Tin tức

Tọa đàm khoa học: 100 năm ngày sinh GS.NGUT Đỗ Đức Hiểu

Chủ nhật - 15/09/2024 05:27
Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Đỗ Đức Hiểu sinh ngày 16 tháng 9 năm 1924 tại xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, thầy thuộc thế hệ thứ hai đóng góp công sức xây dựng ngành Ngữ Văn, sau thế hệ các học giả Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị...
GS. Đỗ Đức Hiểu là một trong những nhà nghiên cứu văn học được giới chuyên môn đánh giá cao, để lại hàng ngàn trang viết, gồm giáo trình, nghiên cứu, dịch thuật, đặt những tiền đề hiện đại hóa phê bình văn học thời kỳ Đổi mới. Ông là người đứng đầu chủ biên bộ Từ điển văn học (hai tập) năm 1984, trong đó là tác giả của 67 mục; ông là chủ biên cùng với các đồng nghiệp của 10 tập Giáo trình Lịch sử văn học Pháp từ thời cổ đại đến nay; ông là dịch giả nhiều tác phẩm của các tác giả tiêu biểu trong văn học Pháp như Tartuffe, Anh ghét đời, Lão hà tiện của Molière (thế kỉ XVII), Paul và Virginie của Bernardin de Saint-Pierre (thế kỷ XVIII), kịch Marion Delorme và tiểu thuyết Những nguời khốn khổ (dịch chung) của V.Hugo (thế kỷ XIX)...; trong bộ Tuyển tác phẩm văn học Pháp song ngữ, ông chủ biên và dịch phần lớn tập II (thế kỉ XVII). 
Khoảng từ 1992 đến 2002, GS. Đỗ Đức Hiểu dành tâm huyết viết ba công trình về đổi mới cách đọc và bình văn: Đổi mới phê bình văn học (1993), Đổi mới đọc và bình văn (1999), Thi pháp hiện đại (2000). Là một chuyên gia hàng đầu về văn học phương Tây, GS. Đỗ Đức Hiểu còn là tác giả của không ít những trang viết tinh tế, sâu sắc về văn học Việt Nam với cách tiếp cận thi pháp mới mẻ: về thơ Hồ Xuân Hương, về Truyện Kiều, về thơ Nguyễn Nhược Pháp, Lưu Trọng Lư, các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Thế Lữ,…
Năm 2024 là 100 năm ngày sinh của GS. Đỗ Đức Hiểu. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức Tọa đàm khoa học kỷ niệm sự kiện này, nhằm tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh những đóng góp của Giáo sư cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học.
- Thời gian: 7h30 – 12h00, ngày 16 tháng 9 năm 2024 (Thứ Hai).
- Địa điểm: Phòng 304, nhà E, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Kính mời quý thầy cô, các nhà nghiên cứu, các em học sinh, sinh viên cùng những người quan tâm tới tham dự!

Tác giả: Khoa Văn học

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây