Ngôn ngữ
Tham gia hội nghị, về phía trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG-HN) có GS.TS Hoàng Anh Tuấn (Hiệu trưởng) và 3 Phó Hiệu trưởng: PGS.TS Đào Thanh Trường, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, PGS.TS Lại Quốc Khánh, cùng toàn thể trưởng, phó phòng ban chức năng thuộc Khối Hiệu bộ.
Về phía trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG-HCM) có PGS.TS Ngô Thị Phương Lan (Hiệu trưởng), các Phó Hiệu trưởng: TS Phan Thanh Định, TS Phạm Tấn Hạ, TS Lê Hoàng Dũng cùng toàn bộ trưởng phòng, giám đốc trung tâm và trưởng khoa trực thuộc Trường.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan bày tỏ vui mừng khi hai trường đã phối hợp rất chặt chẽ để tổ chức hội nghị ngày hôm nay. Hội nghị là một hoạt động rất quan trọng nhằm tăng cường mối quan hệ, hợp tác giữa hai cơ sở đào tạo, nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn; trao đổi kinh nghiệm và giải pháp tuyển sinh các ngành trong lĩnh vực khoa học cơ bản trước những điều hỏi của tình hình mới. Việc hợp tác sẽ giúp hai trường tăng thêm nguồn lực đồng thời chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao vị thế uy tín của hai trường không chỉ trong nước mà trong khu vực và trên trường quốc tế.
Đại diện BGH trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG-HN), Hiệu trưởng Hoàng Anh Tuấn đã cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, sự chuẩn bị rất chu đáo của trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG-HCM). Mối quan hệ giữa hai trường có lịch sử lâu đời, hết sức thân tình, gần gũi và đạt nhiều kết quả rất đáng mừng trong những năm qua. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị này cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả hợp tác trong thời gian qua, đồng thời xác định những cơ hội, chương trình hợp tác toàn diện trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học, các trường đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là các ngành khoa học cơ bản sẽ gặp không ít khó khăn trong vấn đề tuyển sinh. Với vị thế là những cơ sở đào tạo hàng đầu cả nước về khoa học xã hội và nhân văn, việc tổ chức thường xuyên các hội nghị, hội thảo để chúng ta cùng trao đổi, thảo luận đưa ra những kiến giải, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu là hoạt động hết sức ý nghĩa.
Hội nghị đã lắng nghe Báo cáo tổng kết về hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa 2 Trường và định hướng trong thời gian tới, Báo cáo tham luận của ĐHKHXH&NV (ĐHQG-HCM) về bối cảnh, tình hình phát triển cũng các mục tiêu, kế hoạch chiến lược của trường trong giai đoạn 2021-2025; Báo cáo Thực trạng các ngành khoa học cơ bản tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
Trong Báo cáo Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN) cũng nhấn mạnh: để công tác tuyển sinh các ngành khoa học cơ bản trong điều kiện tự chủ đại học đạt kết quả tốt, đặc biệt là thu hút được nguồn sinh viên có chất lượng cao, ĐHKHXH&NV đã thực hiện một số điểm đổi mới và điều chỉnh để phù hợp với những thay đổi trong quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và quy định tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
Đặc biệt, năm 2022, lần đầu tiên triển khai thí điểm dành các suất học bổng và hỗ trợ cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản của Nhà trường theo quy định của ĐHQGHN gồm: miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học cho sinh viên 09 ngành: Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Văn học.
Bên cạnh đó, trường ĐHKHXH&NV cũng triển khai rất nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành thí sinh trong tuyển sinh, nhập học, quá trình học tập tại trường và định hướng nghề nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm ngay khi các em còn đang học tại trường.
Việc thực hiện những đổi mới trong xét tuyển thẳng bậc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với 8 ngành đã được kiểm định AUN trong đó có 5 ngành khoa học cơ bản: Lịch sử, Triết học, Chính trị học, Văn học, Ngôn ngữ học là một thuận lợi rất lớn đối với sinh viên học tập các ngành này.
Trên cơ sở xác định bối cảnh, thế mạnh của mỗi đơn vị cũng như kết quả trong hoạt động hợp tác giữa hai trường (giai đoạn 2019-2022), hai bên đã đề xuất kế hoạch hợp tác và những hoạt động cụ thể trong giai đoạn 2022-2024, tập trung vào các mảng sau:
- Về đào tạo: Tăng cường tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm về tuyển sinh, xây dựng CTĐT; trao đổi giảng viên, sinh viên; đào tạo song bằng…
- Về nghiên cứu khoa học: Thường xuyên tổ chức các hội thảo, hội nghị, tạo đàm khoa học; hỗ trợ công bố quốc tế; tổ chức các hội nghị khoa học sinh viên,..
- Quản trị đại học: Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số, công tác truyền thông, cải tiến cơ sở vật chất, cơ chế hoạt động của cơ sở giáo dục đại học,…
- Các hoạt động hoạt động hợp tác khác: quản trị, phát triển nguồn nhân lực, công tác kiểm định chất lượng, công tác bảo tồn, điền dã và khai quật khảo cổ học,…
Kết thúc hội nghị, các đại biểu đến từ hai trường đã trao những món quà và chụp ảnh lưu niệm
Tác giả: Hạnh Quỳnh - Ảnh: Huy Cường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn