Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải và Trưởng ban Đào tạo Nguyễn Đình Đức chủ trì hội nghị
ĐHQGHN tổ chức mô hình đào tạo a+b với mục đích không chỉ giúp mỗi đơn vị đào tạo tham gia mô hình kết hợp - kế tiếp nâng cao chất lượng đào tạo, bổ sung các nguồn lực còn yếu của đơn vị mình, phát huy cao nhất nguồn lực dùng chung trong ĐHQGHN, tiết kiệm nguồn lực, tiết kiệm thời gian mà còn giúp hệ thống tổng thể liên thông, liên kết giữa các đơn vị đào tạo trong ĐHQGHN cùng phát triển lớn mạnh.
Hiện nay, các chương trình đào tạo theo mô hình a+b của Trường Đại học Giáo dục và Trường Đại học Y Dược đều áp dụng theo các quy định tại QĐ 3079 do ĐHQGHN ban hành cụ thể (trong đó quy định rõ cơ chế quản lí sinh viên; điều phối giảng viên; quản lí tài chính đối với các đơn vị đang triển khai mô hình này).
Trong các đơn vị đào tạo tham gia mô hình a+b, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là các đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong giảng dạy các môn khoa học cơ bản với đội ngũ cán bộ giảng viên hùng hậu, chất lượng cao và tâm huyết. Theo mô hình này, các sinh viên Trường Đại học Giáo dục những năm đầu được học với những giáo sư đầu ngành của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; các sinh viên Trường Đại học Y dược những năm đầu được học với những giáo sư đầu ngành, trong các phòng thí nghiệm hiện đại của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.
Ngoài ra, mô hình tổ chức và quản lý đào tạo của ĐHQGHN thành công còn có sự phối hợp hỗ trợ từ các đơn vị chuyên môn chuyên biệt trong các hoạt động giảng dạy như Trường Đại học Ngoại ngữ (với các môn ngoại ngữ), Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (với các môn lý luận chính trị), Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao. Nhờ phát huy mô hình nguồn lực dùng chung và mô hình a+b, thể hiện rõ nét qua chất lượng đào tạo các ngành khối sư phạm và sức khỏe, đã có sự phát triển nhanh chóng của 2 Khoa non trẻ được thành lập sau này là Khoa sư phạm (năm 1999), sau này là Trường Đại học Giáo dục (từ năm 2009) và Khoa Y dược (năm 2010), sau này là Trường Đại học Y dược (từ năm 2020).
Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN Nguyễn Quý Thanh chia sẻ mô hình đào tạo a+b
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những thuận lợi và khó khăn hiện nay khi triển khai mô hình a+b tại đơn vị để trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp đồng bộ về cơ chế quản lý, tài chính phù hợp.
Đại diện Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Phó hiệu trưởng Trần Quốc Bình phát biểu tại hội nghị
Các đại biểu tham gia hội nghị đều thống nhất quan điểm ĐHQGHN cần tiếp tục phát huy và phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả mô hình a+b. Đây là mô hình đào tạo tiên phong và đặc thù của ĐHQGHN, thể hiện sự gắn kết và khai thác được thế mạnh liên thông, liên kết giữa các đơn vị thành viên và thế mạnh của mô hình ĐHQGHN - “One-VNU”, qua đó nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, giúp sinh viên sau tốt nghiệp có nền tảng kiến thức chung vững chắc của cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Đại diện Trường ĐH Y Dược chia sẻ lợi thế khi sinh viên được đào tạo theo mô hình a+b
Các đại biểu đã có nhiều đề xuất để thống nhất phát triển chương trình này như: tiếp tục giao cho đơn vị cấp bằng quản lí chương trình đào tạo và quản lí sinh viên ngay khi hoàn thành công tác tuyển sinh; phối hợp của các Phòng đào tạo & công tác chính trị học sinh sinh viên của các đơn vị phối thuộc trong quản lí dữ liệu sinh viên, sắp xếp thời khóa biểu. ĐHQGHN điều phối bằng quản lý phần mềm đào tạo đồng bộ, đầu mối chỉ đạo và điều phối nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất dùng chung và sự kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị quản lí chương trình đào tạo.
Phó Trưởng ban Đào tạo, Võ Thị Minh Trang báo cáo thành công khi ĐHQGHN triển khai áp dụng mô hình a+b
Trước đó, trong báo cáo đề dẫn của Ban Đào tạo ĐHQGHN đã nêu rõ: ĐHQGHN đã xây dựng quy chế đào tạo chặt chẽ, hội nhập với các chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện hình thức đào tạo theo tín chỉ, xây dựng các chương trình theo modul môn học; đã ban hành các quy định về đào tạo theo mô hình a+b; đào tạo gắn với nghiên cứu và cá thể hóa thông qua nhóm nghiên cứu; xây dựng các quy định và chính sách về đào tạo tài năng, chất lượng cao, các chương trình đào tạo thí điểm - đều là những mô hình đào tạo đặc sắc của ĐHQGHN - luôn lấy tiêu chí chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nghiên cứu và thực tiễn, và khả năng có việc làm của sinh viên làm những tiêu chí hàng đầu.
Cho đến thời điểm hiện nay, việc triển khai thực hiện mô hình đào tạo a+b tại ĐHQGHN đã có những lần điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn nhưng triết lí xuyên suốt vẫn là thực hiện tổ chức đào tạo với sự kết hợp giữa các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN để khai thác triệt để các lợi thế về con người, cơ sở vật chất và phát huy cao nhất thế mạnh từng đơn vị với quan điểm “One VNU”.
Kết luận Hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải yêu cầu các đơn vị liên quan khi thực hiện mô hình a+b cần nhận thức đầy đủ ý thức trách nhiệm trong hợp tác, phối hợp và thực hiện tốt các quy định về đào tạo a+b, vì lợi ích chung của ĐHQGHN theo môn hình “One VNU” và bám sát vào tầm nhìn sứ mệnh của đơn vị mình để cả đơn vị a và b cùng phát triển, lớn mạnh.
Phó Giám đốc cũng yêu cầu các trường đại học: Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Y dược, Giáo dục cần tổ chức tổng kết, với sự tham gia của các đơn vị liên quan, đánh giá thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai mô hình a+b, rà soát cụ thể báo cáo ĐHQGHN; Ban Tổ chức cán bộ rà soát, báo cáo về nguồn nhân lực, Ban Kế hoạch Tài chính báo cáo về nguồn thu, chi và các nguồn tài chính cho mô hình a+b để từ đó lãnh đạo ĐHQGHN có những quyết sách, điều chỉnh phù hợp.
Trong thời gian sắp tới, mô hình đào tạo a+b sẽ được hoàn thiện và tiếp tục nhân rộng trên nhiều lĩnh vực trong toàn ĐHQGHN.