xem mình đang như thế nào, mình cần khắc phục những gì để làm cho tốt. Chỉ khi tham gia kiểm định, tiếp cận với các bộ tiêu chuẩn, mình mới thấy được mình đang ở mức nào. Đồng thời, cần phân biệt rõ các bộ tiêu chuẩn hiện nay chúng ta đang áp dụng trong công tác kiểm định (kiểm định trong nước có bộ tiêu chuẩn của ĐHQGHN và bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT; kiểm định quốc tế có bộ tiêu chuẩn AUN – Asean University Network); phân biệt hệ thống phân loại chương trình đào tạo của Nhà trường (hệ chuẩn, hệ chất lượng cao, nhiệm vụ chiến lược - đẳng cấp quốc tế), hay nhìn tương quan  giữa ngành khoa học xã hội và nhân văn với ngành khoa học tự nhiên… để thấy rằng khi so sánh các mức điểm số với nhau chỉ là tương đối. Ví dụ, cùng kiểm định theo bộ tiêu chuẩn AUN, chương trình đào tạo hệ chuẩn của Khoa Đông phương học được đánh giá 4,3/7 điểm, nhưng không thể so sánh với mức điểm 4,57/7 của Khoa Ngôn ngữ học (là chương trình nhiệm vụ chiến lược - đẳng cấp quốc tế, vốn đã được đầu tư rất mạnh).

Năm 2015, Trường ĐHKHXH&NV, cùng với nhiều trường trong hệ thống ĐHQGHN tiến hành đánh giá cơ sở đào tạo theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Trường chúng ta đạt 56/61 tiêu chí, đây được đánh giá là kết quả tốt nhất so với các trường khác trong đợt này. Con số đó cũng là một sự ghi nhận những nỗ lực của Nhà trường trong thời gian qua. Đồng thời, chúng ta cũng phải thừa nhận những tiêu chí chúng ta còn chưa đạt được.

- Vậy sau kiểm định sẽ là gì?

Kiểm định không phải chỉ là để “khám bệnh” xem chúng ta có bệnh gì, quan trọng hơn, đó là đề ra kế hoạch, giải pháp và triển khai “chữa cái bệnh ấy” như thế nào. Cho nên tôi vẫn thường nói, kiểm định đã cần thiết rồi, hậu kiểm định còn quan trọng hơn rất nhiều. Kiểm định cấp trường theo chu kỳ 5 năm/lần, trong đó có đánh giá đầu kỳ, đến giữa kỳ đánh giá lại để xem sự cải tiến, đổi mới, khắc phục ra sao… Hiện nay, chúng ta mới chỉ tập trung đến công tác kiểm định chứ chưa chú trọng đúng, đủ đến công tác hậu kiểm định. Hậu kiểm định cũng đòi hỏi nguồn lực chứ không phải có thể tiến hành một cách dễ dàng. 

- Kế hoạch mà Nhà trường sẽ triển khai trên chặng đường tiếp theo của hoạt động kiểm định chất lượng?

Đảm bảo chất lượng là xuyên suốt, lâu dài và bền vững. Trong đó, hoạt động kiểm định cần diễn ra thường xuyên và thực chất. Toàn hệ thống, từ cấp trường cho tới từng đơn vị cần phải coi trọng và tự giác tiến hành TỰ ĐÁNH GIÁ, bên cạnh việc các đoàn kiểm định khác đến để đánh giá mình. Theo kế hoạch của ĐHQGHN đến năm 2020, toàn bộ chương trình đào tạo cử nhân phải được kiểm định chất lượng, trong số đó 1/3 phải được kiểm định theo chuẩn AUN. Như vậy, Trường ĐHKHXH&NV cần kiểm định 24 chương trình đào tạo bậc cử nhân, trong đó có 8 chương trình theo chuẩn AUN. Nếu chúng ta không triển khai tích cực thì sẽ không thể đảm bảo tiến độ.

Các chương trình đào tạo cần được kiểm định theo bộ tiêu chuẩn trong nước trước khi đăng ký kiểm định theo bộ tiêu chuẩn của AUN. Vì nguồn ngân sách chỉ hỗ trợ được phần nào cho công tác kiểm định nên Nhà trường phải cân đối nguồn tài lực để tạo điều kiện cho lộ trình thực hiện dài hạn và bền vững. Do vậy, hoạt động kiểm định các chương trình đào tạo phải được thực hiện dàn đều cho các năm từ nay đến năm 2020. Thời gian qua, Trung tâm Đảm bảo chất lượng Đào tạo của Nhà trường đã rất tích cực, triển khai các hoạt động kiểm định ngày một chuyên nghiệp hơn. Các phòng chức năng và các khoa đều đã quen dần với công tác kiểm định, tinh thần chủ động được phát huy. Có thể nói công việc hiện nay đã thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều.

- Thưa PGS.TS Trần Thị Minh Hòa, năm 2012 cô bắt đầu giữ cương vị Phó hiệu trưởng Nhà trường, phụ trách mảng tài chính, hành chính, quản trị cơ sở vật chất và từ năm 2014 cô được giao phụ trách thêm mảng đảm bảo chất lượng. Sau 2 năm gắn bó với hoạt động này, cô có cảm nhận như thế nào?

Lúc đầu tôi nghĩ đây là một khó khăn, một thách thức đối với tôi. Tôi sẽ phải mất thêm rất nhiều thời gian, tâm sức cho mảng công tác được giao thêm này. May mắn là trong thời gian làm Chủ nhiệm Khoa Du lịch học (2010-2012), tôi đã trực tiếp tổ chức và tham gia công việc kiểm định chương trình đào tạo của Khoa nên phần nào đã có kinh nghiệm. Nhưng quản lý cấp trường có rất nhiều điều mới mẻ so với quản lý ở cấp khoa. Với phương châm “không biết, chưa hiểu rõ thì phải học”, tôi đã trực tiếp tham gia nhiều buổi tập huấn. Đã làm là phải toàn tâm toàn ý, rõ ràng, mạch lạc. Tôi thấy mừng là cho đến nay, chính kết quả thực chất từ công tác kiểm định chất lượng mang lại đã tạo nên sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức và hành động của tập thể Nhà trường. Có nhiều khoa đã sẵn sàng đăng ký kiểm định trong thời gian tới. Nhìn về giai đoạn sắp tới, tôi cũng có một niềm tin. Niềm tin rằng chúng ta không chỉ đảm bảo được tiến độ kiểm định, mà hơn cả, đó là sự đổi mới. Quan trọng là chúng ta có quyết tâm không? Các điều kiện đảm bảo cho thành công, đó là: “Nhận thức đúng– Quyết tâm cao – Kế hoạch khả thi – Triển khai hiệu quả”.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS Trần Thị Minh Hòa đã chia sẻ.

Tác giả: Thu Hà ghi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây